Saturday, January 6, 2018

Những Bức Thư Gởi Cho Hòn Đảo Xa - Thanh Tâm Tuyền


Những bức thư gửi cho ... hòn đảo xa

 

 

 
Những đứa trẻ của Dickens
17.2.1973

Em và anh thuộc loại máu lạnh ở xứ nóng không hợp thật. Mấy ngày em ở Sài Gòn, tuy nói với em là vẫn làm việc nhưng anh chẳng làm gì cả. Làm mấy bài thơ thì có. Lúc nào anh cũng ngóng, biết em không đến, nhất là hai bữa cuối trước ngày em đi. Em đi lần này không có anh đưa. Giả thử anh có đưa chỉ làm em nặng thêm, máy bay nặng thêm. Bữa ấy - chắc là có cô H.A đưa ra đến Phạm Ngũ Lão - có thấy nhẹ không?

 Ngồi trước mặt em, anh thật chẳng hiểu mình ra sao, mình muốn gì. Bởi anh toàn nói bậy không. Lúc nào anh cũng cứ nghĩ chẳng nên làm em buồn, hãy cùng vui lúc bấy giờ. Nhưng cái vui anh gây ra cũng tệ. Anh tự hỏi : tại sao đối với em, anh không làm như với những người khác, hay bình thường là hai kẻ yêu nhau, như mọi người. Bữa em hỏi anh có sợ em không, bây giờ anh thấy có lẽ anh sợ em. "Sợ" như cái mặc cảm anh biết bắt rễ tự nơi anh ngày nhỏ:  không bao giờ anh có được cái mà tất cả mọi người đều có. Đứa trẻ bất hạnh mồ côi ra đời quá sớm mà. Nó chỉ nhìn đồ chơi bày trong tủ kính, nhìn đồ chơi những đứa khác chơi, nó chẳng có, chẳng ai nghĩ đến cho nó. Em có biết anh đọc Le Petit Chose năm nào không? Năm học lớp ba và từ xửa xưa đó anh đã thấy nhân vật đó là anh rồi. Những đứa trẻ của Dickens đều vậy, lớn lên khá hơn nhưng rốt cuộc vẫn khốn đốn vì yêu người.

 
Cháy

Thoáng một ngày mưa lạ xong Sài gòn lại theo nhịp cũ. Nắng kinh. Nắng gợi cho anh cái ý một truyện ngắn: tình yêu bị nắng Sài Gòn đốt cháy tiêu. Bữa qua cũng đã loay hoay, ngồi quán gần nhà in, định viết cho em lá thư nữa, xong ồn quá lại đứng lên đi tìm bạn hẹn nhậu.

.............................................................

Trong khu vườn của tòa nhà phía trong chỗ anh làm việc em chưa vào tới, anh đã đi dạo thẩn thơ hoài dưới bóng cây xuyên đầy ánh trăng. Đã bảo em làm anh thành "poet" mà. Độ này thao thức nhiều, đầu cứ bạc mau thêm, hè em về chắc thấy anh tóc trắng xóa chưa biết chừng.

 
Flamme seule, je suis seul
Bruler seule, rêver seul
Grand symbole, double symbole incompris
Le premier pour la femme,
toute brulante, doit rester seule, sans rien dire;
Le second pour l'homme taciturne qui n'a qu'une solitude à offrir.

 
Trong một đêm anh đọc đoạn trên trong một quyển sách mỏng của Bachelard, chép lại cho em đọc đỡ buồn. Câu đầu là thơ của Tzara. Đoạn sau quãng diễn của Bachelard - philosophe già, tóc trắng xóa, tâm trí thơ mộng vô cùng. Anh có ý lấy đoạn này để cho Mắt Bão. Em thích không ?

 
Mắt Bão

Sài gòn, 8.3.1973

Thư trước báo cho em biết đi dậy học từ ngày 15.2, thư này báo đã bỏ dậy học 28.2. Bất định quá. Vào lớp chán quá, mặc dầu được học trò thương. Chắc anh khó có thể trở lại nghề cũ. Xem bộ anh thấy mình khá hơn xưa : chẳng còn cần đến những ánh mắt, nụ cười ngưỡng mộ tôn kính nữa. Khỏi khoác một bộ vó chẳng ra gì. Chẳng hiểu đúng không? Hết là thứ "ông giáo làng" phải không em?

 Còn gì nữa ? Anh nghĩ đến Mắt Bão. Hồi đầu anh tưởng tượng người đàn ông chết, người đàn bà mất tích. Hôm qua anh tưởng tượng câu chuyện sẽ được kể lại sau khi người đàn ông chết bằng chính người đàn ông. Trước mặt mọi người, người đàn ông chết hẳn hòi, có đám táng linh đình, đông đủ bà con thân hữu. Nhưng đó là trò lừa của hai người. Sau khi người đàn ông đã chết, do người đàn bà giết, hai người trở lại ngôi nhà cũ bên hồ trong những ngày cuối cùng của cuộc đời nhìn lại quãng đã qua. Chương mở đầu gọi là Hẹn nhau sau khi chết. Anh còn đang phân vân nên để cho người đàn bà đến nơi hẹn chăng. Hay từ đầu chí cuối quyển tiểu thuyết là sự chờ đợi. Bởi khu nhà của người đàn bà ở trong cái khu như cù lao phía bên kia hồ.

Hồi anh viết Cát Lầy, anh đã có ý ấy nhưng sau bỏ vì nghĩ nó tàn nhẫn, trêu cợt người ta quá. Trong Cát Lầy, Người đàn bà tên Thuận tự tử nằm bên trong ngôi nhà khóa trái cửa một đêm giông mà Trí kêu gào bên ngoài trước khi ra bến xe đi với Diệp sáng hôm sau, thực sự không chết. Anh định kết Cát Lầy bằng đoạn Trí tìm thấy Hiệp và Thuận ở nơi khác, lại đến thăm ngồi với hai người này một buổi tối, xong mới đi hẹn với Diệp, nhưng rồi sau anh bỏ ý ấy, "kỳ" quá phải không em ? Vì Trí còn trẻ, Diệp còn trẻ

 
Sinh Nhật
13.3.1973

Hôm nay sinh nhật anh đây. Nhận được một lúc 3 thư. Mở đọc chẳng biết cái nào trước cái nào sau. Đọc ào ào. Rồi chiều đọc lại. Coi như món quà mừng. Yên tâm vì thư không thất lạc. Mình đã là thứ thất lạc rồi, mà thư của mình thất lạc nữa thì là thất lạc của thất lạc...

Chỉ biết hôm nay sinh nhật, anh đến ngồi hai buổi ở sở. Không làm gì. Nghe những chuyện lẩm cẩm chật ních cả hai tai. Buổi sáng gặp một anh chàng làm thơ trẻ ngoài Pagode, hắn cho biết mới ngã ngửa ra là hai câu thơ "trời còn đêm nay còn mãi mãi" mà anh tưởng không có đoạn tiếp hóa ra anh đã làm một bài từ hồi nào, có đăng rồi mà quên ....... 

 
Gối đầu lên đám bèo
14.3.1973

... Anh kín mít bởi lẽ đúng anh không được phép nói bất cứ một điều gì nữa. Mai Thảo hắn bảo với anh như vậy, hôm tối thứ bẩy. Hắn nói khi anh tới sát bờ vực, xong anh lui lại trong khi có những người nhắm mắt đưa chân tới thì anh không còn quyền để nói, không được nói bất cứ điều gì. Bởi rõ ràng anh còn và người khác thì đã mất. Hôm ấy anh thật say, anh ứa nước mắt, chảy nước mũi ròng ròng. Anh cười, anh thua nó, anh bảo je suis la^che, c'est comme ca. Nhưng thật ra anh khóc mùi. Chạy xe về trong phố đêm anh vẫn còn thấy nước mắt mình ròng ròng. A, đây là lần thứ ba anh khóc trước mặt người khác. Mới đầu, hình như bao giờ cũng vậy, với ai anh cũng tưởng anh phải chăm lo cho kẻ ấy - kể cả Mai Thảo - anh sợ người ta sẩy chân, nhưng sau cùng hóa ra chính anh là kẻ bám víu vào người ta. Tối hôm thứ bẩy, Mai Thảo nó nhất định không bỏ dở câu chuyện, nó nhất định phanh phui đến cùng, nó nhất định ném anh đứng trơ vơ ra đó, nó bắt anh thú nhận rằng anh không hơn nó, anh đừng có giọng kẻ cả, "đắc thắng". Người thứ ba trong bàn là Phan Lạc Phúc chịu trận hai thằng như chịu hai tên khùng. Nhưng dường như anh cũng sung sướng, mãn nguyện, biết rằng thật ra mình chẳng là cái gì, chẳng ai cần đến mình, mà chính mình nhu nhược cần đến người khác quá nhiều.

.............................................................

Viết kể với em, lúc này anh nhớ đến một câu thơ của Milozs : Je suis plus mort que les morts de Lofoten. Nhảm. Mai Thảo nó bảo: ca, c'est de la littérature, sống không như vậy. Điều đó chính anh vẫn nói. Anh cũng chẳng hiểu tại sao lại mang kể cho em? Có lẽ cũng chỉ cốt để nói hình như anh cũng đang bám víu vào em. Một kẻ chết đuối bám vào một kẻ chết đuối. Nguy hiểm. Em hiểu tại sao nhiều lúc anh muốn thôi viết cho em - có thể sau thư này - anh bất định quá.

Mới đây, Nguyễn Mạnh Côn kể với anh về cái lần hụt chết của anh ta. Đó là bữa anh ta bơi ở Hồ Tây, bị vọp bẻ cứng cả tay chân, anh ta lật mình nằm ngửa coi như xong, không ngờ thế nào lại gối đầu lên được một đám bèo. Nhờ đó mà anh ta thoát chết. Anh quen với anh ta cũng đã lâu, nhưng rất ghét không ưa trò chuyện với anh ta bao giờ - sở dĩ có cuộc nói chuyện lần này vì anh ta viết cho Tập San Quốc Phòng anh phải đến nhà lấy bài ................

Em thấy không, chỉ một đám bèo giữa hồ rộng và người ta sống. Dễ sợ. Mình là đám bèo của nhau. Lúc này anh chỉ còn tin là em là kẻ duy nhất nghe được những gì vang động nơi anh. 

Đó khúc nhạc của mình đó, em yêu.

Hậu sinh nhật
21.3.1973

Sinh nhật anh 13 không phải 15. Anh mang con số xui mà, không hiểu ngày ấy có phải là thứ sáu không ? Nếu phải là vendredi nữa thì hết nói. Đâu được như em sinh vào ngày rằm trăng tròn. Tháng tới sinh nhật em đây, đúng chưa? Hôm qua thấy xổ số ra đúng ngày sinh nhật em, chỉ tiếc về Sài Gòn chẳng chịu đánh số nữa. Không thì đã trúng.

Chủ Nhật đang ngồi viết Một Chủ Nhật Khác cho Mr Khoan, thật ngon trớn, chiều ngồi vào bàn đột nhiên quyết định dứt ngang xương. Mọi người sẽ chưng hửng. Kể cả tác giả của nó. Có lẽ tác giả bí. Cứ viết truyện tình là y như bí. Kéo lòng dòng chẳng biết đi về đâu. Bèn chấm một cái. Cho xong đi. Nhẹ người. Mang cất vào một chỗ những cái còn lại cho riêng mình nhấm nháp như bữa nay chẳng hạn. 

Mới đó trời đã xập tối. Thật mau. Mùa mưa sắp đến. Hình như hôm nay còn trăng. Chốc nữa anh lại ra ngồi ngoài bệ đá, dưới bóng cây. Cứ thế thôi. Mắt bão mà. Mình tự làm ma nhát mình chơi. Vì chẳng còn cái gì khác có thể nhát mình nữa có chán không ? 

....................................................................................

Có lẽ mùa mưa sắp tới. Mấy chiều nay trời xỉn khác lạ. Mùa mưa Sài Gòn dơ bẩn nhưng còn dễ chịu. Anh rất thích những trận mưa ở đây. Ào ạt rồi thôi. Không dầm dề, nẫu người như mưa Huế và cũng không hung dữ như mưa Đà Lạt. Những trận mưa núi thật tán đởm. Vậy mà em tưởng tượng hai năm trên ấy đã nhiều lần anh chạy xe gắn máy trong mưa như vậy. Cả trong đêm nữa. Nghĩ lại bắt rùng mình, nhưng sướng vì chạy trong một trận mưa như vậy mình như thể tan thành nước, thành bão chẳng còn một chút nghĩ ngợi nào.

 
Phan Thiết, chân dung tự họa
20.11.1973

Quyển thứ hai anh bắt đầu viết là chuyện về một thành phố "hạnh phúc" khuất náu, gần biển với khá nhiều nhân vật ngồ ngộ : một con bạc nhà nghề, một cô nữ quân nhân, một nhà nghệ sĩ trẻ tuổi của thời đại, người đàn bà được "bao", một cặp đào kép cải lương nổi danh và những nhân vật của thành phố ấy. Anh nhớ Phan Thiết  nơi anh đã sống khoảng một năm khi anh từ Bắc vào, sau đó mới di cư dần vào Biên Hòa rồi Gia Định Sài Gòn. Đó là cái thành phố lạnh nhạt không ai ghé chơi, không biến động. Quốc lộ 1 chạy ngang nhưng thiết lộ thì không. Tàu đến ga Mường Mán rồi từ đấy  những người đi Phan Thiết phải chuyển tầu đi khoảng ngót 30 cây số nữa, nếu anh nhớ không lầm. Anh từ Hà Nội vào đến ga Mường Mán lúc nửa đêm. Anh nhớ mãi. Thành phố ấy có Bích Khê và có bài Lầu Ông Hoàng của Hàn Mặc Tử với những câu như: Ôi một trời Phan Thiết, Phan Thiết. Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi. Ta đến nơi nàng đã mất lâu rồi. Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ. Thành phố có con sông Mường Mán, cây cầu Mường Mán ngăn đôi thành phố: khu buôn bán bình dân với chợ và khu hành chánh với nhà ga. Có hai bãi biển tắm. Bãi Tây và bãi ta. Nơi ấy anh hút những điếu thuốc lá đầu tiên năm 8, 9 tuổi khi được thả rong chơi với một thằng bạn tây lai "ma cà bông, ma cà cúi, lúi húi đầu chợ". Nơi ấy anh bị lột trần truồng đuổi ra khỏi nhà và nhất định bỏ nhà đi. Nơi ấy anh xem cô Phùng Há đóng Mạnh Lệ Quân thoát hài. Nơi ấy anh chứng kiến tấn tuồng đứa con trai mới lớn - con của người đàn ông lấy mẹ anh - tằng tịu với chị người ở nhà hàng xóm. Nơi ấy anh nghe lứa tuổi lớn hơn hát One Day, Suối Mơ ... Nhiều, nhiều chuyện không thể kể hết. Chót cuối là nơi ấy khi anh leo lên chiếc xe vận tải để vào Nam theo mẹ, anh được một đứa bạn gái ở gần nhà tặng một bộ bài - anh nhớ anh gọi là bài "học trò" vì có một cây mang tên ấy - hao hao như bài tam cúc - khổ nhỏ hơn tam cúc nhưng lại lớn hơn bài tứ sắc - đặc biệt bài in có hình vẽ nhưng chỉ có trắng và đen không có mầu như tam cúc và tứ sắc. Thường ngày anh vẫn chui sang chơi bài với nó, nó học trường nhà nước anh học trường tư - tạm bợ mà. Đó là món quà đầu tiên trong đời anh. Anh chưa biết đặt tên quyển tiểu thuyết này là gì. Hoặc là anh sẽ cố tả anh qua thành phố, không qua người.

 
Tự truyện
24.11.1973

Sáng nay anh nẩy ý có lẽ rồi anh viết tự truỵên. Vì em đấy. Chưa biết lúc nào thực hiện, có thời giờ thực hiện không. Nhiều lúc thì trống huếch trống hoác, nhiều lúc thì nghẹt ứ dồn cục. Anh có biết bao điều muốn làm. Rồi anh bỏ cho trôi qua. Với em bây giờ, anh ráng bình tâm làm việc dần dần. Tự truyện của anh chắc chắn miên man không thể tưởng. Có thề là bộ sách dầy. Có lẽ vì thế mà anh ngán chăng? Hoặc vì từ trước đến nay chẳng ai đếm xỉa muốn biết, anh cũng thấy chẳng cần cho ai biết? Anh muốn phanh phui với em lúc này chăng? Có lẽ, chắc thế. Cứ ném từng mảnh đầu Ngô mình Sở làm em chẳng thấy đầu cua tai nheo đâu. Anh sẽ viết, khi anh có thời giờ, dần dần ngày một hai trang cho đến bao giờ dứt thì thôi. Đó không phải là một công cuộc đáng chú tâm? Anh trở lui, đúng nghĩa, trở lui để em thấy. Anh đã thấy quyển thứ nhất sẽ được dành cho những năm đầu cho đến khi bố chết - năm đó mới có sáu tuổi. Ghê chưa. Ngán quá. Không hiểu đủ kiên nhẫn không? 

Em có ngại đọc những sách dầy kiểu đó không? Có khi anh cốt "hù" em chơi, đừng sợ.

 
Chuyến du hành mùa đông
9.1.1974

Anh vẫn cố trụ tâm viết quyển sách thứ hai cho nhà xuất bản mặc dầu nhà xuất bản vừa điện thoại cho biết "tương lai đen tối"  lắm. Lúc ký hợp đồng anh tưởng mình là kẻ bội ước, lo ghê chỉ dám hứa 1 năm, cái điệu này thì chính nhà xuất bản bội ước chứ không phải anh. Anh thế mà giỏi. Phải không? Anh đã tạm ngưng cái tiểu thuyết về anh chàng đánh bạc rong và cặp đào kép nổi tiếng, từ một tháng nay anh viết lại "Chuyến du hành mùa đông" viết hồi còn trên Đà Lạt, trước khi gặp em, mà một đoạn là "Đêm gió" trích đăng hồi xuân Nhâm Tý ở Văn mà em đã đọc. Anh viết như kẻ lẩn thẩn, sau cơn say cứ ợ chua mà không chiụ nuốt ngồi nhai nghiền lại những đồ ăn đã nát ngướu. Chỉ làm thơ là sướng thôi. Và viết kịch nữa.

 
Thanh Tâm Tuyền
 

No comments: