Wednesday, January 10, 2018

Cho Hải Đảo Hờn Căm - Phạm Lê Phan


Cho Hải Ðảo Hờn Căm
 
 

 
 
 
 
 
 
Lời biển gọi cuối năm Hờn căm trừng mắt lửa
- Hỡi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa ...
Mẹ Ðứng mũi Sơn Trà
Gửi hồn ra Ðông Hải

Ðảo nổi giận nên biển cuồng sóng dậy
Ôi, đất nước ông cha: tay đứt lòng đau
Súng thét khơi xa, sao lửa đốt trong đầu
Lòng mẹ bời bời: ruột mềm máu chảy

Mắt mẹ trông vời, triền môi run rẩy:
- Hỡi Hoàng Sa, hỡi các cháu con ta? Con cháu mẹ
Năm mươi đứa làm anh hùng của bể
Năm mươi con thành dũng sĩ Trường Sơn

Bốn ngàn năm mài nhọn mũi căm hờn
Phóng mắt hận, nghiến răng ghìm giặc Bắc
Cờ Nương Tử phất bay hồn xâm lược
Gươm Mê Linh thét máu nhuộm đầu voi

"Trèo lên đỉnh núi mà coi
Dáng Bà quản tượng trăng soi ngời ngời"
Cửu Chân hề, Cửu Chân ơi !
Gót nhi nữ ra khơi

Ðạp tan luồng sóng dữ
Chém cá tràng kình, rạng danh liệt nữ
Dũng khí Nhụy Kiều gục mặt Bắc quân !

Ngậm mối thù truyền kiếp mấy ngàn năm
Con cháu mẹ từng nhọc nhằn u uất
Đắm biển mò châu phơi rừng tìm ngọc
Nanh vuốt sài lang nào kể gái hay trai

Máu mỡ no nê muông thú một bầy
Loài đỉa Hán vốn cuồng say máu Việt
Nước độc rừng thiêng một đi là một chết
Vạn người đi, không một bóng ma về

Ðá Trường Sơn con khắc ngập câu thề :
"Ðòi nợ máu phải đổi răng, đổi mắt!"
Bạch Ðằng xưa nghẹn giòng muôn xác giặc
Dù Hán, dù Mông nước đỏ cũng hôi tanh

Tóc thú đuôi sam , gươm giáo Việt tung hoành
Vó ngựa Lý, Lê từng phen đạp Tống
Ngọn giáo Ðinh, Trần vạch cõi Nam uy dũng
Ðầu Mãn Thanh vờn kiếm lộng Quang Trung

Trải an nguy son sắt vẫn một lòng
Mỗi tấc đất một chiến công oanh liệt
Mỗi tên người một anh hùng, nữ kiệt
Mỗi gốc cây muôn xác quỉ vùi sâu

Dòng Việt Nam chưa hề biết cúi đầu
Dù giặc Bắc bạo tàn hơn súc vật !

Hồn Nam Hải cuối năm
Lạnh căm căm hơi bấc !
Bởi thương con mẹ lên đỉnh Sơn Trà
"Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa...
Khôn thiêng nối gót mẹ cha mà về "

Hãy đứng thẳng mà đi
Hỡi đàn con từng khua sôi biển cả
Cất cao đầu uống lời thề sông Hóa
Hàm Tử, Vân Ðồn, Tây Kết, Chương Dương

Vươn chiến công kim cổ Bạch Ðằng Giang
Xô cuồng vọng Bắc Kinh vào biển máu !
Xưa ông cha mình giết Liễu Thăng, Hoằng Tháo
Ðánh gục đầu Tôn Sĩ Nghị , Thoát Hoan

Giờ bè lũ Mao lại xâm phạm biên quan
Xua hải tặc cuồng điên lên cướp đảo
Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa yêu dấu
Ðất đai ta một mảng cũng thịt xương

Tổ quốc ta một tấc cũng tim gan
Xương thịt đứt thì tim gan đau xót !

Hỡi đàn con của Cửu Long bất khuất
Ngạo nghễ trên vai hồn An Lộc, Tam Biên
Mang trong tim giòng máu thép Trị Thiên
Lời phạt Bắc thét run hồn biển cả

Chiều cuối năm, một mối thù chưa trả
Xuân sắp về ... trời bỗng nặng nề mưa ...


Gia Ðịnh, chiều 30 Tết Giáp Dần (22-01-1974) Việt Nam Cộng Hòa

Phạm Lê Phan


Phạm Lê Phan, nhà văn, nhà thơ, tác giả nhiều truyện ngắn đăng rải rác trên các tạp chí Bách Khoa, Chỉ Đạo từ 1960 là bút hiệu của thượng sĩ Phạm văn Kiệm, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến. Anh ta đã viết thi phẩm Chiến Ca Mùa Hè mà Phạm Duy phổ nhạc. Chiến Ca Mùa Hè như những trang quân sử bằng thơ ghi lại mùa hè đỏ lửa.

Đôi dòng về nhà thơ vào ngày cuối của Sài Gòn 30/04/1975:
“Lính văn nghệ đang chơi nhau dữ dội ở cầu Thị Nghè”. Tôi biết rõ những người lính ấy _ Lời tác gỉa _ Họ là nhà báo vô danh, là kép cải lương thứ yếu, là ca sĩ tân nhạc hạng xoàng.
Họ còn là thanh niên Chợ Lớn, thanh niên con nhà giàu sợ hãi chiến trường, được ẩn thân ở Cục Tâm Lý Chiến dưới tên gọi khác : lính kiểng .
Lính văn nghệ cơ hữu của Cục Tâm Lý Chiến chỉ có bổn phận canh gác giữ an ninh cho Cục ngày và đêm. Sự canh gác mang tính cách trình diễn, dù đã học 9 tuần quân sự ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Vòng đai an ninh của Cục bé nhỏ. Đã có lực lượng bảo vệ an ninh của Cục An Ninh Quân Đội, của Đài phát thanh Sàigòn lo giùm hết.

Vậy bên đây cầu Thị Nghè, kế sát Cục, là nơi lính văn nghệ canh gác ban đêm để bảo vệ Đài phát thanh quân đội, tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến, văn phòng của các quan văn nghệ … Nói ra hơi buồn, lính văn nghệ gác cầu, chỉ nhằm trình diễn .

Tác giả (D A) nói Phạm Lê Phan qua điện thoại :

– Mày cũng nên về đi.
Phạm Lê Phan trả lời :

-Tại sao tao lại phải về? Lính văn nghệ đang chơi nhau dữ dội ở cầu Thị Nghè. Tao thủ trái lựu đạn, ngồi tại văn phòng Cục trưởng Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Chai whisky trên bàn vơi quá nửa rồi. ông tu chất cay. Bọn nó vào mà tử tế, ông giao Cục, dở trò hỗn láo, ông cho lựu đạn nổ … Tao sẽ gọi mày sau. Thôi nhé!

Người lính văn nghệ, thượng sĩ Phạm Lê Phan không muốn Cộng Sản vào Cục Tâm Lý Chiến như vào nhà hoang. Anh ta ngồi đợi kẻ thù tới tiếp thu. Không còn cấp bậc và huy chương nào tưởng thưởng anh ta cả. Anh ta có quyền về nhà, được phép về nhà mình mà không ai dám kết tội anh ta đào ngũ hèn nhát. Nhưng mà “lính văn nghệ đang chơi nhau dữ dội ở cầu Thị Nghè.” Anh ta kiêu hãnh nói “tại sao tao phải trở về” ?

Nỗi buồn nhược tiểu !!!

 

No comments: