Monday, December 25, 2017

Cưới Vợ Cho Ông Quận Ăn Tết - Trần Láng Biển



Cưới vợ cho ông quận ăn tết

 


 
Chuyện xãy ra hồi thế kỹ trước, đâu hồi nẳm thập niên 60 tại một quận ở miền Tây . Hồi đó dân tình còn hiền lành chơn chất, đang tập sinh hoạt trong không khí chiến tranh từ vùng quê, xóm xa; ngoài việc ngăn chặn VC quấy phá trong vùng sâu bưng biền, còn chỗ quân lỵ an ninh làm ăn sinh sống, chánh quyền quận địa phương rất gần gủi thân thiện với dân chúng, trong tình quân dân cá nước .

Quận này lớn, đông dân, nhưng toàn bộ quận đường và chi khu quân sự nằm trong vòng rào kẽm gai kín mít, cao quá khỏi đầu người, cốt chỉ ngăn ngừa phá hoại cơ sở hành chánh. Văn phòng quận nằm một bên sát với chi khu , một bên gần đường vào chợ, dân chúng có việc ra vào xin giấy tờ dễ dàng, lính cảnh sát đứng gác trong vọng gác mang súng ngắn xề xệ bên hông, lơ đảng nhìn người ra vào thân thiện .

Bên phía chi khu, có nhà lớn dinh quận bên trong, hàng rào phòng thủ đấp đất bao cát kẽm gai vòng xoắn bốn mặt thành ; mặt tiếp giáp với văn phòng quận có cửa ăn thông nhưng chỉ dành cho người có nhiệm vụ đi lại, cửa khóa kín. Cổng trước BCH/CK  có vọng gát đấp bao cát, cây chắn xe ra vào; cổng mặt sau khu nhà làm phòng, kho chứa, nhà nghỉ của lính canh; còn có thêm  cổng phụ, trổ bên hông ra đường cái, có lăng thờ thần mới xây cất gần bên vòng rào. Mỗi mặt có một chòi gác đấp bao cát, kéo kẽm gai; do hai người lính Nghĩa Quân, người cầm súng đi qua lại mở cổng, người đứng bên trong dựng súng hay gát nòng trên bao cát canh giữ; trong thời buổi nhuốm màu chiến tranh VC phá hoại, nên người lính nào trông cũng cảnh giác người lạ, không khí nghiêm trọng .

Mặt BCH/CK và Văn Phòng Quận hướng ra đường lớn dẫn vào chợ, bên kia đường là trường Trung Học hai tầng, xây hàng rào, trồng cây lớn che tàng . Con đưòng tỉnh lộ chạy ngang qua bên hông Chi Khu, rồi quẹo cua trái vào mặt sau, mới tiếp tục dẫn chạy song song với con sông cái, che khuất bởi những dãy nhà dân san sát.

Quận này xưa, mỗi ngày phát triển thêm đông dân mà không tính trước quy hoạch, chia khu quân sự, nên nhà cửa nằm sát bên hàng rào phòng thủ . Mặc dầu nhà dân không được lên lầu, nhưng nằm sát vách với khu quân sự, rất thất thế trong thời buổi giặc giả, du kích địch quân hay len lõi trà trộn ban đêm để chui đồn đánh bót . Vậy mà quận trù phú này chưa bao giờ bị đánh úp .

Chuyện nghe hơi kỳ nhưng dân nói lại thì cũng đáng tin . Suốt trong mấy năm chiến tranh , từ thời Việt Minh đến thời Việt Cộng, “họ” đã “xin” đánh quận ba lần, dù  cán bộ chính trị viên trong bưng về giả làm thường dân, mang đủ lễ vật nhang đèn, dẫn thầy cúng  theo, lén đi làm lễ và xin xâm thần linh: thành hoàng địa linh nhơn kiệt, tứ trụ anh hùng ;  ngôi đình làng lúc lúc đó còn nằm xa quận, vì chiến tranh nên hoang lạnh nhang khói . Cả ba lần queo quẻ xâm không ứng (?), thần không cho đánh quận, nên bộ đội trong bưng biền không dám kéo quân ra (!) . Từ đó tiếng lành đồn xa nên  dân sống yên ổn làm ăn; ông quận trước cũng muốn lấy lòng dân nên khi nghe tin tình báo, liền cho viên chức hội tề lập đàn cúng lớn, gieo  xin xăm ba lần đều được quẻ đại kiết, bèn chọn ngày lành tháng tốt làm đại lễ rước thần, dời đình vào bên hông Chi Khu cho tiện việc thờ phụng nhang khói .

Đình xây đẹp, mở rộng thành lăng, mỗi ngày đều có dân địa phương đến vái lạy cầu thần . Đến ngày lễ cúng lớn hàng năm, ông tỉnh xuống làm lễ, ông quận và viên chức xã ấp đứng hầu lễ, cầu xin cho quốc thái dân an, thái bình thạnh trị, dân chúng trong vùng tránh được nạn chiến tranh, làm ăn phát đạt . Khỏi nói, mấy tay sĩ quan độc thân được bổ về Chi Khu, bất kể tôn giáo, sớm nghe chuyện oai linh thần quyền, cũng đến lăng thắp hương trình diện, trước là xin được phù hộ tránh đường tên mũi đạn, sau là kiếm được cô vợ địa phương tại chỗ cho được yên thân, ở lâu thăng quan tiến chức, không cần bay nhảy mà có sẵn chỗ đất lành chim đậu (!) .

Đại úy Trần, sĩ quan  ở Quân Khu miền đông, sau khi học một khóa quân chánh, được chọn về quận này để tập sự đi làm quận trưởng . Ông còn trẻ tuổi chưa quá ba mươi, có vợ một con, vừa rời đơn vị tác chiến, lâu ngày thường hành quân theo đơn vị đóng quân trong vùng sâu gần mật khu VC nên cũng mừng;  vừa sống gần vợ con, vừa ở một nơi ít có chiến trận xãy ra từng bữa .Nhưng ông cũng chưa biết sống tạm bợ nơi mới ra sao, công việc hàng ngày phải làm gì; phải chờ gặp mặt ông quận là sếp sở tại mới biết việc “tập sự”, trong khi chờ lệnh bổ nhiệm đi nơi khác.

Lạ nước lạ cái, khác thói quen hàng ngày sống ở nơi lính tráng nhà binh, Đ/u Trần cũng phải tập thói quen mới đời sống với chánh quyền dân sự . Ngay khi trình diện ông quận trưởng kiêm chi khu trưởng, cũng là một quân nhân, đeo lon thiếu tá, lớn hơn ông chừng vài tuổi, nhưng dáng vẻ chững chạc quan quyền hơn mấy sếp ở đơn vị quân đội . Ăn nói chậm rải, cử chỉ khoan thai, bề thế của ông quận làm cho Trần phải lo giữ ý tứ của một cấp dưới ; tuy nhiên khi biết Trần về quận để tập sự thời gian nằm chờ Bộ Nội Vụ gọi về bổ đi nhiệm sở mới, thiếu tá quận trưởng vui vẻ nói ông ráng ở với chúng tôi “học làm một thời gian” cho  cho quen việc  ?

Nhưng mấy tháng qua Trần không biết mình phải làm gì, học việc “ở không” ? Ngoài hai bữa ăn trưa, chiều, ông quận rút vào phòng làm việc; những buổi họp tham mưu quân sự hay  họp hành chánh với xã ấp chừng nào được báo trước cho hay, Đ/u “tập sự” mới vào tham dự với tính cách dự thính, nghe hơn nói . Có hôm tò mò sang gặp ông Phó Hành Chánh, đang ngồi thụp sau đóng giấy tờ chất ngập đầu, dã lã sau vài câu xã giao thăm hỏi, ông Phó đưa cho Trần một xấp dày: công báo, tài liệu phổ biến … nói đại úy về nghiên cứu, trong này có đủ hết các sắc luật, sắc lệnh, lệnh bổ nhiệm, phân công, quốc sách chiến lược, biên bản họp quốc hội …Biết bị đuổi khéo nhưng Trần cũng mang hết sách báo về phòng, để lúc nào “rổi rảnh” ngồi đọc “công văn hành chánh”, (là đọc giùm người khác, chưa chắc các quan quận nhà có ai đọc qua, vì giấy báo in còn mới tinh, đóng đầy bụi bậm) còn hơn là mình khỏi ngồi nghe giảng giải, thuyết trình chánh trị dễ buồn ngũ.

Trần được cấp cho một phòng ngũ trong dinh quận . Nói là dinh chớ thật ra đó là một căn nhà xưa rộng lớn, xây vuông theo hình bánh ít, chính giữa nhà vừa làm phòng khách, phòng ăn, phòng họp. Bàn dài, ghế xếp quanh cái bàn dài đủ rộng cho hơn hai, ba  chục người ngồi . Phòng lớn nhất trong nhà dành cho ông quận làm văn phòng, chỗ tiếp khách, có vách ngăn làm phòng ngũ .Các sĩ quan còn độc thân chia ở những phòng chung quanh còn trống . Nhà lớn này có lối trước ra cổng Chi Khu, lối sau xuống phòng ban, nhà kho; đất sau nhà cất thêm nhiều nhà lợp tôle thiếc cho lính nghĩa quân phục vụ: tài xế, canh gác, nhà bếp …Tường rào cao đấp đất, chất bao cát, vòng kẽm gai nhiều lớp  chồng chồng rối lên nhau

Tự nhiên, Trần cảm thấy không gian tù túng như bị nhốt; phải chịu cho quen, nên không tính cho vợ con xuống ở chỗ lính tráng độc thân, thành ra cũng độc thân tại chỗ . Ông quận tuy quá tuổi lấy vợ nhưng cũng chẳng thấy bóng hồng nào lai vãng, còn mấy ông sĩ quan chi khu hiền lành chí thú làm việc, hết giờ  rút vào phòng an phận thủ thường .

Sau bữa ăn, cái bàn dài gõ trắc giữa phòng được lau sạch bóng có thể soi gương, Trần cảm thấy mình cô độc; yên ắng quá, nhiều thì giờ quá làm ông đâm buồn, nhớ không khí ở đơn vị lúc nào cũng chộn rộn, ồn ào náo nhiệt. Một hôm như thường lệ ông ra ngồi ngoài bàn dài một mình với tờ công báo  để đọc cho hết giờ, khi ngước mắt lên thấy một sĩ quan mang lon thiếu úy đến chào hỏi làm quen .Ông này tự giới thiệu tên là Ngô, rủ Đ/u đi ra ngoài ăn sáng . Được bạn rủ rê lẽ nào từ chối nên Trần vui vẻ; cả hai giữ ý tự lặng lẻ rút ra cửa sau nhà lớn, vòng ra cửa hông ra đường; hai người lội bộ ra xóm: khu buôn bán có nhiều hàng quán ăn uống, chọn xe bán hủ tiếu mỳ  bên đường, lúc này đã vắng khách nên hai ông sĩ quan không e ngại ai dòm ngó .

Thiếu úy Ngô cũng là một sĩ quan từ nơi khác mới được bổ nhiệm về Chi Khu, tuy là sĩ quan cơ hữu nhưng QT &CKT chưa tìm được chỗ trống điền vào; ăn chực nằm chờ hơn  tháng nay, tạm coi ban truyền tin, giữ điện đài sau dãy nhà dành cho phòng ban, anh ngủ luôn dưới đó khỏi chạy tới chạy lui .Vì vậy mà hai người đồng cảnh mới về quận ít gặp nhau . Bây giờ đã gặp một lần, sau bữa ăn sáng ngoài đường nói nhiều hơn ăn, nên hai người dễ kết thân anh em tâm sự vui buồn đời lính tráng xa nhà, một  ông đại úy độc thân tại chỗ và một  anh thiếu úy còn trai tân, mong ở lâu đất quận rồi lấy vợ địa phương cho yên bề gia thất, nhận quê vợ làm quê hương .

Hai ông sĩ quan kết thành anh em cho có chỗ thông cảm đồng cảnh, hay rủ rê nhau sáng điểm tâm, trưa cà phê, tối đi uống sinh tố; lấy thì giờ nhàn rỗi “đi thăm dân cho biết sự tình” (?), khu quận lỵ đủ lớn để hai ông đi vòng vòng tham quan phố thị, coi người mình làm ăn buôn bán, sinh sống ra sao .

Nhờ chương trình ngoại lệ này mà hai ông biết thêm về đặc tính đời sống của dân địa phương . Ảnh hưởng của chiến tranh dai dẳng khó phân chiến tuyến Quốc – Cộng, dân chúng cũng khó phân loại, tách bạch ai là thù ai là bạn . Dân phố chợ dù sống chỗ an ninh ăn nên làm ra, nhưng không dấu nỗi lo âu không khí chiến tranh chỉ cách họ vài chục cây số trong vùng quê hẽo lánh, tiếng đạn bom vọng về ban đêm . Người trong vùng quê lớp tản cư ra chợ che nhà ở tạm, hay chiều ra sáng về, thăm nom nhà cửa ruộng vườn, mót hột lúa hái cọng rau, cuộc sống qua ngày không tương lai . Bà con không ai tin ai, hay sợ vạ lây vì người bên này người bên kia đối nghịch ? Ngay trong gia đình có người đi lính quốc gia, có người thoát ly ra bưng theo VC, kẻ làm việc bên này, kẻ theo bên kia .

Bắt chước mấy sĩ quan độc thân trong CK, Th/u Ngô rủ Đ/u Trần vào lăng làm lễ thần, trước là cầu cho quốc thái dân an,  mưa thuận gió hòa, quận nhà ít bị chiến cuộc khổ dân khổ lính, ông Trần cầu cho gia đạo được bình an, anh Ngô cầu cho kiếm được người hôn phối vừa ý để lập gia thất cho mẹ già đang mong cho con mình yên nơi yên chỗ . Tin vào thần quyền linh ứng, cả hai người đều mong đợi lời nguyện cầu được như ý .

Nhưng chắc thần linh chưa giúp nên hai ông sĩ quan ở quận vẫn tiếp tục những ngày tháng đi ra đi vào vô sự, không lành không dữ . Phần Đ/u Trần chờ lâu chưa có lệnh gọi, vợ đòi bồng con xuống ở, nhưng tiền đâu mướn nhà rồi ở được bao lâu dọn đi về chỗ mới; nhắn vợ thôi má nó chịu khó ở trên Saigon làm dâu, xuống dưới này phiền lắm . Thật ra ông muốn giúp thằng em mới kết thân, đi kiếm vợ cho nó rồi mới lo vụ lót ổ sau, chớ dắt nó đi đến chỗ nhà đàn bà con gái, con vợ hay nghi cằn nhằn, làm sao mạnh miệng ăn nói ; có khi nhiều người đẹp để chọn mình ngắm coi nhan sắc, con vợ hay ghen nghĩ bậy làm mất vui ?

Phần anh Th/u trẻ tuổi đẹp trai, trên vành nón  chưa kết lá viền  cành, cổ áo hoa mai vàng còn tươi sắc, dưới giày trận mòn gót chưa thay; tiền lính tính liền, còn tiền đâu cưới vợ ? Nên anh chỉ mong có nàng nào coi hợp nhản, coi việc làm vợ làm chồng ăn ở với nhau là quan trọng, cưới hỏi là phụ thuộc, chịu làm đám cưới nhà binh ít tốn kém trong thời buổi này, thì thuyền tình bơi mau tới bến liền?

Mà con gái xứ này coi cũng được đến, ngặt nổi không như hai ông quan nhà binh nghĩ giản dị; các nàng mỗi cô có một cách riêng, để cùng “nhìn nhau mà lòng thấy vui” . Gái ở chợ trắng da dài tóc, cô nào cũng dạn dĩ, dễ làm quen với bạn nhà binh, vì gia đình nào hầu như cũng có người phục vụ trong quân đội, không quan cũng lính; cha mẹ không còn giữ lễ gia giáo cổ lổ xỉ con đặt đâu ngồi đó, nhưng cũng dạy con cách gái khôn tìm chồng giữ chốn ba quân :

Lấy chồng có quyền có chức cho cha mẹ nhờ vả:

-“Bậu ra bậu lấy quan ba

Lấy nhà bậu ở đem cha bậu về”

Tránh lấy chồng xa, trấn thủ lưu đồn:

-“Ba năm trấn thủ lưu đồn

Ngày lo việc lính tối dồn việc quan”

Còn con gái ở quê, tuy làm lụng vất vả, nước da bánh mật, sức khỏe con gái 17 bẻ gãy sừng trâu . Họ về làm vợ không lo than van nội trợ, sòn sòn đẻ con năm một, nhưng kẹt nỗi sống bên này mà bụng dạ bên kia chăng? Hoặc đổ thừa vì hoàn cảnh gia đình sáng ra chợ theo quốc gia, chiều về làng theo Việt cộng làm giao liên, văn công . Nên mấy ông sĩ quan ở quận thà sống độc thân, hơn lỡ mang nữ du kích xã vào nhà, bị An ninh Quân Đội hỏi thăm .

Một hôm Th/u Ngô khều đàn anh ra quán ngồi uống cà phê, mở lời:

-“Em vừa theo đuổi một cô nữ sinh hay lắm, vừa đẹp người đẹp nết, con nhà gia giáo làm ăn lương thiện, cuối năm nay nàng thi tú tài .Hôm nào em dẫn đàn anh đến coi mắt, đàn anh nói được là em tiến chiếm mục tiêu ngay, cưới vợ luôn, nhờ anh làm mai ? !

Đ/u Trần nhăn nhó:

-“Thôi đi chú mày ơi, con nhà lành nữ sinh, xinh đẹp nữa thì, cở mình làm sao vói tới được ?”

-“Ậy, thì mình tìm cách làm quen trước coi nàng tình ý ra sao; coi gia đình đó có đòi hỏi gì không, chưa gì mà đàn anh bàn ra rồi ?”

– “Ờ, muốn thử thì chú dẫn anh đến nhà làm quen đàng hoàng, đừng có chọc bậy ngoài đường, bị chưỡi thì ê mặt !

Ông Th/u kể lại chuyện dò đường khi trước; anh ngồi ở vọng gác trước BCH/CK chờ giờ tan trường, học sinh túa ra cổng, khi thấy mục tiêu lẫn trong đám con gái áo trắng lướt bóng qua đường, anh cũng vọt mình qua Văn Phòng Quận, rồi làm như người từ trong Quận đi ra, bám đuôi cô gái về đến nhà mà không biết có người đi theo.

-” Đàn anh nói kỳ chưa, dù lính tráng thế nào cũng phải có tác phong chớ !”

-“Thôi được mai mốt gì đó, ăn mặc tề chỉnh, quân phục  ủi hồ thẳng nếp, giày đánh bóng, nhớ mua chút trà bánh làm quen sơ khởi, nhưng mà phải kiếm cớ gì đây để nói, chớ khi không đường đột vô nhà người ta thì kỳ lắm nghe ?

Lấy cớ, hai anh em đến nhà cô gái làm bộ tìm người quen ở đơn vị cũ, đến thăm nhà nhắn tin . Đây là cách dỡ nhứt đi chọc gái, vì người ta biết ngay là kiếm cớ vào nhà có con gái lớn, chủ khách có đón tiếp cùng đóng kịch cho vui, mắc mớ gì tìm sai địa chỉ, không đúng tên họ.

Ông bà chủ nhà thấy bóng sĩ quan thì cũng tiếp đón thân mật, dễ tánh, nhận quà biếu và còn hẹn “lúc nào các ông sĩ quan ở quận rảnh việc, ghé chơi “. Ông bà lớn tuổi nên có chút nghễnh ngãng, hời hợt dù tánh tình thuộc loại bảo thủ của người xưa . Lời nói vô tình mà đâm ra trúng ý hai quan, “lúc nào cũng rảnh rang, lúc nào cũng muốn ghé thăm hai bác “.

Kể từ ngày hôm đó hai anh em con nhà lính tính làm lỳ, lúc chén trà ly rượu, khi ăn cơm chực với gia đình . Cô gái tên Cao (vì chơn cẳng dài, tướng cao ráo ?) ở nhà gọi Út Chín, thân mật gọi hai anh xưng em như người trong nhà; còn ông bà Hai, chủ nhà giữ ý tứ, kêu hai quan bằng cấp bậc theo cách xưng hô trọng vọng của người miền Nam .

Cho đến khi một hôm, có rượu vào lời ra, Đ/u Trần mới bắn tiếng thăm dò :

-“Nhà hai bác rộng rải quá mà sao thấy ít người ?

Ông Hai gắp miếng phao câu gà, cắn sực một cái, tợp ngụm rượu, khể khà :

-“Quan hỏi nên dân xin thưa, tui đây với bà này có 8 đứa con ; chúng nó lớn đã yên bề gia thất, đều ở xa, ít khi về nhà . Mụn gái út là con Chín đây, cũng đến tuổi lấy chồng, chờ nó thi tú tài xong, có ai hỏi tui gả liền, nhưng lần này bắt rể coi nhà trông cửa .Có được thằng rể ở xứ này hai vợ chồng già an tâm hơn?

-“Dạ, cháu mới đổi về Quận không lâu, nhưng cũng thấy người mình thiệt thà, các cô ở xứ này cũng đẹp người đẹp nết . Nên các ông sĩ quan về đây cưới vợ, dù ra riêng nhưng cũng quanh quẩn trong địa phương, thuận tiện nhiều bề .”

Trần lấy gan, dấn thêm :

-“Thưa hai bác, cháu muốn thưa ….”

-“Thôi tui biết rồi, Đ/u đây năm nay chắc cũng đến tuổi …”

Th/u Ngô hớt ngang, sợ  ý của mình mà đàn anh chưa nói rõ hết, dễ bị hiểu lầm;

-“Dạ thưa, cháu muốn …”

Ông Hai đở lời:

-“Qua hiểu, hai ông đừng ngại, mới đổi về đây chắc chưa quen dân xứ này, có gì cứ nói thiệt, muốn lấy vợ miệt vườn phải hôn ? Đi lính lâu ngày nên chưa lo bề gia thất, về đây yên chỗ, lo lấy vợ sanh con nối dõi tông đường cho song thân phụ mẫu vui lòng . Làm quan to cở Đ/u đây thì cũng dễ thôi, cưói vợ trước đi cho ông Th/u bắt chước đi sau, cho có đôi có bạn .

Ông Hai nói một hơi dài, chưa ai kịp chen vô, vừa dứt lời, bà Hai cũng bải buôi nói tiếp lời chồng:

-“Ta nói, thời nay con gái không còn theo đạo ông bà mình: áo mặc không qua khỏi đầu, nhưng dầu giàu nghèo gì đi nữa hể đúng lễ nghĩa con gái đi lấy chồng cũng phải đủ ba lễ: sơ vấn, đính hôn và vu qui; phải có mai mối, nhà trai có người lớn tuổi mang sính lễ đến hỏi đủ bộ nữ trang tiền nạp, ngày thành hôn phải có dựng rạp đải đằng hai họ, tệ lắm thì đi nhà hàng ca nhạc cho cô dâu nở mày nở mặt với người ta “.

Vừa nghe bà chủ nhà nói dứt lời Đ/u Trần đá chân dưới bàn cho đàn em biết liệu cơm mà gấp mắm, muốn lấy vợ đâu có dễ dàng ăn nói suông rồi người ta cho vợ mình dẫn về đâu, phải có những điều kiện như ông bà Hai đây ra giá trước rồi đó !.

Thấy hai khách sượng trân, cô Chín chu mỏ vào, sửa ông bà già:

-” Hai anh đây là dân Saigon hoa lệ, đâu có muốn lấy vợ quê mùa dưới này đâu mà Tía Má nói, ở trển thiếu gì cô đẹp, tân thời, con nhà giàu dân sang . Người ta là sĩ quan thiếu gì cô đeo đuổi, phủi ra hổng hết thời buổi trai thiếu gái thừa này, hơi đâu mà về quê kiếm vợ, phải hôn mấy anh ?”

Th/u Ngô nãy giờ tức mình lắm, chưa nói gì hết mà mọi người muốn chận họng, ngán cổ :

-“Hai bác nói chí lý, mà cô hai đây nói cũng có phần đúng, nhưng cũng có chỗ sai . Như anh Trần đây thiếu gì người  dòm ngó cặp lon ba bông mai của ảnh, tui đây lấy vợ mới khó, cũng phải thưa qua với cha mẹ ưng ý, ông bà mới lo cưới hỏi cho mình, chớ lương lính làm sao nuôi nổi vợ con. Tụi cháu cũng biết  đời lính rày đây mai đó, chưa muốn có vợ làm khổ người khác” .

Ông Hai tằng hắn lấy giọng :

-“Hai ông đừng hiểu lầm rồi trách tui, con Chín lỡ xía miệng phải xin lỗi hai anh . Tui nói là nói ai kia, chớ hai ông mới đổi về quận còn chân ưót chân ráo mà lo vợ con cái nổi gì ? Chờ chừng nào có danh có phận rồi mới lo vợ con cũng chưa có muộn . Lấy vợ xứ này, rồi ở lại đây lập nghiệp, dễ thở hơn sống trên Saigon, phải hôn ?” .

Xây qua con gái ông nói, bây còn nhỏ lo đi học, gối rơm lo phận gối rơm, chớ đâu dưới thấp mà chồm lên cao .Con gái gì đâu mà mới nói chuyện vợ chồng cũng xía miệng vô .

Nghe cha quỡ cô Chín mằc cở, tụt xuống ghế chạy te te vô buồn; ai nấy cười ồ . Hai ông quan quận cũng kiếm cớ rút lui có trật tự.

                                               *************

Một hôm Thiếu tá QT&CKT hợp ban tham mưu Chi Khu, ra chỉ thị theo lệnh trên Tỉnh & TK: chủ động đáp ứng tình hình địch phá hoại gia tăng, các chi khu phải đưa các sĩ quan trong BCH/CK thay phiên nhau xuống công tác xã ấp; làm thêm đồn bót, ban đêm ra ngũ chung với lính giữ cầu, đường không để địch lẽn về phá cầu, đấp mô .

Tan hợp ông Quận giữ lại Đ/uTrần và Th/u Ngô nói chuyện hỏi thăm thân mật .

-“Tôi có nghe mấy ông xã nói hai anh tính chuyện hỏi vợ dưới này, phải không ?”

Đ/uTrần chống chế ngay, đâu có Thiếu Tá, tôi có vợ con rồi, đang sống trên Saigon, chưa tiện đem xuống đây . Th/u Ngô phân bua, em mới về Quận chưa yên nơi yên chỗ, lo một mình chưa xong, tiền bạc đủ đâu mà có vợ con nheo nhóc, ai nói chơi thiệt tình tai tiếng cho em quá !

-“Thôi, chắc người ta nói chơi ! “, sếp mĩm cười ý nhị: “Chắc tại hai anh em tuổi trẻ đẹp trai, ra đường gái thấy mê, bắn tin cho thiên hạ biết; nhà nào có con gái cũng muốn tìm chàng rể giữa chốn ba quân ? Như tôi  hơi già, nên vẫn ở vậy độc thân, bà già cứ hối thúc cưới vợ có cháu bồng ẩm; mấy năm làm việc ở đây có ai mai mối cho tôi đâu? Thua hai anh xa lắc !”

Theo lệnh chung, các sĩ quan trong CK bắt đôi theo từng cặp lên đường công tác tại các xã ấp . Lúc này “Ấp chiến lược” thời Đệ I VNCH đã giải tán, thay vào đó là “Ấp Tân Sinh hay Ấp Đời Mới” được tổ chức có tính chiến lược hơn: diệt trừ VC nằm vùng, tách dân ra khỏi địch.Thành phần quân sự và bán quân sự tại các xã ấp được giao cho lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn . Chiến lược này được nâng lên hàng quốc sách, vận dụng mọi nổ lực tách VC nằm vùng trà trộn trong xã ấp, tạo an ninh diện địa đế phát triển nông thôn .

Trong các bài học thực tiển nhứt để tập sự  sau này trở thành người lãnh đạo tại địa phương, Đ/u Trần chuyên tâm nghiên cứu về Chương Trình Bình Định của Chính Phủ . Về sống chung với các đơn vị địa phương công tác an dân bình định lãnh thổ, ông mới thấu hiểu được nổi khổ cực, hằng ngày tiếp xúc với hiểm nguy cho bản thân, ông so sánh tình thế không thua gì lúc còn ở đơn vị chủ lực hành quân . Nhưng người lính ở địa phương, cho dù gần gụi với gia đình, nhưng họ chịu nhiều thử thách không kém, cũng nằm gai nếm mật, ban ngày công tác dân vận giúp dân, ban đêm cũng phải lo phòng thủ địch tấn côn, bảo vệ đồn bót, cơ sở, an ninh cho dân chúng.

Những người lính địa phương nghĩa quân này không được trang bị tận răng như quân chủ lực vì quan niệm tự vệ; làm cho người dân bớt thấy không khí chiến tranh, với những chiến binh bà con họ hàng hiền lành trong xóm. Với cấp trung đội đóng đồn bót , ngăn chặn, kiểm soát VC vào làng, lính ĐPQ, NQ bảo vệ đồng đội, đồng bào, bà con trong xóm làng . Đội quân áo đen (trang phục dân sự bà ba đen) của nhưng toán, đội cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, còn trang bị thô sơ hơn, nhưng công tác hằng ngày của họ tiếp xúc với từng người dân già trẻ lớn bé, tuyên truyền thuyết phục, giúp đở dân tận tình lúc đau yếu khi hoạn nạn, làm cho VC trong vùng vừa căm ghét vừa sợ hải cách thu phục nhân dân bằng “tâm lý chiến”: tách Vc nằm vùng ra khỏi xã ấp .

Hai ông sĩ quan trong Quận, ngày ngày theo các toán công tác, lúc thì bơi xuồng chở kẽm gai cọc sắt làm đồn bót, lúc thì ngủ đêm với lính giữ cầu . Với kinh nghiệm trận địa Đ/u Trần chỉ cho các trung đội NQ, toán CB/XDNT cách gài mìn claymore tự động: chống đặc công đánh đồn, tăng hỏa lực địa điểm phục kích đêm địch hay xăm nhập . Đi công tác chung với những cán bộ địa phương này mới hiểu được sách lược chống Cộng của Chính Phủ VNCH thời đó làm đối phương thiệt hại rất nhiều cán bộ hạ tầng cơ sở nằm vùng; chiến lược lấy nông thôn bao vây thành thị đã bị ta phá vỡ .

Bây giờ có việc làm nên hai ông quan cà nhõng trước kia không còn xuất hiện trong xóm nhà quanh quận lỵ, làm cho các cô gái hay hỏi thăm nhắc nhở, cũng có khi tiếc thầm gặp mặt mà chưa quen lâu (?).

Thời gian trôi qua nhanh như gió thoảng mây bay. Thấm thoát mà đã gằn hết năm, đón Tết mừng xuân .Tình hình an ninh trong Quận càng ngày càng khả quan . Cán bộ XDNT và NQ đã làm chủ tình hình trong các ấp đời mới; trước kia VC thường trốn núp dưới hầm trong nhà dân hay ăn bờ ngũ bụi dọc theo các kinh rạch, nay họ mất địa bàn hoạt động vì lớp chết vướng mìn tự động gài đêm, lớp bị dân chúng tố giác bị bắt, hay ra chiêu hồi; họ phải rút sâu vô bưng hay chuyển đổi đi nơi khác. Dân chúng có an ninh, làm ăn buôn bán sanh hoạt chợ, giao thương phát triển .Công tác bình định nông thôn tạm ổn, sĩ quan Chi Khu được rút về, thưởng phép đặc biệt hay phép thường niên, mừng công trạng mấy tháng vất vã trong các vùng sâu, xóm xa .

Th/T QT& CKT ký giấy phép cho Đ/uTrần và  Th/u Ngô về Saigon, người rước vợ con, người đi thăm mẹ già ; cũng nhân thể đưa giùm bà mẹ già của ông Quận xuống thăm con . Vài hôm sau trong nhà quận vui vẻ tiếng nói tiếng cười người thân hội ngộ . Gia đình Trần thật là hạnh phúc với đứa con hơn hai tuổi vừa biết đi chập chừng, nói bi bô suốt ngày, làm cho bà mẹ ông Quận cằn nhằn con, hối thúc lấy vợ cho bà có cháu bồng ẩm nựng nịu .Th/u Ngô đi phép về cũng báo cáo bà già thu xếp nhà cửa xong, cũng sẽ xuống lo vợ cho con, đã lớn chồng ngồng mà chưa chịu lấy vợ cho mẹ nhờ .

Vì không có nhà riêng, ở chung chỗ lính tráng bất tiện nên Trần phải đưa vợ con về lại Saigon, đi chung xe với mẹ ông Quận . Hết mấy ngày vui, không khí trong nhà trở lại im ắng buồn bã . Nhơn lúc rảnh việc, ông Quận kêu ông Ngô ngồi lại bắt chuyện :

-“Nghe nói anh định đi hỏi vợ dưới này hả ?

Th/u Ngô chống chế :

-“Đâu có Th/T, em lo thân chưa xong dám đâu lo chuyện xa vời, ngặt bà già hối thúc nên em muốn đưa má xuống đây cho biết nơi ăn ở; ai cũng tưởng là em quen cô này cô nọ mới nói em ham cưới vợ . Còn lâu lắm, như Th/T đây mà còn phòng không chiếc bóng, lẽ nào đàn em dám qua mặt ?”

-“Ủa, tôi đâu có nói chuyện lấy vợ là theo hệ thống quân gia đâu, ai có duyên số thì người đó hưởng, như mấy anh em sĩ quan trong Chi Khu này, có người mới về đây vài tháng lấy vợ sanh con, đóng chốt trụ bộ luôn ở cái xứ này . Bà già tôi cũng hối thúc lấy vợ sợ quá tuổi. Mình là đàn ông đâu sợ quá lứa đâu, tôi cũng muốn vui lòng bà mẹ đơn chiếc, lấy vợ phức cái cho rồi . Nhưng chú thấy, công việc hằng ngày không rảnh,  mình đâu có quen thân ai ngoài quận. Mấy chú có cơ hội biết rõ người ngoài xóm, dễ tìm được ý trung nhân; tôi trên ba chục cũng đã luống tuổi, lấy vợ trẻ bắt chìu, cưới vợ già quá lứa, nghĩ ra thiệt cũng khó tìm được người mai mối . Hai anh biết mối nào làm mai cho tôi, tôi cám ơn ?”.

Nghe sếp than cái khổ của riêng của ổng, Ngô nghĩ mình cũng có cái khổ của riêng mình: muốn cưới người mình yêu mà khó quá . Ngô nhớ lại buổi nói chuyện với gia đình ông Hai, định đưa mẹ xuống giáp mặt “đàn gái” cho mẹ biết thằng con trai của bả cũng muốn vợ, lỡ bà mẹ mặc cảm lo cho con mà đâm ra buồn tủi vì con nhà nghèo khó cưới vợ môn đăng hộ đối . Anh bèn nghĩ đến một chuyện để bàn với ông đàn anh Trần coi ra sao ?”.

-“Dạ, em thấy gia đình anh Trần hạnh phúc quá, chắc ảnh có kinh nghiệm lâu năm, hỏi qua anh ấy thế nào là “đức năng thắng số” mà anh ấy hay khuyên em .

Th/T QT cười lớn:

_”Đ/u Trần về đây tuy mang tiếng là tập sự nhưng ông ta biết nhiều thứ ngoài đời mà mình phải “tập sự” học hỏi theo ổng, làm thế nào mà tuổi trẻ tài cao, vợ đẹp con ngoan, tương lai chắc còn rạng rỡ hơn !”.

Khi Trần lo xong việc đưa lại vợ con về Saigon, Ngô đem chuyện “tâm sự của ông Quận” và tâm sự riêng của mình ra bàn, hỏi ý kiến đàn anh .

Ông Trần bàn với ông Ngô …như vầy, như vầy ?

Khi bà mẹ của Ngô xuống thăm con, thấy tận mắt chỗ con đang làm việc, ăn  chung ở  tạm, bà buồn lắm, nói :

-“Con ơi, má đã kiếm được cho con một con vợ rồi . Để ra giêng về trển, xin về coi mắt con vợ, rồi nhà làm đám cưới cho mầy, hai đứa dắt nhau xuống đây, mướn nhà ngoài ở để nó lo cơm nước cho mày . Tốn kém tao lo hết, dưới này đừng có chộn rộn bồ bịch lăng nhăng, nghe con !” .

Th/u Ngô chỉ biết gải đầu gải tai nghe lời bà già, nhưng giấu biệt cái chuyện về Saigon cưới vợ . Anh cũng muốn thử qua bắt cá hai tay, coi con nào dính được thì chụp, biết đâu nhờ duyên số . Đàn ông mà, như ông Trần đàn anh kia, cũng không dám nói mình có vợ, chịu cải chánh làm mai mối cho anh, dù bị ông bà Hai hiểu lầm tưởng hai người cùng muốn “dê” con gái mình . Nghe lời đàn anh biểu làm như vầy, như vầy …Th/Ngô cũng khoái chí , muốn thử thời vận “đào hoa” của mình ra sao, ai hơn ai ?

Thật ra, họ muốn làm như vầy như vầy là một phép thử chơi, coi ai có cái duyên số làm mai mà được vợ . Theo Đ/u Trần tính bàn với Th/u Ngô là dẫn ông Th/T Quận đi hỏi vợ cho sếp, ngặt ông này không muốn mang tiếng là bậc phụ mẫu chi dân, nói tắt ra là cha mẹ dân, lại chường mặt với “nhà gái” thiếu uy; mà mình còn xuống nước cho hai thằng đệ tử đi làm mai lấy vợ, còn sợ bị người đẹp chê già thì mang tiếng mất mặt quá ! Nên kịch bản phải làm ngược lại, ông Quận lấy cớ, đóng kịch giả bộ đi hỏi vợ cho đàn em, để coi mắt người đẹp, thử ý lòng người . Nếu thuận buồm suôi gió ông Quận được vợ thì người làm suôi mát tay được thưởng công lớn, bằng như không thì số ai nấy hưởng, rớt sàng xuống nia.

Hôm đó ba ông sĩ quan Quận mày râu nhẳn nhụi, áo quần xi vin dân sự, dặn nhau không kêu cấp bậc chức vụ mà kêu nhau bằng anh em cho thân mật người nhà, thong dong đi đến nhà ông bà Hai coi dung nhan người đẹp, nhà cô gái có ý định ra sao mà xữ trí.

Sau khi dâng cân trà hộp bánh làm quà kính biếu, đặt trái cây lên cúng bàn thờ gia tiên, rồi trà nước qua loa vì cũng là chỗ quen biết cũ đến thăm . Ông Trần mới giới thiệu sơ qua ông  Năm Quận, có kết nghĩa anh em là người ở không xa, sẵn dịp cũng muốn đến làm quen với gia đình chủ nhà.

Ông bà Hai tiếp đón niềm nở, và cô Út Chín Cao cũng vui lây vì lâu quá mấy anh không thấy đến chơi; lúc thấy có người lạ cô Út cũng dè chừng e lệ, nhưng thấy anh Năm cũng chưa già lắm nên cổ cũng gọi bằng anh xưng em . Ông Năm Quận rất vừa lòng, tránh được mặc cảm bị chê già, thầm khen cô Chín cũng ngộ hết sức, không ngờ trong quận mình có người đẹp hoa  khôi ẩn danh còn mình thì ẩn thân, tiếc quá lâu nay chưa gặp không ai biết ai .

Ông bà Hai mời cả ba người trước lạ sau quen, ở lại dùng cơm,  thói quen của người miền Nam thiệt tình; khách cũng khó lòng từ chối, không ngại miệng ỡm ờ. Cô Út và bà mẹ xin phép xuống bếp làm món nhậu trước, để ông chủ nhà tiếp khách  lai rai ba sợi. Khô cá trèn đưa chua với soài tượng sống trái lớn cắt lát, củ kiệu đất giồng ngâm chua, ớt trái còn xanh, với vài xị đế nếp than, gây không khí cởi mở hơn cho chủ và khách thăm hỏi qua loa, chuyện trời nắng trời mưa mùa màng, dân tình địa phương ấm lạnh…

Sau vài chun rượu, sợ khách ngại mở lời, chủ nhà thấy khách lên bộ đồ láng ăn diện đàng hoàng chững chạc, nên cũng muốn biết lý do sâu xa hơn, bèn lên tiếng trước dò ý :

-“Mấy ông đến thăm hôm nay chắc cũng có chuyện gì muốn nói? Thôi thì cũng là chỗ trước lạ sau quen, so tuổi đời tui cũng đã lớn, mấy đứa con của tui cũng sàn sàn mấy ông; tuy hơi thất lễ, cho phép qua kêu mấy ông bằng em cháu để dễ bề nói chuyện, được hông ?”

Năm Quận tự thấy mình đáng làm đàn anh hai thằng em, cũng thuận lúc khiêm nhường mà làm thân, nên lên tiếng liền :

-“Dạ, bác dạy như vậy thiệt hợp ý các cháu hết sức . Xưa có câu kính lão đắc thọ . Nay bác cho phép, coi tụi cháu như con cháu trong nhà, thiệt tình là đúng lý đó bác . Vậy thì từ nay bác đừng kêu bằng quan, bằng ông làm tụi cháu tổn thọ . Hai em đây, từ nay thưa bác và xưng cháu, thì mới hợp lẽ đôi đàng. Kỉnh bác vô trước thêm vài ly rồi con cháu hầu chuyện tiếp” .

-“Qua coi chú Năm này ăn nói vừa ý qua lắm đa , vậy  nói thiệt đi, bữa nay chú Năm đưa hai em tới, ngoài  thăm vợ chồng qua, còn có chuyện gì nữa không, cho biết ?

Trần vội vàng lên tiếng  :

-“Anh Năm đây muốn đến đây để trước là biết hai bác, sau cũng có điều xin thưa về chuyện nhơn duyên …”

Ông Hai làm như biết hết, biết trước nên ngắt lời:

-” Qua biết rồi, hai cháu định hỏi qua chuyện lấy vợ xứ này phải hôn ? Qua nói rồi, như có ai  muốn hỏi con Út phải chịu bị bắt rễ, ở lại xứ này lập nghiệp; còn má nó thì muốn làm đủ lễ theo như ông bà mình . Còn con Út, qua chưa biết ý nó ra sao,  chịu lấy chồng hay tiếp tục đi học ? Nó đi lấy chồng cũng phải có mai mối, nhà trai đến hỏi lễ nghĩa đàng hoàng”.

Ngô nãy giờ chưa nói câu gì nên thân, bèn nhơn dịp đở lời:

-“Bác Hai nói đúng như cô Chín nhà: lấy chồng phải do cha mẹ bằng lòng cho phép qua mai mối, nhà trai có lễ đến hỏi cho đẹp lòng người lớn đôi bên; đám cưới (vu qui) phải có đủ ba lễ theo yêu cầu nhà gái: sơ vấn (coi mắt làm mai), đám hỏi (đính hôn), và rước dâu (vu qui) cho nở mày nở mặt họ hàng; cô Chín lấy chồng ở rể, gần nhà để hầu hạ thăm nom các đấng sanh thành ?”.

Tới giờ dọn cơm nên câu chuyện tạm dừng để bữa ăn cơm cho ngon miệng .Viện lý do nhà không có mướn người nên cô Chín Cao lo bưng cơm dọn nước, phục vụ  thực khách . Dáng cô đi qua đi lại, đi lên đi xuống bẹo hình bẹo dạng, làm mấy ông quan ở quận nuốt cơm thiếu điều mắc nghẹn, thèm liếc nhìn hơn thèm ăn, cố nuốt ba hột cho xong bữa, đặng ngồi nghỉ cho bớt no ngang .

Ông già khề khà ly rượu, bà thì luôn miệng ép ăn món này thêm món kia ; nhưng hai người già này luôn tinh ý để mắt xem tướng tá cử chỉ, dọ ý tứ của từng người . Con gái nhà lành hay mắc cở hổ ngươi, cô Út má đỏ ao như mận chín, càng e lệ thẹn thùng càng duyên dáng, càng làm mê mệt mấy chàng trai khách đa tình.

Ăn cơm xong chủ nhà mời khách vào bàn uống trà ăn bánh trái tráng miệng; hai ông bà gia chủ cùng ngồi tiếp khách, câu chuyện đang bỏ dở nữa chừng, nhưng mỗi người như nghĩ theo ý riêng của mình .

 Như ông Hai nghĩ rằng: chắc ông Năm Quận có ý làm mai mối cho một trong hai ông sĩ quan, còn ngại miệng nói . Bà Hai nhắm tướng ông Trần coi được; lon quan ba chắc phải có sự nghiệp, đường công danh sáng lạn hơn ông quan một . Cô Út hay liếc xéo anh Ngô, trong bụng coi bộ cũng có cảm tình .

Tội nghiệp ông Quận, tiếng là do đàn em dẫn đi coi mắt vợ, thiệt khó mở lời cho nhà gái chịu hiểu thân phận của ông; nãy giờ ông cảm thấy gia chủ hiểu lầm mình là ông mai, đi làm mối cho thằng em; cũng hơi tức tối dù tính trước là như vậy. Vậy mà hai đứa nó còn câu thêm giờ, chưa chịu nói thẳng, tấn công nhanh đổi ngược tình thế:  tìm khe hở, lựa lời, nói đại vô đề liền, là giới thiệu qua gia đình cho vỡ lẽ, là cô Út có chịu người độc thân nhưng hơi già như ông hay không; cứ cà rịch cà tang đẩy đưa, mơn trớn ? Chẳng lẽ ông tự làm mai cho ông, nên ngồi thở ra, nín thinh ?

Tới lúc mọi người ngồi im lặng theo đuổi ý riêng của mình, thấy chừng lâu quá làm ông già bắt sốt ruột, lên tiếng:

-“Qua hỏi thiệt mấy chú em nghen, vậy chớ mấy chú có điều gì khó nói mà chưa chịu nói ra ? Thôi bây giờ qua là người lớn, nói phức ra đi cho rồi để mình tính ? Em nào muốn hỏi con Út làm vợ, qua coi được qua gã . Mấy lúc rày thiên hạ đồn rùm có sĩ quan ở quận đóng chốt nhà qua, chắc muốn dòm ngó con gái nhà dân, làm nó mắc cở trốn học; sau này còn có ai dám tới cưới nó nữa?”

Trần chợt nhớ vai trò của mình là đi làm mai, chớ không phải đi hỏi vợ, nên thưa :

-“Xin hai bác đừng hiểu lầm, cháu đã có gia đình rồi, đâu dám đèo bồng !”

Bà Hai vội ngắt ngang:

-“Vậy, chú định làm mai cho ông Th/u à ?”

Ngô hoảng hồn lên tiếng:

-“Không có đâu thưa hai bác, Má cháu hỏi vợ cho cháu trên Saigon rồi !

Bà Hai hụt hẫng, ngồi phịch xuống ghế, quên ý tứ:

-“Vậy chớ đứa nào ?”

Ông Quận ngồi sượng sùng, cô Chín Cao đi ngang qua, chợt đứng lại, há miệng chết trân . Không thể để kéo dài thêm hiểu lầm, Trần đóng cho xong vai trò của mình, nói luôn một hơi :

-“Cháu xin lỗi hai bác và cô Chín đừng hiểu lầm để cháu thưa thật . Mấy tháng trước cháu và chú Ngô đây thấy cô Chín đẹp đẻ nên kiếm cớ đến nhà hai bác làm quen . Cháu sống xa nhà xuống quận này học việc, chú Ngô mới đổi về chưa có nhiệm vụ, hai anh em đôi lúc rảnh rang la cà ngoài phố quận, chỗ nào lạ cũng muốn xáp vô (?). Không ngờ được hai bác thương như con cháu, cô Chín cũng có cảm  tình (?).

Chúng cháu có lỗi lớn là để cho hai bác và cô Chín hiểu lầm ….muốn kiếm vợ; mà sợ nói ra thì mình bị thiệt thòi (!)vì … cái tật mê gái (?).

Không ngờ trong cái rủi có cái may, tình cờ được biết anh Năm đây mới là người độc thân thứ thiệt, muốn lập gia đình mà chưa quen ai, còn ngại nói, nên hai thằng em có giới thiệu với anh Năm có cô Chín Cao đẹp người lẫn nết hoa khôi ở xứ này, hai bác là người địa phương chơn chất . Anh Năm mà muốn cưới vợ thì tụi cháu làm mai cho, ảnh bằng lòng nên tụi cháu đưa ảnh tới coi mắt cô Chín và làm thân với gia đình hôm nay.

Nhưng ngay từ đầu mọi sự hiểu lầm anh Năm là người đi coi mắt chớ không phải là ông mai . Hai cháu đây mới chính là người đứng ra mai mối . Xin hai bác và cô Chín tha lỗi cho mọi sự đường đột “.

Ông Hai thở dài:

-“Còn đường đột cái gì nữa, rành rành cái chuyện trái cẳng ngỗng, thấy vậy mà không phải vậy, còn hơn vậy nữa . Bà nó tính sao đây ?”

Bà Hai nhìn Năm Quận dò xét:

-“Vậy chú Năm tính sao ? Hồi mới vô sao không nhập đề liền, để bây giờ hư bột hư đường hết trơn ?”

Cô Chín Cao mắc cở, đứng nấp sau phòng, cố nghe cho hết chuyện .

-“Lỗi cũng tại cháu đó, thưa hai bác !” Ông Quận phân trần: ” Mà cũng tại hai ông này làm tài khôn, dắt tôi đi coi mắt vợ mà không chịu nói trưóc đôi đàng cho phân minh (đổ thừa đàn em) . Thôi tôi cũng chịu lỗi một phần” .

Ông già Hai chợt đánh đét tay vào đùi, hỏi lớn:

-“Chèn đét ơi, nãy giờ tôi quên hỏi, tưởng chú Năm đây là người nhà của hai ông đây dẫn đi làm mai mối !  Vậy xin chú cho biết chú là ai, thân phận ra sao để chúng tôi biết rõ hơn ?

Th/u Ngô sớt ngang, hớt liền:

-“Ổng là ông Quận Trưởng ở đây đó bác !”

Tội nghiệp, hai ông bà già giật mình đứng sổm lên, theo thói quen xưa nay dân sợ quan:

-“Nói cái gì ? Đây, đây là ông quận trưởng hả ?”

Với cử chỉ cung kính nhưng chưa tin sự thật, bác già khúm núm chấp tay vái chào, nhưng vẫn đưa mắt dò hỏi nhìn ông Quận từ chơn lên đầu, từ đầu xuống chơn.

Khó lòng che dấu tung tích mình Th/t QT ăn vận dân sự thăm dân cho biết sự tình, cung kính đứng lên, đở tay ông bà già ngồi lại xuống ghế. Cô gái rình nghe nãy giờ, mắc cở quá, buột miệng ôi một tiếng, chạy trốn vô buồng.

                                     *********

Ngày đó cận Tết, quận đường treo đèn kết hoa, rộn ràng tiếng cười tiếng nói; hỏi ra mới biết hôm nay là ngày ông Quận Truởng sở tại lấy vợ, cô dâu là người con dân địa phương . Cô dâu còn quá trẻ nhưng sau đám cưới sẽ thành bà quận, cùng chồng làm phụ mẫu chi dân (lấy được vua là mẫu nghi thiên hạ), ai cũng cho là cha mẹ cô dâu được phước lớn, có thằng rể làm quan lớn tại chỗ, được mọi người trọng vọng.

Nhà Quận bây giờ trống phòng nhờ các sĩ quan độc thân đã có vợ dọn ra ngoài xóm . Hai ông Đ/u Trần và Th/u Ngô cũng mướn nhà ngoài tạm ở chung vì, người có giấy từ Bộ Nội Vụ sắp đi đáo nhậm một quận ở miền Đông, người sắp lấy vợ Saigon mang xuống .

Nghe tin ông quận lấy vợ dân chúng cũng rộn ràng, các vị thân hào nhân sĩ, chức sắc tại địa phương có dịp lễ hội lớn, đứng ra lo làm đám cưới cho quan; bày việc, bày điều chưng dọn, lễ bái mỗi người một việc, theo đó mà làm . Ông xã trưởng tại quận lỵ là người lớn tuổi nhứt, được bầu ra làm ông mai ăn nói giữa hai họ . Mẹ  và em ông quận là khách nhà trai mặc áo dài khăn đóng cho phù hợp với bên nhà gái cũng khăn đóng áo dài . Th/u Ngô được chọn làm rể phụ coi cũng đẹp trai và sáng sủa, làm cho mấy cô dâu phụ bên nhà gái hay liếc mắt đưa tình, vậy mà ông sĩ quan trẻ tuổi này súng sính trong bộ đồ vét khô cứng, ít nói  ít cười, làm mặt nghiêm và buồn  . Ông Tỉnh được trang trọng mời làm chủ tọa lễ đón rước dâu; ông đứng chờ hai họ đến trước Lăng Thần để cùng làm lễ bái tạ Thành Hoàng địa linh nhân kiệt; cầu xin cho hai họ kết tình thâm giao,  chú rể cô dâu sắc cầm hảo hiệp, tình đẹp duyên ưa, cá nước vui vầy hạnh phúc….

Tội nghiệp cho ông Đ/u Trần, sau thời gian tập sự sắp đi làm quận trưởng ở xứ khác, phải thực hành thêm bài học về văn hóa phong tục: dọn giường, trải chiếu cho tân lang và tân giai nhân làm lễ động phòng hoa chúc . Buồng ngũ quét dọn sạch bóng, sắp đặt bàn ghế tủ giường như mới tân trang. Giường kê chắt, bốn chơn giưòng không được khập khểnh, nhún mình không gây tiếng kẽo kẹt, hai mí chiếu không so le bên cao bên thấp, gối nằm thêu hình con rồng con phượng đối mặt nhau, đặt hơi xê xích chút đỉnh để vợ không lấn lướt chồng, bộ đèn ngũ phải chong vừa ánh sáng  không làm chói mắt, chậu bông tươi thoang thoảng không nồng nực, một chai rượu thêm hai cái ly… Cũng tại mấy ông già xưa trong quận hay dị đoan bàn vô là, phòng họp cẩn giao bôi phải do người có gia đình đứng đắn, vợ con đàng hoàng, tánh tình chững chạc, tương lai sáng lạn. Tại ông Đ/u tập sự sắp lên quận trưởng, mới có đủ những điều kiện đó nên khó chối từ, đích thân tự tay dọn dẹp tổ uyên ương, để lấy may cho vợ chồng mới cưới có cái huông tốt về sau .

Mà cũng tại, bởi hai ông sĩ quan cà nhõng không có việc làm, nên mới chịu cảnh mình làm cho người khác hưởng .

Ta nói :

” Cực khổ làm công, ở không hưởng hết ; công anh xúc tép nuôi cò, nuôi cho cò lớn cò giò cò bay“; ý nói bôn ba cũng chẳng qua thời vận, người có số hưởng không chịu cực khổ nhiều như ông Quận, quan lớn đương thời, cưới vợ ăn Tết khỏe re, còn hai ông quan nhỏ ở không nên kiếm việc, mình làm mà không hưởng, còn cực khổ trăm bề không than thở.

Cô Chín Cao mới thiệt là còn trẻ mà có số hưởng nhiều nhứt hạng, từ một bước ngắn học trò lên làm phu nhơn ông Quận . Bởi vậy nên cũng có câu :” Cô Chín Cao không cần học nhiều thi đậu, thà lấy ông Quận nhà, làm quan tắt sướng hơn !”.

 Hồi xưa mà còn như vậy, bây giờ thì sao ta?

                                                                                              

Trần Láng Biển

304Đen – Llttm - VT

 

 

No comments: