Thursday, August 3, 2017

Tố Hữu Dưới Mắt Hoàng Cầm - Thụy Khuê


Tố Hữu dưới mắt Hoàng Cầm


 

Hoàng Cầm kể trong băng ghi âm

Trong hai năm 1962 và 1963 tôi làm việc tại nhà máy gỗ, hướng dẫn công nhân về văn nghệ, tức là làm phim đèn chiếu: chiếu phim rồi đọc thuyết minh, mỗi tháng lĩnh thêm độ 25 đồng, bằng 2/3 lương công nhân bình thường, gia đình đỡ khổ hơn.

Đến năm 1965, khi Mỹ ném bom Vịnh Hạ Long, chúng tôi nhận được thư của Đảng Đoàn Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật mời lên để chuẩn bị công tác mới, có: Trần Dần, Lê Đạt, Thanh Châu, Trần Duy, Tử Phác, Phùng Quán ... Hai người tiếp chúng tôi là Phùng Thị và Bảo Định Giang, ủy viên Đảng Đoàn. Anh Phùng Thị là nhân vật chính, nói:

"Vì Mỹ đổ bộ miền Nam và ném bom miền Bắc, chúng ta sẽ có một cuộc kháng chiến gian khổ và quyết liệt kéo dài không biết đến bao giờ, cho nên phải huy động lực lượng toàn quốc để chiến đấu. Chúng tôi theo chỉ thị của Bộ Chính Trị, cụ thể là ông Lê Đức Thọ và thủ tướng Phạm Văn Đồng, anh Lê Đức Thọ nói thế này: "Bây giờ Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật phải chú ý đến anh em NVGP, trước đã bị kỷ luật, bây giờ phải đưa họ trở lại để phục vụ Đảng và nhân dân, vì trong cuộc chiến chống Mỹ chúng ta cần lực lượng toàn dân thì mới có thể thắng và thống nhất đất nước được".

Sau 7 năm kỷ luật, chúng tôi rất mừng. Năm ấy, tôi mới 43, Trần Dần 39, Lê Đạt 36, còn nhiều tiềm năng lắm. Anh Phùng Thị cho biết anh Tố Hữu hiện nay đang đi chữa bệnh ở Đức, chưa biết bao giờ về. Như thế là chúng tôi biết: Vắng ông Tố Hữu; ông Lê Đức Thọ, trưởng ban Tổ Chức Trung Ương và cả thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đồng ý ra chỉ thị phục hồi, đưa chúng tôi trở lại làm việc.

Trong 3, 4 ngày, anh Phùng Thị nói về tình hình đất nước, về chủ trương chống Mỹ và nhiệm vụ của người công dân, văn nghệ sĩ. Sau đó, anh mới nói đến việc phân công:

Anh Phùng Quán không còn ở trong biên chế, vì đã ra khỏi quân đội, chúng tôi đưa trở lại biên chế, sang làm việc ở Sở Văn Hoá trong cụm Văn Hoá Quần Chúng, đi sưu tập văn hoá dân gian; anh Hoàng Cầm về Sở Văn Hoá Hà Nội làm việc với anh Nguyễn Bắc.
Anh Trần Dần xuống vùng mỏ 6 tháng, nhưng không phải đi lao động, xuống để nghiên cứu đời sống công nhân và sáng tác, thời gian này anh có viết được một truyện rất hay.
Anh Lê Đạt lên Phú Thọ để làm công tác kinh tế miền núi. Còn hai anh Tử Phác và Đặng Đình Hưng thì để bên hội âm nhạc sắp xếp, anh Trần Duy do Hội Mỹ thuật lo ... Cuối tháng 8/1965 tôi đến Phòng Sáng Tác Sở Văn Hoá, lúc ấy gọi là Nhà Sáng Tác, có khá đông anh em quen biết, anh Nguyễn Bắc giao cho tôi diễn ca các nghị quyết, chính sách, của thành phố, thành văn vần cho nhân dân dễ đọc, dễ nhớ. Họ có in ra thành tập sách mỏng.

Tháng 11/1965 xẩy ra việc Nguyễn Văn Trỗi bị xử tử. Tôi được gợi ý viết bài trường ca hoặc kịch ngắn để ca ngợi. Lúc bấy giờ tin tức ở từ Nam ra Bắc rất lủng củng, lúc đầu người ta bảo là Nguyễn Văn Trôi, sau chữa thành Trỗi. Một cái tên còn sai như thế, thì các sự việc còn sai lạc đến thế nào, nhưng tôi chỉ biết là người ấy có hành động can trường, làm tôi xúc động.
Đầu năm 1966, tôi làm bài thơ dài "Tiếng gọi của người anh hùng", trong đó không nói đến tên Nguyễn Văn Trỗi và thành tích gì cả. Lúc ấy có một anh tên là Đức, cục phó Cục Văn Hoá Quần Chúng đến yêu đến cầu tôi đọc thơ, mỗi lần anh ấy nói chuyện ở các hội nghị, các đại học, về đề tài Nguyễn Văn Trỗi, để làm gương cho thanh niên.

Anh Đức đề nghị mỗi khi anh diễn thuyết, sẽ nghỉ hai lần, và mỗi lần tôi ngâm thơ, lần đầu tôi ngâm bài thơ của ông Tố Hữu, lần sau ngâm bài thơ nào, tùy ý tôi chọn. Dĩ nhiên là họ không giới thiệu tên tôi, mà chỉ coi như một cán bộ Sở Văn Hoá. Tôi đồng ý. Lúc đó, chúng tôi vẫn chưa được lộ tên thật, anh Phùng Thị bảo phải dần dần độ một năm rồi mới tính.
Tôi ngâm bài thơ Tố Hữu với tất cả tinh thần thì được vỗ tay rất ghê. Đến lần thứ nhì tôi đọc bài thơ của tôi, đọc chứ không ngâm trong 10 phút, tôi thấy cử tọa khoảng 300 người toàn trí thức, kỹ sư, đều im phăng phắc nghe đến hết, không vỗ tay. Lúc sau mới có một phụ nữ lên tiếng: Tại sao một bài thơ như thế này mà không thấy đăng đâu cả.

Tôi phải giải thích vì Sở Văn Hoá chúng tôi sưu tầm trong quần chúng thôi, nên chỉ giữ làm tài liệu chứ không đăng ở đâu. Sau đó hai ba người yêu cầu tôi đọc lại cho họ chép. Đấy là buổi đầu tiên. Anh Đức dự tính sẽ có khoảng 20, 25 buổi khác ở các đại học và nhiều cơ sở khác nhau. Anh hẹn tối hôm sau sẽ đến đón tôi khoảng 7g30. Nhưng anh mất hút luôn. Cuối cùng, không bao giờ gặp lại anh nữa.

Sau này, tôi có trao đổi với Trần Dần, Lê Đạt; thì Trần Dần nói ngay: "Cái bài thơ của mày thì đâu có gì, nhưng tất nhiên là phải báo đến tai Tố Hữu. Nếu mày chỉ ngâm thơ Tố Hữu không thôi thì mày còn đi kiếm ăn được[56]. Mày đưa cái bài thơ của mày ra là mày chết. Không đời nào Tố Hữu dung túng bài thơ của mày bên cạnh bài của nó".

Trở lại việc Phùng Thị, sau khi ông đã xếp đặt công việc cho mọi người được hơn một tháng, tôi lên gặp ông ở 21 Trần Hưng Đạo để khiếu nại về chuyện lương bổng; bởi vì tôi đã đi làm rồi mà hiện vẫn chỉ được lĩnh lương tối thiểu. Ông trả lời: "Việc chúng tôi định phục hồi cho các anh là do ý của anh Lê Đức Thọ, được anh Phạm Văn Đồng đồng ý, lúc ấy anh Tố Hữu đi dưỡng bệnh ở Đức.
Tôi trực tiếp làm việc với anh Thọ, anh Đồng. Tôi bố trí cho các anh làm việc ở đâu thì cứ ở đó. Nhưng bây giờ sự việc khác đi rồi, những điều tôi hứa với các anh: nếu in ấn gì trong vòng 6 tháng, thì chưa được để tên mình, nhưng dần dần rồi sẽ được ký tên thật, sẽ được phục hồi toàn vẹn, không làm được nữa, vì anh Tố Hữu mới về.

Cách đây mấy hôm anh ấy có gọi tôi lên, cũng không gắt gỏng gì cả, chỉ hỏi: "Cái chủ trương phục hồi cho NVGP là chỉ thị của ai? Tôi nói: "Báo cáo với anh là tôi làm theo chỉ thị của anh Lê Đức Thọ và thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đồng ý, vì đất nước bước vào giai đoạn chống Mỹ cứu nước nên cần đến tất cả mọi người. Anh ấy bảo: "Anh làm thế cũng tốt thôi, nhưng anh là người phụ trách trực tiếp thì phải bảo đảm được là các anh NVGP đã có tiến bộ về tư tưởng. Anh lấy cái chi để bảo đảm điều đó?"
Tôi nói: "Thưa anh, tôi chỉ biết là từ 6, 7 năm nay họ đã đi học tập, ở các nơi đều nói họ lao động tốt, không chống đối gì nữa, tôi cho là họ có tiến bộ". Anh Tố Hữu nói: "Cái đó cũng được thôi. Nhưng mà có thể bề ngoài họ làm ra vẻ ngoan ngoãn phục tòng, mà bên trong họ vẫn âm mưu chống lại mình. Nếu họ giả dối, đợi được phục hồi, được giao cho chức vụ này, chức vụ kia, mới quay lại chống phá cách mạng thì anh lấy chi bảo đảm tư tưởng của họ?" Nghe anh Tố Hữu nói thế thì tôi chịu, làm sao tôi dám bảo đảm tư tưởng các anh được? Kể ra thì anh ấy nói cũng có phần đúng, có thể người ta ngoan ngoãn phục tòng mấy chục năm trời để sau này họ phản lại, thì tôi cũng chịu. Tôi bất lực rồi, tôi không làm gì được nữa".

Một tuần sau, tôi xuống 51 Trần Hưng Đạo, chả thấy Phùng Thị đâu. Từ đấy mất hẳn ông Phùng Thị. Có người phao tin: Phùng Thị sở dĩ muốn phục hồi cho Nhân Văn vì ông là chú Phùng Quán. Chỉ biết Phùng Thị mất tăm sau khi ông Tố Hữu ở Đức về. Bị ông căn vặn như vậy thì coi như mất tích, ông tống đi đâu chả biết, cho về hưu hoặc đổi đi xa, sống chết thế nào không biết. Khi Phùng Quán mất, cũng không thấy Phùng Thị đi đưa đám. Ông là chú ruột Phùng Quán.

Ông Nguyễn Đình Thi cho lệnh cắt lương tôi lần thứ nhì. Lần thứ nhất, sau vụ Thái Hà, năm 1958, lương tôi đang 146 ngàn, lúc đó chưa đổi, còn tiền cụ Hồ, ông ký giấy hạ xuống 92 ngàn, mình cũng hiểu. Lần này, 1965, Phùng Thị chuẩn bị cho chúng tôi phục hồi nhưng thất bại, ông Thi lại ký giấy giảm lương tôi từ 92 đồng xuống 60 đồng. Lê Đạt và Trần Dần bị ông cắt hết, không có lương, mỗi người chỉ được trợ cấp mỗi tháng 50 đồng.

Ngay sau 1975, Lê Đạt bàn với tôi: "Tao và thằng Trần Dần mà xin thì khó, nhưng mày có tiếng, lãnh đạo nể, nhân dịp này, mày viết thư cho Trần Độ -lúc bấy giờ là Bí Thư Đảng Đoàn Bộ Văn Hoá, ngang chức thứ trưởng- nhân dịp thắng trận, xin nhà nước phục hồi để xây dựng đất nước." Nghe lời Lê Đạt, tôi viết thư cho Trần Độ nói đại ý như thế.

Anh Trần Độ cử ngay hai người thư ký riêng là anh Huỳnh Ngọc Lý và anh Thanh đến thăm gia đình tôi và cho biết là anh Trần Độ đã nhận được thư của tôi, nhưng hiện giờ anh ấy bận quá vì mới giải phóng, nhưng anh cứ yên tâm, anh Trần Độ rất chú ý đến chuyện này và khi nào phục hồi được cho các anh thì anh ấy sẽ làm ngay.

Thế là chúng tôi chờ, chờ từ 75 đến 82, tôi bị bắt. Trần Độ ân cần như thế mà sao không làm được, thì phải có cái gì nó ngăn trở. Tôi mới nghĩ ra là ông Trần Độ tuy chức cao về văn hoá, nhưng người lãnh đạo tối cao về văn hoá vẫn là Tố Hữu. Ông Tố Hữu lúc bấy giờ là người có vị trí gần như cao nhất trong Đảng, là uỷ viên Bộ Chính Trị, rồi Phó Thủ Tướng. Nhiều nguồn dư luận khác nhau ở trong và ngoài Đảng đều cho rằng ông Tố Hữu sẽ lên làm Tổng Bí Thư thay ông Lê Duẩn nếu ông Lê Duẩn qua đời.

Nhưng ông Tố Hữu không muốn bọn NVGP mọc mũi xủi tăm lên được, ông chỉ muốn tiêu diệt địa vị xã hội của anh và tác phẩm của anh sẽ bị chôn vào quên lãng. Thậm chí chúng tôi nghĩ, những bài thơ hay những gì của NVGP đã bị tịch thu, họ đốt hết đi rồi. Đốt hết để không còn dấu vết gì.

Thụy Khuê

304Đen - Llttm

No comments: