Monday, August 7, 2017

Gói Măng Khô - Tôn Thất Tuệ


Gói Măng Khô
 
 

 

    Khi tôi thực sự đến Quán Chim để chôn chặt cuộc đời bằng đôi chân đất thì Quán Chim không còn chim nữa. Chỉ còn một cây dầu cao khỏng đứng một mình ở góc chợ. Chẳng hiểu vì sao nơi nầy có địa danh như thế, trong lúc tên thật là làng Thái Thiện nằm ngay ở ranh hai tỉnh Phước Tuy và Biên Hòa trong tổ chức hành chánh trước 1975. Đi tắm biển Vũng Tàu du khách thường ghé lại Long Thành mua trái cây, nghỉ xả hơi rồi đi tiếp 25 cây số nữa thì gặp nó. Quán Chim. Trước đây chim đủ loại được chưng bán dọc tỉnh lộ vào ngày cuối tuần; chim đã làm thịt bán từng xâu từng rổ.

Khi tôi đến thì không còn gì nữa, chỉ có những gánh khoai mì chờ đưa lên xe một cách lén lút đem cho dân Saigon cái món sâm của thời cách mạng mới. Nơi đây cũng có máy xay lúa, cả làng phải gánh thóc đến mà chà. Từ nhà tôi đến chợ mất ba cây số.

Đây là nơi quần hội của cả bốn ấp trong xã; người mới đến nhiều hơn người cũ. Có những cô gái đẩy những chiếc xe thồ mà mặc chiếc quần jean nhung màu rượu chát đỏ còn mới nguyên kèm với chiếc áo rách vai vá vội. Có những chàng thanh niên chừng 30 tuổi, chiếc nón lá rách móc vai thưởng ngoạn ly café bít tấc một cách trang trọng như ngày còn ngồi ở Continental hay La Pagode Saigon. Cũng cùng trên những chiếc ghế dài ấy, có cả Năm Ngoãn, Sáu Lô hay Tư Bèo... cho luôn cặp dò lấm bùn lên mặt gỗ, ngồi chồm hỗm theo kiểu nước lụt như muốn chờ ai đến trình xin một chữ ký rồi cười khoái chí vì vừa ban một ân huệ.

Cứ nhìn phố chợ chạy dài chừng 100 mét, ta có thể hình dung sinh hoạt xã hội một cách đầy đủ. Đây là cái thau pha nước và dầu, không bao giờ tan loãng dung hợp nhau. Như ở các chàng thanh niên kia, quá khứ có mất đi chỉ còn đọng lại ở cái nón rách thì nó cũng còn ở nơi cung khách vân vê cái thìa rồi để nhẹ xuống bán. Đó là mới nhìn bên ngoài. Biết đâu bên trong họ còn cả mọi thứ trầm kha.

Một thiếu phụ còn trẻ lắm vói qua bờ rào xé trộm mấy mảnh lá chuối của nhà ai để lót vào thúng rồi trở ra mé đường nhựa. Nơi đó có một bãi phân bò tròn trĩnh như mặt trăng mười bốn, còn nóng hổi như cái bánh đúc vừa đưa khỏi bếp, màu đen như chiếc phèn la dùng trong làng xã cũ. Bà ta nói: "Bầu bí nó thích phân bò", rồi như khóc, nói tiếp:

@******

Nhà tôi đưa cho tôi một gói măng khô. Tôi dục ông đi nhanh, càng nhanh càng tốt, còn không nhỡ như người ta kêu trở lại thì biết làm sao. Mà ông cứ dừng lại, mở cho được cái bao bố lấy cho được gói măng.

- Em ạ, ông nói, cả một gánh măng mà phơi ra còn ngần ấy. Món quà cho em và các con sau bốn năm.

Tôi thương quá mà phát cáu: "Sao anh không ăn đi; phơi cất; nhịn đói".

Nhà tôi ngơ ngác nhìn trời đất như lạ lắm, thỉnh thoảng ngồi xuống lấy cái kẹp tre xỏ quai dép sút vào cái đế bằng vỏ xe. Tôi nhìn chồng tôi. Cả cái khuôn mặt ngày nào chỉ còn lại mấy sợi râu mép đỏ như râu tôm luộc, đỏ như râu bắp. Mấy sợi râu màu hoe như râu Mỹ râu Tây trên khuôn mặt gầy ốm. Những sợi râu đỏ vì thiếu ăn. Những sợi râu chỉa ra như các cần ăng ten của người máy trong các phim khoa học giả tưởng. Những sợi râu màu vàng hung như màu những lát măng khô.

Đường từ trại cải tạo ra bến xe hoang vắng. Những bụi tre nho nhỏ chạy theo hai cây số hương lộ rải đá. Chỉ có những cặp vợ chồng mới gặp nhau sau bao ngày chờ đợi. Ngày trở về, may quá, chồng tôi không què quặt, trở về cọng thêm gói măng khô với mấy sợi râu như râu tôm luộc.

Bỗng nhiên nhà tôi giật cái giỏ xách trong tay tôi, xé cái bao măng lấy ra một tờ giấy. Duỗi thẳng tay ra xa mà đọc vì không có kính, rồi đọc lớn:

Một lời thỉnh cầu tha thiết: xin trao gói nầy cho Nguyễn Thị Lý, 218/3  hương lộ 3, ấp 2, xã An Thái, quận Bình Thạnh, Gia Định. Xin tìm mọi cách trao cho Lý gói này. Lý, vợ tôi, vợ của Võ Thái Hóa. Chữ ký và chữ viết của Lý có ở mặt sau tờ giấy nầy. Đa tạ 1979.

Đó là tờ giấy học trò tôi dùng viết thư cho Hòa. Thư thì viết mấy chữ cho đúng khuôn phép, bảo chồng yên tâm học tập. Tôi bớt sợ chồng tôi bị kêu trở vào trại nên ngồi ở gốc cây cho đỡ mỏi chân. Hòa ngồi bệt xuống đất một cách dễ dàng, duỗi thẳng chân. Quần áo tôi dẫu sao cũng tươm tất, có đôi dép nylon, tôi thấy nhà tôi rách nát quá mà còn để giữa hai chân cái bao bố túm miệng. Rõ là một kẻ ăn mày với mấy sợi râu ngô trông chẳng giống ai. Tôi chợt nhớ có đem theo cái áo sơ mi ngắn tay nên bảo chồng thay cho dễ coi hơn. Hòa cầm cái áo bất động, xếp lại bỏ vào túi xách rồi nói:

- Còn sá gì nữa bà ơi. Mà thay áo giữa đường, người ta nói mình thay hình đổi dạng, thêm rắc rối.

Dạo ấy trời vừa hết mưa. Tre trổ nhiều măng vòi. Tôi đứng dậy hái một nắm đem về ướp chua nấu canh. Nhà tôi vỗ mạnh vào bắp chân và nói:

- Nó to thế nầy. Nhiều lắm nhưng không dễ gì hái. Em tưởng dễ mà bẻ một mụt măng rừng à. Mới nhú ra một tý tụi nó chụp ngay. Người đông như kiến. Của ít người nhiều. Những cây măng gần thành tre còn trèo lên bẻ đọt mà ăn.

Tôi hỏi vậy sao có cả gánh mà làm khô được một gói. Nhà tôi cho biết sáu tháng trước người ta đưa anh và một nhóm nhỏ đến một khu rừng tre phát hoang. Hòa nói:

- Muốn làm khô, phải dùng măng non. Phần già anh đã ăn, ăn phần già lâu tiêu hơn nên lâu thấy trống bụng. Anh nhớ em thường nấu măng khô với bún tàu, với cải tầng ô. Anh sấy chứ không phải phơi nắng đâu. Củi thiếu gì, anh đốt lấy than rồi sấy. Không có mùi khói đâu. Trong rừng rậm, lửa ấm là hạnh phúc mà ngồi trăn trở lát măng cho em cho con thấy ấm lòng không tả.

Hòa đứng phắt dậy chạy lại bụi tre, hai tay nắm chặt vào nhau như đang cầm con dao chém ngang chém dọc cả chục lần, rồi ngã quỵ. Tôi hốt hoảng chạy đến đỡ dậy. Hòa cười:

- Anh vừa diễn xuất cho em một phần nhỏ cái màn đốn măng. Nhiều lúc mệt lã anh nghĩ sẽ chết thật khi tay vói được mụt măng. Cái bụi tre trước mắt em nghĩa lý gì. Tre trong rừng chằn chịt. Thấy nó đấy mà chặt cả ngàn nhát chưa vào được. Gai tre, cành tre thì em biết rất dai. Còn rựa hả? Rựa bọn anh rèn lấy, rèn bằng thứ sắt tệ nhất, bất cứ cọc sắt nào cũng được, đập bẹp, đốt lửa mà rèn. Dao hả, đúng cái dao để đạt chỉ tiêu số cây, số tre đem về nạp. Em cứ tưởng tượng như lấy con dao cùn trong bếp mà cạo râu. Hừ, anh cứ nghĩ có ngày sờ được mụt măng rồi chết luôn cho lá tre rơi xuống phủ kín làm mồ.

Một chiếc xe lôi dừng lại mời. Chúng tôi từ chối vì không có tiền, một phần còn sớm mà đi bộ cũng vui, lâu ngày chẳng đi bên nhau.

- Biết có thể chết vì kiệt sức, tôi nói, sao anh cứ hái măng cho nhiều, phơi khô, sấy khô. Tội nghiệp anh quá. Ăn làm sao cho đành gói măng nầy.

- Măng tre có gì bổ béo, chỉ để cho món ăn có cái gì dai dai cưng cứng. Mà ăn nhiều lại độc. Luộc không kỹ hai nước, ăn vào có thể say mà chết. Măng rất độc, nó làm giảm lượng calci trong người nên mỏi xương lắm. Anh biết chứ. Vào lúc đói thì cái gì cũng ăn. Đó là chuyện thường tình như ăn cỏ ăn lá. Nhưng việc hái măng nó kỳ thú. Anh muốn nói cho em nghe. Anh đã bắt đầu bằng màn diễn xuất hồi nãy ở gốc tre kia.

Tôi thấy mừng vì nhà tôi còn minh mẫn tuy áo quần rách nát, mặt mày hom hem, râu ria lởm chởm. Tôi im lặng lắng nghe:

- Hôm nằm mệt nhừ ở bụi tre, anh thấy mình vô lý. Một calorie vào lúc thiếu ăn rất qúi. Anh đã đổ hết sức lực để đổi lấy một thứ chả cho anh một năng lượng nào. Tính cho kỹ việc nhai măng cũng tốn thêm calorie. Làm một bài tính thì thấy mình thua thiệt. Nhưng anh vẫn xông vào bụi tre, quyết hái cho được mụt măng. Nhiều lần; nhiều lần.

- Anh phơi khô cho vợ, cho con. Em làm khổ anh.

- Không, không phải thế. Em? Con? ồ chỉ là huyễn mộng, không thực như sương núi, không thực như hơi nước. Chỉ là huyễn mộng. Anh còn tệ hơn một thủy thủ đa tình viết thư cho người yêu bỏ vào chai thả xuống biển, em còn tệ hơn cô tình nhân bé nhỏ trên bờ.

Tôi thật ngậm ngùi, bây giờ mới biết tại sao Hòa bỏ vào gói măng khô mấy chữ sau bức thư của tôi, nhờ bất cứ ai trao cho tôi gói măng khô. Nhưng tôi chưa hiểu tại sao Hòa tiếp tục đốn măng. Chồng tôi giải thích:

- Hành động xem như phi lý ấy cho anh biết anh đang còn sống. Có thể nói cho dễ hiểu tuy không đầy đủ, đó là bản năng sinh tồn, cái bản năng làm cho chúng ta lao đầu vào cuộc sống, vào cái sống cho dù quá khổ đau. Ở vào một nơi rất lạ, nơi mọi tư tưởng đều đảo ngược, nơi con người sống như ngoài trọng lực, nơi con người mơ thành con kiến để đi ra đi vào tổ kiến, mơ được thành con mối sống trong tỏ mối ở gốc cây hắn dựa lưng trong rừng, mơ thành trái gì đắng rụng đầy mái tranh trên cái xác buồn hiu, ở vào nơi ấy, ở vào nơi ấy, Lý...

(Nhà tôi không nói nữa. Tôi tiếp tục đi. Bỗng nhiên tôi quay mặt nhìn Hòa. Hòa đang đưa tay áo dơ bẩn chùi má bên trái, má phải vẫn còn một giọt nước mắt đang chảy.)

"Ở vào nơi ấy anh không còn một ý nghĩa nào để sống. Mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một, thân ta rẻ rề. Anh không phải là thiền sư ngồi quay mặt vào tường để gạt bỏ mọi sự ra ngoài trí tưởng. Anh vẫn có hai cảm giác khác nhau khi ăn một miếng thịt và một miếng rau. Anh vẫn còn thương nhớ em khi thấy hai con chim rỉa cánh cho nhau.

"Hành động lăn xả vào bụi tre trong hơi tàn mệt mỏi cho anh thấy mình đang còn muốn sống. Cảm thấy qúi cái thân xác, làm anh bỏ những điều người ta dạy về con người. Lúc ấy anh thấy linh hồn nằm trong bao tử; lòng bàn chân là đầu não vì nó báo hiệu đường có nhiều gai.

"Ồ, cái mụt măng như cái ngà voi, nó nằm sau những lớp gai đan chéo. Nó hấp dẫn, nó tập cho anh trở lại cái tha thiết nồng nàn, tha thiết những thứ tầm thường; đúng, cái mụt măng nó cũng tầm thường trong rừng rậm hay giữa chợ. Anh tha thiết nó như anh tha thiết cái bao tử, mà trong bao tử có linh hồn, có lương tri của con người.

"Những nhát dao anh chém vào bụi tre là những nét đục trên tảng đá, trên khối gỗ để chạm một hình tượng, để vật thể hóa thế giới tâm linh. Anh gục ngã, anh kiệt sức như điêu khắc gia gục ngã dưới chân tượng mình mới khai sinh. Tảng đá ấy, khối gỗ ấy, bụi tre ấy đã được đục đẽo thành một hình tượng. Hình tượng ấy là mụt măng. Ồ mụt măng trắng ngà, to bằng cái bắp chân. Mụt măng ấy chính là anh cũng như hình tượng ấy chính là điếu khắc gia vậy".

Chồng tôi để cái bao bố xuống đất, móc trong túi cái gói nylon, lấy một nhúm thuốc rê rồi vấn trong mẫu giấy báo, ngơ ngác không kiếm đâu ra lửa để hút. Tôi trở về với thực tại để nhớ rằng có đem theo cho chồng một gói thuốc hiệu Đà Lạt và một hộp diêm quẹt. Tôi quên lững cũng như tôi quên đưa cho chồng chiếc áo sơ mi còn khá lành thay cho chiếc áo rách bấn trong tù.

Đằng xa đã hiện ra mấy nóc nhà phố chợ, khu bến xe. Phần còn sớm, phần mỏi chân, bọn tôi ngồi nghỉ, cũng gần một bụi tre bên đường. Mặt khác tôi sợ đường ngắn không đủ cho chồng tôi nói nốt ý tưởng về cái mụt măng, vã lại tôi thích nghe chồng tôi nói, lâu lắm không nghe tiếng nói thân yêu ấy. Đến chợ và nhất là trong xe thì thế giới ấy của tai vách mạch rừng, của thời đại sợ hãi. Hơn bao giờ hết, lúc nầy là lúc "bụi tre có mắt, nồi đồng có tai".

Tôi ngậm ngùi thương cảm nhưng cũng mừng thầm vi chồng tôi chưa loạn trí, ăn nói còn mạch lạc. Con người muôn thuở trong anh vẫn còn, không thích chửi rủa những chuyện vụn vặt. Hòa ngồi trầm ngâm hút điếu thuốc rê, hút xong xé tàn thuốc vứt mẫu giấy và giữ chút thuốc còn lại bỏ vào bao nylon. Hòa vẫn trầm ngâm, quả đúng như cái tên Thái Hòa cha mẹ đặt cho. Từ lúc ra trại đến giờ chồng tôi chưa hỏi về các con, ngoại trừ câu "món quà cho em và các con" khi đưa cho tôi gói măng khô. Tôi mở gói thuốc Đà Lạt đưa cho Hòa một điếu và nhắc khéo bằng cách nói các con xin ngoại gói thuốc đem cho bố. Hòa vẫn ngồi yên, lại vỗ vào bắp chân mà nói:

- Ồ nó to như thế nầy, to như bắp chân, ồ cái mụt măng nó to như bắp chân.

Tôi đâm sợ chồng tôi mê dại, ám ảnh bởi mụt măng trắng ngà mà anh xem như chính anh, chẳng khác bước tượng chính là điêu khắc gia. Tôi vững tâm khi thấy mắt Hòa vẫn sáng, khuôn mặt tuy tiều tụy nhưng không có gì ngây dại, mấy sợi râu bắp ngô vẫn còn linh hoạt như râu con mèo tinh thông. Hòa tiếp:

- Anh thương cái mụt măng, anh nhớ cái mụt măng. Gói măng khô anh để ở đầu nằm. Những đêm không ngủ được anh cầm đưa lên mặt ngửi thấy mùi măng khô, đưa sát vào môi như ôm hôn nhẹ má em. Gói măng khô, người bạn đồng hành trên đoạn đời vô định, quảng đời mà vợ con là huyễn mộng, huyễn mộng không thực bằng gói măng khô để ở đầu nằm. Lý, anh muốn giữ gói măng khô.

Tôi chẳng hiểu gì, đưa mắt nhìn chằm chặp nhà tôi. Hòa đưa đôi tay dụi mắt vừa nói:

- Ra hỏi cổng, anh không còn thấy em là huyễn mộng. Em dục anh đi nhanh, anh đưa em gói măng khô, cái mà anh cho không phải là huyễn mộng để tăng cường điều không phải là huyễn mộng nơi em. Chỉ nửa giờ sau, anh lại thấy em huyễn mộng như bao giờ.

- Anh nói gì? em vẫn yêu anh. Bốn năm anh xa nhà em vẫn chăm lo cho con; nào có thay lòng đổi dạ.

- Không, không phải chuyện ấy. Hồi nãy em bảo anh thay cái áo, anh không chịu. Tại sao? (Chồng tôi đứng dậy, lấy tay chỉ vào ngực mình). Hòa nầy vừa ra một nhà tù nhỏ để vào một nhà tù lớn. Có gì khác đâu mà thay áo thay quần.

Hòa lấy trong túi ra tờ giấy mà họ mới cấp, đọc cho tôi nghe:  Nay chấm dứt thời gian cải tạo trong trại thiếu úy Võ Thái Hòa, số quân (tôi không nhớ) của chế độ miền Nam cũ". Chồng tôi xếp tờ giấy bỏ vào túi nói:

- Họ giữ đầu cán. Họ chơi chữ rất khéo. Em nhớ hai chữ trong trại, nghĩa là còn cải tạo ở địa phương, ở mỏ than Nông Sơn, Hòn Gay, Cẩm Phả ...Ôi huyễn mộng nuôi em từ đây. Ha ha, người ta chơi chữ thì mình làm thơ.

Tôi dục về và xoa dịu Hòa:

- Chuyện gì đến sẽ đến, hơi đâu mà lo. Em xin được miếng đất ở Quán Chim, đất khô chỉ trồng khoai mì. Bán đồ đạt em mua được ba công ruộng hơi xa một chút. Cái chòi tranh nho nhỏ cũng được, anh về kiếm tranh tre nới rộng ra. Gặp thời thế thế thời phải thế.

Trên đường đến bến xe, chồng tôi cứ lẩm nhẩm nhắc đến mụt măng, tôi thực sự ghen tức với vật vô tri ấy. Nửa đùa nửa thực tôi nói:

- Được về rồi, ông cố quên giùm tôi cái bụi tre ấy, còn chỗ mà nhớ giùm tôi, thương giùm tôi. Khổ quá ông ơi.

- Ai lại đi ghen với bụi tre. Anh đã nói với em chính nhờ nó mà anh tha thiết một cái gì trên cuộc đời, nó tập cho anh tha thiết trở lại. Nó nhắc anh nhiệm vụ phải giữ một niềm tin như chiếc thuyền độ mình qua cơn sóng gió.

@

Suốt đoạn đường nhựa gần hai cây số, tôi hoàn toàn giữ yên lặng cho chị Lý kể hết câu chuyện. Tôi chưa hiểu tại sao phân bò lại móc qua gói măng khô nhưng không dám hỏi thẳng. Vừa rẽ vào con đường đất, chị Lý để cái thúng xuống, tôi cũng đặt bao trấu trên vai xuống đất và hỏi khéo:

- Chị đi bán cái gì ở chợ mà đem cái thúng không về?

Người đàn bà duyên dáng ấy cười tự nhiên:

- Sao nói là thúng không? Có bãi phân bò. Nói chuyện quên thấy nó nặng. Bây giờ phải nghỉ mà thở một chút. Đi đâu tôi cũng đem cái thúng không, có gì lượm bỏ vào mang về như hôm nay được bãi phân bò đem về trồng bầu. Các bà đi đâu cũng có giỏ xách, nhiều lúc không có gì phải bỏ bỏ cục đá chẳng hạn cho nặng. Thời nay thì đem cái thúng có khi dùng, cùng không thì cái tay khỏi trống trải. Tôi ra xã đưa cho nhà tôi gói bầu khô. Tôi có ý xem có anh trong đám công tác hay không, mong nhà tôi có người quen, mà không thấy, rồi gặp anh ở chợ. Họ đi rồi.

Chị Lý ra chiều suy nghĩ, có nét buồn, nói:

- Đáng lẽ tôi không đi. Đã nhờ thằng em đi rồi, tôi chạy theo gọi vào. Không biết có sao không mà tôi lo quá. Hôm qua ngoài xã vào kêu nhà tôi công tác mười ngày nông trường huyện ở Bầu Bàn, ăn uống tự túc ba ngày sau đó họ cung cấp. Tôi lấy gói bầu khô treo trên bếp chia làm hai. Một nửa kho mặn bỏ vào keo nhựa, phần kia gói cho anh mang theo, với bốn lon gạo, chai nước mắm. Gói bầu khô để kho với cá, Bầu Bàn họ nói có nhiều vũng cạn dễ tát bắt cá lòng tong.

Chúng tôi đi tiếp trên con đường nửa khô nửa ướt. Nhà chị Lý cùng một lối với nhà tôi. Câu chuyện tiếp:

- Nhà có ba đồng nên chiều qua tôi qua chùa mượn cô trị sự năm đồng để sáng nay đưa cho nhà tôi bỏ túi. Tôi nói tiền mượn nên Hòa chỉ lấy ba đồng và bảo tôi đi trả ngay để các cô khỏi ghi sổ xuất nhập mất công. Tôi qua chùa. Sau khi trả tiền, tôi ở lại giúp phơi mấy thúng cải để muối dưa. Xong việc tôi vội chạy về nhà lo cho chồng đi công tác. Đến nơi, nhà tôi đã đi rồi.

"Trên bàn có cái gói gì bọc giấy báo. Thấy lạ tôi mở ra xem. Đó là gói bầu khô hôm qua tôi bỏ vào bọc nylon. Giữa hai lớp bao bì ấy là mấy chữ nhà tôi viết sau lá thư tôi gởi, tức là tờ giấy nhà tôi bỏ vào gói măng khô tôi nói với anh hồi nãy. Biết là gói bầu khô tôi gói lại, gọi ngay thằng em đem ra xã, sợ chồng tôi không có gì ăn. Nó đi rồi, tôi thắc mắc tại sao chồng tôi lại bỏ tờ giấy ấy vào. Tại sao gói giấy ấy lại còn đó? Cố ý hay vô tình để quên? Nhà tôi linh cảm điều gì chăng? Tôi chụp cái thúng mà tưởng là cái nón, chạy theo thằng em vừa chạy vừa kêu. Tôi muốn gặp nhà tôi. Đến xã tôi chỉ đưa gói bầu khô, tảng lờ như không biết gì bên trong. Tôi cố tránh bối rối cho cả hai. Ít phút sau họ lên xe."

Tôi xoa dịu chị Lý:

- Nông trường Bấu Bàn rộng lắm. Tôi đi rồi, một tháng trước khi anh chị đến đây. Họ cần nhiều người. Biết đâu mai tôi đi đợt tiếp. Nếu đi tôi sẽ cho chị hay. Không có chuyện gì đâu. Tôi nói nhà tôi qua thăm chị và các cháu.

- Cảm ơn anh chị. Tôi bối rối ghê lắm. Gặp bãi phân bò tôi hốt về trồng bầu phơi khô. Gói bầu khô làm tôi nhớ lại gói măng khô. Đang lúc bối rối tôi gặp anh, tôi nói liên hồi để trấn áp sự sợ hãi. Đáng lý nói phần nầy trước thì anh không bỡ ngỡ.

                                            @

Đến lối rẽ vào nhà, chị Lý để thúng phân bò xuống đất. Tôi cũng nghỉ chân. Chị Lý xoay lưng về phía tôi, tay thò vào bụng xắn cái quần đen lên cao. Tôi nhìn xuống đôi chân. Hai gót đầy đặn nhưng đầy những vết nứt theo chiều đứng, những vết nứt làm chỗ cho bùn đen bám vào nổi bậc trên da hồng trắng. Đôi gót chân như hai miếng gỗ có vân.

Nhà tôi đã đứng sẵn ở cỗng cho biết hôm sau tôi đi công tác mười ngày. Nhà tôi có vẻ lo. Tôi nói:

- Anh cũng đoán thế. Sáng nay anh Hòa đã đi rồi. Anh vừa cùng chị Lý ở ngoài chợ đi về. Em qua nói cho chị biết, có gì gởi cho Hòa thì sáng mai đem qua.

Nhà tôi bước đi; tôi nhìn kỹ hai gót chân. Cũng có những vết nứt vì bùn phèn như hai gót chân của chị Lý.-

 

Tôn Thất Tuệ

Cựu SV ĐS 10 QGHC

 Tôi lấy tên Nguyễn thị Lý đặt cho nhân vật phụ nữ đi đón chồng ra tù; người chồng đã trao gói măng khô. Chị Lý kể chuyện nầy khi với hai gót chân đã nứt vì bùn phèn ra xã đưa cho chồng gói bầu khô đem theo công trường như một lần cưởng bách lao động. Lúc viết tôi nghĩ đến Nguyễn Thị Lý, vợ của Hồ Sĩ Mừng, mà đám cưới tôi phụ rể, nhà tôi phụ dâu ở nhà anh Bé (đại tá Nguyễn Bé, Vũng Tàu; trong Trung Tâm gọi nhau anh em). Là đứa con đi hoang lạc lõng, tôi ít khi liên lạc với đồng môn. Địa chỉ nầy đến với tôi, khi cần một chi tiết nhỏ ghi trong web mauthan68. Tôi mới biết Hồ Sĩ Mừng, khóa đốc sự 15, được sống yên với gia đình ở Houston và ra đi ngày 23.5.2013. Khi ở tù ra tôi được nhà tôi cho biết Lý có đến nhà đối diện là nhà mẹ vợ của thiếu tá Cẩm, em ruột của đại tá Bé, xin địa chỉ của chú để thư từ thăm nuôi. Hai người vợ lính nầy gặp nhau hồi đám cưới 1973 mãi cho đến lần nầy rồi lưu linh lưu địa, trầm luân. Căn nhà Lý ghé lại đã biếu cho chính quyền để cho tôi được về, nên mất đi cơ hội nhỏ nhoi để biết tin về Lý. E chừng hai mợ ni trong tiền kiếp đã là hai chị em.

Tôi chỉ biết anh Bé chết khá sớm sau 1975. 1984, tôi đến Mỹ thì nghe anh đã chết và người phó trước kia trung tá Thiệu cũng đã lìa đời. Nhưng "đời" (trong ngoặc kép) đã phê phán khá nặng là làm nhụt chí trở lại cố quốc vì anh đã có lần khuyên bà con tạo dựng cuộc sống mới, tạm nhận nơi đây thay chốn quê nhà. Lúc ấy phe mình rất lý tưởng, lớp người qua trước đã đủ năm năm lưu trú mà xin nhập tịch, nhưng dấu nhẹm như mèo dấu. Bây giờ thì "đời" đã khác, tiếp tay phá nát ngôi nhà xưa. Nhà tôi cũng tuổi Mậu Tý như Mừng. Vợ chồng tôi vô cùng thương mến Lý. Truyện ngắn Gói Măng Khô  mang rất nhiều suy tư và tâm thức của tôi; nhân vật chính kể cho vợ nghe giữa thời tao loạn. Tôi sẽ gởi bài nầy nhờ các anh đăng để người thật và người trong truyện đối chứng những đau thương đời người.

Viết từ vùng núi Georgia USA, 30.07.2017

TTT
304Đen - Llttm

 

No comments: