Monday, March 20, 2017

Chạy Lũ Lụt - Dư Thị Diễm Buồn


 

CHẠY LŨ LỤT

 “Oroville Dam Emergency Spillway”

 



 

Mấy năm qua tiểu bang California bị hạn hán, Chánh phủ luôn nhắc nhở dân nên dùng nước kỹ lưỡng, không cho chảy tràn lan ra ngoài, hoặc để vòi tự động tưới cây kiểng nước chảy hoài không tắt... Cẩn thận vòi nước tắm, rửa chén... cũng không cho chảy mạnh, chảy mà không làm gì sẽ hao tiền trả, và tốn nước vô ích... Trong gia đình có bao nhiêu người thì dùng ở mức độ nước ấn định của Chánh phủ, nếu dùng nhiều hơn sẽ bị cảnh cáo... Nghe nói vài nơi dùng nước quá chỉ tiêu còn bị phạt nữa (?) Nói tóm lại vì California bị hạn mấy năm liền, nên mọi người phải tiêu dùng nước hạn hẹp hơn những năm trước...

Vùng đất vàng California nổi tiếng có bầu trời trong xanh như bích ngọc, vừa cao, vừa rộng bao la bát ngát và nhứt là nhiều nắng hơn mưa... đã khiến cho người ta tín ngưỡng. California có nắng lưu ly, nắng vàng, nắng lụa, nắng thủy tinh, nắng quái (nắng chiều), nắng sương “Vóc bồ liễu e dè gió bụi/ Đóa anh đào sợ hãi nắng sương” ý là ban ngày và ban đêm (nói lên sự cực khổ) “Quản bao khổ nhọc, nắng sương dãi dầu” Dù ai nghĩ sao nói sao đi nữa... nhưng nắng California rất thích hợp, ưu đãi không bị ăn nắng và còn tăng thêm làn da mịn màng cho nữ phái.

Thời tiết California ôn hòa có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Có nhiều hoa màu và cây trái xứ nóng mà nhà dân nào cũng có thể trồng được dễ dàng như: Bưởi Biên Hòa, bưởi ổi, cam hồng mật, các loại chuối, quit đường trái to bằng cái chén ngọt lịm, các lọai mận, mãng cầu, lôm chôm... California dễ tìm việc làm, mặc dù tiền lương không cao. Nhưng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” ông bà thường nói vậy không phải sao! Tiểu bang California thiên thời địa lợi, cho nên vùng đất nầy hấp dẫn, quyến rủ thu hút dân Á Châu đến sanh sống càng ngày càng đông, khiến California càng ngày càng phồn thịnh hơn lên...

Sau khi nước Việt hoàn toàn rơi vào tay Công sản ngày 30 tháng 4 năm 1975, dân miền Nam đã liều chết ùn ùn bôn đào với nhiều hình thức, như là: Dùng thuyền chài vượt biển Đông, đi đường bộ qua các nước lân cận như Miên, Thái, Lào... làm nhịp để qua các nước xa xôi khác có vạn ngàn hải lý, vĩ tuyến, và kinh tuyến... Sau nầy dân Việt Nam qua Mỹ đi bằng máy bay theo diện con lai, H.O, bảo lảnh gia đình, cưới vợ, gả chồng, du học, đủ mọi hình thức để rời khỏi Việt Nam... Nếu được vào nước Mỹ, thì đại đa số người Việt đều thích sống ở vùng nắng ấm, nhứt là California, Texas, Florida...

“...Nếu quý vị lọt vào vùng Bolsa ở Westminster của tiểu bang California thì tưởng chừng như chúng ta ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định... của Hòn Ngọc Viễn Đông yêu dấu ngày xưa thân ái. Khi ra đường quay qua quay lại đều gặp người Việt, hàng quán, bưu điện, bệnh viện, cảnh sát, ngân hàng... nói tóm lại nhân viên trong các công tư sở... đa số đều là người Việt Nam. Mà có lần ở chợ Mỹ, tôi đứng phía sau, nghe hai phụ nữ nói tiếng Việt với nhau nơi quầy trả tiền... Bà Mỹ xồn xồn đang thu tiền vui vẻ than thiện cười bảo: “Hai bà đến từ nước nào... mà lời nói êm êm, và có giọng ngọt ngào, thanh thoát như chim hót vậy?” Nhưng ở Little Sàigòn nầy về truyền thông như đài truyền hình, đài phát thanh 24/24 giờ phát ngôn nhân là người Việt, nói tiếng Việt đọc chữ Việt... Từ tin tức, giới thiệu, văn nghệ... đều là tiếng Việt. Những quảng cáo trên đài truyền hình đài phát thanh ra rả tối ngày sáng đêm... Họ nói mạnh, nói lớn, nói nhanh như gió, nói chan chát... nghe mà đinh tai, điếc óc... Chớ không nói chậm rãi, hoặc êm đềm nhỏ nhẹ để giới thiệu hàng hóa, để gọi mời gọi khách hàng... như bà Mỹ già khen nói tiếng thanh tao như chim hót đó đâu. Ra khỏi nhà thì trên, dưới lầu, hoặc bên nầy bên kia... máy hát, eo éo, vang vang... bằng tiếng Việt cả ngày lẫn đêm. Lên xe thì nhạc Việt xưa, và nhạc nay ì xèo, rổn rảng... Thiệt tình nghe thấy riếc rồi muốn chóng mặt và hai cái lỗ tai già kêu gào thảm thiết muốn bịnh quá đi thôi...”

Đó là lời tâm sự “lên khơi tận đáy lòng” không mấy được thoải mái của phu quân tôi, lần đầu tiên đến Nam California vùng đất hứa để tìm hiểu sự tình. Mới đến đây có bốn ngày thôi, chúng tôi viếng thăm cái vùng đất được đồn đãi khắp quả địa cầu... cái nơi có cây cỏ lá hoa, rau, cải, trái cây... đại da số phát xuất từ Châu Á. Có nhiều đồng hương người Việt, mà ông chồng tôi hằng mong được ở gần để dễ cảm thông vì là những đồng hương, những người cùng ngôn ngữ, phong tục, tập quán vv và vv... Mà ổng đã nghĩ là sẽ có một cuộc sống an ổn, êm đềm suốt quãng đời còn lại ở tuổi về hưu... Ý tôi muốn nói là ông chồng tôi tìm đến vùng đất miền Nam California để xem xét sự tình trước khi dời đến ở nơi nầy dưỡng già sau khi nghỉ hưu trí...

Mấy ngày liền chúng tôi được vợ chồng đứa cháu đưa đi viếng cảnh vật ở Nam California xem cảnh nầy, thăm cảnh kia, chùa, nhà thờ và có dịp dự một vài buổi hội họp của người Việt trong vùng. Chúng tôi đi thăm ngôi chùa Đài Loan xây cất đại quy mô trên ngọn đồi... California thật sự có cây xanh, lá thắm... đặc biệt có nhiều loài hoa, nhứt là hoa phượng: Huỳnh Phượng, hồng phương, bạch phượng, thanh phượng, lam phượng, phượng đỏ... Vào buổi bình minh bầu trời California cao rộng bao la, trong vắt xanh biếc màu ngọc bích... lưng chừng, hoặc cao hoặc thấp hơn công thư sở, mái nhà... thanh thoát rợp màu hoa phượng tím...

Cảnh sắc hiển hiện khiến cho California thêm cao sang, thêm đẹp lòng người... và không làm sao khỏi xao xuyến, bâng khuâng... cõi lòng của những ai có tâm hồn thi nhân. Ngoại cảnh thiên nhiên nơi đây, riêng tôi cảm thấy na ná giống một vài cảnh sắc khang trang, yên bình có nắng hiền hòa, có gió phơi phới mát rười rượi ở miền Nam Kỳ Lục Tỉnh... nơi cố hương mà có lần tôi đã được đi qua!

Chỉ vậy thôi cũng khiến cho tâm hồn tôi xao động, và cảm thấy như mình trẻ trung lại. Thì đừng nói chi các món ăn ở cơm hàng cháo chợ... vừa rẻ lại vừa hợp khẩu vị quá chừng chừng đi thôi! Phải thật lòng mà công nhận rằng: ngoài nước Việt Nam (tôi muốn so sánh ở cái thuở xa xưa trước tháng 4 năm 1975) kìa. Từ Âu sang Á những nơi chúng tôi đã viếng thăm như Nhật, Thái, Miên, Pháp, Đức, Anh, Bỉ, Hy Lạp... chưa có nơi nào nấu ăn hợp khẩu vị, mà vừa ngon lại vừa rẻ như ở phố chợ ăn hàng quán ở Bolsa và các vùng lân cận (Nam California). Chúng ta có thể ăn tại chỗ, hoặc mua về nhà ăn... Khỏi phải hỏi, nếu dời về sống ở California tôi rất hài lòng sẽ chọn ở miền Nam vùng Bolsa của tiểu bang nầy là cái chắc... Nhưng phu quân tôi khi nghe vợ bảo, hai tay ông quơ quơ và lắc đầu nguầy nguậy viện cớ:

- Về California có thời tiết tốt được rồi, nhưng làm ơn tìm vùng khác đi. Xa vùng quá đông đồng hương, xa chợ một chút cho tôi nhờ... vì mình có làm ăn buôn bán đâu mà ở gần chợ...

Tôi vừa ngạc nhiền vừa nhìn chồng cười lớn, lí lắc:

-  Nè, tôi nhớ ông thích sống gần người cùng tiếng nói dễ cảm thông mà... giờ bộ đổi ý không muốn ở vùng đông đồng hương nữa sao xếp?

-  Em không thấy ở nhà vợ chồng thằng cháu từ sáu giờ sáng đến gần mười giờ đêm lúc nào cũng nghe truyền hình radio quảng cáo ong óng sang sảng các loại hàng hóa, thuốc men, bảo hiểm, bán, mua nhà... Chưa kể kể bên nhà thờ con chiên đủ giọng Nam, Bắc, Trung ồn ào, vui vẻ... Và vừa bước ra khỏi nhà thì hàng xóm biết ngay “cái mặt bơ bơ Tu Ếch đi Sài Gòn” của mình... Họ thân thiện chào hỏi rập khuôn, nào là: ...Ở tiểu bang nào tới, làm gì, về đây đi, người Việt đông lắm khỏi sợ buồn, khi hậu tốt lắm... con cái mấy đứa, làm gì, ở đâu... Thôi em làm ơn đi, ở nơi nầy tôi mệt thêm chớ nghỉ hưu yên tịnh cái nỗi gì! Đó chỉ có êm đềm trong ý nghĩ để em tìm nguồn hứng mà viết thôi... chớ chẳng êm đềm cho tôi chút nào hết!

Bị chạm nọc, bởi ông móc ngoéo “tâm hồn lắng động nghe cái tỏn” của mình! Tôi trợn mắt định cự lại, nhưng thấy mặt chồng nhăn nhó có vẻ khổ sở lắm lắm... nhịn không được tôi cười xòa, bảo:

-  Thôi được rồi, ai bắt mình phải dời qua đây ở đây bao giờ! Dù có muốn cũng chưa chắc được vì nhà mắc quá... làm sao sống nỗi với lương hưu trí đây? Nhưng dẫu có không vừa lòng cũng ráng bấm bụng chớ đừng móc ngoéo đến niềm vui của người khác... thì mít lòng lắm đó nghe xếp!

 

Trời không phụ kẻ có lòng, năm sau đó con gái chúng tôi ra trường về nhận việc ở tiểu bang California. Đưa cháu đến nơi để đi làm, tôi ở lại bốn  ngày, khi trở về tôi kể lại cho chàng nghe:

-  Làng Yuba City nằm hướng bắc của tiểu bang California, đến vùng chợ búa của người Việt khoảng một giờ lái xe, và ba giờ đến thành phố San Jose, và cách Bolsa khoảng bảy giờ lái xe. Dân số Yuba City khoảng ba mười bốn ngàn (34.000) người theo thống kê năm 2004. Ở đây dân sống bằng nghè nông, trồng cây ăn trái đặc biệt có hãng xấy khô trái cây Sunsweet không những nổi tiếng ở nội địa, mà còn sản xuất khắp nơi trên thế giới. Làng nầy còn là vựa lúa của tiểu bang và nước Mỹ, có nhiều sông, ruộng đồng bao la... dọc hai bên đại lô 99. Về mùa lúa có khi đồng xanh mạ, có khi đồng lúa nếp chín vàng... hết mùa lúa họ lên vồng trồng rau, cải, bắp khoai... Đặc biệt trồng cây hoa hướng dương (sunflower) nuôi ong lấy mật, và lấy hột hướng dương dùng chế các loại dầu trong kỹ nghệ... YuBa City rất ít người Việt Nam, người bản xứ đa số dân da đỏ thích lên núi săn gấu vào mùa đông, câu cá... Họ sống gần gũi với gia đình, rất hiền lành, lịch sự và hiếu khách...

Cảnh sắc làng Yuba City trong tôi như vùng đầt miền Hậu Giang. Con đường dài chừng năm mươi cây số, trên xa lộ 99 từ phi trường Sacramento về trung tâm thành phố, có những khoảng ruộng lúa, lác đác những cánh cò trắng bay loang loáng dưới nắng bình minh như từ Xa Cảng Miền Tây về Bắc Mỹ Thuận. Có những chiếc cầu đá bắc ngang dòng sông nước trong xanh lửng lờ, như trên quốc lộ bốn chúng ta ngồi xe đò qua Vàm Cỏ Đông, Vàm cỏ Tây... phần đất của tỉnh Long An nổi tiếng nước phèn quanh năm. Nhưng trên sóng thiếu bóng dáng những chiếc đò thả lửng lờ trên dòng nước, thiếu những chiếc xuồng bơi, ghe chèo qua lại của thôn dân... Ôi, cố hương ơi, nhớ sao là nhớ!

 
Vào ngày đẹp trời đầu tháng 4 năm 2004, gia đình chúng tôi rời xa Thành Phố Gió (Illinois) đến nhận Yuba City thuộc địa phận California, làm quê hương thứ hai của mình!
Đã mấy mươi năm ở miền lạnh lẽo, gần như nửa năm tuyết phủ giá rét lạnh lùng! Ngày từ tạ chốn xưa, khi phi cơ cất cánh đảo mấy vòng trên vòm trời Chicago đất lạnh tình nồng! Rồi Thành Phố Gió và cả vùng trời đầy kỷ niệm đang có thời tiết u ám, mờ mịt mưa bay... xa dần, xa dần trong tầm mắt tôi. Tôi cảm thấy lòng bồi hồi, nao nao, như mất mát một thứ gì đó khó mà hình dung được! Từ máy CD nhỏ (bỏ túi) văng vẳng bên tai giọng hát đặc biệt nhẹ nhàng, đong đưa, êm ái, lả lướt, bay bổng... của cố ca sĩ Thiếu Tá Không Quân, Sĩ Phú “...Anh biết chiều nay em anh buồn lắm.../...Đã hẹn nhưng chẳng thấy bóng anh sang.../... Đây áo bay màu xanh xanh như tình ái.../ Thắt lại khăn ấm chính em đan/ Khi gió quay cuồng sau cánh bay /Con tàu thét gầm cho tim ngất ngây/ Phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên/ Ngả nghiêng cánh chim /Con tàu sẽ rời, rời xa thành phố rồi/ Mây giăng thật thấp/ Mây đan lụa trắng/ Mây pha màu nắng...” Tiếng máy nổ lụp bụp rè rè của phi cơ như xé không gian, càng lúc càng bay vút lên cao! Tôi nhắm mắt dưỡng thần, và đắm hồn trong bản nhạc “Tuyết Trắng” của cố nhạc sĩ, ca sĩ tài hoa“Nhật Trường-Trần Thiện Thanh”. Đây là một trong những bài tình ca về lính Việt Nam Cộng Hòa, có lời ca ngọt ngào, mượt mà, trữ tình... đã đi sâu vào lòng người dân Việt mộ điệu ở mọi từng lớp...

Thời gian qua mau, mới đó mà chúng tôi đến đây đã mươi mấy năm rồi còn gì! Yuba City cho chúng tôi nếp sống thật an nhàn, thoải mái... Và vợ chồng già chúng tôi giờ đây còn có hai nhân sự nhỏ bé (hai nụ hoa nhỏ) một gái một trai thật kháu khỉnh... Hai đứa cháu ngoại là tâm can bửu bối của vợ chồng già chúng tôi đó đa!

Tiểu bang California nói riêng, và các tiểu bang khác nói chung dân Việt Nam mừng đón Tết Nguyên Đán mỗi năm thật rộn ràng, rải rác từ tháng một cho đến cuối tháng hai dương lịch (năm mới) ở các thành phố đông người Việt như là: Hội Tết sinh viên, Hội Tết Cộng đồng, San Jose, Sacramento, San Fransico, Stockton... (ở hai miền Nam, Bắc của California).

Mấy năm trước nắng ráo đẹp trời nên hội Tết ở xứ người đông và nhiều sắc thái tươi vui, đầy đủ vật chất hơn Tết ở quê nhà. Dù cho xuân nơi đây có cao sang, tươi đẹp, dư thừa vật chất đi nữa, nhưng trong tâm hồn kẻ tha hương cũng không khỏi xao xác khi hồi tường xuân xưa.

 “.....................................

Xuân nơi đây có tiếng lòng nức nở!

Tiếng thở dài trong héo hắt nhớ thương

Có nỗi lòng của những người xa xứ

Đón xuân về hồn thổn thức bâng khuâng

..............................................................”

 Đã mười ba năm kể từ khi gia đình dời về vùng đất ấm nầy. Đã có mười một (11) lần chúng tôi cũng đi dự hội chợ Tết của sinh viên ở Nam California. Hội Tết Sinh viên năm nào cũng như năm nào, người Việt từ các nước trên thế giới đến đây đón Tết, mừng xuân, và gần đây còn có cả những người từ Việt Nam sang dự Hội Tết, trong dịp họ qua thăm gia đinh ở nước Cờ Hoa nầy.

Ba ngày hội chợ khách vãng lai lên gần hai trăm ngàn đến thưởng ngoạn du xuân. Nên hội chợ Tết Sinh Viên ở Nam California tưng bừng với nhiều sắc thái vừa trang trọng, vừa thắm tươi phơi phới, trong nắng đẹp và thời tiết lên đến 75 đô F vào chánh mùa đông năm nay 2017. Những tà áo dài, áo ngắn của các mệnh phụ, các thanh niên nam nữ trong tuổi hồng Nguyên Đán, trong Hội Tết tô cho xuân đượm thêm những sắc màu kiêu sa, lộng lẫy...

Sau ba ngày Hội Tết ở Bolsa năm nay (2017), chúng tôi trở về nhà trên dường dài hun hút... Xe chạy về quá nửa đường, gần đến địa phận Sacramento (Thủ Phủ California) thì mưa rơi ào ạt, mưa rơi lả tả, mưa rơi rỉ rả, mưa rơi lê thê... mưa rơi trên suốt quãng đường còn lại... đến nhà.

Phu quân tôi tù túng vì ngồi lâu, vì mưa vì mưa gió rạt rào, có vẻ bực bội, ông chép miệng lên tiếng càm ràm:

-  Ở miền Bắc California năm nay mưa nhiều quá, mưa cả hai tháng! Nay đã qua Tết rồi mà cũng vẫn còn mưa, khiến chợ Tết ở Sasramento phải dời đến hai ngày cuối tuần vào ngày 11, 12 tháng 2 năm 2017, thay vì tổ chức ngày 4, 5 tháng 2 như đã định! Thiệt là mưa thúi trời thúi đất như vầy thì có hàng quán nào mà đón xuân thưởng Tết, khách nào có can đảm dầm mưa đi dự hội chợ mừng xuân... Mưa nhiều quá chắc là năm nay mấy ông nhà nước không kêu gào thiếu hụt nước, hạn chế dùng nước nữa... Để cho dân chúng tha hồ tưới cây, tưới cỏ...

Tin tức dự báo thời tiết cuối tuần, vào ngày 11 và 12 tháng 2 năm 2017 đẹp trời, nắng ráo. Thế là hội chợ Tết của người Mỹ gốc Việt Vasco ờ Sacramento được tưng bừng tổ chức như mọi năm. Hội chợ nào cũng vậy nhờ vào nhiều hàng quán và quảng cáo, để có ban tổ chức có tiền mà mở hội chợ. Góp của nhiều nhứt vẫn là các cơ quan thương mại, casino... trưng bày và quảng cáo rầm rộ về các mặt hàng của bổn hiệu mình... Cùng các đoàn thể thiện nguyện y tế, thương phế binh, các lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo, có: chùa, nhà thờ, hội Thánh Tin Lành, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài...

Năm nay Sacramento mừng Tết Nguyên Đán Đinh Dậu trể gần 20 ngày sau Tết nên chúng ta không thấy gian hàng bán: hoa, trái, cây, kiểng... như mọi năm. Để cho hồi ức kẻ thưởng xuân mừng Tết được gợi nhớ thời đã qua, và sống lại tuổi thanh xuân ngọt ngào trong những Tết của quê hương trong thuở thanh bình biển lặng sông trong của Việt Nam vào thời Đệ Nhứt, Đệ Nhị Cộng hòa:

“...........................

Chợ hoa em bán ngày cuối năm

Người thưởng hoa mỗi lúc một đông

Em giữa ngàn hoa khoe sắc thắm

Không thắm bằng em thoáng thẹn thùng...”

Bây giờ nơi hải ngoại, đại đa số người Việt tha hương đón xuân:

 “..............................................

Xuân nơi đây thiếu thiêng liêng ấm cúng

Thiếu cây nêu, lá phướng, trống lân mừng

Thiếu cả những lời chân thành chúc tụng

Thiếu vị hương xuân thắm thiết mặn nồng

...................................................................”

 Có lẽ Sacramento ảnh hưởng thời tiết và  hội Tết muộn, nên năm nầy mặc dù gặp trời nắng đẹp thời tiết ấm áp nhưng trong hai ngày mừng xuân Đinh Dậu vẫn ít khách vãng lai hơn những năm trước.

Hội chợ Tết đông hay thưa người thì gần như ỏ đâu cũng vậy, những hàng quán được khách thưởng xuân chiếu cố, đắc hàng, và đến đông nhứt vẫn là các quán ăn đúng với câu “Dĩ thực vi tiên” mà. Chúng ta từ sanh ra cho đến bây giờ ngày nào cũng ăn ít nhứt là hai ba lần... vậy mà đến hội chợ chỉ vài giờ mà hàng quán ăn uống nườm nượp người đứng sắp hàng dài... chờ mua thức ăn! Các nơi chơi bầu cua, lúc lắc, gem (games)... gian hàng cho quà biếu casino...

Những gian hàng buồn tẽ, ế ấm nhứt ở hội chợ mà  người đi ngang chỉ liếc mắt nhìn nhiều hơn dừng lại thưởng lãm... đó vẫn là những gian hàng Văn học nghệ thuật và Văn hóa phẩm của người Việt lưu vong, như: tranh, ảnh, cắm hoa... sách, báo ngày, nguyệt san, bán nguyệt san, tam cá nguyệt...

Mặc dù vậy, nhưng hội chợ nào cũng có lai rai những người còn chịu đọc sách báo... Bởi đó là việc hết sức bình thường: Đọc cuốn sách người ta có thể học biết được điều hay, lẻ phài, mở rộng sự hiểu biết, kiến thức... và cũng trong quyển sách sẽ khiến cho người đọc tránh được bịnh lẩn quên lãng trí (Alzheimer). Cũng trong sách vở, cảm nghĩ trong tâm tư ta sẽ trào dâng vui, buồn theo từng hoàn cảnh... Họ hiểu và nghĩ rằng: sách, báo là món ăn tinh thần, mở mang kiến thức... trong nhà mà thiếu một trong những món ăn tinh thần, như là: nhạc, hoa, sách, báo, tranh, ảnh... thì không khí sẽ thật tẻ nhạt vô cùng!  

 Chiều nay cuối ngày hội Tết ở Sacramento, mới có 3giờ 30 chúng tôi về nhà sớm hơn mọi năm. Trong khi Hội Tết còn đang thi hoa hậu và nhiều chương trình đặc biệt vui tươi , ca hát khác... cho đến bảy giờ mới bế mạc hội chợ Tết Nguyên Đán đón mừng năm Đinh Dậu.

Về đến nhà tôi nấu nồi cơm, để ăn uống, nghỉ ngơi... mai là thứ hai sẽ tiếp tục công việc mỗi ngày như mọi ngày... Cơm vừa báo hiệu chín thì chuông điện thoại từng chập reo vang... Đầu dây điện thoại bên kia như lạc giọng lẫn âu lo... con gái tôi ngập ngừng bảo:

-  Con đây mẹ, ba mẹ mới về chắc mệt lắm... ăn vội chút gì đi và để vào giỏ xách đem áo quần... mặc đôi ngày, và những gì quý nếu chưa gởi ngân hàng thì đem theo... Cảnh sát ra lệnh nên dời đi khỏi làng ngay vì đập nước lớn ở California nếu không lấp được lỗ hỏng thì sẽ có thể bể... và sưc nước sẽ chảy rất nhanh tàn phá làng nầy... Chừng 30 phút nữa chúng con qua rước...

Mắc điện thoại lên, tâm tư tôi hết sức hoảng loạn, lo lắng... Cái tin gọn nhẹ, nhưng với tôi như sét đánh! Vì từ sau chuyến bôn đào thừa chết thiếu sống vượt biển, với gia đình chúng tôi tính đến nay cũng hơn bốn mươi năm rồi! Đến xứ tự do nầy không còn lo sợ chi nữa cả... bỗng dưng lại chạy nước lũ lụt có thể sẽ tràn dâng cao đến mái nhà! Sức nước sẽ ào ạt ầm ầm, đùng đùng, cuốn xoáy, thét gào... tàn phá hết mọi chướng ngại.

Phu quân tôi từ biết tin đến giờ, không hỏi han hay nói nửa lời. Vốn đã ít nói, mặt ông đầm đầm lại còn lặng thinh... khiến tôi vừa lo lại vừa sơ... nhưng vẫn không biết mình đang lo gì, và sợ cái gì? 

Hai chiếc xe con tôi ngừng hẳn trước nhà... tôi vọt miệng:

-  Tại sao không dùng một chiếc thôi mà phải chạy hai chiếc...

Thằng rể tôi, vừa mở cóp xe để đồ lên vừa bảo:

-  Thưa mẹ, nếu mất mấy thứ ở nhà... mình cũng còn được hai chiếc xe để làm chưn...

Ông chồng tôi lên tiếng:

-  Giờ mình đi đâu đây?

-  Con đã gọi gần hai mươi khách sạn khỏi vùng bị nước tràn ngập... nhưng không có nơi ào trống cả!

Bỗng điện thoại cằm tay vang lên, đó là cô em gái cách nhà chúng tôi khoảng 100 cây số... bảo xuống nhà cô tạm ở tránh lụt có thể xẩy ra! Rồi cô em dâu cách chứng 50 cây số (gần hơn nhà cô em gái), mà hàng ngày chúng tôi có dịp đến mà xe chạy nhiều lắm thì chừng 40 phút lái... Chúng tôi chưa quyết định sẽ ở đâu... khi những nơi công cộng của Chánh phủ như: trường học, nhà thờ... kho hàng lớn của tư nhân... ở ngoài vùng lũ cho những người đi tản tá túc... đã được chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ như nước uống, mền, gối, đồ dùng giữ ấm như mền, áo dầy thức ăn liền... có thể giúp thực tiễn... Dân nơi đó và những thiện nguyện viên, đã túc trực hướng dẫn cho xe chạy lụt những đường để đến nơi an toàn...

Xa lô 99 là con đường huyết mạch của làng Yuba City, và các làng lân cận đưa đến các con đường lớn khác đi khắp các tiểu bang Mỹ... Trên dưới gần 188.000 “người di tản buồn” trên các loại xe... nên xe nầy nối tiếp xe kia chỉ nhít bánh (chạy được chừng 20 cây số/1giờ...) Nhờ bạn bè đi trước đang bị kẹt xe gọi báo cho biết... nên rể tôi len lỏi chạy tắt các đường nhỏ trong làng ra đến xa lộ 99 để đến nhà cô em dâu chớ xe quá nhiều không thể đi xa hơn được.

Bịnh cũ tái phát, vì cứ mỗi lần xe ngừng, cà nhít cà nhít thì tôi bị nôn ói mà không ói được, cho nên mới khó chịu và khổ sở vô cùng! Bởi lúc xưa mỗi lần đi xe hơi tôi hay bị chóng mặt và dể bị ói... còn đi máy bay thì thảm hại hơn! Máy bay bắt đầu cất cánh rời phi trường nầy cho đến phi trường kia, muốn ra khỏi máy bay tôi phải ngồi xe lăn hoặc có người kè mới đi nổi! Từ ngày đến xứ người mỗi lần đi đâu phương tiện dễ dàng và gọn nhứt là xe... Năm khi mười họa đi xuyên bang chín mười giờ lái, hoặc xa hơn nữa như ra nước ngoài... thì mới di chuyển bằng phi cơ. Nhưng dần dà rồi quen, tôi đi xe không chóng mặt và bị ói nữa và đi máy bay chỉ bị ù tai, và dật dờ vài tiếng đồng hồ thì hết, hoặc trước khi đi uống viên tylenol thì tránh được cái thứ khó ưa dễ ghét say gió say sóng đó hay hoành hành khiến cơ thể tôi suy yếu, dễ bị choáng váng mặt mày, hồi họp trái tim, xót xa con mắt... và nôn ói từng chập... thiệt khổ sở vô cùng!

Chạy cà rịt cà tang vậy mà xe chúng tôi an toàn đến nhà em dâu lúc 11. 30 đêm (khởi hành từ nhà là 5 giờ 40 chiều.../ Phải mất hơn 5 giờ thay vì hàng ngày chừng 40 phút).

Ở đâu không biết, chớ khoảng thời điểm chạy trốn lụt đó, trên xa lộ 99 xuyên qua làng Yuba City và các làng lân cận dầy đặt xe là xe. Xe lớn xe nhỏ, xe nào ít nhứt cũng có năm bảy người, già trẻ bé lớn đều có... Xe quả thật là quá nhiều, nối đuôi nhau chạy quá chậm... nhưng trong lòng hầu hết mọi người chạy lụt thì đều âu lo, sợ sệt... Riêng tôi sau ngày mười ba tháng năm, cho đến ngày 27 tháng năm, năm 1979 (13 đến 27 tháng 5 năm 1979) đó là ngày tháng bôn đào vượt biên, lênh đênh trên biển cả với nỗi lo sợ hãi hùng... trên đường bôn đào trốn chạy Cộng sản bỏ quê hương! Và giờ đây sau mấy mươi năm an bình, tự do nơi đất khách... nay mới gặp lại thiên tai phải chạy! Người Mỹ tôi muốn nói “đa chủng quốc” sống ở nước Mỹ, đại đa số đã thức thời theo đà văn minh, tân tiến, họ lịch sự, học hỏi điều hay, lẽ phải, kiến thức, trí thức... đời sống cao, dân trí cao.

Trước mắt biết bao nhiêu xe nối dài ngút ngàn trên xa lộ có hai, ba, hoặc bốn đường (lane) chạy cùng chiều mà tâm trạng người lái xe nào cũng lo sợ, cũng nôn nóng hối hả muốn đến nơi... Nhưng họ không chạy đâm ngang, không chạy cắt lề, không quanh qua quẹo lai, hoặc lấn áp xe khác để vượt qua... mà vẫn giữ cho xe chạy trên đường mình đang chạy. Nếu chỉ có năm bảy người không tuân theo luật lái xe, thì lúc đó có cả trăm ngàn xe chở người lánh lụt sẽ không biết sẽ hỗn độn, và tai nạn sẽ như thế nào, chúng ta không sao phỏng định và đoán trước được! Mặc dù lúc đó những người cảnh sát, an ninh xa lộ... không có mặt để giữ an ninh trật tự... như thường ngày!

* Chánh quyền cho dời bịnh nhân khỏi vùng lũ lụt có thể đến. Họ đã đến những bệnh viện khác an toàn trước khi bắt dân phải chạy lụt.

* Những tù nhân trong vùng sẽ có lũ lụt, đã được chuyển đi tránh lụt từ hôm trước!

Chỉ như vậy thôi, không thể không công nhận rằng: “Mỹ là một nước tự do, nhân đạo... nhứt nhì trên thế giới”.

 Theo tôi biết tất cả các làng thôn, thành phố... ít hay đông người ở tiểu bang California đều nằm trong thung lũng gần như được bao bọc bởi các núi đồi cao thấp. Làng Yuba City của chúng tôi cũng không ngoại lệ, nhưng được một chút là địa thế thôn nầy ở vùng đất cao hơn những vùng đất khác... Dân địa phương sống lâu đời ở đây bảo: “Từ tạo thiên lập địa đến nay làng Yuba City chưa hề bị ảnh hưởng của mưa to, gió lớn, bão bùng... gây ngập lụt. Lại có thời tiết ôn hòa bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt, rất tốt cho việc trồng lúa, nếp, rẫy nương, bắp, khoai... luôn trúng mùa. Các loại cây cho nhiều trái ngon, ngọt và rất đặc biệt, ngoài những cây cho hoa quả khác, Yuba City còn có nhiều: chanh ăn ngọt như quít, như cam, trái bơ (avocado) có màu tím đen, nhỏ bằng ngón chân cái không hột, và có các trái bơ lớn bằng nắm tay vỏ mỏng, ăn luôn như chúng ta ăn trái táo, trái mận... Nấm có nhiều màu sắc như: đỏ, trắng, tím, hồng, vàng, cam, đen, nâu, xám... ăn hiền và ngon, ngọt...”

Thật thế những cây ăn trái độc có hại cho người... thì ở Mỹ Chánh phủ sẽ tiêu diệt hết không cho trồng. Nên đời sống của người dân ở đây rất cao được bào đảm về nhiều mặt. Yuba City ngày càng tăng dân số, năm 2004 có trên dưới khoảng ba mươi bốn ngàn (34.000) dân, thống kê sau mười hai năm, dân số Yuba City trên sáu mươi hai ngàn (62.000) dân vào năm 2016.

 Sau hai ngày chạy lũ lụt đến tá túc nhà em dâu. Cô chiêu đãi gia đình bảy người chúng tôi rất dễ chịu và hết sức tươm tất... dù em trai tôi đã qua đời từ lâu! Chúng tôi trở về nhà, dẫu đài phát hình trong vùng liên tục thông tin cho biết cái đập đó chưa hoàn toàn ổn định, học trò còn nghỉ và bệnh viện chưa trở lại làm việc bình thường...

Nhưng với những người ở tuổi hoàng hôn như chúng tôi, dù ở nhà chỗ ngủ mình lớn hay nhỏ như ổ chuột, vẫn ấm áp, an nhiên tự tại hơn ở khách sạn sang trọng năm bảy sao... Chớ đừng nói chi chỗ ngủ lạ trong lúc sức khỏe tôi bị cảm cúm nặng hoành hành, ho hen tắt tiếng... tâm trí dật dờ, tứ chi rũ riệt, đi đứng muốn không vững... gần cả thág trời!

Lạy tạ ơn Trời Phật, lạy tạ ơn người... sau mấy ngày hì hục, những công nhân làm việc không ngừng nghỉ, cùng những máy móc hiện đại, trực thăng hạng nặng vận chuyển... Đập Oroville Dam đã được trám xong chỗ hỏng, dân các làng lân cận đi tản đã trở về an bình, trường học mở cửa, bệnh viện hoạt động lại như mọi ngày...

Nhân số di tản vì lũ lụt quá đông, trên dưới khảng một trăm tám mươi tám ngàn (188.000) người. Hầu hết những người chạy lụt coi như đề huề không gì đáng nói, nhưng tin tức chánh quyền địa phương cho biết có trên hai trăm năm chục (250) tai nạn mất mát đồ vật vì trộm, vì cướp giựt... trong lúc mọi người đang lo sợ và lũ lụt tràn tới! Bà hàng xóm tôi cho biết, có con ở làng Oroville, chất đồ đạc lên xe, để xe nổ máy, vào dắt vợ mới sanh (7 ngày) và ẵm con ra... xe bị kẻ cắp chạy mất! Có người bị kẻ xấu cậy cửa chở hết đồ trong nhà, giựt túi nải của mấy người yếu đuối đang tay xách nách mang... Ông bà ta bảo: “Có thánh thần thì có ma quỉ/ Trong những người ăn hiền ở lành, lương thiện... luôn có kẻ ác/ Trong những người tốt, ăn ngay nói thẳng cũng luôn có kẻ xấu...” Dù cho đất nước tiến bộ tới đâu cũng không tránh khỏi vấn nạn xấu xa... vì đây là trần thế!

Có những bạn bè gần trong California, những bạn ở các tiểu bang, và những người xa hơn, ngoài nước Mỹ nghe vùng chúng tôi ở phải chạy lụt... Kẻ điện thoại, người điện thư thăm hỏi:

-  Khi bất ngờ chạy lũ lụt... chị lo sợ gì nhứt, sẽ xảy ra cho các nhân sự trong gia đình...?

Tôi ngờ ngợ, miễn cưỡng trả lời:

-  Thật ra lúc đó tôi không nghĩ gì cả, nhưng cảm thấy mình rất lo và sợ nhưng không biết lo sợ cái chi? Hai đứa cháu ngoại còn tiểu học, chúng thật hết sức vô tư. Đứa cháu gái 7 tuổi ôm theo mấy con gấu bông, vì sợ nước ngập ướt hết. Đứa trai mười tuổi, thích chơi xe hơi... có cả mấy thùng đựng đủ các loại xe... Cháu không đem theo chiếc nào, bảo: “Đem hết sẽ bị mẹ rầy vì không đủ chỗ... nếu đem chiếc nầy không đem chiếc kia thì cảm thấy mình không được công bằng...

Bạn khác hỏi:

-  Bỏ nhà đi, chị sợ mất cái gì nhứt?

Tôi mỉm cười không so đo bảo:

-  Tôi có nuôi mấy con cá koi (cá kiểng của Nhật) trong hồ bán nguyệt ở sau nhà, nếu bị nước tràn chúng sẽ lội đi. Nhưng tôi lo khi nước rút trở lại bình thường, mấy con cá đó không đến được sông hay ao, hồ khác... tội nghiệp chúng sẽ chết khô hết! Tôi còn nuôi bốn con gà mái để lấy trứng (luật vùng tôi, nhà tư nhân không cho nuôi gà trống, vì tiếng gấy của nó làm phiền hàng xóm!), sợ nước ngập mấy con gà sẽ chết liền...

Anh bạn hiền lành bảo:

-  Chị không phải lo gà có cánh sẽ bay lên cao chỗ nước không tới.

Tôi cười nhẹ, mau miệng:

-  Vì sợ nó bay qua nhà hàng xóm sẽ bắt làm thịt... nên khi mới mua về tui cắt lông cánh hết ráo trọi rồi... vả lại con nào cũng mập ú, nặng nề chắc không bay nổi đâu...

Bạn khác hỏi:

-  Chị không sợ hư hao cái nhà, hoặc hư mất đồ dùng như vô-tuyến-truyền-hình, áo quần, giầy, dép, túi xách đắc tiền sao...

-  Cũng tiếc lắm chớ, nhưng “Đời ta ba đời nó/ Vật ngoài thân/ Còn người còn của...” nên hơi sức đâu mà lo! “Tiền tài như phấn thổ/ Nhân nghĩa tợ thiên kim” Cảm ơn tất cả quý anh chị xa, gần đã hỏi thăm, và chúc lành... cho gia đình chúng tôi trong lần chạy lũ lụt “Oroville Dam Emergency Spillway vào ngày 11... tháng 2-2017”

 Nhớ vào mùa xuân năm 1968 (Tết Mậu Thân) tôi đi nhận việc ở Bệnh Viện Mỹ Tho... Có những đêm gà chưa gáy bận nhứt thì Việt cộng nả đạn pháo ầm ầm vào thành phố. Vị trí bệnh viện dân sự lại nằm đối diện với Bộ chỉ huy Sư Đòan Bảy Bộ Binh (SĐ/7BB). Bên phải cách con đường với tòa Hành Chánh, kế dinh tỉnh Trưởng, Tiểu Khu, đài phát thanh Mỹ Tho, trại Hải quân, và nhiều công sở khác... Nên bọn chúng pháo những khu quan trọng đặc biệt đó, thì luôn bị đôi ba quả pháo chụp xuống bệnh viện là chuyện thường! Nhằm đêm trực, bọn nhân viên chúng tôi không kể chi dơ bẩn, hôi hám, máu me, hay vi trùng... ai cũng tự giữ lấy thân cứ nhào đại xuống gầm bàn viết, gầm giường bịnh nhân, phòng vệ sinh... mà tạm lánh... Bởi đạn pháo vô tình!

Hôm nay đây, sở dĩ dân Yuba City và các làng lân cận lần nầy chạy lũ lụt vì cái đập “Oroville Dam”. Đó là một trong những cái đập chứa nước lớn của Mỹ, và lớn nhứt tiểu bang California. Đã mấy tháng rồi trời mưa lê thê không ngừng nghỉ, mưa lớn, mưa nhỏ, sáng mưa rơi, trưa sụt sùi, chiều đổ lệ... Hồ chứa không hết nên tràn nước ra ngoài... và bị một lỗ hỏng (Spillway) “Oroville Dam Spillway”, nếu không chữa kịp lỗ hỏng bên hông, có thể hồ sẽ bị bể. Khối nước to lớn sẽ thoát ra cuồn cuộn tuôn như thác đổ... nước đập nầy sẽ ngập cao tới mái nhà ở làng sở tại, và các làng lân cận... nên Chánh quyền bắt dân phải di tản!

Tôi sanh ra và lớn lên trong nước chinh chiến không ngừng. Có cảnh trốn chạy đạn bom nào mà không vài lần trải qua trong tuổi thơ, cho đến lớn khôn, ra bươn chải với đời để kiếm sống. Rồi lập gia đình, chăm sóc con cái... và luôn lo sợ cho sự an nguy của chồng ngoài chiến tuyến, bởi: “...Có chồng là quân nhân.../ Mấy người đi trở lại...?”

Nhưng trong đời tôi không gì hãi hùng bằng lúc xuống ghe vượt biên, cùng những ngày lênh đênh trên biển cả giông bão thét gào, cuồng nộ... lúc gia đình bôn đào trốn bỏ quê hương đi tìm tự do! Sau bao nhiêu năm làm thân viễn xứ, ở quê người trong ấm no, an bình, tự do đúng nghĩa của nó. Nay bỗng dưng trong tích tắc phải bồng bế chạy lũ lụt nước dâng lên đến trần nhà nếu hồ không chữa được lỗ hỏng! “Oroville Dam Emergency Spillway (2-2017)”... Nỗi lo sợ thái quá khiến tâm tư tôi hụt hẫng, lâm bịnh suốt hơn nửa tháng trời mới nguôi ngoai... Và cơn bịnh lại kéo dài gần cả tháng mới khỏi hẳn.

Con bạn thân mấy chục năm của tôi, kể từ khi hai đứa cùng lúc đến nhận việc làm ở Bệnh viện Mỹ Tho cho tới nay. Nàng ta hiện sống hạnh phúc đề huề với chồng con ở Đan Mạch (Danmark) tận phương trời Âu. Hay tin tôi chạy lụt về bị bịnh, nên gọi điện thoại thăm hỏi và tán dóc một hồi... sau đó, bỗng dưng con nhỏ trở chứng “mát giây” trổi giọng the thé như mụ phù thủy trong truyện nhi đồng“Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn” cố tình chọc ghẹo tôi.

Nhỏ cười hí hí, bảo:

-  Nay mầy đã khỏi bịnh rồi chưa? Chắc là lúc chạy lụt mầy sợ mấy căn tiệm cho mướn, cái nhà đồ sộ, chiếc xe đời mới, của cải rải rác đó đây... sẽ bị lụt cuốn trôi ra biển Đông hết... nên lo sợ thái quá mà sanh bịnh chớ gì? Ăn cơm với thì lo ngay ngáy, ăn cơm với cáy thì ngáy pho pho” ở đời giàu chưa hẳn là hoàn toàn sung sướng, giàu cũng có cái khổ của giàu, nên tao “chịu” nghèo mầy à! Nghèo như bọn tao thì “phẻ re” như bò kéo xe lên dốc” cơm tẻ ngày hai ba bữa, an nhiên tự tại, cũng lên xe, cũng sống phây phây áo quần ngày thay hai ba bộ... chẳng ai rầy la, cũng chẳng ai thèm để ý chi. “Bởi phận tui nghèo xin đừng chọc ghẹo dòm ngó đến tui...” nên cả đời bọn tao không lo sợ, và cũng chẳng có đau bịnh chi ráo trọi trơn...

Mắc tức cười, nhưng tôi cũng không vừa rống họng “phang” lại con ma đầu đó liền:

-  Đồ cái con điên, mầy thiệt là đứa“vô duyên âm đức, xức bàn nạo không có gạo để thưởng, không có lạp xưởng để cho...” Thiệt tình mà, mầy chỉ khéo mượn cớ đặt chuyện... rồi bày trò trù ẻo tao chớ thăm bịnh cái nỗi gì hả con tào lao... hết thuốc chữa kia!

Đầu dây bên kia cái con có phổi bò đó cười hả hả như mụ điên:

-  Thấy chưa, còn sức để nạt nộ, xài xễ, trù rủa tao... như vậy là mầy “phẻ” rồi! Thôi nghỉ ngơi nghe, vì “lão bà bà” tới giờ phải rước cháu đi học về đây! Giữ gìn sức khỏe, vài bữa nữa tao gọi lại thăm nghe mậy... Ờ nếu không gì thay đổi hè nầy bọn tao có chuyến Mỹ du đó, sẽ ghé mầy làm khách mấy bữa... Thôi bye, bye, bye con bạn hiền cà chớn...

Điện thoại đã cúp nghe cái rột rồi, mà tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng cưới như pháo kích của nó!

 Trong những ngày dưỡng bịnh sau khi chạy lũ lụt về, tôi nghiệm thấy rằng con người vốn thật nhỏ bé, thật mong manh trước thiên nhiên và hệ lụy của cuộc đời... Nhưng chúng tôi và cũng có thể là chúng ta quá diễm phúc hơn những người cùng chủng tộc, đang sống trong khổ đau, đoạn trường... còn bị kẹt lại bên kia bức màng tre!

Dù tâm tư chúng ta luôn chịu khắc khoải, điêu đứng, khốn khó, âu lo... ít hay nhiều trong phần cuộc đời đã qua nơi cố quốc, t sau cái ngày lũ giặc châm ngòi gây cuộc nội chiến Quốc Cộng... Cuộc chiến đó kéo dài cho đến ngày ba mươi tháng tư năm một chín trăm bảy nươi lăm (Ngày 30, tháng 4 năm 1975) đất nước Việt Nam hoàn toàn bị rơi vào tay Cộng sản... Dân Việt Nam khốn khổ điêu linh không biết đến chừng nào mới hết!

Nhưng Riêng cá nhân tôi thì cảm thấy rất hài lòng cho cuộc sống đã qua của mình! Dù gặp nhiều gian khổ, đắng cay, thăng trầm theo vận nước nổi trôi... nhưng cuộc sống đó thật là ý nghĩa, và giá trị, đã cho tôi thấu hiểu để phân biệt được ai bạn, ai thù! Bởi vì “Đời không đau khổ đời vô vị/ Biển chẳng phong ba biền chẳng hùng” thật rất là chí lý lắm! Phàm làm kiếp con người được sinh ra trong quả địa cầu nầy, nếu gặp cảnh đau thương, khốn khó... hay giàu sang, nhung lụa, phú quý, địa vị... Nhưng kiếp nhân sinh: “Thải đều như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các hạt sa giếng sầu”!

 
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Email: dtdbuon@hotmail.com
ĐT: (530) 822 5622

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments: