Tuesday, February 7, 2017

Sài Gòn Bây Giờ - Đổ Thành



SAIGON BÂY GIỜ…

 

 

 Thỉnh thoảng tôi có nghe ai đó nói gọn lỏn : Saigon bây giờ… rồi thôi.  Câu nói đột nhiên đứt quãng, tôi hồi hộp chờ mãi cái đoạn tiếp, nhưng không còn được biết gì hơn.

Phải chăng chính từ người phát ra câu nói cũng bỗng thấy lòng mình chùng xuống, nghẹn ngào, hoặc nơi đuôi mắt nghe cay cay, tức tưởi, để rồi cố nuốt câu bỏ lửng vào trong tâm tưởng của mình.

Bản than tôi thường tự mình xoay trở, cố tìm hiểu, cố lắng sâu, để may ra bắt gặp một lóe sáng nào đó, mà dường như bất lực.  Câu nói Saigon bây giờ vẫn luôn ám ảnh tôi, đã bao lần tồi tò mò gạn hỏi bạn bè, các người lớn tuổi, những người còn ở lại đất Saigon, nhưng luôn luôn tôi bị từ khước một lời giải đáp.

Nhớ có lần, thong dong bước trên cầu Thị Nghè, đoạn gần Sở Thú, tôi nhìn lên tàng cây cao vút, cố tìm lại một dáng Saigon xưa, nhưng đầu óc tôi vẫn bất định, không tạo nên được một sự chân như để nghĩ cho ra cái điều mình muốn biết.

Bởi vì những hàng cây vẫn xanh, vẫn lừng lững chĩa thẳng lên trời, vẫn cho tôi nhận ra con đường dẫn tôi về phía Thạnh Mỹ Tây, nơi đã có một thời gian tôi sống khá lâu.

Tôi nhớ đến chợ Thị Nghè, ngôi nhà thờ với gác chuông sừng sững, mỗi buổi sáng tinh mơ lanh lảnh thả tiếng ngân nga kêu gọi giáo dân đi lễ.  Ngôi nhà thờ mà họ xứ đã chẳng thấy cần thiết xây một hàng rào ngăn cách, để mặc ai muốn dùng làm lối đi tắt từ mặt đường Nguyễn BỈnh Khiêm sang con đường Dương Công Trừng ở phía sau thì cứ tự nhiên.

Tôi nhớ mãi cái bưu điện con con và một con hẻm dẫn sâu vào nhà anh bạn cũ, và nếu đi tiếp một đoạn thì gặp nhà dưỡng lão Thị Nghè và ăn ra phía Hàng Xanh, xa lộ.

Tôi cũng nhớ đoạn đường dẫn đến một số phân khoa đại học, nguyên là một trại lính Pháp ngày trước, sau này được xẻ thành con đường thông thương, nối đường Thống Nhất với miệt Dakao.

Ngày ấy mỗi sáng tôi vẫn đưa mấy đứa con đến học trường Thạnh Mỹ Tây 2, băng qua một trụ sở hội đồng xã với những dãy phố thấp lè tè.

Saigon không phải chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu khu vực, nhưng với tôi đó là một góc cỏn con đầy kỷ niệm mà gom góp lại sẽ là một Saigon khiến ai chưa biết đều mong đến, và ai đã ở rồi thì khi xa sẽ chẳng thể nào quên.

Còn Saigon bây giờ e chừng lạ hoắc, chính những người đã từng được sinh ra, lớn lên, sống triền miên qua bao lần đổi thay thời thế, có khi cũng không nhận ra nữa.

Tầm nhìn bây giờ bị vướng vì những tòa nhà cao ngất ngưỡng, cái được xây sau thường vượt cao hơn cái trước.  Người ta tự hào tranh nhau thể hiện sự giàu sang, lẫn một chút kiêu ngạo vì hàng của mình không đụng với bất cứ ai khác.
 
 
 
 
 

Vâng, Saigon bây giờ đa dạng và tân kỳ.  Báo chí thi nhau khoe về thành tích những căn hộ giá tiền tỷ mà người mua trả xoạch một lần bằng tiền măt, không phải mượn vay ngân hàng chi cho lôi thôi.

Vâng, Saigon bây giờ đua nhau thể hiện lối kiến trúc xa lạ, bao gồm kiểu mẫu của những nước nổi danh trên thế giới, có bao lơn quay gắn kính cường lực, có ban công lộ thiên ngồi nhâm nhi uống rượu và xem cảnh, có cả mái hiên dành cho máy bay trực thăng đậu.

Vâng, Saigon bây giờ chi chít bao cầu vượt, vòng xoay, ngã bảy, ngã chín, xe đi như mắc cửi, người giành chen, như chỉ sợ mất giờ.  Người ta hối hả tranh nhau từng cái nhích đầu xe, ào ào đua nhau tràn lên vỉa hè, chạy ngược chiều, len lách, uốn lượn, thể hiện tài năng ngón nghề, để vút đi và sẵn sàng cà khịa khi có ai muốn lấn, hoặc kiếm chuyện hơn thua.

Những lân bang một thời của Saigon giờ cũng bị xóa dần vết tích.  Nếu hồi nao vùng Hạnh Thông Tây, Xóm Gà, Cây Quéo, ngã Năm Bình Hòa, Quán Tre, Trung Chánh còn gọi là vùng ngoại ô, ngồi thổ mộ cả giờ lâu lắc thì giờ mấy ai còn nhớ đến cái tên chớ đừng nói là hiểu rành thổ địa.

Có một thời người dân tảng sáng lo chuyển hoa màu từ các miệt An Phú Đông, Nhà Bè, Vườn Lài về cung cấp dân thành phố thì giờ những nơi ấy cũng chẳng còn mấy hình bóng vườn tược mà cũng thi nhau mọc lên nhưng bin đinh, nhà cao tầng, cầu cao, lối mở.

Chắc vì những đổi thay nhanh chóng đó mà người Saigon mới bày câu nói ngắn ngủi, vắn tắt để nhắc ngầm lại một giai đoạn ngày trước chăng ?

Đừng nói đâu xa, ngay giữa lòng Saigon bây giờ cũng đổi thay đến chóng mặt.  Có những nơi chốn đầy ắp tình tự của một thời thì giờ cũng vội bị xóa đi một cách không thương tiếc, để rồi người Saigon cũ khi có dịp quay về cũng thấy lòng se sắt nao nao.

Với cái đà xóa bỏ thương xá Tax, khu Eden, vườn hoa Lê Thánh Tôn, người ta e rồi sẽ có lúc những cột cờ Thủ Ngữ, tòa hành chánh Saigon, nhà hàng Continental, bưu điện và chưa chừng ngay cả nhà Thờ Đức Bà, Thảo Cầm Viên, chợ Bến Thành, nhà thương Đô Thành, nhà hát thành phố có khi cũng được nghe bùi tai mà bị xóa dời đi để mọc lên những khu xây dựng mới.

Biết đâu đươc !  Lúc ấy người ta sẽ nhân danh đủ thứ lợi ích, đủ thứ triển vọng, đủ thứ kế hoạch đã được đặt định từ lâu để biện minh cho sự đổi thay đó.

Tôi nghĩ câu nói lơ lửng Saigon bây giờ… hẳn mang một ngụ ý gì gì tương tự như thế.  Có thể là một lời than, có thể là một tiếc nuối, có thể là biểu lộ của một sự bất lực, nhưng gì thì gì cái của Saigon mất đi cũng là một điều chua xót.

Bởi vì chưa mấy ai tin tưởng rằng kỹ thuật xây dựng, kiến trúc của công trình sau sẽ đẹp, vững, bền, tỏa sáng và trang trọng hơn công trình trước.  Trái lại, ai cũng e là vì chút lợi lộc trước mắt mà Saigon nỡ để mất đi những nét đặc biệt của mình.

Người Saigon nói không dứt câu hẳn cũng đem tâm tư ra giãi bày với những ai còn yêu đất Saigon.  Mong rằng mỗi đổi thay nên được cân nhắc tỉ mỉ, thận trọng, thấu đáo, không vội vàng, nôn nóng, để Saigon còn giữ được dáng nét của Saigon mà không bị xóa đi quá nhanh.

ĐỖ THÀNH

304Đen - Llttm

 

No comments: