Tuesday, February 21, 2017

Má Lúm Đồng Tiền - Triệu Dương


Má Lúm Đồng Tiền

 

    
 

Người ta gọi hắn là “Anh Đồ” ví hắn là người gốc Quảng Nam là nơi có truyền thống Nho học, đất “Ngũ Phụng Tề Phi”, nhiều người đỗ đạt thời vua chúa, thời Nho học cực thịnh ở nước ta trong thế kỷ 19 nhất là dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Trước năm 1954, hắn bị kẹt trong vùng kháng chiến, không có trường học như ở các thành phố, nên hắn vừa học chữ quốc ngữ vừa học chữ Hán với người trong nhà. Sau 1954, hắn mới thi đậu tiểu học rồi Trung học. Ngày hắn bước chân vô Đại Học thì tuổi đã gần 30 và đã có vợ con khi còn ở quê nhà rồi.

Hắn ghi tên học ban Việt Hán, vị Giáo Sư trẻ biết hắn nên mỗi lần có bài mới, ông thường nhờ hắn viết lên bảng màu đen cả bài văn chữ Hán bằng phấn trắng. Nét chữ của hắn ngay ngắn, thẳng hàng, có hoa tay, chững chạc chẳng khác chi thầy đồ viết câu đối thuê cho người ta vào dịp tết. Vì thế, anh chị em trong lớp thường gọi hắn là “Anh Đồ”.

Trong lớp có ba nàng tôn nữ, lúc nào cũng ngồi hàng ghế trước, đối diện với bàn của Thầy. Cô thứ nhất tên Tôn Nữ Kim Lan, cô thứ hai là Tôn Nữ Chi Lan và cô thứ ba là Tôn Nữ Diệu Lan... còn lại là đều là con trai. Hôm nào lớp đông nhất cũng khoảng mươi người, những ngày khác chỉ còn lèo tèo năm, bảy cậu sinh viên mà thôi. Người xứ Huế đọc Lan thành ra “Lang” (thêm chữ “g”). Khi nói chuyện với nhau thì mấy cậu thường dùng tiếng lóng “ba cô” hay “tam lang”. Trong ba cô đó, có một cô má lúm đồng tiền rất có duyên. Anh Đồ si mê nhất cô đó... Ngồi hàng sau, anh thường khe khẻ ngâm :

-Một thương má lúm đồng tiền...

Anh kia đáp lại:

-Tam lang ơi hỡi tam lang...

rồi có anh chọc quê mấy cô:

-Lang Chi?

-Lang cẳng.

-Cẳng chi?

-Cẳng giò.

-Giò chi?

-Giò heo.

-Heo chi?

-Heo lang.

-Lang chi?

-Lang cẳng.

....

Lúc đầu mấy cô im lặng... Nhưng về sau, mấy cô giận quá, đáp lại:

-Đồ mất dạy!

Lại có tiếng cười khúc khích...

-Một thương má lúm đồng tiền...

 

Ra khỏi lớp, trên đường trở về nhà, Anh Đồ nhớ lại một kỷ niệm xưa.

Mấy năm trước đây, khi anh chưa bước chân vào Đại Học, trong xóm anh có một cô gái đang học lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ gì đó (bây giờ là lớp 8, lớp 9), nhỏ người nhưng rất xinh. Mỗi ngày đi đi, về về, ngang qua nhà cô gái, có khi gặp nhau, anh nói:

-Chào cô em.

-Chào chú.

Rồi đường ai nấy đi.

Có một đêm trăng, mùa Hè nóng nực, nghe tiếng bọn trẻ con trong xóm nô đùa trước sân banh bên cạnh trường học, anh cũng xếp sách lại để ra ngoài hóng gió. Anh nằm trên ghế đá, nhìn lên bầu trời trăng sao. Có tiếng chân người đi qua, anh vẫn nằm im lặng, không lên tiếng, giọng nói của mấy cô học trò trong xóm nghe quen quen. Anh nhận ra giọng của cô kia... Cô đến gần bên ghế đá công viên...

-Chú cũng có mặt ở đây à?

-Trời nóng quá.

-Mùa Hè mà... tất cả học trò trường em đã nghỉ  rồi... ai về nhà nấy

-Tôi chưa về được, thi cử xong, mới về.

-Rứa à?

*  *   *

Anh Đồ dựa lưng vào bức tường gỗ ở phía trong nhà trọ, mấy đứa nhỏ đứng bên ngoài:

-Chú ơi, tụi cháu nhổ tóc bạc cho chú nghe... chú cho tiền...

-Được rồi... Đừng làm ồn... nhổ tóc bạc đi...

Anh Đồ cẩn thận, lấy tấm kính soi mặt để trên trang sách... Anh vừa đọc sách vừa xem chừng chúng nó làm gì. Một đứa, rồi hai đứa thò tay qua song cửa, nắm đầu anh để tìm tóc bạc... Anh chưa tới  30, tóc đã bạc đâu! Nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn tìm ra được một sợi tóc quăn mà chúng gọi là tóc sâu. Chúng nói vọng vào:

-Tóc sâu đây! Ngứa lắm! Nhỗ được sợi tóc này còn hơn tóc bạc nữa đó!

-Ừ, nhổ đi, sẽ có tiền thưởng...

Mắt Anh Đồ vẫn chăm chú nhìn vào trang sách, mấy hôm nữa, anh sẽ lều chõng đi thi... Thi đậu rồi, phải trở về quê với vợ, đâu còn cơ hội làm anh học trò trong Quảng ra thi nữa. Bỗng anh cảm thấy có một mùi hương thoảng thoảng, có vẻ như là mùi hoa bưởi, cũng có thể là mùi hoa hồng. Anh nhìn vào tấm gương soi, một khuôn mặt mới xuất hiện. Không phải là hai đứa bé kia, mà là một cô gái, một cô học sinh đã lớn rồi. Cô tự nhiên vạch tóc anh, tìm tóc sâu, tóc bạc như mấy đứa kia. Cô nhổ một sợi tóc bạc. Đúng là tóc bạc thật rồi! Cô trao cho hai đứa kia để chúng được lãnh thưởng.

Qua tấm gương soi, anh Đồ quan sát gương mặt của cô, anh khám phá ra cô có hai má lúm đồng tiền rất có duyên... Một lát sau, cô kia lặng lẽ ra về, không nói một lời. Trò chơi đã kết thúc.

Anh Đồ bàng hoàng như đã đánh mất một vật gì quý giá. Anh Đồ tuy lớn tuổi, đã có vợ, nhưng trong xóm người ta vẫn nghĩ rằng anh là học trò ở tỉnh xa đến trọ học, trông anh bề ngoài rất trẻ, cao trung bình, da trắng có vẻ đang tuổi học trò. Anh Đồ có cảm tình với cô gái nhưng nghĩ mình cũng xuất thân từ một gia đình gia giáo, Nho học, cũng được làng xóm kính trọng. Học trò trong Quảng ra thi, không lẽ bây giờ mình cũng đang ở vào hoàn cảnh đó? Trước mắt là phải thi đậu để thi vào Đại Học, phải đạt được chút công danh với đời, tối thiểu là làm giáo sư Trung Học, có lương tiền nuôi bản thân và được một cuộc sống an nhàn... Có tiền rồi, muốn gì chẳng được.

Người vợ ở nhà quê của anh, tuổi xấp xỉ chồng, đã có con, chỉ lo chăn nuôi, trồng trọt, phụng dưỡng cha mẹ già để cho anh được rảnh tay mà ra Huế lập công danh. Dù nàng không đẹp bằng mấy cô gái Huế, nhưng siêng năng và đức hạnh thì không ai bằng!

Anh ghi tên học Đại Học và xin được một chỗ trong cư xá sinh viên, lại gặp được ba cô Tôn Nữ học cùng lớp. Anh rời bỏ xóm cũ và cũng quên cô học trò trung học kia. Hết niên học, ba cô Tôn Nữ ghi tên học lớp khác, anh lại thi vào Sư Phạm, vừa dạy trường tư, có học bỗng, có lương dạy giờ, anh mua xe gắn máy, sắm bộ đồ vét (veste)... Anh giao thiệp với nhiều cô giáo, thầy giáo và cả những học sinh Đệ Nhị Cấp, ban Tú Tài... Chiếc xe vespa của anh nay ghé nhà này, mai ghé nhà khác... đến đâu cũng được ân cần mời mọc.

Trải qua biến cố Tết Mậu Thân (1968), bạn bè nhiều người chết, nhà cửa tan nát, riêng anh vẫn bình yên. Một hôm, anh chạy xe ngang qua trước cổng sân nhà thờ Công Giáo, thấy người vô ra tấp nập. Thánh lễ vừa xong, một cô gái từ trong sân nhà thờ đi ra. Đúng là cô học trò má lúm đồng tiền ngày xưa. Anh chưa kịp mở lời thì cô đã lên tiếng:

-Chào chú, lâu ngày mới gặp lại.

-Chào em, em khỏe không, nay làm gì?

Cô chỉ mỉm cười không nói gì thêm. Đường ai nấy đi.

Thế rồi, anh bôn ba theo công việc của mình, vẫn đi dạy học kiếm tiền.  Lấy lý do cha mẹ già không người săn sóc, anh vẫn để cho vợ và mấy đứa con đã lớn ở với ông bà nội; còn anh vẫn độc thân. Ngồi trên xe vespa, anh nhớ lại một câu thơ của thi sĩ Nguyễn Du trong truyện Kiều, rồi anh khe khẻ ngâm : “Bụi hồng lẻo đẻo đi về một thân” . Có lần anh hỏi một học sinh trong lớp:

-Hai chữ “bụi hồng” ở trong câu thơ này là cái gì?

-Thưa đầy, đó là “cụm hoa hồng” người ta trồng ở trong vườn cạnh đường đi.

-Không phải. “Bụi hồng” là “cát bụi” bay lên dưới chân khi Kim Trọng cô đơn trên đường trở về nhà .

Hoàn cảnh của Anh Đồ bây giờ cũng như Kim Trọng, sống một thân một mình xa cách người yêu. Ai cũng biết Vương Thúy Kiều là người yêu của Kim Trọng, còn người yêu của anh là ai ? Anh tự đặt ra câu hỏi và không biết trả lời sao cho đúng. Anh quen biết nhiều cô còn độc thân: giáo viên tiểu học, giáo sư trung học, học sinh ban Tú Tài,v.v... cô nào cũng trẻ, đẹp. Nhưng anh chưa dám tỏ tình với ai vì còn kẹt bà vợ ở nhà đang thay anh để phụng dưỡng cha mẹ chồng.

Năm 1975,  đang giữa mùa Xuân, tình hình chiến sự bỗng sôi động, Việt Cộng chiếm đóng thành phố Ban Mê Thuộc, toàn bộ Quân Đoàn II ở Pleiku di tản (đúng hơn là bỏ chạy) đồng bào chạy theo lính, bị Việt Cộng chận đánh dọc đường, bị pháo kích, chết sấp chết ngả. Vùng địa dầu giới tuyến: mất Quảng Trị, mất Huế rồi Quân Đoàn I ở Đà Nẵng cũng rút đi luôn. Dân chúng hoảng hốt, lo tìm đường chạy vô Nam. Anh Đồ cũng bị động theo hoàn cảnh lúc đó, không biết tính làm sao, nên cũng xách valise nhảy lên một chiếc ghe đánh cá của dân làng di cư Thanh Bồ-Đức Lợi dọc bờ biển Đà Nẵng để chạy vô Vũng Tàu.

Trải qua mấy ngày chết đói, chết khát với những trận mưa ngoài biển mang theo khí lạnh, cuối cùng anh về tới biển Long Hải (Bà Rịa). Anh đã chứng kiến cảnh một gia đình từ miền Trung vào bằng tàu nhỏ, bị chìm, đàn bà con nít rơi xuống biển chết hết, chỉ một mình người chồng còn sống, thất thểu bước đi trên bãi cát dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt của Miền Nam. Thấy người ta trong cảnh hoạn nạn như vậy, anh cũng mũi lòng. Nhìn lại mình, cũng bơ vơ trong cảnh loạn lạc. Dân Bắc di cư từ sau Hiệp định Genève vốn đã có kinh nghiệm, nghe Cộng Sảm tới thì tìm đường chạy trước. Anh có người bạn, cũng là dân Bắc Kỳ Công Giáo di cư, hễ thấy anh ta đi đâu, vào nhà nào thì anh cứ chạy theo, không cần suy nghĩ gì hết.

Gia đình người bạn đã thuê được một chiếc ghe đánh cá, tính chuyện vượt biển. Anh liền xin chung góp một phần tiền để được đi theo họ. Tin tức từ một xứ đạo của người Bắc di cư cho biết có chiếc tàu chở hàng của Mỹ đang đậu ngoài khơi và hàng ngàn người đang đợi ở Phước Tĩnh để lên tàu đó. Tất cả mọi người trong gia đình lên ghe đánh cá trực chỉ hướng chiếc tàu kia. Khi đến gần, quả thật đã có hàng ngàn người đang lần lượt leo lên tàu lớn. Nhóm của anh cũng nhập vào đoàn người kia để lên tàu.

Từ mặt nước lên đến mũi tàu khoảng 15 mét. Trên tàu đã thả xuống một thang dây để cho mọi người leo lên. Cảnh những bà mẹ tay bồng con dại leo lên tàu trông thật rợn người, nếu lỡ truột tay, rớt xuống biển thì ôi thôi rồi... làm mồi cho cá mập! Cuối cùng thì anh và cả gia đình người bạn cũng đã có mặt ở dưới hầm tàu.

Lính Mỹ bắt đầu phát thực phẩm khô và nước uống cho mọi người. Anh ngồi thu mình trong góc của căn hầm, mỗi khoang cũng có cả ngàn người, chen chúc nhau. Người anh như đã kiệt sức, mắt hoa, tai kêu ù ù, đầu choáng váng . Ngay trước mặt anh, phía góc bên kia, lờ mờ hiện ra hình ảnh một thiếu phụ đang ngồi với mấy đứa con, đứa nhỏ nhất đang nằm trên tay mẹ, miệng ngậm bình sữa. Người mẹ có vẻ quen quen, tuồng như đã gặp ở đâu rồi? Nhưng anh đang ở trong hoàn cảnh khủng hoảng tột độ nên không còn can đảm đứng lên để hỏi thăm. Anh cố định thần để nhìn về hướng đó... Một hồi lâu, anh mới nhớ ra, người thiếu phụ còn non trẻ đó chính là cô gái má lúm đồng tiền trong xóm ngày xưa mà anh đã nhiều lần gặp.  Mấy năm trước đây, anh nghe tin cô gái đã có chồng, có con... có lẽ bây giờ chồng cô đang chiến đấu ngoài mặt trận... hay đã chết rồi! Anh lặng người đi một lúc và âm thầm cầu nguyện...

Chiếc tàu đó đã không đưa anh đến bến bờ tự do mà chỉ đưa anh thoát ra khỏi Saigon trước ngày 30/4/1975. Gần mười ngàn người trên tàu được đưa đến đảo Phú Quốc và ngay khi tất cả mọi người vừa xuống bờ thì các đài ngoại quốc và cả đài phát thanh Saigon, đài Hà Nội,v.v. đều loan báo: Tân Tổng Thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng! Quân Bắc Việt đã kiểm soát toàn bộ Miền Nam Việt Nam! Một trận mưa lớn đã đổ xuống ào ạt trên đảo Phú Quốc và Vịnh Thái Lan. Mùa mưa đã đến sớm!

 

Triệu Dương - NLT 9/9/2016

Người chuyển bài – vhp Hạ Vũ

 

 

 

 

 

No comments: