Wednesday, November 30, 2016

Bún Chả Hà Nội - Phạm Đà Giang


Bún Chả Hà Nội
 




Đặc biệt: “Bún Chả Hà Nội” là mùi hương thơm của thịt nướng! Khi vừa nướng chà vừa quạt cho than cháy đều. Khiến hơi chả bốc lên, quyện cùng khói than bay theo chiều gió. Nhất là nướng bằng than cây đước, vì khói của cây đước nặng hơn không khí cho nên nó cứ bay la đà dưới mặt đất, chứ không bay lên trời như những khói than của những cây khác. Khi nó bay tới đâu, nó làm nhức mũi những ai hít phải nó làm cho nước miếng ứa ra từ chân răng nên thèm ăn…
Bởi thế mà những cửa hàng bún chả hay đem lò than ra trước cửa tiệm nướng chả (Pđg nhớ lại hồi trước 1975 có lần lái xe từ Ngã Tư Bẩy Hiền đi qua Ngã Ba Ông Tạ, bất chợt ngửi thấy “Hơi chả”, biết ngay là mùi “Bún Chả Hà Nội”.
Ôi! Thôi, nó quyến rũ làm sao! Dù không muốn, nhưng vẫn phải quay xe trở lại cửa hàng Bún Chả…).

Xin kể hầu quí vị câu chuyện xưa về hơi của chả nướng như sau:
Ngày xửa ngày xưa, tại Phủ Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh. Có một nhà trọ và quán cơm của một người đàn bà mập mạp, to béo. Tuổi bà ta đang đi dần vào mùa thu cuộc đời. Nên người ta gọi bà là “Quán Mụ Béo”. Ngày nọ có một hàn sĩ đến thuê một chỗ ở để trọ học. Vốn nhà nghèo nhưng anh ta ham theo việc bút nghiên, cho nên không có tiền để ăn uống đầy đủ như những thư sinh khác. Ngày hai bữa, khi nào quán nướng chả thì anh chỉ mua bát cơm ngồi ngửi hơi của mùi chả nướng để ăn cơm mà thôi. -Mụ Béo tức lắm, vì mụ mở quán ngoài tiền cho thuê trọ ra mụ còn thu tiền lãi bán đồ ăn cho người trọ học nữa, mà chàng nho sinh này không mua “chả” bao giờ. Thế nên mụ kiện lên quan Tuần Phủ Từ Sơn để đòi tiền anh hàn sĩ. Quan liền cho đòi anh học trò nghèo đó lên hầu quan. –Anh học trò bước vào Phủ đường, khúm lúm sợ sệt, chắp hai tay vái quan:
Quan Phủ quát:
-Thằng kia, sao mày ăn “chả” của quán Mụ Béo mà mày không trả tiền hả?
-Bẩm lạy quan lớn, con đâu có ăn “chả”, mà chỉ ăn hơi chả khi bà ta nường thôi ạ!
Mụ Béo liếng thoắng cái miệng:
-Kính thưa quan lớn! Vâng, nó chỉ ăn hơi chả của con thôi, nhưng nếu không có chả thì làm gì có hơi! Vì vậy, con xin quan lớn bắt nó phải trả cho con mỗi bữa một tiền, vị chi mỗi ngày là hai tiền. Nó ở đã 2 tháng, tổng cộng là 120 tiền đó ạ
Quan Tuần Phủ quay sang anh học trò mà phán:
-Thằng kia, mày về lo chạy cho đủ số 120 tiền để trả cho quán Mụ Béo nghe chưa!
Anh hàn sĩ kêu than:
-Bẩm trình quan lớn, xin quan soi xét cho con…
Quan phất tay ra dấu:
-Im mồm! Cứ về lo liệu cho đủ số, rồi một tuần sau đem tới nộp, quan sẽ xét cho. -Dứt lời quan đứng dậy đi vào, mấy người lính lệ đưa các người dân khiếu kiện ra ngoài, rồi đóng cổng Phủ.
Anh học trò vội về cầu xin bố mẹ thu vén cho đủ số tiền để đem nộp lên quan. Nhà thì nghèo mà số tiền quá lớn. Cho nên bố mẹ vì thương con nên phải đi vay và thế chấp luôn căn nhà đang ở để có đủ tiền nộp quan. –Sau một tuần, cũng tại Phủ đường Từ Sơn. Có mặt Mụ Béo và anh học trò nghèo. –Quan lên tiếng:
-Thằng kia, đem 120 tiền nộp lên đây.
Anh học trò hai tay ôm số tiền mon men đem lên để trên bàn trước mặt quan, đoạn vái quan rồi đi lùi trở xuống.
Quan Phủ quay sang Mụ Béo:
-Con Mụ kia, lên mà nhận tiền, đếm xem có đủ không rồi mang về nghe chưa…
Mụ Béo mừng húm! Mụ vội vàng ì à ì ạch đi lên, mặt tươi rói, đếm qua loa rồi ôm tất cả số tiền thưa:
-Bẩm quan lớn, cám ơn quan lớn, nhờ đèn trời soi sáng, nhờ sự công bằng của quan lớn mà con được đền bù xứng đáng như thế này. Đa tạ quan! Đa tạ quan! Con xin cáo từ… Mụ ôm số tiền ra về mà lòng vui rộn rã. Trong lúc anh thư sinh thì đứt từng khúc ruột… -Nhưng Mụ Béo vừa mới bước qua cánh cửa công đường thì nghe tiếng quan Phủ gọi lớn tiếng:
-Con mẹ kia, trở lại đây, để tất cả số tiền đó lại y như chỗ cũ, xong cút về.
Mụ Béo, há hốc mồm:
-Kính lạy quan lớn, quan lớn đã cho con rồi sao còn lấy lại ạ!
Quan gằn giọng:
-Thằng học trò nghèo, nó chỉ ăn hơi chả của mày, nên nó chỉ trả hơi tiền của nó cho mày thôi chứ… -Nói đoạn, quan nhìn sang anh học trò nghèo mà bảo:
-Như vậy, là mày đã trang trải cho con Mụ Béo một cách sòng phẳng rồi. Sồ tiền đó là của mày, vẫn là của mày. Mang về đi…/.

Câu chuyện: “ĂN HƠI CHẢ, TRẢ HƠI TIỀN” kể trên. Với kết cục đầy ý nghĩa và vui cười! -Nếu xét về góc cạnh vui cười, thì nó thuộc thể loại “Tiếu Lâm”. -Nếu xết về ý nghĩa, thì nó thuộc thể loại “Luân lý giáo dục”. Giáo dục vì lòng tham của con người đã làm mờ tối cả lương chi; đối với nhau không có tình và cũng chẳng có lý:
*Mụ Béo không có tình! Mụ có cửa hàng ăn uống và có nhà cho thuê, nếu so với anh hàn sĩ thì Mụ thuộc loại nhà giầu. Ấy vậy mà Mụ cũng đang tâm bóc lột, chỉ vì lòng tham mà ra…
*Mụ không có lý! Không ai có thể nắm bắt một làn hương đang bay trong không khí… Mà Mụ buộc người ta phải trả tiền ăn hơi chả nướng được sao? Chẳng hợp lý chút nào./.

Phạm Đà Giang

304Đen - Llttm

 

No comments: