Wednesday, September 28, 2016

Chỉ Là Chút Nợ Duyên - Vkp Phượng tím & Xa Xăm - Trần Hương Giang


CHỈ LÀ MỘT CHÚT NỢ DUYÊN 

Xin phép được cảm đề bài thơ Xa Xăm của Trần Hương Giang

 
 












Ba năm vun quén cội già
Hoa tàn đón nhận tình xa lỗi thề
Tháng tư anh đã trở về
Trường xưa lớp cũ hương quê đậm đà...

*
Một lần gặp lại rồi xa
Dặm ngàn cách trở lệ hòa gối chăn
Bên hiên ngồi nhặt lá vàng
Hoa bay theo gió, tình tan mất rồi!

*
Ngày ngày gom lá hoa rơi
Đếm hoài không hết những lời nhớ thương?
Đốt lên tìm lại dư hương
Cuộc tình vạn dặm trót vương cuối đời

*
Trời cao đất rộng biển khơi
Của ai trả nấy cho vơi muộn phiền
Chỉ là một chút nợ duyên
Luyến lưu chi nữa?  Thiêng liêng định phần

*
Còn chăng là chút nghĩa nhân!!!

Saigon 26/8/2016
Vkp phượng tím

 

XA XĂM 
 

 










Mới hôm nào hứa trăm năm
Bỏ duyên tình lỡ giữa chừng chơ vơ
Cuộc đời ai biết chữ ngờ
Một ngày thuyền nỡ xa bờ sang sông
Bỏ quên con nước giữa giòng
Cỏ buồn cúi mặt tuôn dòng lệ đau
Giàn hoa cũ cũng phai màu
Dáng người hôm ấy còn sầu nhớ nhung
Mới đêm nao dưới trăng rằm
Nụ hôn vội vã còn hằn trên môi
Chỉ nụ hôn đầu mà thôi
Cớ sao lại buột một đời nhớ thương
Tình đau như xé đêm trường
Tình đi bỏ lại vết thương trong đời
Để cho người mãi xa người
Tháng năm héo úa một thời chia tay…

Trần Hương Giang

 

 

 

Thế Rồi Một Buổi Chiều (Phần Một) - Nhất Linh


Thế Rồi Một Buổi Chiều
 
 
I

 Dũng bước trên con đường làng. Ban trưa, đường vắng, tiếng gió thổi kẽo kẹt trong những rặng tre già lẫn với một vài tiếng gà gáy xa xa đưa lại và tiếng trong trẻo của mấy đứa trẻ nô đùa dưới ánh nắng ấm áp. Dũng cứ cắm đầu bước, tuy chàng vẫn biết rằng lần này khó lòng thoát được; từ nửa đêm đến giờ, chàng đã chồn chân, đi hết làng này sang làng khác, nhưng không có một nơi nào để chàng tạm ẩn.

Bên đường, cạnh vài gốc thông già, mấy người con gái xúm quanh một cái giếng khơi đương kéo gầu lấy nước. Dũng khát ráo cổ, nhưng vẫn không dám dừng lại xin nước uống, sợ người ta nhận biết mặt mình. Chàng cắm đầu đi, văng vẳng nghe sau lưng tiếng gió reo trong rặng thông, tiếng cười nói của mấy cô con gái và tiếng nước chảy từ gầu xuống giếng sâu.

Đi gần hết làng, Dũng trông xa ra: ở giữa tận chân trời, thấp thoáng có mấy nóc nhà gạch. Chàng biết đó là dãy phố huyện V.D., chàng biết rằng chàng đã cùng đường, tiến không được nữa, lùi tất gặp người đuổi mình. Chàng rẽ liều vào một cái ngõ con, đi hết một quãng, gặp một cái cổng chùa, nửa khép nửa mở. Dũng chép miệng:

- Cứ liều.

Liều, vì chàng biết rằng vào đây chỉ là đợi người ta đến bắt. Dẫu sao, khi đã khép cổng lại rồi, Dũng thở dài, người như nhẹ hẳn. Một dãy hồng nở hoa, thoang thoảng đưa hương thơm. Dũng đi qua một cái vườn rộng, vừa vào đến gần chùa, thì một vị sư bà chạy ra nói:

- ấy chết mời thầy ra ngay cho, chùa này là chùa sư nữ ở.

Dũng ngần ngừ nhìn sư bà, rồi trả lời ngớ ngẩn:

- Nhưng tôi đã trót vào rồi thì để tôi vãn cảnh chùa đã.

Rồi Dũng nhìn ngang ngửa như một nhà khảo cổ, ngắm nghía vẻ đẹp của nếp chùa. Thật ra chàng đương loay hoay tìm cách ẩn thân, ngắm nghía mãi rồi sư bà cũng đến mời ra thôi.

Mười lăm phút sau, khi đã xem khắp các nơi để tìm chỗ trốn, Dũng đứng vờ đọc những chữ mà chàng không hiểu trên một tấm bia cổ. Bỗng có tiếng người đẩy cổng chùa. Chàng giật mình, lắng tai nghe, nhưng lại yên tâm ngay vì thấy có tiếng cài then cửa lại. Chắc là có người nào ở trong chùa vừa đi đâu về. Dũng thấy động sau lưng, quay lại: đôi mắt hoa đương đăm đăm nhìn chàng, đôi mắt ngạc nhiên của một cô sư trẻ tuổi.

Dũng như không để ý đến người sư nữ, lại vờ nhìn bia.

Một lát sau, sư bà lên cùng với sư cô trẻ tuổi, vừa cất tiếng mời Dũng ra, thì ngoài cổng có tiếng đập mạnh. Ba người cùng lặng yên, lắng tai. Dũng tiến đến gần sư bà, van lơn:

- Bạch sư bà, tôi sống chết bây giờ là ở tay sư bà, xin sư bà thương mà cứu tôi. Họ sắp vào bắt tôi, tôi... một người...

Tiếng sau cùng chàng nói thật khẽ, nhưng hai nhà sư cùng nghe rõ, và thấu ngay tình cảnh nguy cấp của người khách lạ thăm chùa.

Sư bà đưa mắt nhìn sư cô, còn sư cô vẫn đăm đăm nhìn Dũng không chớp. Tiếng gõ cổng ngoài một lúc một mạnh.

Dũng nói:

- Sư bà cho phép tôi đi trốn... Nhưng ẩn đâu. ẩn đâu bây giờ?

Trong lúc sư bà còn đương lưỡng lự chưa biết xử trí ra sao, thì sư cô điềm nhiên, nói một cách bình tĩnh như không:

- Được, ông vào buồng tôi mà ẩn.

Rồi cô lấy tay chỉ về phía nhà trái, bảo Dũng:

- Ông xuống ngay đi!

Tuy đương lo sợ, hốt hoảng mà Dũng cũng phải lấy làm ngạc nhiên về cử chỉ của cô sư. Chàng thoáng thấy một vẻ đẹp oanh liệt, lạ lùng hiện trên nét mặt dịu dàng của người sư nữ đã điềm tĩnh tìm cách cứu chàng, che chở chàng như một người chị.

Trong lúc Dũng ở trong buồng tối, nép mình sau mấy bức hoành phi và câu đối, thì sư cô lên tiếng hỏi người gõ cổng:

Một lát sau, Dũng thấy có tiếng người đàn ông nói:

- Lạ thật! Có người bảo đi vào ngõ này mà tìm đâu cũng không thấy.

Và tiếng người sư nữ đáp lại:

- Chùa này lúc nào cũng đóng cửa, ai vào được đây.

- Họ trèo tường vào.

- Các ông thử đi xem.

Tiếng sư cô trả lời bình tĩnh như không, im một lát, rồi Dũng thấy tiếng chân đi về phía cổng và tiếng cài then. Chàng vững tâm lại gần cửa nhìn qua khe ra ngoài, thấy hai sư đương đứng ở sân bàn chuyện.

Sư bà nói với sư cô:

- A Di Đà Phật! Bây giờ làm thế nào?

- Bạch sư bà con nghĩ nên để cho người ta ẩn đến chiều.

- Thế ngộ làng nước...

- Bạch sư bà... ai biết được.

Thoát nạn, Dũng bước ra, đến gần hai nhà sư ân cần tạ ơn và xin đi ngay để khỏi phiền lòng hai nhà sư.

- Không sao, ông cứ lánh ở nhà chùa, đợi đến xâm xẩm tối hãy đi. Bây giờ ra ngay thế nào được. Họ biết thì lôi thôi đến cả nhà chùa nữa.

Sư bà gật đầu cho là phải và khi thấy Dũng có vẻ mệt, liền ân cần hỏi:

- Thầy chắc đói lắm.

Rồi quay lại bảo sư cô:

- Sư cô lên lấy ít oản chuối xuống đây để thầy ăn cho đỡ đói.

Sư cô lên chùa rồi đem xuống một đĩa đầy oản chuối, đặt trên bàn, mời:

- Có ít lộc Phật, ông vào xơi nước.

Bây giờ Dũng mới để ý đến giọng thanh tao của vị sư nữ, đến đôi bàn tay xinh xắn, trắng trẻo đương nhẹ nhàng xếp lại mấy phẩm oản, và đôi bàn chân nhỏ nhắn trong dép da mộc mạc.

Chàng đói bụng, nên ăn có dáng ngon lành. Rồi trong khi uống nước, chàng nói chuyện với hai nhà sư về cuộc đi trốn của chàng trước khi đến chùa; thấy hai nhà sư ân cần hỏi han, chàng đem đời mình ra kể qua loa bằng một giọng thành thực và tự nhiên. Chàng sẵn có tài nói, nên dễ cảm động người nghe. Sư bà chốc chốc lại điểm hai tiếng: tội nghiệp. Dần dần, Dũng biết rằng ông cụ thân sinh ra sư bà trước kia cũng đã gặp cảnh ngộ giống như cảnh ngộ của chàng. Bấy giờ chàng mới hiểu vì cớ sao sư bà không sợ gì tội lỗi, hiềm nghi, để cho chàng ẩn vào buồng sư cô. Còn sư cô từ nãy đến giờ vẫn ngồi yên, không nói nửa lời, mắt nhìn ra sân vẻ mặt lạnh lùng, bí mật, có dáng nghĩ ngợi.

Nhất Linh
(còn tiếp phần 2)

Người Con Gái Ngồi Khóc Một Mình - Thuyên Huy


Người Con Gái Ngồi Khóc Một Mình

 











Người con gái ngồi khóc một mình
Mưa như bụi lả tả rơi từ sáng sớm
Ở một góc ngõ xưa
Có tiếng lá lao xao rụng mùa thu vừa chớm
Vội qua đường khách hờ hững lặng thinh
Tóc ướt sũng
Lùa từng giọt nước đong đầy khóe mắt
Cúi đầu thở dài nghe
Tiếng khóc của trời đất buồn tênh
Đôi bàn tay gầy run run giấu mặt
Đá rong rêu nằm nhớ đường chiều hiu hắt
Mặt trời đen mù lòa đâu đó bài thánh ca buồn
Bài thánh ca buồn thiếu nhịp vọng hồi chuông
Đốt tờ thư
Giấy trắng chữ mực xanh để tang tiễn cuộc tình đi xa
Xa về một nơi bất tận
Còn gì đâu để mà trách hận
Khi kiếp người vẫn mãi là những nhánh sông đời
Những nhánh sông đời loanh quanh cuối cùng cũng về với biển
Người bỏ người đi không đưa không tiễn
Chấp vá hết mảng sầu che chưa trọn nổi đau
Cũng chẳng có gì để trả lại cho nhau
Ngoài một nửa đời con gái
Người ngồi yên mặc cho gió đưa gió đẩy
Hồn xác rã rời chừng đó khẳng khiu
Phía sau lưng cuộc tình
Không còn lại bao nhiêu
Vài lá thư xanh đôi ba lần hò hẹn
Lần cuối cùng người chờ người không đến
Nước mắt muộn rã rời cố níu kéo tiếng mưa
Phố giờ này người thưa
Đèn nhà ai cửa đóng then gài buồn lây buồn lất
Nắng chết từ thuở hoàng hôn dật dờ tím ngắt
Một mai không còn nữa chuyện bây giờ
Đáy huyệt sầu chôn kín một trời mơ
Ở chỗ đó
Người con gái ngồi một mình
Vẫn khóc.

 
Thuyên Huy

 

 

 

 

 

 

 

 

Cháu Kiệt sức, Chán Nản Và Tuyệt Vọng Khi Nghe Chữ Học - vietnam.net


"Cháu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe chữ HỌC"

 Một học sinh cấp 3, là học sinh giỏi từ lớp 1 tới lớp 9 tại TP.HCM, gửi thư thống thiết tới “các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo”, nói rằng em ghét việc học.

 


"Kính thưa các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo!

Cháu xin được trút hết nỗi lòng đã giấu diếm suốt bấy lâu nay và cháu, cũng như nhiều bạn học sinh khác mong chờ sẽ nhận được những lời chia sẻ, cũng như ý kiến của các bác lãnh đạo, các phụ huynh và các thầy cô. Đã nhiều năm nay, hầu như cuộc đời của học sinh chúng cháu chỉ là thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại. Qua nhiều năm, niềm đam mê học tập của cháu dần mất đi. Cháu bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ HỌC.

Không biết tự bao giờ, thời gian chúng cháu đi học còn nhiều hơn khoảng thời gian chúng cháu được ngủ. Đối với cháu, càng học cao hơn, kiến thức càng trở nên vô nghĩa.

Cháu biết nói ra điều này thật vô ơn. Để có được những kiến thức hôm nay là công sức đầy gian lao của những người đi trước. Nhưng cháu tự nghĩ, vì sao giáo viên chỉ có thể dạy một bộ môn nhưng bản thân một học sinh phải học những mười mấy môn?

Không chỉ vậy, chúng cháu còn chịu áp lực nặng nề từ thầy cô, phụ huynh và cả xã hội. Một lớp học phải có từ 40 em được học sinh Giỏi, Khá và không được có học sinh Trung bình. Đã đi học thì các môn tổng kết cả năm phải từ 8 điểm trở lên, thậm chí là cao hơn. Tỉ lệ tốt nghiệp của trường sau một năm phải đạt 90% trở lên, có trường phải giữ vững mục tiêu là 100%.

Cháu đã nhiều lần suy nghĩ về những gì chúng cháu đang được học. Càng nghĩ, cháu càng cảm thấy nản hơn khi cháu nhận ra mình gần như không thể tiếp nhận những kiến thức nhà trường dạy.

Bộ não của một người trưởng thành chỉ nặng gần 1400 gam nhưng những người của thế hệ đi trước lại mong chờ chúng cháu học đều, học tốt lượng kiến thức khổng lồ từ hơn mười môn học khác nhau.

Cháu sợ lắm ! Cháu sợ mỗi khi ông mặt trời lại lên báo hiệu một ngày đi học nữa lại đến. Cháu sợ khi điều đầu tiên thầy cô làm khi bước vào lớp là khảo bài, kiểm tra một núi bài tập họ giao cho chúng cháu. Cháu sợ khi tiếng trống giờ về không đồng nghĩa với việc chúng cháu được về nhà nghỉ ngơi mà nó chỉ đơn thuần là giờ ra chơi giữa giờ học chính khóa và giờ học thêm. Cháu sợ khi nhìn các bạn đồng trang lứa ăn vội vàng cái bánh bao và ánh mắt họ đờ đẫn, xa xăm, vô hồn ngồi trên chiếc xe máy giữa dòng người kẹt xe lúc 5h chiều.

Thưa các bác, các bác phụ huynh, các thầy cô!

Còn biết bao nhiêu câu chuyện chưa được kể về những áp lực vô hình mà mọi người đang vô tình đặt lên vai chúng cháu.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” – Đó là điều đầu tiên cháu học được khi bước vào lớp 1. Và cho đến giờ, khi đang ở độ tuổi 15, cháu căm ghét cái câu nói này kinh khủng.

Cháu xin lỗi khi nói ra những điều này, cháu biết việc này sẽ khiến cho những người đi trước khó chịu nhưng cho phép cháu được nói lên nỗi lòng mình:Cháu ghét đi học.

Cháu ghét cái cảm giác bước qua cổng trường, mở cuốn SGK, chép từng trang vở. Cháu cảm giác mình lạc hướng… Từng ngày đi học, chúng cháu quay cuồng với việc học bài, kiểm tra. Những năm tháng dần trôi qua một cách vô nghĩa dưới áp lực của việc học hành, của thầy cô, của gia đình.

Chương trình học hiện tại không cho phép học sinh chúng cháu có quyền sáng tạo. Tất cả bị bó buộc vào những quy luật nhất định và chúng cháu – những người học sinh bắt buộc phải làm theo chứ không được thay đổi.

Chính bản thân chúng cháu còn không hiểu mình đang học vì cái gì, vì ai!

Học vì kì vọng của mọi người xung quanh, học vì điểm số, học để qua được một kì kiểm tra ư? Xong rồi sao nữa?

Cuối cùng sau hơn 20 năm học tập miệt mài, căng thẳng chúng cháu còn phải sống một cuộc đời rất dài và tới lúc đó, chúng cháu sẽ phải áp dụng những kiến thức đã học được vào cuộc sống. Nhưng cháu đã nhiều lần tự hỏi, cháu có thể sử dụng “Chuyển động tròn đều”, “Chiều tăng giảm của hàm số” hayVecto trong cuộc đời thật như thế nào?

Chúng cháu cứ học rồi lại quên, thầy cô thì cứ lao đầu vào giảng, giao bài tập về nhà nhưng họ chưa bao giờ nói cho chúng cháu nghe ứng dụng của những kiến thức này trong cuộc sống.

Từ một lúc nào đó, mọi người lại đánh giá nhau thông qua những con điểm. Chì vì những con điểm vô giá trị mà đã đẩy biết bao số phận học sinh vào bước đường cùng, đã khiến cho mối quan hệ chữa cha mẹ - con cái và giáo viên – học sinh trở nên căng thẳng, ngột ngạt.

Cuộc sống của những học sinh giờ đây gần như chỉ xoay quanh HỌC. Chúng cháu không biết đến khái niệm nghỉ ngơi, thư giãn. Chúng cháu gần như không còn hiểu được giá trị của những bữa ăn bên gia đình vì gần như suốt một tuần chúng cháu chỉ gần như học thêm đến khi trời tối mịt.

Người bạn ngồi kế cháu, bạn ấy học rất giỏi và các thầy cô đều rất yêu quý bạn ấy. Nhưng bạn ấy khổ lắm. Nhà bạn ấy ở Quận 12 và bạn ấy phải đi xe buýt tới Quận 1 để học thêm mỗi ngày. Từng ngày đi học của bạn ấy bắt đầu từ 5h30 sáng cho tới 11h đêm. Bạn ấy đã kiệt sức rồi, cháu biết điều đấy. Khuôn mặt bạn phờ phạc, ánh mắt bạn bơ phờ, bạn bị thiếu ngủ và đau dạ dày. Những người như bạn cháu không thiếu ngay tại chính TP.HCM này.

Học sinh chúng cháu sống thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm và không có kĩ năng sống. Chúng cháu không biết phải làm gì nếu có động đất, sóng thần hay gặp một người bị đột quỵ ngay giữa đường. Người lớn thất vọng vì cách ứng xử của thế hệ trẻ trong khi thế hệ trẻ chúng cháu lại thất vọng vì đang được giáo dục không có định hướng.

Thưa các bác, là một học sinh, cháu đã vô cùng xúc động khi nghe chủ trương không dạy thêm. Cái cảm giác vui mừng chợt chạy qua người cháu khi nghĩ đến cảnh chúng cháu không còn phải còng lưng ra học bài lúc 11h đêm nữa.

Nhưng hiện thực tàn khốc của việc học đã không cho cháu được vui mừng lâu. Trước cảnh mỗi năm đề thi Đại học lại đổi mới một kiểu, trước cảnh cô giáo viên dạy Toán của chúng cháu quảng cáo về lớp dạy thêm của cô một cách bí mật, cháu nhận ra mọi chuyện sẽ không hề tốt lên được, sẽ không bao giờ tốt lên được.

Rồi sau tất cả, khi chúng cháu rời ghế nhà trường, đối diện với cuộc sống thật, chúng cháu lại lơ ngơ, hoang mang vì hoàn toàn không có những kĩ năng sống cần thiết.

Cháu cầu xin các bác, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo: Xin hãy cho chúng con được SỐNG. Xin cho phép chúng con được sống trong những tháng năm tuổi học trò một cách trọn vẹn nhất có thể. Xin đừng quá kỳ vọng vào tụi con để rồi chính những kì vọng ấy khiến cho mọi người thất vọng. Xin đừng chỉ trích chúng con khi bọn con bị điểm kém. Xin hãy hiểu rằng mỗi người chỉ có những khả năng nhất định và bọn con không phải là thiên tài.

Cuối cùng, con xin mọi người hãy hiểu: HỌC SINH CŨNG CHỈ LÀ CON NGƯỜI, KHÔNG PHẢI MÁY MÓC"
Vietnam.net
304Đen – Llttm

*Ghi chú: nội dung lá thư khá hay nhưng không có chi tiết gì để cho thấy, có phải thật là do một học sinh lớp 9 viết hay một người nào khác, xin tùy người đọc nhận xét.

Cuộc Trò Chuyện Bất Ngờ - ngươivietudo


CUỘC TRÒ CHUYỆN BẤT NGỜ

 

 
A lô, xin lỗi cho cháu được nói chuyện với chú "nguoiviettudo"

- Tôi đây

- Dạ thưa chú, cháu là độc giả những bài viết của chú. Tình cờ cháu có số ĐT nầy nên gọi chú hôm nay. Xin chú khoan cúp máy, xin hãy nghe cháu trình bày rồi sau đó chú cúp cũng còn kịp. Cháu tên NTNL năm nay hai mươi bốn tuổi hiện theo học cao học kinh tế. Như cháu vừa trình bày cháu đã đọc hết những bài viết của chú , cháu mong chú giải đáp cho một vài thắc mắc mà cháu tin chú sẽ trả lời được…

- Cô quê quán ở đâu?

- Dạ cháu sinh ra và lớn lên ở Saigon, quận Năm…

- May quá!

- Thưa chú nói " may quá " nghĩa là sao ạ?

- Tôi nói thế vì nếu cô trả lời cô sinh ra ở TPHCM thì tôi sẽ cắt điện thoại ngay. Cô chắc không phải VC . Xin lỗi ông thân sinh của cô năm nay được bao nhiêu ?

- Dạ ba cháu khoảng trên dưới năm mươi.

- Vậy thì cô phải gọi tôi là bác vì đứa em út của tôi lớn hơn ba cô vài tuổi.

- Dạ con xin lỗi bác. Thật ra con cũng là VC bác ơi. Ông nội con và hai người anh của ba con đều là liệt sĩ, còn ba con đang làm việc trên quận …Hồi còn học tiểu và trung học con cũng rất hãnh diện mình thuộc gia đình có công với cách mạng, hưởng nhiều quyền lợi và ưu tiên. Hết bậc trung học tuổi mới lớn tò mò, con và mấy đứa bạn lén vào internet đọc tin tức, bài viết, nhờ vậy tụi con phát giác nhiều điều mà nhà trường không dạy .

Tình cờ con tìm ra những bài viết của bác, nên hôm nay con đánh bạo muốn hỏi bác vài điều về lịch sử . Con mê đọc lắm, nhưng càng đọc càng tò mò muốn tìm hiểu nhiều hơn mà chẳng ai giúp được. Ngày Ba Mươi tháng Tư Bảy Mươi Lăm ba con lúc đó mới chừng hơn mười tuổi nên ba cũng chẳng biết gì nhiều. Vậy bác có giúp được con không hả bác?

- Hóa ra cháu cũng là VC con nhà nòi hả? Nhưng tôi hứa sẽ giải thích những gì tôi biết , không thêm không bớt và nhất là không bóp méo lịch sử. Tôi cũng cảm ơn cháu bởi vì cháu không gọi cái ngày đau thương đó là " ngày giải phóng " như nhiều người sống bên nầy vẫn còn lầm lẫn .

- Dạ , giải phóng gì bác ơi, mặc dù gia đình con được hưởng nhiều bổng lộc của chế độ nhưng con rất dị ứng với mấy ông cán bộ VC. Một phần mấy ổng không có trình độ , phần khác mấy ổng ăn tham quá. Cũng nhờ chơi đám bạn cùng tánh tò mò, tụi con hay tụm nhau đọc báo nước ngoài nên mới biết được nhiều chuyện động trời. Cái gì của VNCH cũng xấu hết, mấy ông ở ngoài Bắc nói vậy mà. Mấy ông còn nói ông Ngô Đình Diệm là tay sai cho Mỹ rước Mỹ vào miền Nam để nô lệ hoá dân miền Nam. Chuyện đó thật không bác? Ông Diệm là người như thế nào và VNCH dưới thời ông Diệm ra sao? Có đói kém như sách vở ngoài Bắc viết không hả bác?

– Về vấn đề này cháu cũng phải cẩn thận tìm đọc tài liệu viết bởi những tác giả uy tín, trung thực và khách quan, bởi vì ông Diệm không phải là thần thánh nên chắc chắn cũng mắc phải sai lầm và người ưa kẻ ghét. Phần tôi tôi sẽ kể cho cháu nghe vài mẩu chuyện rồi cháu tự tìm ra kết luận cho mình.

* Nếu cháu đọc nhiều chắc biết quân đội Mỹ đặt chân lên miền Nam vào năm 1965 và ông Diệm thì bị sát hại gần cuối năm 1963. Vậy làm sao ông Diệm rước Mỹ vào VNCH được?

*Chuyện thứ hai : chắc cháu biết Tân Gia Ba mà bọn trẻ trong nước bây giờ gọi tắt là Sing? Cháu cũng biết ông thủ tướng Lý Quang Diệu người đã biến đảo quốc nhỏ bé này thành giàu mạnh và sạch sẽ nhất Đông Nam Á? chính ông Lý Quang Diệu đã bày tỏ niềm ao ước Tân Gia Ba trở nên như VNCH sau chuyến thăm viếng thời ông Diệm. Cháu cũng biết mỹ từ " Hòn Ngọc Viễn Đông " ám chỉ Saigon ? Nó bắt nguồn từ đó nếu tôi nhớ không sai.

* Còn chuyện này thì nhân vật chính là tôi : hồi chừng năm sáu tuổi tôi có lượm được tờ giấy bạc một đồng bị rách phân nửa. Tôi bước vào cửa tiệm ông già Tàu bán chạp phô cách nhà tôi vài căn . Tôi rụt rè đưa cho ông phần tờ tiền màu xanh chính giữa có vòng tròn trắng ( tôi vẫn còn nhớ tới bây giờ). Ông già không nói không rằng thu lấy rồi đưa cho tôi ba cục kẹo bự bằng ngón tay trỏ. Ba cục kẹo giá năm cắc. Tờ giấy bạc vẫn giá trị dù chỉ còn phân nửa.

Tôi chưa từng gặp ông Diệm bởi vì lúc đó chưa có TV (hay smart phone). Nhưng đó là những gì đã xảy ra trong nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Mặc dù bị thảm sát hơn năm mươi năm hiện nay hàng năm các hội đoàn trên thế giới vẫn cử hành ngày giỗ ông . Nếu ông là người không tốt chắc chẳng ai thèm nhớ tới ( tưởng niệm ) làm gì. Cháu hãy tiếp tục đọc và tìm hiểu bởi vì tài liệu hình ảnh thời đó đầy rẫy trên internet.

- Bác ơi mấy ổng nói ông Diệm lê máy chém và chặt đầu cả ngàn chiến sĩ cách mạng …

- Ông Diệm làm được như vậy thì đỡ biết mấy.!!

- Cháu cũng đoán VC nói dóc về gia đình TT NDD , về ông Nhu ông Cẩn và đặc biệt bà Nhu. Cháu có đọc mấy bài viết về bà ấy , cháu rất nể phục nhất là cái vụ bà tranh đấu cho nữ quyền. Bà đẹp , còn trẻ mà chịu ở vậy thờ chồng nuôi con có mấy người làm được?

- Thời đó là tuổi con nít đẹp nhất của lớp tụi tôi…

- Rồi sau nầy ra sao hả bác?

- Sau này tới thời ông Thiệu lúc đó Mỹ đã có mặt trên miền Nam..

- Con đi học mấy thầy cô giáo dạy là ông Thiệu làm tay sai bán nước cho Mỹ. Hết ông Diệm rồi tới ông Thiệu ai cũng tay sai hết trơn. Sự thực là thế nào hả bác?

- Cứ nghĩ như vầy : nhà một người nào đó bị cháy, bất cứ thứ gì có thể dập lửa chủ nhà đều chụp lấy kể cả có khi là cái bô nước tiểu của đứa con út ba tuổi đặt dưới giường. Cũng vậy, VNCH đang sống yên bình no ấm bỗng dưng bị phía ngoài kia gởi quân vào quấy phá giết người đốt nhà, lại còn huấn luyện đám địa phương nổi lên làm thổ phỉ, theo cháu lúc đó mà Zim Ba Bu Ê ở Phi Châu chịu giúp đỡ khí tài quân sự và nhân sự liệu cháu có chụp lấy để tự vệ (và biết ơn) không ? tình hình ở miền Nam như vậy đó. Không thể chế tạo vũ khí, không thể lo liệu chu toàn kinh tế vì tất cả (lực lượng lao động chính) đều phải nhập ngũ, ai giúp được, ngoại trừ người Mỹ. Dĩ nhiên người Mỹ họ không làm từ thiện nên họ cũng có những yêu sách của họ. Đó là thế kẹt của VNCH…

- Rồi vậy mình phải làm tay sai cho Mỹ sao? Mấy ổng nói lính VNCH cầm súng Mỹ để bảo vệ Mỹ, đỡ đạn chết thay cho Mỹ, điều đó đúng không bác?

- Không, lính VNCH chỉ bảo vệ Tổ Quốc và đồng bào mình. Hồi đó Mỹ và VNCH có hệ thống chỉ huy riêng, không ai dẫm chân lên nhau. Cố vấn khi đi với linh VNCH lúc đầu cũng lo, nhưng riết rồi họ cảm phục tinh thần chiến đấu chịu đựng và cuối cùng thì "mê" . Lính VNCH đâu có được phục vụ tiếp tế như Mỹ, nhưng nói về sức chiến đấu thì thuộc bậc thầy. Nhiều cố vấn sau này trở thành danh tướng vẫn nhớ về những ngày hành quân với "mấy thằng cha ăn cơm chan nước mắm, uống suối ven đường". Chẳng hạn ông Thiếu Tá cố vấn Nhảy dù cho Trung Tá Ngô quang Trưởng (sau này là Đại tướng chỉ huy chiến dịch Bão Sa Mạc) vẫn tấm tắc ngợi khen tài điều quân của vị TDT Nhảy dù VN. Hoặc ông cố vấn Tiểu Đoàn 2 TQLC (sau này là đại tướng TQLC Mỹ) vẫn hồi tưởng những phút giây hành quân với "Trâu Điên". Nhiều lắm cháu ơi. Quan hệ của họ là quan hệ đồng đội, huynh đệ chi binh trên chiến trường.

- Mấy ông phía miền Bắc tuyên truyền là lính VNCH sợ Mỹ như cha, con cũng nghi nghi mấy ổng nói dóc…

- Để tôi kể cháu nghe chuyện này mà những người cỡ tuổi tôi đều nhớ rõ. Hồi đó ông Thiếu Tá Nguyễn Viết Cần, Tiểu Đoàn Trường TD 11 Nhảy Dù về hậu cứ ở vườn Tao Đàn dưỡng quân. Ông đi ăn với sĩ quan TD trong một nhà hàng. Hai thằng QC Mỹ hống hách đòi coi giấy tờ của ông. Ông rút súng bắn chết tươi cả hai về tội hỗn láo đối với một sĩ quan cao cấp của QLVNCH . Lính TD 11 nghe tin, chất đầy hai xe Jeep chạy đến hộ tống ổng. Đây là chuyện có thật đã đăng trên báo chí thời đó. Sợ Mỹ hay không cháu cứ suy ra thì biết. Hai thằng ngu phải bỏ xác chỉ vì cố tình bước qua lằn ranh cấm.

Lính mình hay quá hả bác? Còn thời ông Thiệu thì sao? Ông Thiệu làm Tổng Thống như thế nào ? mấy ông Bắc Kỳ nói ông Thiệu hèn nhát, tham nhũng, thiếu tinh thần lãnh đạo, bác giải thích cho con biết với.

-Cảm ơn cháu đã gọi lính VNCH là "lính mình" . Hồi xưa dân trong vùng chiến trận khi thấy quân phục kaki và nón sắt đều liều mạng mà chạy về phía đó , vừa chạy vừa la "lính mình tới, lính mình tới…".

Câu hỏi về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của cháu tôi có thể trả lời như sau : ông Thiệu là người lãnh đạo duy nhất ở miền Nam hiểu tận tường VC . Chỉ câu " Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm " đã chứng minh điều đó. Mà hiểu rõ VC và muốn chống cộng hiệu quả thì không thể hèn nhát, tham nhũng. Ông Thiệu có tài nhưng cô đơn vì ôm đồm nhiều quá, ông cũng không có nhiều đồng minh. Phó của ông mà còn chứa chấp che chở cho VC Huỳnh Tấn Mẫm và đám đàn em SVHS, Thủ Tướng của ông thì chỉ biết ngậm miệng ăn tiền … làm thế nào một mình ông có thể lèo lái thành công?

- Bác có vẻ bênh vực ông Thiệu, cháu đọc báo nước ngoài có rất nhiều tác giả lên án ông..

- Thứ nhất : những ai lên án ông Thiệu khi ông đã ngã ngựa thì chắc không phải khách quan, thậm chí còn hèn nữa. Sao không làm điều đó lúc ông đương quyền hoặc khi ông vẫn tại thế? Thứ hai : tôi không ưa ông Thiệu và từng tham gia biểu tình chống lại vấn đề tham nhũng lính ma lính kiểng.. Nhưng như tôi đã nói, một mình ông không thể lèo lái công việc chống cộng hiệu quả nếu những người chung quanh không hợp tác. Cho đến giờ phút này vẫn chưa ai đưa ra được chứng cớ thuyết phục để tố cáo ông Thiệu tham nhũng . Toàn là những lời đồn đại như vụ mấy chục tấn vàng. Tôi cũng cho điểm âm về tình hình xáo trộn thời Đệ Nhị Cộng Hoà, nhưng ít nhất khi cần thiết ông sẵn sàng có mặt bên cạnh chiến sĩ bất chấp nguy hiểm. Ông Thiệu dám đi thăm An Lộc ngay khi tiếng súng vừa dứt. VC pháo kích ngày hôm đó rất gần chỗ ông rời trực thăng .

Hiểu tường tận về VC, can đảm đi vào chiến trường để động viên binh lính ông Thiệu không khờ khạo mà tham nhũng, bè phái tự phá nát những thành quả ông đã xây dựng. Rất có thể VC và "kẻ thù cùng phe" lũng đoạn rồi cố tình đổ vấy cho ông .

- Bác nói nghe chí lý , mấy ông Bắc kỳ vẫn tố cáo ông Thiệu lấy mấy chục tấn vàng làm của riêng, sau này mới lòi ra tác giả chôm chỉa là VC. Còn vụ trốn quân dịch, lính ma lính kiểng là sao hả bác?

- Có, đó cũng là một trong những lý do tuổi trẻ chúng tôi biểu tình đã đảo ông Thiệu. Bạn bè anh em chết ngoài trận nhiều quá trong khi vẫn có những thằng khỏe mạnh nhởn nhơ chơi bời ăn nhậu . VNCH dân chủ quá cho nên ca nhạc sĩ hèn nhát tự do xúi thanh niên đào thoát chiến tranh bằng những tác phẩm sặt mùi chết chóc chiến bại. Như Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, như Phạm Duy cứ ‘Em hỏi anh, em hỏi anh…." suốt ngày trên đài phát thanh quân đội. Thanh niên không nản lòng sao được.

- Hèn gì VNCH sụp đổ mau quá vì toàn bị đâm sau lưng . Rồi khi ông Thiệu từ chức thì vị Tổng Thống thứ ba của VNCH là Trần Văn Hương , bác kể con nghe một chút đi ?

- Tổng Thống Trần Văn Hương là hình mẫu của một trượng phu sĩ khí miền Nam . Gần ngày 30/4/75 cả Mỹ lẫn Pháp đều ngỏ lời muốn đưa ông ra nước ngoài nhưng ông đều từ chối. Nguyên nhân : ông không hèn nhát bỏ quân dân đã và đang đổ máu bảo vệ Tổ Quốc. Sau này VC bày đặt rình rang làm lễ trả lại quyền công dân cho ông để tuyên truyền, ông đã khẳng khái từ chối . Ông nói : còn biết bao người chưa phục hồi trong khi mình là Tổng Thống của họ thì coi sao được . Người ta ít viết về ông nhưng theo tôi ông là vị Tổng Thống được kính trọng nhất chỉ sau TT Ngô Đình Diệm.

- Con cũng đọc nhiều bài ở nước ngoài về vị Tổng Thống cuối cùng Dương Văn Minh của các tác giả người Việt. Sao ai cũng lên án ông hết trơn…

- Đối với ông nầy hãy để Lịch Sử luận công và tội một cách trung thực. Còn quá sớm để vội vàng. Riêng ý kiến tôi thì DVM không phải là một nhà chính trị và cũng không nên nhảy ra làm chính trị !!

- Bác ơi con đọc hết những bài viết của bác trong đó có bài "I have a dream " kể chuyện một bác sĩ VN chế ra thuốc trị AIDS nhờ quan sát con dê đực, con cười quá chừng. Nhưng cũng có những bài viết khác con đọc mà chảy nước mắt, chẳng hạn như bài "Tôi Gọi Họ là Những Anh Hùng" nói về bác Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long , bác Trung Sĩ Trần Minh và nhất là bác Binh Nhì Hồ Đức Tâm. Những chuyện đó có thật không bác? Tại sao các bác đó lại phải chết vậy? . Còn chuyện bác Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái và bảy bác Nhảy Dù nữa. Con đọc mà chảy nước mắt cứ ngạc nhiên tại sao các bác ấy lại tự sát . Con hiểu không nỗi bác ơi !!

- Những chuyện đó có thật!! Thực ra thì chẳng ngạc nhiên nếu cháu biết được người lính VNCH sống chết vì cái gì. Quan trọng nhất đối với họ là Tổ Quốc rồi đến Trách Nhiệm, Danh Dự. Ngày 30/4/75 Tổ Quốc bị "Tử Trận" lính VNCH tự quy kết mình đã không làm tròn Trách Nhiệm (mặc dù không phải như thế) cho nên chỉ còn cách tự sát để đền tội và bảo vệ Danh Dự người lính .

Ở VN cháu biết ông Nguyễn Hữu Cầu chớ, người được coi là Người Tù Xuyên Thế Kỷ. Ông kể chuyện đã nghe nhiều anh em trên đường về Nam kể lại từng nhóm ngồi chung chia nhau trái lựu đạn . "Tự tử hôn mậy !" câu hỏi giản dị giữa những người lính VNCH lúc đó. Cháu đọc nhiều chắc cũng biết ông Nelson Mandela ở Nam Phi người bị tù gần ba chục năm, tuy nhiên so với ông Cầu thì vẫn còn thua xa : thua cả thời gian ngồi khám lẫn sự đối đãi. Ông Nelson còn được ăn uống chăm sóc sức khỏe tử tế chứ còn ông Cầu ngày ra tù mắt muốn mù bệnh tật đủ thứ.

- Nhưng mà tại sao chỉ có lính tự sát sau ngày 30/4 vậy bác ? con không thấy người dân nào …

- Có chứ, dân tự sát không bằng súng , họ tự sát tập thể đâu phải chỉ vài người. Họ vượt biên!! Gần nửa triệu người bán mạng ngoài biển trên những chiếc thuyền nhỏ nhoi ọp ẹp, hoặc chết đói chết khát trong rừng làm mồi cho thú dữ. …

– Sao đất nước dân tộc mình khổ dữ vậy bác ?

- Cái đó cháu phải Email lên hỏi ông Trời!!

- Hồi đi học tiểu và trung học con cứ tưởng VN rừng vàng biển bạc chỉ vì Mỹ Ngụy mà nghèo đi. Hóa ra dân miền Nam họ sợ hãi VC dữ vậy hả bác? Con nghe nói trên đường nếu gặp hải tặc coi như xong. Tụi nó hãm hiếp giết chết quẳng xuống biển, rồi còn cá mập nữa. Cứ tưởng tượng tới đó là con rùng mình. Vậy mà bao nhiêu người chết chỉ vì tự do..

- Bởi vậy nhắc tới VC là ai cũng nổi da gà …xin lỗi cháu, tôi không có ý ám chỉ…

- Bây giờ con đâu phải VC nữa bác!! Hồi còn nhỏ thì có, con nghĩ ông nội và hai bác con sống lại chắc cũng tham gia biểu tình chống VC.

- Để con kể bác nghe chuyện này, hôm đó con mở laptop đọc bài "Tôi Gọi Họ Là Những Anh Hùng" của bác. Giữa chừng con phải đi công chuyện quên tắt máy, tới hồi về con hết hồn thấy ba con đang ngồi đọc. Con sợ quá bỏ trốn sang nhà bạn tới tối mới về. Con cứ dòm chừng ba coi ông có nói gì không mà chẳng thấy động tĩnh. Con đánh bạo hỏi "Con xin lỗi ba đã làm ba buồn…", ba con chỉ cười và nói "con lớn rồi đâu còn năm ba tuổi mà bắt buộc được đầu óc tìm tòi của con". "Vậy ba nghĩ sao, chuyện có thật như thế không?" con hỏi, ba trầm ngâm "Làm Tướng làm Tá phải như mấy ông này, cẩn thận nghe con, ba không muốn con vương vào vòng tù tội đâu". Vậy ba con có còn là VC không bác?

- Đó cũng là một nét son thời ông Thiệu, ông đã thăng cấp xứng đáng cho những anh hùng. Chưa thấy quân đội nào khi thua trận lại tuẫn tiết nhiều tướng lãnh như VNCH. Năm ông Tướng và bao nhiêu sĩ quan cao cấp khác kể cả binh nhì.

- Còn câu chuyện của cháu kể về ba cũng hơi lạ, sao con không hỏi thẳng ba trong một dịp rãnh rỗi nào đó. Vậy má con đâu ?

- Má mất hồi con mới sáu tuổi, ba ở vậy nuôi con, cho nên con không bao giờ muốn ba buồn. Con sợ ba la con vì đọc "website phản động " … Nếu ba không muốn, chắc con cũng sẽ hy sinh tính tò mò để làm vui lòng ba. Phần các bác bao giờ các bác sẽ "trở về nhà" ?

- Ý cháu là…

- Là về VN!!

- Điều đó tùy thuộc vào các cháu trẻ, nếu các cháu hành động như tuổi trẻ Hồng Kông mà đạp đổ được chế độ VC chúng tôi sẽ trở về.

- Con muốn lắm bác ơi, có điều hơi sợ. Thời buổi nầy vàng thau lẫn lộn không biết ai thật ai giả. Con cũng lén ba đi biểu tình mấy lần mà vẫn còn run. Con sợ bị bẫy như bài viết cảnh tỉnh của anh Đặng Chí Hùng về một nữ nội gián VC giả danh phản kháng. Lỡ bị gài bẫy rơi vào tay an ninh chắc chết. Hồi đó tụi con cũng tổ chức tuyệt thực nhóm ở nhà của đứa bạn nhằm cầu nguyện cho mấy ông Điếu Cày và luật sư CHHV. Sau nầy tụi con vỡ mộng !!.

Con cũng mong chế độ nầy mau sụp đổ để mình có một nước VN mới xứng đáng với giòng máu kiêu hùng của cha ông. Lúc đó chắc chắn những nhà lãnh đạo sẽ không phải CS hay kể cả cảm tình viên CS, cũng không phải những ông bà bỏ của chạy lấy người giờ huyênh hoang khoe khoang đủ chuyện. Lãnh đạo mới của tụi con phải như anh Đặng Chí Hùng , anh Nguyễn Viết Dũng, những người trẻ một lòng một dạ với Tổ Quốc Non Sông Đồng Bào Dân Tộc. Bác có biết anh Nguyễn Viết Dũng không bác, người hùng của tụi con đó. Bị ở tù vì treo cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, mặc quân phục của QLVNCH. Ra tù còn dám xâm lên tay "Sát Cộng". Bởi vậy cuộc biểu tình nào có anh là đám con gái tụi con rủ nhau tham gia…

-Có, tôi biết Nguyễn Viết Dũng, tôi cũng coi đoạn Tube về cuộc đối đáp giữa nhóm bạn trẻ của Dũng với một anh VC già còn ngu về việc đốt nến theo mẫu cờ Vàng trong nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Dũng đối đáp rất điềm tĩnh và ngạo nghễ, xưng danh VNCH một cách tự tin và mạnh mẽ. Dũng có tầm thế của một người lãnh đạo trẻ trong tương lai. Các cháu nhìn không lầm đâu. Còn Đặng Chí Hùng thi khỏi phải bàn. Ước gì sẽ càng ngày càng có nhiều Đặng Chí Hùng và Nguyễn Viết Dũng trong giới trẻ các cháu .

- Sẳn đây con muốn nhờ bác một chuyện : bác là nhà văn chắc bác biết các bác Vương Mộng Long. Lê Đắc Lực, Tô Văn Cấp mà tụi con gọi là những người văn võ song toàn. Bác Long là Thiếu Tá, bác Lực là Đại Úy, bác Cấp cũng vậy. Các bác vừa là sĩ quan cao cấp mà viết văn hay như vậy thì gọi là văn võ song toàn đâu có sai hả bác. Con nhờ bác có dịp gặp gỡ chuyển lời ái mộ của tụi con đến với các bác trên. Con rất thích đọc nhưng con cũng có một tật xấu là nếu chuyện không hay, không hấp dẫn con chỉ lướt qua phần đầu và phần cuối. Riêng bác Long bác Lực bác Cấp con đọc không sót một dấu chấm, dấu phẩy. Các bác là lính mà văn chương không nhuốm mùi máu me ghê rợn, đọc như lời kể chuyện, không giống kiểu của mấy ông mấy bà miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Chuyện nào cũng "giết cho hả căm thù" cũng "bắn một phát ba bốn thằng Mỹ Ngụy ngã gục" . Tụi con là con gái mà ,đâu thích bắn giết máu me…

- À cái này còn phải xét lại, tôi không phải nhà văn, chỉ viết để chuyển tải suy nghĩ của mình tới những người muốn đọc. Tôi cũng chỉ viết vào cuối tuần vì còn phải đi cày kiếm cơm. Tôi biết Thiếu Tá Vương Mộng Long, Đại Úy Lê Đắc Lực, Đại Úy Tô Văn Cấp trên báo thành ra không biết làm sao để giúp cháu. Hy vọng các vị ấy sẽ đọc được bài này mà cảm nhận tình cảm của các cháu dành cho. Không chỉ các cháu ở VN, bên này người ái mộ mấy ổng đếm không hết, tôi cũng là một big fan của mấy ổng. Nhà văn quân đội sau 30/4/75 ở nước ngoài cháu cố gắng mà tìm đọc để hiếu ít nhiều về những gì xảy ra cho thế hệ cha ông.

- Hôm nay nói chuyện với bác con học được vô số. Con sẽ khoe với mấy đứa bạn chắc tụi nó ganh dữ lắm. Bác ơi, vậy lần sau có cuộc gọi của con bác bắt máy không?

- Bắt chớ, rõ ràng cháu không phải VC, an ninh mạng, đối thoại thì cởi mở hứng thú, nhất là giải thích được phần nào lịch sử nước mình cho các cháu rất đáng cho tôi làm mà.

- Con cảm ơn bác.

- Bác cũng cảm ơn con.

Phần viết thêm:

Tôi nhờ người tìm kiếm và đã xác định NTNL là có thật. Cô gái xinh xắn sống với người cha trong một căn nhà bề thế . Cô vẫn còn đang đi học như lời kể. Nghĩa là NTNL không phải bẫy gài được dựng lên .

Tôi nợ cháu một lời xin lỗi (vì cúp máy sớm quá , chưa kịp nói). Tôi tưởng tuổi trẻ ở VN chỉ biết mê thần tượng Kim Chi hay suốt ngày đắm mình vào những trò giải trí ru ngủ của VC nhằm làm đui mù, liệt kháng tinh thần giới trẻ trong nước.

Hóa ra tôi lầm !! giữa đống bùn vẫn có những đóa sen trỗi dậy!!

Xin ơn trên phù hộ chở che cho các cháu.

nguoiviettudo
304Đen - Llttm