Thursday, August 18, 2016

Vườn Tao Ngộ - DHL



Vườn Tao Ngộ - Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung

 
 


Mấy mươi năm nghe lại bài hát ‘Vườn Tao Ngộ” làm mình rung động thực sự. Âm thanh và lời hát đưa mình về những ngày đầu Quang Trung bao bỡ ngỡ, lạ lùng, buồn lo. Những toán thanh niên mới giã từ đời áo trắng học trò hay nói chung là ‘đời dân sự’ để bắt đầu vào đây ngưỡng cửa “Nhà Binh’.

Có lẽ ai cũng có một tâm sự giống nhau. Những lạ lùng ngày đầu làm quen ‘nghiệp lính”.

Xếp hàng, tập họp, điểm danh va` những căn nhà dài lê thê. Nếp sống tập thể bắt đầu, một ‘bước ngoặc cuộc đời’ cũng bắt đầu.

Sự lạ lẫm, nhớ nhung của mình tăng gấp bội. Những lo lắng của mình cũng ‘nhân đôi’ hơn những anh chàng quê ở gần Quang Trung. Mùa hè ly loạn. Người Quảng Trị chạy tứ phương. Bà con người bị kẹt, kẻ thì còn ở tạm cư Đà Nẵng, người còn lưu linh khắp ‘bốn vùng chiến thuât’!

Nhà mình đang “sống nhờ, ở tạm” tại Mỹ Tho trong khi hai bàn tay trắng. Riêng mình hôm nay đang đối diện …Quang Trung?

Tập họp đi lãnh áo quần. Những bộ áo quần lính màu ô liu cái rộng cái hẹp bận vội vào người. Cái mũ lưỡi trai nhà binh, một đôi giày bố đen, một xách quân trang rộng dài tưởng thu được ‘cả bầu trời’ vào được trong đó.
Còn gì nữa để nhớ cho ngày tháng vào Quang Trung kia. Tất cả đều được lãnh tại cái trại tiếp nhận sát nách Quang Trung, đó là Trung Tâm 3 Tuyển Nhập Ngũ.

Ôi rồi, mái tóc học trò cũng bị ‘cạo phăng’ đi từ đó, và cái quan trọng nhất của mình hay cho tất cả người thanh niên miền nam bước vào đời lính đó là:

SỐ QUÂN!

Một người sĩ quan tại Quang Trung có nói một câu làm mình nhớ mãi suốt đời:

“từ nay số quân theo các anh cho đến lúc chết! phải nhớ loại máu các anh là gì? số quân và loại máu có trong thẻ bài và phải luôn đeo vào cổ, nhớ đấy!”

Rồi từ ngày đó, Quang Trung ‘nắng cháy da người’ và những màn phạt nhà binh nhớ đời hay trách nhiệm ‘chà láng’ tức là thoa vuốt bằng bùn lên bờ giao thông hào, công sự chiến đấu cá nhân trong trại phải thật láng, không thì bị ghi phạt. Còn nhiều thứ để nhớ lắm. Những cơn thèm ngủ, những giờ ăn eo hẹp chỉ mười mấy phút, thức ăn thiếu thốn, và sau hết là đồng lương tân binh ít ỏi.

Và mình nhớ làm sao hình ảnh ngày đầu nhập ngũ trong những cuối tuần chờ được kêu tên ra thăm ở Vườn Tao Ngộ. Nơi thân nhân thăm viếng tân khoá sinh tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vào ngày cuối tuần được đặt cho cái tên khá dễ thương là Vườn Tao Ngộ.

Anh tân binh còn nằm thừ người đợi chờ chợt ngồi bật dậy khi trật tự viên chạy vào…

-danh số …có người nhà tới thăm

“người nhà tới thăm’ đồng nghĩa là anh bận bộ đồ lính sạch sẽ nhất, cầm vội theo những thứ gữi lại về nhà chạy ù theo người kêu tên.

Cổng Tao Ngộ ngoài kia rồi, thời gian quý báu làm sao. Bên ngoài cổng trên bãi cỏ là những poncho trải vội. Đôi ba cặp tình nhân nói chuyện cùng ăn uống với nhau. Giờ hình dung lại mới thấy lời hát nó chân thật xiết bao:

“Hôm nay ngày Chủ Nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh.
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôị
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên dần…

Những người tình cho anh tân binh ngày đó có thể tận Cà Mâu, Lục Tỉnh nhưng nỗi nhớ nhung đã gạt phăng tất cả. Anh tân binh mới vào đời lính, chỉ vài tháng xa nhau mà cảm thấy lâu như cả ‘chục năm’? Đất nước chiến tranh, bao lớp người trai lần lượt ra đi.

Ông bà già nào đó từ miệt vườn lên thăm con đang ngồi với đứa con trai. Quà cáp bới lên chắc hẳn còn thơm mùi lúa chín, mùi mãng cầu xiêm hay vài bịt mận chín mọng ngọt ngào. Những bàn tay nhăn nheo ông bà già rờ mãi vào vai cậu con trai, nhìn nước da xạm nắng của con trai mình hai người lắc đầu ái ngại.
Hai ông bà già lục tỉnh thăm con, cũng là hình ảnh ba mẹ mình lặn lội từ Mỹ Tho cũng nhớ con lên thăm, an ủi con những ngày đầu quân ngũ. Xóm mới xứ Mỹ Tho, con đường Hùng Vương đầy lá me bay, những trường học mới cho mấy đứa em thơ nơi xứ lạ quê người. Ba mẹ mình cũng không đành bỏ con một mình trên này; chưa có kế sinh nhai nào nhưng cũng đành bỏ hết lên thăm con.

Lần đầu vào Sài Gòn, lần đầu vào nam cũng là lúc mình bắt đầu xa gia đình. Năm 1972 ly loạn, cái mốc thời gian sâu đậm nhất cho những ai là người Quảng Trị.

Vườn Tao Ngộ ngày đó chứng kiến bao cuộc phút giây tao ngộ trùng phùng, cảm động thiết tha và lại hiếm hoi vì gặp nhau chỉ ngần ấy thôi và người tình cũng phải chia tay, mẹ cha cũng phải ra về để lại cho những người trai tiếp tục con đường binh nghiệp.

Những ngày Chủ Nhật qua đi Vườn Tao Ngộ của “Quang Trung nắng cháy da người” tiếp tục đợi chờ, những lớp người, những lần tao ngộ và cây ngô đồng ngoài cổng trại tiếp tục lá rơi.


DHL 27/7/2016

304Đen - Llttm

 

 

No comments: