Monday, August 29, 2016

Bài Không Tựa - Không đề tên Tác Giả


Bài Không Tựa
 

 

Em sinh ra trong một gia đình trí thức có danh có giá ở Hà Nội . Họ Lê , nhà em người thì dịch sách, người thì soạn từ điển, người làm giáo sư sinh ngữ hoặc nghiên cứu Hán học. Bố em là giáo sư tiếng Anh từ thời Pháp thuộc. Ông giỏi tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, tu nghiệp thêm tiếng Anh ở Luân Đôn, về nước mở một trường tư thục . Các giáo viên đều là bạn học cũ có hoàn cảnh gia đình nghèo túng hay đang thất nghiệp. Ông vừa làm hiệu trưởng vừa nhận phụ trách môn tiếng Anh. Thực ra ông mở trường học cho vui và giúp đỡ bạn bè, học sinh nghèo.
Hồi ấy, nhiều người viết hay dịch sách chỉ cần cầu cạnh bố em một chữ ký "đã hiệu đính” là ông có đủ tiền mua một chiếc ô tô loại sang. Xong không phải với ai ông cũng nhận lời.
Mẹ em có một cửa hàng bán thuốc bắc to nhất phố Lãn Ông, cung cấp cho các tỉnh ở Bắc và Trung Kỳ. Tiền, vàng của mẹ em đủ tậu hàng chục ngôi nhà ở Hà Nội. Em học tiếng Anh, tiếng Pháp từ hồi còn bé tí.

Nếu cuộc đời không có những bước ngoặt cay đắng thì vào thời mở cửa như lúc này, với vốn liếng tiếng Anh, tiếng Pháp và gia tài được chia của bố mẹ, xoàng ra em cũng là chủ một khách sạn lớn... Chuyện bắt đầu từ điều bất hạnh của bố em. Một tai họa vừa phi lý lại vừa khủng khiếp.
Trong trường của bố em có một lão chuyên quét rác và đánh trống. Quê hắn ở vùng Thiên Thai, bên kia sông Đuống. Năm Ất Dậu, khi cách mạng nổi lên, hắn là thằng mõ làng hùa theo đám đông đi phá kho thóc ở Phủ Hồ. Sau đó, hắn được bầu làm xã đội trưởng dân quân. Người Pháp quay trở lại lùng bắt cán bộ Việt Minh, hắn sợ chết không dám lên chiến khu ,mà trốn ra Hà Nội lang thang xin việc.

Bố em gặp hắn ở chợ phố Hàng Chiếu đói rách, ghẻ lở. Ông thương tình cho hắn về làm chân gác cổng, quét rác và đánh trống. Hắn được ở trong trường, được cấp lương và còn được bố em dạy cho biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, do lối sống bê tha, dung tục, hắn thường bị bố em đe nạt, nghiêm khắc nhắc nhở, dọa nếu không sửa sẽ đuổi việc. Nhiều lần người ta phát hiện hắn dám chứa chấp bọn gái điếm , đưa giai vào hành nghề trong trường học để lấy vài chục đồng Bảo Đại. Bố em nghe chuyện quá tức giận, cho hắn mấy cái bạt tai. Ai ngờ chính mấy cái tát đó sau này trở thành tai họa khủng khiếp cho ông và gia đình.

Trước ngày Thủ đô giải phóng, họ hàng, bè bạn khuyên bố em di cư vào Nam, nhưng bố em dứt khoát không nghe.
Để ép buộc bố em phải di cư, ông bà nội lấy cớ không thể xa cháu đích tôn đã đưa anh trai em vào Saigon. Dẫu thế, bố em khi ấy vốn sục sôi nhiệt huyết cách mạng , kiên quyết không theo chân người Pháp vào Nam , ở lại đón chờ Chính phủ kháng chiến. Em khi ấy mới tròn một tuổi.

Hàng ngày ông cùng học sinh đi tập hát những bài ca cách mạng, may cờ và biểu ngữ đón chào những người con anh dũng của Thủ đô từ chiến khu trở về, trong đó có cả bạn bè và học trò cũ của ông. Ngày đầu tiếp quản, gã đánh trống của trường lăng xăng khắp chốn cùng nơi , hò hét, hô khẩu hiệu. Hắn tình cờ gặp người cùng làng làm đại đội trưởng, đóng quân ở gần trường học, bèn lân la làm thân và tìm cách chạy chọt, nhờ ông ta xác nhận đã từng là đảng viên, làm xã đội trưởng dân quân từ năm 1946.
Lập tức hắn trở thành nhân vật quan trọng của trường học và các khu phố lân cận. Người ta cho hắn đi học lớp bổ túc lý luận ba tháng, sau đó trở về làm hiệu trưởng của chính trường do bố em lập, nay đã thành trường quốc lập.

Việc làm đầu tiên khi nhận chức của hắn là thay toàn bộ ban giám hiệu cũ của trường. Hắn ngồi ghế chủ tọa, hút thuốc lào sòng sọc bằng điếu cày, xoa tay tuyên bố: "Tiếng Anh, tiếng Pháp là những thứ tiếng thực dân đế quốc. Học sinh bây giờ chỉ học tiếng Nga, tiếng Trung. Giáo viên tiếng Anh của trường không cần nữa nên phải chuyển sang làm đánh trống, gác cổng "
Mọi người nhìn bố em ái ngại, nhưng ông chỉ cười buồn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới phân công của cách mạng.

Từ hôm đó, bố em âm thầm an phận với chùm chìa khóa và chiếc dùi trống, không một tiếng phàn nàn. Khi Nhà nước tiến hành cải tạo công thương nghiệp, mẹ em bị quy là thành phần tư sản. Gia đình em có người di cư vào Nam và ngôi nhà phố Lãn Ông do ông bà nội đứng tên nên bị coi là nhà vắng chủ, đi theo địch, phải tịch thu làm trụ sở y tế khu phố. Người ta phân cho bố mẹ em một gian gác ở phố Hàng Thùng. Nơi đây suốt ngày chát chúa tiếng gò hàn. Bố em không chịu được tiếng ồn, đau đầu vật vã không thể làm việc, đọc sách được.

Tay hiệu trưởng giả bộ đạo đức, đồng ý cho gia đình em chuyển vào ở trong trường, ngay tại gian nhà gần khu vệ sinh mà khi xưa hắn từng ở để tiện việc quét dọn.
Cả ba nhân mạng trông vào đồng lương gác cổng của bố em và ít tiền, vàng mẹ em cất giấu được, lâu dần cũng cạn. Đã thế, tay hiệu trưởng luôn tìm cách soi mói, làm nhục bố em trước mặt mọi người. Hắn công khai tuyên bố phải để cho loại người chuyên ăn trên ngồi chốc như bố mẹ em cải tạo lao động "cho biết thế nào là lễ độ”. Thỉnh thoảng, hắn ghé qua nhà em nhăn mặt, nhăn mũi, phê bình người trí thức sao ăn ở mất vệ sinh làm gương xấu cho học trò.

Thật tức cười! Một thằng vô học, áo quần xộc xệch, tay cầm tăm xỉa răng tanh tách, tay khác gãi bụng sồn sột lại cao ngạo lên lớp nhà trí thức có tên tuổi như bố em về cách ăn nếp ở, về tính mô phạm nhà giáo!
Bố em chỉ cười mát, báo cáo xin tiếp thu ý kiến phê bình của ông hiệu trưởng. Con người bố em là thế, luôn ung dung tự tại, nhẫn nhịn để chờ thời, hy vọng có ngày người ta nhận ra sai lầm, thay đổi chính sách với người trí thức, đưa xã hội tiến lên.

Thấy vậy hắn càng cay cú tìm cách trù dập ông cụ... Thấm thoắt mười năm qua đi. Bố mẹ em quen dần với cảnh sống đạm bạc. Ông xin dịch thêm tài liệu cho một cơ quan nghiên cứu lấy tiền uống cà phê và hút thuốc Bông Lúa, loại thuốc rẻ tiền nhất lúc bấy giờ. Mẹ em khi tiền, vàng giấu được đã hết, muốn nuôi em ăn học chỉ còn nước liều, muối mặt ra cửa chợ Bắc Qua, Đồng Xuân buôn bán trao tay các loại tem phiếu và hàng nhu yếu phẩm. Hồi đó mẹ em bị liệt vào hàng "con phe” tức thành phần bất hảo.

Nghề này khá phức tạp, vốn dĩ hiền lành nên mẹ em hay bị chèn ép. Em thỉnh thoảng phải ra chợ giúp mẹ nên sớm trở thành con bé đanh đá chua ngoa, nhất là những lúc em bênh vực mẹ, chửi nhau với người khác. Điều này bố em cấm kỵ, nhưng vì thương mẹ nên em vẫn lén lút làm.
Dần dần, vừa đi học em vừa là người buôn bán chính của gia đình.Vì học ca chiều, sáng em dậy từ năm giờ cắp rổ ra chợ... Quầy thịt cá, đậu phụ, nước mắm nào cũng có vài hòn gạch của em dấm chỗ. Em len lỏi giữa đám người xếp hàng rồng rắn, xô đẩy, chen lấn, chửi bới họ để mua thực phẩm.

Sau mỗi lần mua thuê như vậy, em được từ hai đến ba hào. Tính ra mỗi buổi sáng, lúc chợ Đồng Xuân khi chợ Hàng Bè, em cũng kiếm được từ đồng rưỡi đến hai đồng, hơn cả tiền dịch sách một đêm của bố. Đó là chưa kể có người không dùng đến phiếu đậu phụ hay phiếu nước mắm, em có thể xin hoặc mua rẻ để rồi lại mua hàng giá cung cấp, bán hàng giá cao ăn chênh lệch.
Nếu gặp mấy ông bà thợ móc cống có phiếu thịt loại cân rưỡi đem bán để mua quần áo sách vở cho con, thậm chí để đánh bạc thì hôm đó em trúng to. Mấy bà bạn nghề của mẹ không ngớt khen em lanh lợi, xông xáo. Nghe họ khen con mình, bà chỉ cười buồn, u uất.

Chỉ sau này có con gái, em mới hiểu được hết nụ cười buồn ấy. Bà đâu muốn em lam lũ nhếch nhác suốt ngày ngoài chợ... Bà đâu muốn con mình đi học mà quần áo, đầu tóc sặc mùi nước mắm. Và trên hết, bà không muốn con mình như kẻ hạ lưu. Bà thầm ao ước em hàng ngày mặc quần áo đẹp, tung tăng cắp sách tới trường.

Người ta nói đang xây dựng một xã hội công bằng, nhưng hơn ai hết, tuổi thơ của em thấm thía sự bất công. Mặc dù vậy, em vẫn học xuất sắc nhất nhì lớp. Có lẽ đó là do di truyền của bố em. Riêng về tiếng Anh, tiếng Pháp thì cả trường không có ai học nên em không có đối thủ. Em có thể nói và viết khá chuẩn những câu tiếng Anh, tiếng Pháp thông thường trong giao tiếp, ngay từ lúc còn học cấp một. Ác thay, vì thế mà người ta lại vu cho bố em ngấm ngầm cho con gái học tiếng của bọn đế quốc để chờ thời cơ liếm gót địch, chống lại cách mạng!...

...Em dậy thì vào loại sớm. Mười ba tuổi em đổi khác từng ngày, càng dậy thì càng đẹp. Ngực nở. Tóc dày, óng mượt, mặc dù có vương mùi cá thịt hay nước mắm. Môi đỏ không cần son phấn. Khách đến nhà nức nở khen tay em thừa hưởng của mẹ, ngón nào ngón ấy thon dài như búp tay Phật. Thoạt nhìn ít ai nghĩ em mới đang ở tuổi mười ba, chớm sang tuổi mười bốn. Giữa lúc đó mẹ em qua đời sau một ca đẻ khó.

Mấy năm kiêng cữ, hai ông bà thèm có một đứa con trai. Ai ngờ lần ấy mẹ em không qua được số mệnh đã an bài, bà và con trai cùng chết trong bệnh viện. Bố em thương vợ, suốt ngày ngồi ở góc nhà biếng ăn quên ngủ. Bà mất được mấy ngày thì ông cũng ốm liệt giường. Em có ngờ đâu giữa những ngày tang tóc, ông giời lại bắt em phải dồn dập hứng chịu bao nỗi bất hạnh và tủi nhục, tưởng không còn thiết sống, thà chết theo mẹ còn hơn...

Gã hiệu trưởng từ lâu vẫn sống độc thân. Thời ấy người Hà Nội ta tuy đời sống khốn khó nhưng vẫn còn giữ được nhiều nét thanh lịch, làm sao có thể chấp nhận một thằng hạ lưu như lão ấy cơ chứ. Không người đàn bà nào đến gần hoặc bắt chuyện với hắn. Các cô giáo trong trường hễ thấy hắn lại gần là tìm cớ bỏ đi nơi khác. Trong trường chỉ có hắn sống ở một phòng to trên gác hai và gia đình em chui rúc trong gian nhà hôi hám tầng dưới.

Hắn nhiều lần hướng cặp mắt thèm thuồng về phía em. Thậm chí hắn còn rình lúc em đi vệ sinh hay đi tắm vào buổi đêm, vờ vịt ra mở nhầm cửa để nhòm ngó. Lợi dụng lúc bố em ốm nặng, hắn lấy tư cách lãnh đạo xuống lân la hỏi thăm sức khỏe ông cụ, giả nhân giả nghĩa ái ngại cho em sớm phải vất vả. Một hôm, trời vừa sẩm tối, hắn mò đến nhà, lại giường bố em sờ trán ông rồi kêu lên: "Sao đầu ông cụ lại nóng thế này? Có lẽ nguy mất !... Cháu chạy nhanh lên phòng chú lấy lọ thuốc hạ sốt xuống đây ”

Em khi ấy còn non dại ngây thơ, chỉ biết thương bố, nào có đề phòng gì, hốt hoảng chạy lên gác vào buồng của hắn. Vừa đẩy cửa bước vào em chỉ kịp thấy bóng đàn ông lao theo, đè nghiến mình xuống nền nhà. Em điên cuồng cào cấu, giãy đạp, nhưng không chống cự nổi . Hắn xé nát hết quần áo của em, phả hơi thở nồng nặc mùi rượu và mùi tỏi lên mặt em, mắt hắn trắng dã và dữ tợn. Hắn chiếm đoạt em với tất cả sức lực trâu điên, bằng sự cuồng dâm thô bạo . Em đau đớn và kiệt sức mê man không biết giời đất gì nữa . Hắn còn không chịu buông tha, trói tay em vào thành giường, nhét giẻ vào mồm, tiếp tục dày vò em suốt đêm. Khi tỉnh dậy, em thấy mình trần truồng nằm trên giường. Bên cạnh em là thằng già bằng tuổi bố mình, ngáy như bò rống, nước rãi sùi ra hai bên mép. Em đã trở thành đàn bà giữa tuổi mười bốn còn non một tháng, vào chính ngày "tuần tứ cửu” của người mẹ xấu số.

Em gào lên cắn cấu, chửi rủa thằng khốn nạn đã phá đời con gái của mình. Hắn còn trơ cái mặt thớt nhe răng cười và bảo sẽ cưới em làm vợ...
Em đời nào chịu làm vợ một thằng đê tiện, hèn hạ như hắn! Mấy hôm sau, đợi lúc em hồi sức ra chợ kiếm sống, hắn ngồi bên giường bệnh kể hết chuyện xảy ra với bố em, vờ sụt sùi ân hận và yêu cầu được cưới em làm vợ, sau khi đã tự tay lục hồ sơ của trường, tảy xóa giấy khai sinh và học bạ của em chữa tuổi thành 18.

Ông cụ quá uất ức, bột phát đau tim chết ngay trên giường, không kịp trăn trối với em nửa lời .Trong vòng hai tháng trời, em mất cả cha lẫn mẹ, tấm thân bị dày vò ô nhục. Đưa người cha ra nghĩa địa, em thề sẽ trả thù tên hiệu trưởng đê tiện ấy... ( chắc hắn là ông hay bố của Sầm đức Xương ) .

Nghề phe phẩy của em ngoài chợ va chạm với đủ loại người. Em thường xuyên cãi lộn, thậm chí phải đánh nhau với kẻ khác bất kể đàn ông hay đàn bà.
Sức vóc em mảnh mai không dễ gì thắng cuộc. Vũ khí duy nhất của em là sự chua ngoa, đanh đá đến bặm trợn, liều lĩnh. Cùng nghề phe phảy của em ở chợ Hàng Bè có Sếnh Tàu . Nó hơn em một tuổi, nhưng rất to con. Bố Sếnh Tàu là người Sơn Đông - Trung Quốc rất giỏi võ thuật.

Trước khi lưu lạc sang VN, ông đã từng đi khắp miền Giang Nam - Trung Quốc làm nghề mãi võ, bán thuốc cao kiếm sống. Sếnh Tàu được bố dạy võ từ năm lên bảy. Là con gái, một mình nó có thể xơi tái năm người đàn ông lực lưỡng. Nếu vào thế đứng ở góc tường hay gốc cây cổ thụ, tay cầm một dây thắt lưng da, mười thằng đàn ông cầm gậy, cầm dao cũng không dám tới gần . Thằng nào liều lĩnh xông vào không rách môi cũng què cẳng . Em mê nhất là cú đá "phi thiên cước” của Sếnh Tàu.

Chính mắt em đã chứng kiến nó tung người lên đá trúng giữa mặt thằng hàng xóm bất hiếu đang chửi đánh mẹ, nã tiền đi đánh bạc. Tên hàng xóm mặt mày thâm tím, sưng vù như bị ong đốt hàng tháng trời vẫn chưa khỏi.
Sếnh Tàu rất thân với em. Hai đứa như hai chị em ruột chia sẻ ngọt bùi.Trong làm ăn nó có võ, em có mẹo, hai đứa thành một cặp bài trùng lý tưởng. Từ hôm biết em bỏ học, bố mẹ chết hết, thân bị làm nhục, nó cứ lồng lên sùng sục, đòi đi đánh thằng hiệu trưởng một trận nên thân giữa buổi chào cờ thứ hai đông đủ học sinh. Em cố can Sếnh Tàu . Em muốn đợi đến sau giỗ đầu bố mẹ, học xong võ thuật sẽ tự mình hỏi tội thằng chó đẻ ...

Và từ hôm đó, em mang đồ đạc, quần áo đến ăn ngủ tại nhà Sếnh Tàu ở ngõ Phất Lộc để chuyên tâm học võ. Hàng tháng em chỉ ghé qua nhà vào ngày rằm, mồng một thắp hương cho hai cụ ...
Lòng khao khát được trả thù khiến em say mê học võ, luyện tập khí công bền bỉ đêm ngày. Bố con Sếnh Tàu không hề e ngại, hết lòng truyền cho em những miếng võ bí truyền . Sau một năm em đã thành đạt. Em thuần thục ngón đá "phi thiên cước” không thua gì Sếnh Tàu .

Gót và mắt cá chân em được luyện tới mức dùi sắt nung đỏ có thể gí vào cháy xèo xèo, mặt vẫn tỉnh bơ hút thuốc . Trực diện với đối phương, mũi chân em như lưỡi rìu thép của tiều phu đốn củi , có thể phạt bay quai hàm của kẻ địch . Những khi em đảo một vòng nện gót chân vào gáy của đối phương thì chẳng khác gì búa tạ mười cân giáng xuống , kẻ dính đòn không gãy cổ thì cũng mang tật suốt đời .
Bước nhảy của em gọn nhẹ và biến hóa khôn lường. Sau lần tỷ thí, kiểm tra công lực và võ thuật với bố con Sếnh Tàu , em thầm nhủ lòng đã đến ngày trả thù thằng mõ làng , quân chó đểu mạo danh trí thức.

Đêm ấy là hạ tuần tháng tám âm lịch . Trời tối trăng và oi bức . Em chủ động đón đường lão hiệu trưởng , giả bộ ngoan ngoãn tuân theo số phận , thuận tình làm vợ hắn, rủ hắn đạp xe đèo em lên bãi mía ở bờ sông làng Chèm , ngoại ô thành phố . Khi em và hắn vào sâu trong bãi mía um tùm , em bấm đèn pin, cởi hết quần áo, bảo hắn quỳ xuống, úp mặt lên cái của mình thè lưỡi liếm . Bây giờ xem phim con heo, thiên hạ mới coi đó là trò khoái lạc, chứ thật sự lúc đó em cho đó là trò hạ nhục khủng khiếp nhất nên chỉ thấy hả hê vì được trả thù .

Ở nhà quê, các bà chửi nhau thường hay rủa đối phương liếm nọ, mút kia mà . Hắn tưởng bở, toan làm nốt cái động tác cuối cùng của giống đực . Bấy giờ em mới thúc mạnh đầu gối vào mặt hắn , chống nạnh cười khanh khách, tay lăm lăm cầm con dao nhọn sắc, gầm lên: " Đủ rồi thằng đĩ đực ! Thằng mõ làng đê tiện ! Bà gọi mày đến đây để hỏi tội , để trả món nợ nghìn đời chứ đâu phải cho mày đú đởn hả con ! Bà sẽ cắt cái của nợ của mày về làm gỏi ”

Hắn lắp bắp van lạy em như tế sao, mặt xám ngoét . Em điên tiết, nhảy lên đá một cú như trời giáng giữa mặt, làm hắn rống lên như bị chọc tiết rồi đổ vật xuống đất . Bao nhiêu căm thù dồn nén khiến em lồng lên dữ dằn như cọp mất mồi , đấm đá túi bụi lên mặt hắn . Chỉ một lúc sau người hắn mềm như sợi bún, mặt méo mó biến dạng đến thảm hại, hơi thở thoi thóp . Em đã có chủ định bêu xấu thằng lưu manh mạo danh trí thức .

Bao nhiêu quần áo của hắn, em đặt lên bè chuối, thả xuống sông Hồng cho nước cuốn đi, không quên cài thêm mảnh giấy vào cúc áo, thông báo địa chỉ, chức vụ, tên tuổi, tội trạng của hắn . Còn thân thể bầm dập, trần như nhộng của hắn, em trói nghiến lại, lật ngửa, đội lên đầu hắn cái si líp của mình , cổ quàng vào chiếc coóc sê và viết lên mặt hắn bằng mực Tàu mấy chữ "sự trả thù của đàn bà ”

Chiếc xe đạp của hắn thời đó là của quý hiếm, em lấy đá ghè nát ... Sau chuyện đó hắn phải rời trường cũ , lánh về quê làm hiệu trưởng một trường cấp hai .
Thế là bỗng nhiên hắn thành tấm gương sáng, tình nguyện đem ánh sáng văn hóa của đảng tới vùng nông thôn hẻo lánh . Cuộc đời sao cứ như tấn trò hề cười ra nước mắt ! Em làm nhục hắn đến mức ấy, ngỡ hắn phải nhục đến đâm đầu xuống sông mà chết thì hắn lại được tâng bốc lên thành nhà giáo gương mẫu...

Vào khoảng năm 69, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt . Hàng viện trợ nhu yếu phẩm từ Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu đổ vào VN nhiều vô kể .
Nghề phe chúng em được dịp phất to . Em và Sếnh Tàu vàng đeo đầy người, tiền "cụ” mượt mười đồng , đếm hàng nón.

Ngoài việc phe tem phiếu, em và Sếnh Tàu còn chung nhau mở hai lò nước mắm "đểu” ở phố Bờ Sông (phố Trần Nhật Duật) để bán cho khách nhà quê các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Tây, Hà Bắc.

Chúng em mua nước mắm thối của mậu dịch sắp đổ đi nên không mất tem phiếu . Về xưởng chúng em dùng than hoạt tính để lọc và khử mùi . Cứ một lít chúng em pha thêm ba lít nước lá chuối khô và cho ít muối, mì chính Trung Quốc. Hàng bán đắt như tôm tươi.

Có ngày xuất tới năm sáu chục can hai mươi lít . Giữa lúc ấy em gặp Tâm, một sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội .

Một buổi trưa hè nắng như đổ lửa . Chiếc xe đạp Phượng Hoàng xích hộp màu cánh trả , là mốt thời thượng lúc đó của em bị bẹp lốp.
Tìm mãi mới gặp chỗ vá xe, lại vớ phải anh thợ lóng nga lóng ngóng như thợ vụng mất kim. Chiếc săm mới tinh của em cứ tháo ra lắp vào mấy bận vẫn xì hơi, lần sau còn tệ hơn lần trước vì bị kẹp.

Em điên tiết chửi té tát cho anh chàng một trận đủ những lời tục tĩu của con phe ngoài chợ...
Bỗng em nghe ai đó hỏi anh chàng chữa xe đạp: "Tâm ơi ! Hôm nay không lên lớp à ? Ngày mai khoa văn có buổi nói chuyện về phương Tây - văn học và con người của giáo sư Đỗ . Nếu đi nhớ gọi mình cùng đi nhé!”

Em ớ người phát hiện ra cái anh chàng chữa xe nửa mùa kia là sinh viên . Vừa giận lại vừa thương , em ném cho anh ta mấy tờ bạc loại mười đồng rồi dắt xe đi tìm thợ khác vá .

Một tuần sau không hiểu vì sao em cứ vẩn vơ đạp xe, lượn đi lượn lại ở góc phố Lý Thường Kiệt, đoạn vắng vẻ nhất, gần Thư viện khoa học . Tìm mãi mới thấy anh ta ngồi dưới gốc cây xà cừ chúi đầu đọc sách.

Từ hôm đó chúng em thân nhau Bố mẹ anh mất sớm, Tâm phải vừa học vừa làm thêm để nuôi các em . Tâm hơn em vài tuổi nhưng trẻ trai, giỏi giang, em còn đòi hỏi gì hơn nữa .Thời đó trai gái yêu nhau không còn đâu tốt hơn là dắt nhau vào công viên Thống Nhất .

Em nhớ mãi bãi cây vắng vẻ ở góc công viên, giáp đường Đại Cồ Việt . Chính tại nơi ấy em đã trao thân cho Tâm. Tâm đã cho em cơ hội khám phá cái tuyệt vời thẳm sâu trong cơ thể đàn bà của mình mà em đã tưởng bị thằng mõ làng đánh cắp vĩnh viễn .

Em đón nhận cái cảm giác thần tiên đầu đời với tất cả niềm hân hoan, khát khao dâng hiến . Chúng em về sống với nhau chẳng cần cưới xin gì. Tâm nói như thế mới lãng mạn, khác thường và thật sự yêu nhau .
Em chỉ cần có anh ấy là đủ, chẳng thiết nghĩ đến điều gì khác . Những ngày đầu thật là hạnh phúc. Hàng ngày chàng lên giảng đường Đại học, nàng ra chợ hay xuống xưởng nước mắm .

Vì Tâm học năm cuối cùng, đang làm đề án tốt nghiệp nên không phải lên khu sơ tán . Tối về cơm nước xong, chúng em đèo nhau đi xem phim, nghe ca nhạc hay kịch nói .
Xem xong ghé vào quán Bà Tàu ở đường Lương Văn Can ăn bát sủi cảo, chàng uống thêm một chén rượu.

Lũ bạn ngoài chợ phát ghen với hạnh phúc của em. Hiền lành như Sếnh Tàu cũng phải buột miệng thèm được như em và Tâm dù chỉ một tối .

Lũ em của Tâm cũng được em chăm sóc hết lòng. Đứa nào cũng lột xác rất nhanh. Chúng khá ngoan, học giỏi và kính nể chị dâu. Khi Tâm bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp cũng là lúc em có mang đứa con gái đầu lòng, Ái Vinh .

Em vung tiền chạy chọt các cửa để Tâm được nhận công tác tại một viện nghiên cứu nghệ thuật ở Hà Nội .
Nhưng đàn ông các anh chỉ có thể thủy chung với đàn bà chúng em lúc còn hàn vi . Một khi đã thành đạt, vinh hiển thì trăm vụ bạc tình có tới chín mươi vụ do đàn ông .

Với tài học rộng biết nhiều, dẻo mồm, lại thêm sẵn tiền do em kiếm được dùng vào việc quà cáp, biếu xén các sếp nên Tâm nhanh chóng được đề bạt trưởng phòng, được đi dự nhiều hội nghị quốc tế ở nước ngoài.

Thỉnh thoảng các tỉnh đánh xe con về mời Tâm đi nói chuyện . Anh ta bắt đầu cảm thấy ngượng với bạn bè ở cơ quan vì có cô vợ phe phẩy và buôn nước mắm thối.

Mỗi lần anh ta lấy khăn mùi xoa bưng mồm, khịt khịt mũi vì vợ mới ở chợ về chưa kịp tắm là em thấy điên cả người .
Trước kia anh ta hồ hởi đón em ở chợ, xăng xái giúp em thu dọn can, túi xách lỉnh cà lỉnh kỉnh . Vậy mà bây giờ anh ta tránh cả việc đạp xe qua chợ...

Mỗi lần có việc phải đi qua chợ, anh cố tình mua đường đi vòng . Đời thật chó má !
Anh ta sống bằng tiền buôn nước mắm đểu của em, nhưng lại ghê mùi nước mắm .
Anh ta thăng quan tiến chức bằng đồng tiền của một con phe, nhưng lại khinh bỉ, bảo đó là nghề vô văn hóa, thất đức .

Con phe như em còn có thể giúp cho Nhà nước khỏi phải hàng năm đổ đi hàng chục tấn nước mắm thối ra sông Tô Lịch , bà con nông dân lại có nước mắm ăn
.


Anh ta đã làm gì cho xã hội ngoài việc đến cơ quan tán gẫu, ra hội nghị nói phét?
Tình vợ chồng cứ phai nhạt dần . Nhiều đêm em nằm khóc một mình, chờ chồng đi họp mà lòng thừa biết anh ta đi với bạn gái cùng cơ quan .

Vào đúng lúc em đem con Ái Vinh đi bệnh viện vì viêm phổi cấp tính, ông chồng quý hóa , ông bố trí thức ấy đã cuỗm sạch số vàng trong tủ, chạy theo một mụ đàn bà chửa với thằng khác, nhưng là em ruột ông sếp của anh ta .

Chỉ một tháng sau em được tin đám cưới của Tâm với con đàn bà đó được tổ chức linh đình ở cơ quan , bạn bè khuyên em đến phá, nhưng em cay đắng nhận ra mình với Tâm chưa hề đăng ký kết hôn .
Hắn đã chủ định lừa đảo, lợi dụng em để học hết đại học và tiến thân . Hắn không hề yêu em . Đã vậy em còn cố đấm ăn xôi làm gì ?

Một năm sau, cái số lận đận đường tình của em vẫn chưa hết nợ...

Không đề tên tác giả

Bài viết trong nước
Tựa để tùy người đọc đặt cho – Thiên Đường hay Địa Ngục

No comments: