Sunday, June 26, 2016

Mối Tình Đầu Của Nguyễn Khuyến - Không đề tên tác giả


Mối tình đầu của Nguyễn Khuyến
 
 

Người con gái đầu tiên anh Khóa Thắng (tên thật Nguyễn Khuyến) để ý tới và đem lòng yêu mến là cô Nguyễn Thị Thục, con cụ Bá già, xóm Đông, làng Vị Hạ. Cô cũng vào loại hương sắc, có chữ nghĩa, nhà lại giàu sang nhất vùng. Chắc cô cũng không nỡ phụ lòng anh Khóa nghèo và không khỏi có lúc mơ tưởng tới cảnh “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Anh đã gửi cho cô những bức “tình thơ” mà không hiểu sao sau đó được nhiều người biết:
Đôi ta giao ước với tơ hồng
Vàng đá đinh ninh đã quyết lòng
Chén dặn trên soi thời nhật nguyệt
Lời nguyền dưới xét có non sông
Liễu đông đào cựu lai như nhất
Mai trúc xuân tân nối chữ đồng
Một bức tơ này lòng gắn bó
Gìn vàng giữ ngọc để cam công

Kể cũng đã “vàng đá đến điều”, tưởng sắp thành duyên lứa. Nào ngờ khi cụ Mền cậy mai mối sang hỏi cô Thục cho con thì cụ Bá già có ý chê anh Khóa nhà nghèo, chưa có danh phận, nên không chịu gả. Thế là mối tình đầu lỡ dở. Để có người đỡ đần mẹ già hôm mai và sớm có con nối dõi tông đường – Nguyễn Khuyến là con trai một – anh đành phải lấy cô con gái cụ lang Thông. Nhưng mối tình đầu thì vẫn thổn thức trong tim anh Khóa đa tình:
Nước nước biếc, non non xanh
Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa
Nhớ ai sớm đợi trưa chờ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai

Hơn mười năm sau, khi Nguyễn Khuyến đã ba mươi tuổi, đỗ thủ khoa hương thí, cụ Bá già mới gọi gả con cho, khi cô Thục đã luống tuổi. Dù con có phải chịu muộn màng, cụ Bá già háo danh cũng vớt vát được chút rể đỗ cao, con đường công danh thênh thang trước mặt. Nhưng cũng tủi phận cho cô con gái chung tình, mặc dù bà vợ chính vẫn tỏ ra hiền lành, độ lượng.
Tôi vẫn là dân làng Vị Hạ như trước
 
 

Tin Nguyễn Khuyến đỗ đầu thi Hội và thi Đình, được nhà vua ban cờ biển có chữ “Tam nguyên” để vinh quy, chẳng mấy chốc đã bay về làng, tiếp theo là sức của quan trên hỏa tốc truyền xuống cho huyện, xã, thôn, phải khẩn cấp chọn đất, dựng nhà, đắp đường, chuẩn bị cáng, lọng, trống, chiêng, chiếu hoa trải đường… để xuống tận tỉnh đường đón quan đình nguyên bái tổ vinh quy.
Rồi cái ngày cả làng xã mong đợi đã đến.
Từ sáng sớm, con đường dẫn về làng đã được trải chiếu hoa, các vị chức sắc cùng đông đảo dân làng đứng chực sẵn hai bên đường, ngóng về phía đường cái quan. Tiếng trống, tiếng chiêng từng đượt gióng lên rộn rã. Mãi đến gần trưa, đám rước quan tân khoa mới về đến nơi. Trong tiếng pháo mừng vang dội, tiếng trống, chiêng, đàn sáo gióng dả, nhịp nhàng theo bước đi, tiếp theo lá cờ vua ban, nổi bật hàng chữ vàng “Ân tứ vinh quy” do một người lính áo nẹp vàng, đội nón dấu trịnh trọng đi trước. Tiếp đó võng lọng quan tân khoa cùng các vị quan chức đầu tỉnh có lính bảo vệ. Còn cách đoàn người của dân làng đi đón một đoạn, chiếc võng điều đi trước bỗng dừng lại khiến cả đoàn phải dừng theo. Thấy lạ, quan Tổng đốc ngồi nhổm dậy hỏi tên lính lệ cắp tráp theo hầu:
- Chuyện gì vậy? Sao đang đi lại dừng? Người lính lệ chạy lên trước rồi nhanh nhẹn quay lại, thưa:
- Bẩm quan, quan đình nguyên lệnh cho dừng võng để người xuống đi bộ ạ!

Nghe vậy, không ai bảo ai, các quan đều xuống võng hết. Các vị chức sắc và dân làng đi đón cũng ngạc nhiên chưa biết có chuyện gì xảy ra thì đã thấy quan tân khoa Nguyễn Khuyến súng sinh trong bộ mũ áo vua ban từ trên võng bước xuống đi nhanh về phía dân làng. Tất cả mọi người đi đón vội quỳ xuống lạy chào. Nhưng Nguyễn Khuyến ân cần nâng họ dậy. Ông tiên chỉ cất giọng run run xúc động:
- Thưa quan lớn, dân chúng Vị Hạ vô cùng vui mừng được đón quan lớn vinh quy bái tổ. Nếu có điều gì khiếm khuyết, xin quan lớn đại xá và chỉ giáo cho. Nguyễn Khuyến cười, vẫn nụ cười đôn hậu, hiền lành của anh Khóa Thắng khi ở làng, rồi xua tay:
- Trước hết, tôi rất cảm động và biết ơn tấm thịnh tình của bà con cùng hương lý́. Tôi không ngờ việc vinh quy bái tổ của tôi lại khiến bà con dân làng phải tốn công, tốn của thế này. Xin mọi người hãy coi tôi là dân làng Vị Hạ như trước, đừng gọi tôi là quan mà nó xa cách di! Xin cuốn chiếu lại cho tôi được đi bộ về làng!

Vừa nói, ông vừa đưa mắt có ý tìm kiếm ai đó. Sau mới hay, khi quan tân khoa sắp về đến làng thì vợ ông đang còn mải đi cắt lúa mướn ở đồng Và, khi có người đi gọi, bà mới buôn liềm lội tắt cánh đồng để về nhà đón chồng vinh quy.
Nguyễn Khuyến lạy con

Những năm cuối đời, cáo quan về quê hương sống với bà con hàng xóm trong một cuộc sống thanh bần nhưng luôn chan chứa tình làng nghĩa xóm, Nguyễn Khuyến thấy cuộc đời mình tuy nhiều bước thăng trầm nhưng không có điều gì phải ân hận. Điều ông luôn lo lắng băn khoăn là Nguyễn Hoan, con cả của ông đỗ đạt, được bổ nhiệm làm quan huyện tuy có tài năng và không thuộc loại sâu mọt như nhiều hạng quan lại khác, nhưng thái độ ứng xử với dân và người dưới quyền có lúc làm ông không vui. Hễ có dịp như lễ Tết, ông thường làm thơ gửi cho Nguyễn Hoan, răn dạy đức làm quan, đạo làm người. Có một chuyện về Nguyễn Hoan được dân chúng đồn đại nhiều, khiến Nguyễn Khuyến rất buồn, giận. Đó là chuyện mới đây tri huyện Nguyễn Hoan về thăm bố vợ ở xã Vĩnh Trụ. Lý trưởng ở Vĩnh Trụ lại chính là ông chú họ của vợ Nguyễn Hoan. Lần ấy vì nhà lý trưởng có giỗ nên mặc dù được báo trước, lý́ trưởng quên khuấy việc ra đón quan trên. Mãi đến khi quan huyện về đến đầu làng, lý trưởng mới vội vàng chít khăn, mặc áo chạy ra. Thấy không được hương lý sở tại đón rước như thường lệ, Nguyễn Hoan nổi giận, quát mắng lý trưởng và sai lệ nọc ra đánh mấy roi, bất kể người đó là chú vợ mình. Nghe chuyện đó, Nguyễn Khuyến rất giận và quyết cho con một bài học.

Ít lâu sau, tri huyện Nguyễn Hoan nhân việc quan, có tạt về thăm nhà với đủ thứ hành ngơi, cờ trống như thường lệ. Về đến đầu làng khi còn chễm chẹ ngồi trên võng có lính che lọng, Nguyễn Hoan thấy các hương lý đã tề tựu đầy đủ, Nguyễn Khuyến khăn áo chỉnh tề, từ hàng đầu chống gậy bước ra, khúm núm tiến lại trước võng vái dài mấy cái:
- Bẩm quan lớn ạ!
Nhận ra bố mình, quan huyện sợ quá, vội nhảy từ võng xuống, sụp lạy:
- Con lạy thầy, thầy tha tội cho… Vẫn tảng lừ như không, Nguyễn Khuyến cung kính thưa:
- Nghe tin quan lớn về làng, dù già yếu tôi cũng phải gắng ra đón, kẻo quan lớn lại cho là vô lễ mà cho mấy roi như lý trưởng Vĩnh Trụ, thì tôi chịu sao nổi!

Từ đó về sau, quan huyện Nguyễn Hoan không dám hống hách, ăn ở phải chăng hơn.

304Đen - Llttm

No comments: