Monday, June 6, 2016

Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Hai Mươi Bốn) - Thuyên Huy



Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Hai Mươi Bốn)

 


Chương Hai Mươi Bốn

 

    Chiều thứ bảy, trời mưa lất phất, từng hạt nhỏ như bụi, rớt lưa thưa, bám lá me rụng thờ ơ trên đường phố, từ Hà Tiên về lại Sài Gòn, sau gần hơn một tháng làm việc với nhà máy xi măng, kết thúc phần nghiên cứu dùng để kèm bổ túc cho hồ sơ xin đi du học bên Hòa Lan, đã nộp khá lâu, cùng ngày với lá đơn xin việc, lang thang ghé tạt ngang thương xá Eden, thăm bà chị của Chiêu, tôi bàng hoàng, đứng chết lặng, nghèn nghẹn bỗng dưng muốn khóc khi chị cho biết, được tin trễ, từ bà chị của Tường, mấy tuần nay rồi, Tường đã tử trận, sau đêm tiểu đoàn 6 TQLC cho một đại đội vào chiếm khoảng đất ở một góc đông nam cổ thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị một đêm trước đó, đại pháo 130 ly cũng như CKC bắn tỉa của quân cộng sản Bắc việt cố bám trụ bắn như mưa nên không làm sao tải thương được, không kịp nhìn sáu người lính anh hùng của tiểu đoàn mình, dựng ngọn cờ vàng ba sọc đỏ trên nóc phía tây cỗ thành lúc 12 giờ 45 phút ngày 16 tháng 9, Tường được chôn cất theo lễ nghi quân cách ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa mà không mang về Tây Ninh, trước đây mấy hôm, chị cùng Chiêu, Xưa, Thảo Ly và Tùng có lên thắp nhang, thăm mộ Tường trên đó, cả bọn, không ai nói được gì nhiều, buồn thiu buồn thít.
 
 
 
    Cắm bó hoa Huệ trắng, mua từ sạp bán hoa ngay cửa, vào cái bình đựng bông bằng sành màu xanh lục nhạt, đặt trước tấm hình Tường, mặc quân phục ngày ra trường, đứng lên ngồi xuống không biết bao nhiêu lần, và bao lâu rồi, tôi vẫn không nói được câu nào, dù đã lên đây bằng chuyến xe Biên Hòa sáng sớm, tôi đưa tay vuốt nhẹ lên nấm mồ phủ một màu sương trăng trắng, như cố mang cho Tường chút hơi ấm đầu ngày. Mặt trời lên cao, trời bắt đầu vào trưa, người dắt dìu nhau lên thăm mộ càng đông, lác đác trải dài theo bóng nắng, nhớ tới tấm hình đen trắng chụp ba đứa, tôi, Chiêu và Tường hôm chia tay cuối năm, chuẩn bị thi tú tài hai, đứng trước cổng trường mà hắn cất giữ trong bóp, mang theo người trên đường hành quân băng rừng vượt núi, một trong mấy thứ vật dụng cá nhân, mà những người tẫm lịm, gởi trả lại cho gia đình của Tường, theo lời chị Chiêu nói lại, tôi bùi ngùi rươm rướm mắt, môi chợt mặn đắng từ lúc nào không hay, cuối cùng, tôi vỗ nhẹ lên mộ bia, quyết định không nói gì về mình và Chiêu, để Tường còn có chút hạnh phúc nằm yên dưới mộ, vỡ tuồng đời của bọn tôi, màn cuối Tường đã đóng xong trọn vai mình, và chắc cũng bình thản ra đi, không biết ở phần kết thúc, người ở lại ra sao, hạnh phúc hay đau buồn. Tôi sửa lại mấy cành hoa lẻ bạn nghiêng nghiêng trong bình bông, nhìn hình Tường, thắp thêm nhang, vuốt tấm mộ bia lần nữa, hẹn gặp lại và cầu mong cho Tường bình yên về với trời đất.
 
 
 

    Về Tây Ninh, tôi cùng Chiêu vào thăm ba mẹ Tường, không dám nhắc lại những gì đã biết, căn nhà xem ra vắng hơn ngày trước, dù nó cũng đã quạnh quẽ từ lâu rồi, sân trước phủ đầy xác hoa Sứ rụng, úa bầm màu đất nứt nẻ, ở một góc phòng khách, trên cái tủ thờ bẳng gỗ nâu nhỏ, hình của Tường, cũng cùng tấm hình trên mộ, đặt ngay ngắn, không một chút bụi. Hai bác ngồi lặng yên, hỏi mấy câu không đầu không đuôi, sau cặp mắt kiếng già, mờ mờ ngấn lệ, chừng đó thôi rồi ai nấy cũng lặng thinh, có nấn ná ở lại thì càng buồn thêm, hai đứa xin phép ra về, hai bác thẩn thờ không giữ, nắng chiều trải từng vạt tím đậm phía dưới phố chợ, mây xuống thật thấp tưởng chừng như trời sắp đổ mưa, tôi cùng Chiêu tạt qua thăm thiếm Hiếu, ở lại ăn cơm chiều vì không tìm được cách gì từ chối, thiếm vẫn vậy, hai đứa em giờ cao lớn hơn xưa, thằng lớn sắp sửa thi tú tài nay mai.

    Tường mất rồi, buồn hay vui, tôi không biết được lòng mình, tôi và Chiêu, giờ không thường nói nhiều về chuyện mình cũng ít nhắc tới ngày mai mỗi khi gặp lại, tấm hình chụp ba đứa, mà Tường mang theo trong người cứ ám ảnh tôi hoài từ ngày đứng trước mộ hắn, Chiêu vẫn tiếp tục đi về với bảng đen phấn trắng ở Tây Ninh, tôi cũng lầm lũi một mình chờ ngày mai, trên đường phố Sài Gòn. Những lần nắm tay, những cái hôn vội vàng, dường như có chút gì đó cách ngăn, thiếu mất cái cảm giác ấm nồng, lâng lâng của ngày tháng cũ. Tùng nhận ở lại Sài Gòn làm việc với công ty bột giặt VISO cùng với tôi, thôi không tính mộng mơ với xứ hoa Anh đào nữa, Tùng làm đám cưới với Thảo Ly không lâu sau đó, thêm một lễ tơ hồng trong cuốn sổ đời định mệnh, thấy vậy ba mẹ tôi cũng như gia đình Chiêu có ý “hỏi xa hỏi gần” chuyện hai đứa, tôi và Chiêu chỉ cười trấn an “rồi sẽ tính” cho hai bên yên tâm, chứ thật ra chúng tôi chưa tính được gì một khi chuyện Tường vẫn cứ lẩn quanh đâu đó.

 
Thuyên Huy
Còn tiếp)

 

 

No comments: