Saturday, May 14, 2016

Nhật Ký Và Tuyên Truyền Việt Cộng - Nguyễn Công Lượng



NHẬT KÝ và TUYÊN TRUYỀN VIỆT CỘNG


 

    Vào tháng 5, 2005 một cựu chiến binh Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam, Frederic Whitehurst, đã làm một nghĩa cử thật ngoạn mục là thông báo cho bà Doãn Ngọc Trâm (DNT) ở Hà Nội, mẹ của một cán binh cộng sản đã tử trận trong cuộc chiến tranh Việt Nam, biết là anh ta hiện lưu giữ một quyển Nhật Ký của con bà mà quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cọng Hòa đã thu được trong một cuộc chạm súng tại Quảng Ngãi hồi năm 1970, có gởi kèm theo bản sao, đồng thời mời bà DNT và gia đình sang thăm Hoa Kỳ và đến tại thư viện Lubbock, Texas để xem cho rõ bản gốc của quyển Nhật Ký hiện được lưu giữ tại đây.

Sự việc được bà DNT trình lên cho Đảng. Chính quyền Hà Nội mừng như được Mỹ bỏ cấm vận, liền chỉ thị cho Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN) biên soạn và chỉnh lý quyền Nhật Ký (bản sao) cho phù hợp với đường lối và chủ trương của Đảng (ghi rõ ở lời mở đầu, trang 6) thành quyển “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” (NKĐTT), rồi cho xuất bản ngay 20.000 bản vào ngày 2.7.2005 nhằm mục đích tuyên truyền. Bởi vì chỉ nhìn qua cách dàn dựng bố cục của cuốn NKĐTT mà HNVVN cho ra đời người đọc sẽ thấy rất rõ chủ ý nầy. Thật vậy, NKĐTT do HNNVVN xuất bản chia làm 2 phần. Phần 1 có tiêu đề “Những Ngày Rực Lửa” in lại nhật ký quyển 1 viết năm 1968 (từ trang 31 đến 201) và quyển 2 viết năm 1970 (từ trang 203 đến 256) của ĐTT, và phần 2 gồm các bài viết tô lục chuốc hồng của các cây bút trong HNNVN nhằm ca ngợi tác giả của nó như một mẫu người yêu nước lý tưởng được tôi luyện ra từ lò rèn Đảng Cộng.

Tháng 9, 2005 đài BBC Luân Đôn làm một màn đánh bóng rằng thì là: Quyển sách có số lượng bán cao nhất hiện nay tại Việt Nam là “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm”… Và trong nửa giờ phát thanh khác của đài BBC Luân Đôn, nghe được ở Hoa Kỳ ngày 14.10.2005, phỏng vấn Đặng Kim Trâm, em gái tác giả ĐTT và là người đánh máy layout tác phẩm, lúc nầy đang cùng bà DNT có mặt ở Texas – Hoa Kỳ. Đặng Kim Trâm cho biết trong lúc đánh máy cô ta đã làm sót mất nhật ký của 2 ngày 12 tháng Tư và 5 tháng Tư. Ngoài ra, đọc NKĐTT nơi quyển 2, viết ngày 15.01.1970 (trang 216) ghi :

 “…Bao kỷ niệm lần lược hiện ra trong óc mình… Giặc đã cướp của mình hai quyển nhật ký. Tuy đã mất những trang sổ vô giá đó, nhưng còn một quyển sổ quý hơn cả đó là bộ óc của mình, nó sẽ ghi lại toàn bộ những điều nó đã tiếp thu được trong cuộc sống”.

Người đọc sẽ tự hỏi có bao nhiêu quyển nhật ký mà ĐTT đã viết, hai quyển đã mất và một quyển đang viết những giòng chữa nầy, vậy thì phải có ba quyển chứ ? Điều nầy cho thấy HNVVN đã chỉnh lý không hợp lý, chỉ chú trọng đến phần tuyên truyền nhiều hơn mà xem nhẹ các công việc khác nhất là phần kiểm soát trước khi in ấn. Mặc dù vậy, chúng ta cứ cho rằng quyển NKĐTT là trung thực 100% trước khi đọc lại và phân tích vấn đề mà không bị thiên kiến làm lệch lạc.

Để nhìn rõ vấn đề, trước hết xin được tóm lược câu chuyện: Có một cô gái tên là Đặng Thùy Trâm, sinh năm 1942 tại Hà Nội (có nghĩa là khi ông Hồ đọc Tuyên Ngôn Độc lập ở Ba Đình 1945 thì cô chỉ mới 3 tuổi), trong một gia đình được Đảng xếp vào giai cấp Tiểu Tư Sản. Năm 1966 cô tốt nghiệp bác sĩ Chuyên Khoa Mắt – Thị Giác. Cô có người yêu tên là M. đã gia nhập bộ đội và được gởi đi B (tức xâm nhập vào Miền Nam) trước đó mấy năm. Do đó, có hai động cơ để sau khi tốt nghiệp cô cũng xung phong đi B: Một là theo tiếng gọi của ái tình, của con tim nên phải ra đi tìm M. để được sống gần M., hai là vì tiếng gọi của Đảng “phải đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, phải giải phóng đồng bào Miền Nam thoát khỏi cảnh đói khổ, lầm than, khỏi cảnh người bóc lột người (!)…” Năm 1968 cô xâm nhập vào Miến Nam và nhận nhiệm vụ tại một trạm Y-Tế thuộc quận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây cô được gặp lại M., nhưng M. đã phản bội cô vì M. đã có người yêu khác. Công việc hằng ngày của cô thì được ghi lại qua những giòng nhật ký. Cô bắt đầu viết ngày 8.4.1968 cho đến ngày 20.06.1970. Hai ngày sau (22.06.1970) cô bị tử thương trong một cuộc chạm súng với quân đội Hoa Kỳ. Cái chết của cô được các “đồng chí” của cô diễn tả lại mỗi người một khác, những đồng đội thân thiết kề cận mà cô có đề cập đến trong nhật ký thì không thấy ai phát biểu gì về cái chết nầy, chỉ có ông Tâm, Bí Thư Huyện ủy Đức Phổ nghe và kể lại, trước khi tắt thở cô còn hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm, Đả đảo đế quốc Mỹ” (trang 258). Sau năm 1975 mẹ cô đi bốc mộ trên vùng núi Ba Tơ, Quảng Ngãi thì thấy giữa xương trán của cô bị một vết đạn sâu hoắm (trang 258). Hiện xác cô được chôn cất tại nghĩa trang Từ Liêm, Hà Nội.

Như vậy tính ra ĐTT có 804 ngày sống tại Đức Phổ, Quảng Ngãi để phục vụ cho Đảng và chỉ viết có 202 lần viết qua 223 trang sách in (do HNVVN in ấn).

Đọc phần nhật ký do ĐTT viết, người đọc không thể phủ nhận những nhận xét của những người cùng đứng chung chiến tuyến với ĐTT như nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Bùi Minh Quốc và có lẽ của nhiều người khác nữa dù đứng chung hay không đứng chung chiến tuyến đã phát biểu rằng: Họ rất xúc động khi đọc những giòng nhật ký nầy. Họ thấy lại hình ảnh của một thời tuổi trẻ của mình đã xả thân cho “đất nước”, một sự xả thân đẹp đẽ và đơn giản…  Vì người chiến sĩ ở phía bên nào cũng căm thù địch quân, nên lòng căm thù của ĐTT đối với quân đội Mỹ và “ngụy quân” cũng là điều dể hiểu. Và người chiến sĩ ở phía bên nào cũng thương yêu đồng đội của mình như anh em ruột thịt, bàn hoàn xúc động khi một đồng đội của mình ngã xuống hay bị bắt bởi địch quân, thì đọc NKĐTT cũng thấy được những tình cảm tiêu biểu ấy. Muốn biết công việc nhọc nhằn của các chiến sĩ ngoài mặt trận thì đọc NKĐTT chúng ta cũng bắt gặp được những hình ảnh nầy. Và người chiến sĩ “túy ngọa sa trường” ở phía bên nào cũng phải có lúc “buồn” và “nhớ”, thì đọc NKĐTTchúng ta cũng thấy được những nỗi “buồn” và “nhớ” tiêu biểu ấy. Nghĩ về những mất mát trong chiến tranh, ước mơ về một ngày chiến thắng, nhìn thấy đất nước mình thanh bình thì người chiến sĩ ở phía bên nào có lẽ cũng vậy, đọc NKĐTT chúng ta cũng thấy được nỗi niềm đó. Nhưng nếu Nhật Ký được định nghĩa là những điều ghi chép thường ngày, sự thật việc thật, một thể văn ghi theo thứ tự thời gian những sự kiện xảy ra và những cảm nghĩ hằng ngày của người ghi, thì đọc NKĐTT chúng ta chỉ thấy nêu bậc lên những nét đặc thù, giới hạn hay đóng khung nhật ký trong một chủ đề, mà cố tình bỏ sót những sự kiện rất hiện thực có tính cách thời đại thường tình của nó, nên làm người đọc có cảm tưởng như đây là một bản phúc trình để dâng lên cấp ủy Đảng hơn là Nhật Ký bình thường.

Nét đặc thù không riêng gì ở NKĐTT mà nói chung ở nhiều Nhật Ký khác như “Mãi Mãi Tuổi 20” của Nguyễn Văn Thật chẳng hạn, những tác giả nầy chỉ cố làm nỗi bậc tính phấn đấu của mình, cố xóa bỏ đi cái bản chất “tiểu tư sản” trong con người của mình. Dù không nói ra nhưng đã gián tiếp cho người đọc thấy rõ “chúng tôi chỉ có một con đường đi đến tương lai”. Giới trẻ Miền Bắc không có con đường lựa chọn nào khác ngoài con đường phải phấn đấu để được kết nạp vào Đảng. Có nghĩa là chỉ có Đảng viên mới có tương lai tốt đẹp. Muốn có địa vị, muốn có quyền lợi bạn phải là một Đảng viên. Muốn được là một Đảng viên bạn phải phấn đấu. Nhưng sự phấn đấu để được lựa chọn kết nạp vào Đảng lại không theo một tiêu chuẩn bình đẳng mà tùy thuộc vào giai cấp, vì xã hội đã được Đảng phân chia làm nhiều giai cấp và chỉ có giai cấp công nhân mới là giai cấp tiên tiến, mới là giai cấp lãnh đạo, giai cấp quản lý hay nói rõ hơn là “giai cấp cai trị”. Những người ở giai cấp “Tiểu Tư Sản” như ĐTT và những giai cấp khác được gọi chung là “giai cấp bị trị” thì cần phải phấn đấu không ngừng, phấn đấu không mệt mỏi. Phân đấu không những với chính bản thân để làm mờ đi cái giai cấp “Tiểu Tư Sản”, làm mất đi cái bản chất “Tiểu Tư Sản” trong con người của mình; mà lại còn phấn đấu với những người được gọi là “đồng chí” đồng đội ở ngay bên cạnh mình. Đây cũng là niềm khắc khoải duy nhất, là nỗi bức xúc tột cùng của ĐTT, của những người trẻ mới bước vào đời ở Miền Bắc. Xin hãy nghe ĐTT tâm sự qua những dòng nhật ký :

“ Chiều mưa, những giọt mưa rả rích rơi từ trên mái lá, từ những lá cây tạo thành một âm thanh buồn đến lạ lùng. Lâu rồi mình quên đi cái cảm giác của một cô học sinh Chu Văn An ngồi ngậm chiếc đuôi bút quên nghe thầy giảng bài, lơ đãng nhìn ra mặt hồ Tây mờ mịt trong mưa phùn mà nghĩ vẫn vơ. Cái cảm giác xa xưa vừa tiểu tư sản, vừa trẻ con mới lớn ấy sao hôm nay lại sống dậy trong mình – một cán bộ đang lặn lội trong cuộc kháng chiến sinh tử nầy. Một năm qua đã cho mình hiểu thêm về hai chữ thực tế. Không, cuộc đời thực tế gồm hai mặt. Cuộc đời vẫn bao la niềm ưu ái, người ta vẫn dể dàng tìm thấy niềm thương yêu, miễn là chân thành và có lòng vị tha. Nhưng . . . dù anh có chân thực bao nhiêu đi chăng nữa rồi cũng có lúc anh đau xót thấy rằng vẫn có những kẻ dùng mánh lới khôn khéo, lừa đảo anh để giành cướp với anh từng chút uy tín, từng chút quyền lợi, có khi chỉ là những chuyện vô cùng nhỏ nhặt như miếng ăn, đồ vật. Anh muốn sống vô tư hoàn toàn chỉ biết có lẽ phải, có tình thân ái thôi ư ? Không được, sẽ có kẻ cho anh là ngốc là để cho kẻ khác đè đầu cởi cổ dể dàng. Vậy thì phải đấu tranh, mà đấu tranh phải có lý cộng với kinh nghiệm sống.” (trang 53)

“ Hầu như tất cả mọi người đều nói: “Trâm rất xứng đáng là một người Cộng Sản” vậy mà vẫn không được đứng trong hàng ngũ ấy. Nào phải mình không thiết tha nhưng càng thiết tha chỉ càng thấy khổ đau mà thôi.

Mấy hôm nay rất buồn, ngày ngày những lá thư, những lời nói, những hành động tỏ lòng thương mến thiết tha vẫn đến với mình. Nhưng chính những tình thương ấy lại là những mồi châm lửa vào một đống củi đã khô từ lâu. Tại sao mọi người thương mến cảm phục mà Đảng lại khắc khe hẹp hòi đối với mình.” (trang 44, 45).

“ Anh em bạn bè ở đâu cũng nhớ cũng thương mình vậy mà mình vẫn thấy cô đơn. Mình chưa được đứng trong một tập thể tiên phong nhất. Trái tim mình thiếu ngọn lửa của Đảng và của tình yêu sưởi ấm. Mình đã đến với Đảng bằng cả con tim chân thành tha thiết, nhưng hình như sự đáp lại không hề như vậy.” (trang 59).

“ Viết đơn vào Đảng, niềm vui thì ít mà bực dọc thì nhiều. Tại sao con đường đi của một đứa tiểu tư sản bao giờ cũng nhiều chông gai đến vậy ? Đành rằng vì tính chất giai cấp, nhưng mình vẫn thấy rất rõ một điều ngoài cái lẽ dĩ nhiên ấy. Có một cái gì đó bắt bẻ, gọi là bắt bí của một vài cá nhân có trách nhiệm. Chẳng biết nói sao, đời nó là như vậy đó. Dù thành tích anh có cố gắng bao nhiêu cũng không bằng một anh khác ở thành phần cơ bản chỉ vừa mới giác ngộ bước đầu. Hường hồi còn sống thường động viên mình rằng đó là chỗ hơn của một người tiểu tư sản !!! Hơn gì ? Hơn khó khăn hơn cực nhọc hởi Hường ? Mình như một đứa con không gia đình lâu ngày tìm về mẹ nhưng người mẹ ghẻ luôn bận nâng niu những đứa con riêng nên thờ ơ lạnh nhạt với đứa con chồng. Muôn người đã tạo nên một người mẹ hiền vĩ đại là Đảng, nhưng trong muôn người mẹ ấy có một người mẹ (và chắc không phải một người đâu) y hệt một bà mẹ ghẻ trong câu chuyện cổ tích.” (trang 75).

“Đêm nay ba chị em ngồi tâm sự, lòng mình xao xuyến xót thương . . . . . . . . . . .Đọc những dòng nhật ký của em chị hiểu rằng em thương chị hơn ai hết mà sao lại có những điều giấu chị? Giận em quá đi, chị muốn làm một người chị rộng lượng, dễ dãi trước thiếu sót của em mà không làm được, chị phải nói vậy, đó cũng là một trong những thử thách với em, nếu em đặt tình chị em lên trên hết thì thôi mà nếu không thì . . . tùy. Bao giờ chị cũng vẫn giữ được một chút cái tự ái của một người con gái tiểu tư sản, cho nên không thể nào làm khác được đâu.” (trang 226)

Nhưng kết quả của sự phấn đấu là phải tạo thành tích trong công tác phục vụ và tạo thành quả trong chiến đấu. Tất cả sẽ được báo cáo lên các cấp ủy Đảng. Nhưng thành tích không nhất thiết phải trung thực, hợp lý mà chỉ cần ăn cánh với nhau và nhằm động viên được tinh thần hy sinh của người khác.

Chúng ta hãy nghe ĐTT ghi lại một cuộc báo cáo điển hình tại một Đại Hội huyện đoàn Thanh Niên mà chắc chắn cô cũng biết rằng đó chỉ là một trò lừa bịp đáng buồn cười:

“ – Em Hoàng 14 tuổi trong sáu tháng đầu năm giết được 6 lính Mỹ, đánh lật 2 xe tăng bằng vũ khí tự tạo, lấy được 7 súng giặc trong đó có 2 cối cá nhân và các loại khác.

-         Em An, Phổ Châu lấy 5 súng, có 2 cối cá nhân, một đài RC.

Các em đã anh hùng từ trứng nước. Tự hào thay tuổi trẻ của chúng ta !” (trang 83).

Do vậy mà ĐTT phải chua chát ghi lại cảm giác của cô khi được kết nạp vào Đảng:

“ 27.9.68

Kết nạp Đảng,

Cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là: phải phấn đấu để sống xứng đáng với  cái tên ‘một người cộng sản’.

Còn niềm vui, sao nhỏ quá so với ý nghĩa của ngày vui. Vì sao vậy hởi Thùy ? Phải chăng như hôm nào Thùy đã nói: như một đứa con khát sữa mẹ, khóc đã mệt rồi, miếng sữa nuốt vào không còn nguyên hương vị thơm ngon và cái thú vị của nó nữa.” (trang 84)

 

Đọc xong NKĐTT người ta tự hỏi:

-         Một Bác Sĩ chuyên khoa Mắt – Thị Giác như ĐTT trong suốt hơn 2 năm phục vụ trong ngành y khoa dù ở tại một trạm xá nhỏ mà không hề thấy ghi lại một trường hợp chữa trị nào về mắt, chỉ thấy ghi lại những trường hợp cô giải phẫu (mổ xẻ) cho những bệnh nhân bị ung thư và trúng đạn, cô làm nhiệm vụ của một bác sĩ giải phẫu, thì thật lạ lùng ? Kể ra cô cũng liều thật hay có thể nói cô xem sinh mạng con người chẳng ra gì dù có cho rằng cô làm vì long từ tâm vĩ đại hay theo lệnh của Đảng !

-         Chắc hẳn mọi người đều biết sau 1975 tình trạng thuốc men để chữa bệnh của Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa như thế nào rồi. Thế nên khi cô đảm trách một trạm xá ở Quảng Ngãi thuốc men chắc chắn là được cung cấp, tiếp tế từ dưới đồng bằng lên, thuốc  đó từ các nước của khối tư bản. Vậy mà chúng ta không hề thấy cô ghi lại một nhận xét nào trong việc dùng thuốc, một so sánh nào về hiệu nghiệm của thuốc men ở hai khối tư bản và cộng sản, thì tại làm sao ?

-         Những năm 1967 – 1970 quân đội Hoa Kỳ đã rãi thuốc khai quang ở Miền Nam để dể phát hiện sự di chuyển và nơi đóng quân của bộ đội Miền Bắc. Hồi đó Hà Nội đã la làng phản đối và đến nay việc chất độc màu da cam của thuốc khai quang còn được Hà Nội khai thác để hầu kiếm chút tiền của Mỹ. Chắc chắn thuốc khai quang phải gây ảnh hưởng tại hại đến “mắt” nhất là mắt của những giải phóng quân hứng chịu trực tiếp, thế mà người đọc chẳng thấy Bác Sĩ Mắt ĐTT ghi lại những trường hợp thiệt hại đó và cảm nghĩ của cô như thế nào ? (Nếu có ghi lại thì nay đã trở nên một tài liệu quý giá cho Đảng trong việc minh chứng tại các tòa án ở Hoa Kỳ để xin bồi thường)

-         Nếu ĐTT là một du kích với trình độ “bình dân giáo dục” thì chẳng nói làm gì, đàng nầy cô là một Bác Sĩ, một trí thức Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa mà đọc suốt nhật ký chúng ta không thấy cô ghi chép gì về nhận định, đánh giá hay cảm xúc… của cô trước những tin tức thời sự có liên quan đến cuộc chiến của thời bấy giờ, hoặc những bài hát đượm tình quê hương và tình yêu đôi lứa; những bài hát, những tin tức quốc nội và quốc tế ấy ở cả hai phía phát ra hằng ngày từ các đài phát thanh Hà Nội, Mặt Trận Giải Phóng, cũng như Sài Gòn thì có cần nêu lên một dấu hỏi hay không ?

-         Nếu ĐTT đã vào Miền Nam nhưng chỉ giam mình dưới những hầm trú ẩn, hoặc những căn láng nhỏ ở rừng sâu của Đức Phổ mà chưa thấy được những cánh đồng xanh bát ngát, những giòng sông uốn khúc mơ màng, những vườn dừa rợp bóng, những vườn cây lành có trái ngọt trĩu quả, những nơi có những con đường thơ mộng với hàng phượng đỏ, me xanh ngày hai buổi có những tà áo trắng hồn nhiên đến trường học tập . . . của Miền Nam mà cô cũng đã “thiết tha gắn bó vô cùng” rồi, thì tôi nghĩ rằng cô cũng đã xử dụng những tiện nghi vật chất hiện đại, nếm được mùi của những “miếng ngon” ở Miền Nam mà Miền Bắc thời đó chưa có (qua những đường giây tiếp tế)… thì tại sao cô không viết lên được một cảm nghĩ, một sự đánh giá về những sự việc nầy trong Nhật Ký của cô !?

Khi nêu lên những vấn đề nầy thì hẳn có người cho rằng cô thiếu trung thực trong lối viết nhật ký. Nhưng khi đọc được, nghe được những lời tô lục chuốc hồng gượng gạo lên con người “Cộng Sản Lý Tưởng Đặng Thùy Trâm” của các cấp lãnh đạo Đảng như Phan Văn Khải, Lê Khả Phiêu và giới báo chí trong nước rằng thì là:

“Đưa đất nước tiến kịp thơi đại. . . Khát vọng đổi mới và phát triển đất nước . . . Biết ơn ngưỡng mộ những người đi trước, bằng hành động và trái tim của tuổi trẻ . . . Làm cho dân tộc ta bước lên lâu đài hạnh phúc . . . Đó là giá trị đích thực của lẽ sống tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới . . .”

Tuy những tiếng nói ấy kêu rất to dội rất vang nhưng rồi lại bị tắc tị trước những tiếng nói bộc trực thẳng thắn đấu tranh cho tự do dân chủ của..(tòa soạn tự ý bỏ...)  và trước những tiếng kêu than không sợ chết của những thường dân đang bị Đảng đàn áp và bị Đảng cướp bóc tài sản, như Phạm Thị Nhu, ni sư Đàm Thoa. . . hoặc bị lừa gạt tình cảm như Nông Thị Xuân (có con với Hồ Chí Minh), Phạm thị Dấn (có con với Trần Đức Lương). . .Thì chúng ta nghe như vang vọng bên tai câu trả lời rất chơn chất của những người trẻ sống trong xã hội chủ nghĩa, mới ngày nào còn chiến đấu vì lý tưởng:

“Chúng tôi viết nhật ký không phải để lại cho đời sau, chúng tôi không cần ai thương hại hay vinh danh. Những gì chúng tôi viết và không viết cũng đủ trả lời cho mọi câu hỏi rồi. Thời đại chúng tôi chỉ có một con đường đi đến tương lai. Chúng tôi viết và không viết những gì chỉ vì nó có lợi hay không có lợi cho chúng tôi trong cuộc hành trình đi lên trên con đường tương lai ấy mà thôi. . .”.(Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc)

Ôi ! Những người chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, đã chết cho lý tưởng cộng sản, các anh các chị muốn giải phóng Miền Nam thoát khỏi gông cùm của  “Mỹ Ngụy” để cho Miền Nam thoát khỏi cảnh người bóc lột người, được cơm no áo ấm, có nhà để ở, có ruộng để cày . . .? Tháng Tư 1975 ước vọng của các bạn đã đạt được rồi đó, nhưng ước mơ của các bạn đã không thành hiện thực, các bạn đã bị phản bội, vì Đảng mà các bạn tin tưởng đã hiện nguyên hình là một lũ đầu trộm đuôi cướp (từ ngữ của những người CS trong nước). Chính cái Đảng nầy đã bày những trò “Đánh Tư Sản” để cướp tài sản của nhân dân Miền Nam. Chính cái Đảng nầy đã bày ra cái chủ trương “Kinh Tế Mới” để cướp nhà đất ruộng vườn của nhân dân Miền Nam. Chính cái Đảng nầy đã bày ra “Hợp Tác Lao Động” để đưa dân Việt đi làm lao nô khắp năm châu bốn biển. Chính cái Đảng nầy đã bày trò “Dịch Vụ Hôn nhân” để bán con gái Việt nam đi làm đĩ khắp thế giới. Sau gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước, cảnh Đảng bóc lột nhân dân sao mà dã man tàn nhẫn đến thế! Đến nỗi ngày nay nhân dân thì nghèo khổ còn Đảng viên và những kẻ theo đốm ăn tàn cùng Đảng thì giàu sụ, nhà cao cửa rộng, xe cộ rềnh rang, chỉ nhìn ở những canh bạc cá độ thể thao của cán bộ Đảng lên đến hàng triệu Dollars, những màn giải trí tại những phòng trà nơi đĩ điếm một đêm có thể lên đến hàng trăm ngàn dollars thì đủ rõ rồi. Lịch sử nhân loại chưa có một cuộc “vượt biên, vượt biển” nào gây xúc động cho toàn thế giới, đánh động lương tâm nhân loại cho bằng cuộc “vượt biên, vượt biển” của đồng bào Việt Nam (sau 1975) vì họ đã bất chấp mạng sống và danh dự để trốn chạy sự cai trị khắc nghiệt, và sự bóc lột nhân dân dân đến tận xương tủy của chính quyền Cộng Sản hiện nay. Mới đây chính quyền Hà Nội đã tiết lộ rằng ở Phú Thọ, Bắc Bộ có một làng mà dân chúng đều mắc bệnh “ung thư” mà họ gọi là “Làng Ung Thư” (Bản tin của đài BBC tháng 11, 2005);  hậu quả nầy là do việc thiết lập những nhà máy hóa chất trong khu dân cư. Nó chứng tỏ một sự dốt nát về quản lý của các cấp lãnh đạo Đảng. Cũng đã hơn 40 năm rồi từ khi đất nước ta tiếng súng không còn nổ, thế mà không biết cái chính phủ và quốc hội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam làm những công việc gì mà đến nay người dân Việt Nam sống không có bảo đảm về y tế, người công nhân không có bảo đảm về thất nghiệp (công việc mà các nước trên thế giới đã làm cả trăm năm rồi), còn nông dân thì không còn được làm chủ đất ruộng của mình lại còn bị nhà nước muốn truất quyền canh tác lúc nào thì truất, lấy đất để làm sân golf hoặc bán cho các nhà tư bản nước ngoài. Ôi ! hai giai cấp công nhân và nông dân là “giai cấp tiên phong và tiên tiến” của chế độ, nhìn mức sống của họ hiện nay so với “giai cấp mánh mun hiện tại” sao nghe nó mỉa mai quá chừng. Và còn nhiều cái chủ trương và đường lối quái gỡ khác không kể xiết để nhằm “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai họa” của Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện tại. Đến nỗi chính những người Cộng Sản phải lên tiếng. Như nhà văn Dương Thu Hương phát biểu trên đài truyền hình Úc:

“Tôi không thể tin tưởng một chút gì về chính phủ Hà Nội vì họ toàn là những con người hèn hạ và thấp kém. Họ không có một tí nhân cách để tôi tin tưởng. Tôi hiểu rất rõ về họ. Họ chỉ toàn là những con người ti tiện. Những lớp người có chút lý tưởng đã chết, chết hết rồi. Bây giờ chỉ còn lại những người đê tiện, những kẻ ăn cắp gian manh một cách trắng trợn.”

Còn ông Hoàng Minh Chính, từng là Viện Trưởng Viện Triết Học Mác-Lê thì tố cáo:

 “Bộ máy Nhà Nước chuyên chính vô sản của Đảng Cộng Sản bao gồm Quốc Hội và các Hội Đoàn Nhân Dân các cấp, Ủy Ban các cấp từ Trung Ương xuống tận địa phương mà chức năng chủ yếu là chĩa mũi giáo vào nhân dân. Rồi bộ máy tuyên truyền khổng lồ từ Ban Tư Tưởng Văn Hóa xuống các cấp địa phương mà chức năng là để lừa dân và đầu độc dân lành.

Chính quyền Việt Cộng dùng chuyên chính vô sản đã gây ra nhiều vụ đàn áp khốc liệt như các vụ cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại chống Đảng, cải tạo công thương nghiệp, học tập cải tạo, các vụ đàn áp tù đày quản chế vô thời hạn các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ và chức sắc các tôn giáo, và nhiều vụ đàn áp đẫm máu khác.”

Vậy thì việc hy sinh xương máu của lớp người trong cuộc chiến vừa qua chỉ là những “cay đắng bi thảm trong kiếp người của chính mình”. Sự hy sinh dù có vẽ vời thêm nhiều ý nghĩa chân chính nhưng chỉ là những hy sinh vô ích.

Hiện nay dân số Việt Nam lên tới 80 triệu mà một quyển sách có số bán ra chỉ 20.000 bản lại được xem là có số bán cao nhất thì thật sự là điều đáng buồn cho sinh hoạt văn hóa của nước nhà!. Tuy cũng đáng mừng nhưng không có gì đáng để quãng bá rùm beng. Động lực làm cho NKĐTT có số bán cao nhất mặc dù được Hội Nhà Văn đánh giá là nhờ những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của những trang nhật ký như là: Một tác phẩm viết về con người đối diện với chiến tranh. Để chia xẻ. Để thú nhận. Để tâm sự. Để tìm thêm niềm tin. . . của một người cộng sản lý tưởng. Nhưng theo ý kiến của số đông độc giả trong nước thì người ta đọc NKĐTT chỉ vì nó liên hệ đến người Mỹ, một người Mỹ đã giữ nó suốt 35 năm. Người ta giải thích: Bạn có biết không ông Clinton, Tổng Thống Mỹ đến Việt Nam, chính quyền cộng sản không hề ra lệnh cho đồng bào đi đưa đón thế mà đồng bào đã tự túa ra đường đón mừng rất đông đảo, trong khi khi nhà cầm quyền kêu gọi đồng bào phải đi đón các nhân vật lãnh đạo Nga Tàu đến viếng Việt Nam thì chẳng mấy ai buồn tham dự! Thì đủ biết người trong nước thích Mỹ như thế nào.

Ngày nay nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên  “a còng = @”  của điện toán , tin học. Trình độ dân trí của Việt Nam cũng tiến rất cao, đã bỏ xa rồi cái thời chạy theo chủ nghĩa nầy, ý thức hệ nọ. Người ta sống rất hiện thực, người ta nhận thức và phân biệt rất rõ mọi sự việc mà tuyên truyền khó lòng đánh lừa được. Frederic Whitehurst không hề làm công tác tuyên truyền nhưng việc làm âm thầm đầy tính nhân bản của anh được đề cập một phần trong NKĐTT đã làm cho bao độc giả phải cảm động. Lời phát biểu về một nước Mỹ, về người Mỹ, về những người Việt tị nạn cộng sản sống trên đất Mỹ của bà Doãn Ngọc Trâm và cô Đặng Kim Trâm khi đến Hoa Kỳ để xem bản gốc hai tập Nhật Ký của Đặng Thùy Trâm (do Federic Whitehurst bảo trợ), một lần nữa minh chứng luận điệu tuyên truyền của Đảng Cộng Sản trước đây để gây hận thù là hoàn toàn sai sự thật, chỉ nhằm lừa dối nhân dân Việt Nam, lừa bịp dư luận thế giới mà thôi. Tất cả đã đánh bại hoàn toàn việc tuyên truyền của Hội Nhà Văn Việt Nam qua công tác xuất bản NKĐTT, nó cũng trả lời cho câu hỏi mà phe Cộng Sản thường đặt ra: - Cộng Sản, Tư Bản, Ai thắng ai ? từ lãnh vực chính trị cho đến các lãnh vực nhân bản, văn hóa, xã hội, kinh tế. . .và nhất là nhân tâm.

Nguyễn Công Lượng
Nam Cali

304Đen - Llttm

 

 

No comments: