Tuesday, May 31, 2016

Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Hai Mươi Ba) - Thuyên Huy



Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Hai Mươi Ba)

 


Chương Hai Mươi Ba

 

     Chiêu, Xưa và Thảo Ly tốt nghiệp trước bọn tôi vài tháng. Cả ba chọn về dạy ở Tây Ninh, không bao lâu thì Xưa lại đổi về Trảng Bàng, sống bên cạnh bác gái vì giờ bà chỉ còn một mình. Bác trai mất trước đó chừng nửa năm sau những năm chịu đựng với căn bệnh ngặt nghèo. Tôi về Tây Ninh, đưa Chiêu đến trường hôm Chiêu đi dạy ngày đầu. Mới đó cũng đã hơn bốn năm, cổng trường sân trường chẳng có gì thay đổi mặc dù chuyện đời đã có không biết bao nhiêu đổi thay. Cô giáo trẻ Chiêu mới hôm nào còn ngơ ngơ chờ thầy hiệu trưởng hỏi han, giờ thi tự nhiên đứng bên thầy trong hàng ngủ thầy cô trên bực tam cấp làm lễ chào quốc kỳ mỗi sáng. Đứng bên ngoài cổng nhìn xuống xóm chài phía bên kia sân trường, tất cả vẫn là lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.


 

    Ngõ đường góc phố, vẫn y như xưa, không khác gì con sông nhỏ ngăn đôi phố chợ, nửa bên này nửa bên kia cứ đục trong, trong đục theo từng cơn nước. Về Tây Ninh, đối với tôi lần nào cũng như lần nấy, hình như tôi chưa tìm được một chút gì khác hơn. Cũng đón chuyến xe lôi máy nghèo, theo ngõ rẽ đầy cỏ dại vào thăm mộ mẹ ruột, nằm buồn thiu bên cạnh gốc cây sao già, thui thủi. Cũng ngồi thở dài trước mộ bia chú Hiếu, cũng vào thăm thiếm hối ha hối hà vì phải bắt kịp chuyến xe đò cuối ngày về Cẩm Giang cho kịp chuyến tàu chiều về Bến Cầu. Ở nơi này, tôi thuộc lòng nhịp tiếng ễnh ương, kéo dài nửa khuya trong những đêm không có tiếng súng đại bác vọng về từ xa. Cũng đứng sau vườn, đếm từng sợi tóc bạc của mẹ tôi bay lòa xòa theo chiều gió sớm từ phía bên kia truông, đếm như đếm số ngày còn lại của đời người, không biết sẽ còn bao nhiêu lần gặp nữa. 

    Ở Tây Ninh đôi ngày rồi thôi, tôi xuống lại Sài Gòn tiếp tục sống những ngày tiếp nối. Không còn Chiêu ở đây Sài gòn vẫn vậy. Con đường Cộng Hòa, giờ đôi lần đi qua là đôi lần rươm rướm nhớ. Kỷ niệm hai đứa tôi còn lang thang quanh quẩn đâu đây. Tôi không còn háo hức, chờ con phố lên đèn để nghe tiếng chuông từ nhà thờ Đức Bà vọng vang báo thánh lễ chiều, tiếng chuông mà Chiêu đã chờ, để cầu nguyện ơn trên ban phép lành cho chuyện chúng tôi, suốt trong bốn năm hơn trên ghế giãng đường đại học. Tôi thèm những cơn mưa muộn hơn xưa, để quanh mình chỉ là  khoảng tối lấp kín chút buồn chút vui. Sài Gòn giờ là chỗ mà tôi phải sống như phần đời phải sống thế thôi. Tùng thì háo hức chờ ngày ra trường, gia đình hai bên đã hứa nhau mọi chuyện, đám cưới chắc cũng không còn bao lâu. Mừng cho Tùng và Thảo Ly bao nhiêu thì lo cho mình bấy nhiêu. Cái lo khó nói, muốn quên nhưng lại không quên được. Lâu rồi, bẳng đi một dạo, tôi không có tin gì về Tường, nếu không lầm thì Tường chắc sắp ra trường nay mai. Đôi lần qua thăm bà chị hắn bên cư xá Nguyễn văn Thoại thì cũng những chuyện cũ thôi. Có muốn nói thêm gì cũng không thêm được. Bà chị Tường cho xem mấy xấp hình của hắn chụp trong quân trường cũng như trên đường phố Đà Lạt những hôm nghỉ phép. Hình nào hình nấy trông oai vệ và tươi tắn. Tường không khác gì tính từ ngày hắn bỏ Sài Gòn đi. Tường đã không gởi thư cho Chiêu nhiều như năm trước.

    Chiêu về Tây Ninh rồi, tôi thỉnh thoảng mới ghé thăm bà chị Chiêu ngoài thương xá Eden đôi lần. Cái thiết tha chờ chuyến xe cuối ngày từ Tây Ninh xuống, nhìn Sài gòn lên đèn trong đêm đã như một hạt bụi mờ, không còn trong tôi đâu đó nữa. Ngày kéo dài và dài nảo nuột trên ghế giảng đường. Đêm chong đèn học bài không còn mong cho đêm chóng sáng. Buổi sáng lạnh lùng và trống đơn dễ sợ. Tùng thì không đến nổi như tôi, hắn cười nói hơn tính từ ngày hai bên gia đình hứa hôn. Cánh cửa sổ nhà trọ cũng đã không còn mở rộng dù là những đêm có chương trình truyền hình hay như trước. Bà chủ nhà thắc mắc đứng trước sân nhìn qua đôi lần nhưng tôi cũng như Tùng đều không có nhà. Chiến cuộc ngày cứ tăng dần, đêm nào cũng có tiếng súng xa xa vọng về, đôi khi lẻ loi đôi khi từng chập. Đám bạn bè vào lính, ra trường, nhập cuộc lâu lắm rồi không thấy tăm hơi, họa hoằn lắm mới nghe tin, nhưng khi nghe tin thì đã đổi đi xa hơn nữa hay đã nằm xuống ở một nơi nào đó. Đứng bên lề cuộc chiến, chẳng mấy người dám nói cho đến bao giờ, sống thì cứ sống theo kiếp người đã được thượng đế sắp đặt từ thuở mới sinh ra. Buồn hay vui, còn hay mất cũng chỉ là những đường chỉ tay, ngoằn nghoèo trên hai bàn tay trái phải, cái thì tình đạo cái thì mạng đạo, đi hay ở, chẳng mấy ai thoát khỏi.
 
 
 

    Trời Sài Gòn bỗng chợt đổ mưa, mưa vội mưa vàng, lúc thì sáng khi thì về chiều. Giữa thu, cây lá buồn thiu trên đường phố, mưa từng giọt từng cụm nhỏ cứ rớt nhanh xuống mặt đường rồi vở tan bên lề, chẳng chút thiết tha với đám cành trơ trụi lá, trời có nắng nhưng có đôi chút lạnh. Thi tốt nghiệp vừa xong, Tùng về Long An vài hôm, tôi ở lại chờ hắn lên để cùng nhau đi Tây Ninh trước khi có kết quả chọn nhiệm sở, tôi thì chưa tính ở đâu, nhưng Tùng thì định về Trung Tâm Nguyên Tử Năng Đà Lạt. Giữa trưa, buồn quá thả bộ ra Trần Quốc Toản đón xe buýt xuống bến Bạch Đằng nhìn sông nước cho mát lòng đôi chút. Ly cà phê đá chưa kịp uống nửa ly, đã thành cà phê nóng dưới cái nắng hừng lên bên kia sông. Con nước đứng lại giữa dòng, dăm ba chiếc ghe nhỏ lơ lững trôi, màu ghe không mấy khác màu nước đục, thỉnh thoảng vang lên vài tiếng còi tàu lớn đâu đó ở bến cảng Khánh Hội.

 

Thuyên Huy

(Còn tiếp)

No comments: