Tuesday, March 29, 2016

Chợ An Đông Và Tiệm Cơm Gà Xiu Xiu (Phần Một) - Nguyễn Tường Thiết


Chợ An Đông và tiệm cơm gà Siu-Siu


PHẦN I

Chợ An Ðông và khu chung cư chung quanh chợ được xây cất vào năm 1954, năm đất nước chia đôi, trên một khu đất trống và rộng thuộc Quận 5 Chợ Lớn. Toàn bộ khu vực này nằm ở giữa hai đại lộ Hùng Vương có con đường sắt chạy song song ở phía bắc và đại lộ Hồng Bàng ở phía nam; tiếp giáp hai mạn đông, tây là hai con đường nhỏ Yết Kiêu và Nguyễn Duy Dương. Chung cư An Ðông gồm bốn khu ba từng, mỗi khu hình chữ L, bao quây lấy chợ nằm ở chính giữa, tổng cộng gồm khoảng bốn năm trăm đơn vị gia cư.

Tôi rời Hà Nội vào Nam rất sớm. Năm 1951 tôi đã theo bố tôi và người chị cả vào định cư ở Sài Gòn trong khi mẹ tôi và các anh chị tôi vẫn còn ở Hà Nội cho đến ngày di cư. Vào Nam ba bố con tôi ở chung với gia đình người bác ở đầu đường Hồng Thập Tự gần sở thú Sài Gòn. Thời gian chúng tôi ở đó tôi thường theo các anh họ tôi đạp xe đi tắm ở hồ bơi mà hồi đó chúng tôi gọi là “đi pít-xin”. Hồ bơi ở xa lắm, mãi tuốt trong Chợ Lớn. Tôi nhớ là để tới hồ bơi chúng tôi phải dắt xe đi ngang một con đường sắt, rồi lại phải băng qua một bãi đất trống rất rộng mấp mô đầy những mồ mả.

Năm di cư mẹ và các anh chị tôi kẻ trước người sau lục tục vô Nam. Mẹ tôi mua một đơn vị trong chung cư chợ An Ðông để ở và lấy chỗ buôn bán. Ðơn vị ấy hai từng, từng dưới mẹ tôi mở tiệm bán cau khô, tên hiệu là Cẩm Lợi, từng trên mẹ con chúng tôi ở khá chen chúc vì diện tích căn nhà không rộng bao nhiêu. Bố tôi chê nhà vừa chật lại vừa gần chợ ồn nên không ở, chỉ thỉnh thoảng lắm mới tạt về. Trên đầu chúng tôi là lầu ba. Lầu ba thuộc một đơn vị gia cư khác. Tất cả những đơn vị ở trên lầu ba đều đi chung một cầu thang riêng, nằm bên hông đường Nguyễn Duy Dương. Căn nhà chúng tôi ở một góc trông ra hai mặt đường nên rất thuận tiện cho việc buôn bán của mẹ tôi.

Nếu tôi chỉ nói cái số nhà 39 thì chắc chẳng một ai hình dung căn nhà của mẹ tôi nằm ở chỗ nào trong khu chợ An Ðông. Nhưng nếu nói nó ở ngay sát cạnh quán cơm gà nổi tiếng Siu Siu thì có thể nhiều người hình dung ra ngay. Siu Siu là một quán cóc nằm sát bên hông nhà mẹ tôi. Ông Siu Siu khi mở quán này đã thương lượng với mẹ tôi câu điện từ trong nhà chúng tôi để thắp đèn trong quán, lại dùng cái vỉa hè ngay trước cửa nhà chúng tôi để đặt bàn ăn. Bù lại ông Siu Siu mỗi tháng trả cho cho mẹ tôi một khoản tiền. Trong suốt hai mươi năm trời chúng tôi ăn cơm gà trừ dần vào khoản tiền này, ăn nhiều phát ớn, đến độ tôi phải tự hỏi cơm gà Siu Siu thì ngon quái gì mà đông người đến ăn như thế. Mỗi buổi chiều từ trên ban công nhìn xuống dưới hè ở trước nhà tôi thường quan sát thực khách ăn ở phía dưới. Tôi nhận diện không biết bao nhiêu những khuôn mặt nổi tiếng, từ minh tinh tài tử, văn nhân nghệ sĩ cho đến những nhân vật chính trị và quân sự quan trọng của miền Nam, và tôi thường tựï hỏi trong số những thực khách ấy có mấy ai biết là mình ngồi ăn ở ngay trước cửa căn nhà của mẹ tôi, bà Nhất Linh.

Năm 1954 khi chúng tôi dọn đến ở thì khu chung cư An Ðông này chưa hoàn toàn xây xong. Chúng tôi là một trong số rất ít những người đầu tiên đến cư ngụ. Tôi khám phá ra là cả cái chợ này lẫn khu chung cư được xây ngay trên cái bãi đất tha ma rộng mênh mông mà mấy năm trước tôi đã phải dắt xe đạp đi ngang qua mỗi lần tắm “pít-xin”. Bây giờ thì cái hồ tắm ấy gọi là hồ tắm An Ðông nằm ngay cạnh chung cư chúng tôi ở cách con đường nhỏ Yết Kiêu.

Năm đó tôi được mười bốn tuổi. Kỷ niệm của tôi về những ngày đầu tiên đến ở căn nhà ấy là một trận ốm kịch liệt khiến tôi phải nằm bẹp trên giường tới hơn một tuần lễ. Căn nhà mới tinh, phòng ốc còn trống trơn vì chưa có nhiều đồ đạc. Tôi ngửi thấy từ nhừng bức tường cái mùi nồng nồng của nước vôi mới quét. Những ngày ốm tôi nằm hầu như một mình trong căn gác trống trải, tai nghe từ một cái máy phóng thanh đặt trên nóc chợ phát ra những bài hát cổ trong một tuồng tích Tàu, chắc hẳn là để quảng cáo cho cái chợ và khu chung cư mới xây cất. Tiếng phèng la inh ỏi xen lẫn tiếng hát giọng Quảng Ðông léo nhéo nghe chua như tiếng mèo gào động đực. Cheng hoèng... e... ếng, e… ê... pẩy... coong... Trong cơn mê bệnh tôi thấy mình nằm trên một bãi tha ma (mà quả là tôi đang nằm trên bãi tha ma thật) có tiếng kèn nhão nhoét và tiếng hát ỉ ôi vẳng lại nghe hệt như từ một đám ma Tàu tôi vẫn thường thấy ở trong Chợ Lớn.

Thời gian ấy bố tôi ở bên Pháp. Bố tôi ở Paris sáu tháng. Có anh cả tôi là anh Việt đang du học bên đó. Ðầu năm 1955 khi bố tôi trở về Sài Gòn ở căn nhà chung cư thì khu vực này đã tấp nập, chợ An Ðông ồn ào tiếng người mua bán và tất cả cả đơn vị gia cư đã kín người ở. Ða số người ở chung cư An Ðông là người Việt gốc Hoa và người Bắc di cư.

Bố tôi về nước mang theo cây kèn clarinet ông mua ở bên Pháp. Thỉnh thoảng ông lấy kèn ra thổi dăm ba bản nhạc Tây. Tiếng hắc tiêu của ông được đệm bởi tiếng chợ búa ồn ào ở dưới nhà, lâu lâu lại phụ họa những tiếng chửi nhau rất là thô tục của đám người trong chợ đang giành nhau một cái sạp hàng. Tôi không ngạc nhiên khi thấy chỉ ít lâu sau bố tôi giã từ đám thính giả ở chợ An Ðông và xách kèn lên Ðà Lạt ở liền trên đó mấy năm. Tôi cũng được gửi lên đó sống bên cạnh bố. Ở trên Ðà Lạt quả nhiên tiếng kèn của ông được lắng nghe. Mỗi buổi chiều thứ Bẩy bố tôi tổ chức hòa nhạc tại gia, ngoài tiếng hắc tiêu của ông lại có sự phụ họa tiếng đàn lục huyền cầm của giáo sư Vĩnh Tường. Khách đi đường, người ghếch xe đạp kẻ ngừng chân bước, lắng nghe tiếng nhạc hòa tấu vẳng ra từ trên lầu căn nhà chúng tôi ở trên đường Yersin trong bầu không khí êm ả của buổi chiều Ðà Lạt.

Năm 1958 bố tôi trở về Sài Gòn làm báo Văn Hóa Ngày Nay. Cố nhiên là bố tôi không ở căn chung cư của mẹ tôi. Ông thuê một căn gác trên đường Trương Minh Giảng để ở và lấy chỗ làm việc. Còn tôi thì dính liền với chợ An Ðông và căn nhà của mẹ tôi cho đến ngày di tản qua Mỹ. Tính ra tôi đã căn nhà đó tròn hai mươi năm, giữa hai cuộc di cư, từ cuộc di cư năm 1954 cho đến cuộc di tản năm 1975.

Hai mươi năm sống dưới một mái nhà thật ra chẳng lâu gì cho lắm, còn thua cả thời gian chúng tôi từng sống ở một ngôi nhà trên đất Mỹ. Nhưng không hiểu sao mỗi lần nhớ về quá khứ tôi có cảm tưởng như thời gian ở đấy dài lắm, dài nhất trong đời tôi. Sao lạ thế nhỉ? Phải chăng vì thời gian ấy tôi ở Việt Nam và trải qua nhiều biến động nhất trong đời? Hay chỉ vì đó là thời gian tôi ở giữa lứa tuổi từ 14 đến 35, tức là lứa tuổi mà có lẽ ở bất cứ người nào cũng đều cho là đẹp và đáng ghi nhớ nhất?

Chợ An Ðông mỗi sáng họp rất sớm. Mới ba bốn giờ trời còn tối người ta đã sửa soạn họp chợ. Từ dưới nhà vẳng lên gác tiếng động lạch cạch của những người phu khuân vác đóng xếp những sạp hàng bầy trên mặt đường quanh chợ. Trong bao nhiêu năm tiếng lạch cạch đều đặn ấy đã thấm sâu vào trong giấc ngủ của chúng tôi. Ðến khi tỉnh giấc thì tiếng ồn ào của chợ đã òa vỡ ở bên ngoài. Từ ban công lầu hai nhìn xuống dưới đường những chiếc bạt vải che mưa nắng dựng lên chi chít; qua những khoảng hở giữa hai cánh bạt là đầu và vai của những người đi chợ chen nhau qua lại giữa những sạp hàng. Ðến trưa thì tiếng ồn tắt. Chợ vãn. Bạt che, sạp hàng thoắt cái biến mất, mặt đường quanh chợ bỗng vắng te, một vài con chó sục sạo trong đống rác. Trong cơn nóng hực của thành phố Sài Gòn chợ An Ðông cũng theo người lịm vào giấc nghỉ trưa. Trôi đi trong giấc ngủ nặng nề tôi nghe có tiếng chổi quét uể oải “lẹt xẹt lẹt xẹt” của mấy người phu quét đường. Cho đến năm giờ thì chợ lại thức dậy bởi tiếng động lạch cạch bầy bàn của quán cơm gà Siu Siu.

Chiều đến khi cơn nắng đã dịu tôi thường bắc ghế ra ngồi ở ban công nơi mẹ tôi có trồng ở góc một cây hoa giấy, cành lá và hoa giấy đỏ leo trên một tấm lưới sắt thưa. Ðiếu thuốc lá Capstan trên môi tôi thường nhìn qua những bông hoa giấy ngắm cảnh chợ vãn từ trên cao. Phía bên kia đường Nguyễn Duy Dương là trường trung học Trí Dũng quét màu vôi đỏ, giờ tan trường những cô cậu học sinh Tàu trong bộ đồng phục xanh trắng cà vạt đỏ đi túa ra khỏi cổng. Trên hè lề đường ngay phía dưới ban công những thực khách của quán Siu Siu ngồi ăn uống ngon lành, trên mặt bàn ăn những chai lớn chai nhỏ bia Larue đầu cọp, bia “33”, những đĩa thịt gà trắng nuột nà, những bát cơm gà nóng bốc khói. Thỉnh thoảng tôi thấy mẹ tôi bước ra cửa gọi cơm để đãi khách và bao giờ cũng vậy ông chủ Siu Siu đích thân bưng cơm và thịt gaø vào trong nhà cho mẹ tôi. Biết ý mẹ tôi ông luôn luôn mang vào một khẩu phần đặc biệt: một đĩa đùi gà được chặt rất khéo có thêm vài ba cái phao câu và một đĩa lòng gà gồm gan, mề, lòng, điểm mươi quả trứng bé bé xinh xinh màu vàng ngậy.

Khách đến chơi nhà mẹ tôi vào buổi sáng nếu đi xe hai bánh thì phải dắt xe luồn lách giữa những sạp hàng trước khi có thể tách lên lề dựng xe trước cửa. Vì ở vị trí góc trông ra hai mặt đường nên nhà có hai cánh cửa lớn, loại cửa kéo ra kéo vào bằng sắt, cửa trông ra phía chợ thường xuyên đóng, chỉ mở cửa sắt bên hông phía cơm gà Siu Siu. Nếu khách đến vào buổi chiều hay tối thì có thể đậu xe sát lề đường rồi đi qua bàn của quán cơm gà để vào nhà. Một tấm bảng đề hiệu “CẨM LỢI chuyên bán sỉ cau khô” gắn trên cánh cửa sắt, ngay phía dưới ban công.

Những bồ cau khô chất cao gần đụng trần chiếm nửa diện tích căn nhà dưới của mẹ tôi, một cái cân khá lớn đặt ngay cửa, một cái sập gỗ thấp và một cái két sắt nặng nề. Phần còn lại để trống chừa lối đi vào nhà trong. Nhà trong là một khoảng hẹp dùng laøm bếp, cạnh có cầu thang bậc cao, hẹp, gấp khúc ở giữa để lên gác. Dưới lòng cầu thang là cầu tiêu phòng tắm. Ðấy, hiệu cau Cẩm Lợi của mẹ tôi như thế đấy. Nó bé và chật chội lắm, không thể nào sánh được với hiệu cau khá rộng của bà ở số 15 hàng Bè Hà Nội trước ngày di cư.

 Nguyễn Tường Thiết
(Xem tiếp phần hai)

No comments: