Tuesday, December 15, 2015

Tác Phẩm Khái Hưng...- Viên Linh


Tác phẩm Khái Hưng, 69 năm sau mới thấy khởi hành

 

 

1- “Vì sao Cộng Sản thủ tiêu Khái Hưng?

Mỗi lần hoàng hôn chúng tôi tìm nhau
Lòng khẩn cầu cách mạng.
Vì sao cộng sản thủ tiêu Hưng, Hùm Thâu?*...”


Thanh Tâm Tuyền
[*Khái Hưng, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu]

     Những câu thơ ấy người viết bài này đọc khoảng những năm 1957, đúng mười năm sau khi nhà văn, nhà cách mạng ái quốc chân chính có sách dẫn đầu các phong trào xuất bản của Ðời Nay, Sách Hồng của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn xuất hiện những năm 1933, 34,... là những “Hồn Bướm Mơ Tiên,” “Tiêu Sơn Tráng Sĩ,” “Cái Ấm Ðất,”... bị bỏ bao bố, phía ngoài là khoảng 3 tên công an dùng dáo mác đâm chém cho đến chết, rồi từ bãi giữa sông Ninh Cơ, Nam Ðịnh, thả xác trôi sông...


    Lúc còn là một cậu thiếu niên, do quen lớn với con trai một bà chủ tiệm sách ở Phố Huế Chợ Hôm Hà Nội, quen lớn vì chúng tôi cùng học lớp nhì lớp nhất trường Tiểu Học Ngô Sĩ Liên - tan trường thay vì về nhà, chúng tôi về hiệu sách mà cũng là nhà của bạn Xung, tha hồ đọc sách báo tiểu thuyết, tức là tha hồ chọn lựa, tôi đã chọn đọc và say mê Lê Văn Trương qua “Những Ðồng Tiền Xiết Máu,” “Trường Ðời,” “Ngựa Ðã Thuần Rồi Mời Ngài Lên” - sách dạy cách trị vợ ngay khi lập gia đình, qua “Chùa Ðàn” “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân, “Giống Tố, Số Ðỏ” của Vũ Trọng Phụng, mà hầu như không đọc mấy ai trong Tự Lực Văn Ðoàn. Vào Sài Gòn, đọc và thông cảm những kinh nghiệm chua cay của Trương Tửu, Nguyễn Vỹ, tôi càng xa lánh nhóm nhà văn kia, nhất là khi đọc tới bài Nguyễn Vỹ thuật lại khi ông và Trương Tửu diễn thuyết ở Nam Ðịnh, nhóm mấy người Văn Ðoàn đã lái ô-tô (xe hơi) vào chỗ đám đông bóp còi xe inh ỏi để phá đám. Nhưng trong lòng tôi, vì mê say những truyện phiêu lưu kỳ tình có tên như “Lục Kiếm Ðồng,” “Dao Bay,” tôi đã ngồi đọc “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” và biết Khái Hưng. Sau đó là quen “anh Vọi” và bãi biển Ðồ Sơn khi đọc “Anh Phải Sống,” tập truyện ngắn Khái Hưng in cùng Nhất Linh năm 1937,... Chính trong “Anh Phải Sống,” tôi đã đọc và thích Khái Hưng từ truyện tới thơ:

Tình Tuyệt Vọng


Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay

Hỡi ơi! Người đó ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Truyện riêng dễ dám mội lần hé môi?


(Khái Hưng chuyển từ bài thơ “Secret d' Arvers, mà ông cho nhân vật chính là thi sĩ Văn Châu mang nỗi lòng tuyệt vọng này.)

2. Do những duyên nợ, những xoay vần tình cờ của cuộc sống, những hình ảnh siêu nhiên trong cơn mơ, những bóng dáng trùm lấp ngạt thở của ác mộng, cái chết của một người bạn tâm tình khi tuổi còn thơ, những “hồn ma cũ” (chữ của Bình-nguyên Lộc) từ thời niên thiếu, giấy mực trên bàn tôi dường như biết ngóng biết đợi những con chữ chỉ ngóng chỉ đợi mới xuất hiện. Lúc hai mươi tôi có bài thơ về cái chết của Nguyễn Gia Thiều, bài luận về Tản Ðà ngàn năm thơ thẩn đâu đây, càng về sau, tôi càng gần với thế giới địa phủ.

     Lần giở những tờ báo cũ, tìm ra đã hai lần tôi thực hiện hai số báo đặc biệt về nhà văn Khái Hưng Trần Khánh Giư (1896-1947), lần đầu trên Thời Tập số 5, tháng 4, 1974 tại Sài Gòn với bài viết của Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn tạp chí Văn: Hà Nội đã viết gì về [cái chết của] Khái Hưng? [ký tên Nguyễn QN], Vũ Bằng (tác giả Miếng Ngon Hà Nội, Nói Có Sách), Thư Trung, Lê Huy Oanh, trích bài Trần Khánh Triệu con nuôi Khái Hưng... Lần thứ hai trên báo Khởi Hành số 7, năm 1997 ở Little Saigon, với bài hồi ký nghiên cứu đặc biệt của cựu thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy tàu Trường Xuân: nhan đề “Vụ Thủ Tiêu Khái Hưng,”... và đặc biệt là lần thứ ba với Khởi Hành số 225-226, với Nguyễn Tà Cúc thuật lại chuyện Nhất Linh đã sửa chữa đảo lộn tác phẩm “Thanh Ðức” của Khái Hưng như thế nào sau khi tác giả đã chết, để biến nó thành “Băn Khoăn” không còn nguyên vẹn. Và đặc biệt có một không hai, nhân đó cũng là số Khởi Hành ghi dấu tờ tạp chí văn học duy nhất còn tồn tại từ thế kỷ trước tới nay, bước sang năm thứ 20, tháng 11, 2015, Khởi Hành “phổ biến một tác phẩm chưa từng xuất bản thành sách của nhà văn Khái Hưng.” Tác phẩm ấy đã ở trong bóng tối suốt 69 năm nay, Khái Hưng viết xong tháng 7, 1946, ông bị công an Cộng Sản thủ tiêu vào ngày 21 tháng 1, 1947, từ đó đến nay là 69 năm, và nó đã nằm trong tay chủ nhiệm chủ bút Viên Linh từ mấy tháng nay, bây giờ nó vừa ra ánh sáng với Khởi Hành số chào mừng ghi dấu năm thứ 20, tờ báo có tiêu đề in trên trang bìa: “Tạp chí văn học lịch sử,” tờ báo không ngừng dương danh văn hóa truyền thống dân tộc và những văn nghệ sĩ trí thức đã chết trong giam cầm tù đày của Cộng Sản kể từ số 1, tháng 11, 1996: chiêu niệm Hồ Ðiệp mất tích khi vượt biên số 19; chiêu niệm Nguyễn Mạnh Côn chết trong trại tù tập trung số 20; chiêu niệm Hồ Hữu Tường chết trên đường từ khám Chí Hòa về nhà ở đường Công Lý số 21; tưởng niệm chính khách Trần Văn Tuyên số 24; Vũ Hoàng Chương chết trong tù chủ đề Khởi Hành số 35; tưởng niệm Phan Huy Quát chết trong tù, số 43; hai số vinh danh Quang Dũng 44-45; các số báo đặc biệt về cái chết trên đường tìm tự do của Chu Tử, Vũ Anh Khanh, Khả Năng, và gần đây nhất: đưa ra ánh sáng các vụ thủ tiêu hãm hại Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, trong các số chủ đề Phong thổ tinh hoa miền Nam, v.v...

 

3. Tác phẩm của một nhà văn lớn như Khái Hưng làm sao lại nằm trong bóng tối đến 69 năm?

    Một hôm đang làm việc tại tòa soạn Khởi Hành, điện thoại viễn liên reo, nhìn dấu hiệu trên máy cellunar tôi không rõ ở đâu gọi. Giọng nói một phụ nữ trong máy là giọng Hải Phòng miền biển, người nói tự giới thiệu là một sinh viên đại học Ngoại Văn ở Tokyo, cô xưng tên là A. Tanaka, sinh viên Cao Học Văn Chương Việt Nam. Luận án của cô là Khái Hưng. A. cho biết khi ở Hà Nội cô nhìn thấy cái bìa tờ báo Thời Tập in hình nhà văn Khái Hưng đội cái mũ rộng vành, song không có nội dung tờ báo. Cô hỏi ra tên chủ nhiệm chủ bút và hình như nhờ báo Người Việt, cô kiếm ra điện thoại của tôi, xin tôi nội dung các bài viết về chủ đề luận án của cô. Như thường lệ, câu trả lời là chúng tôi không cho ai mang tài liệu ra ngoài, nhưng cô có thể tới tòa soạn sao chụp tài liệu. “Cháu đang ở Tokyo, cháu xin gặp bác mấy ngày nữa.” Cô nói tiếng Việt khá rành, gọi tôi bằng bác chứ không gọi bằng chú. Theo văn hóa xa xưa thời văn minh sông Hồng, áng chừng người ta hơn tuổi cha mẹ mình thì phải gọi bằng bác, trẻ hơn mới gọi bằng chú, cô Tanaka A. ba ngày sau đã bay tới Little Saigon và đứng chụp tài liệu Khái Hưng trên các tờ báo tôi làm. Cô đã học tiếng Việt với những người nói giọng Bắc còn ở Hà Nội hơn mười năm trước. Cô sung sướng khi thấy tờ báo thứ hai có chủ đề Khái Hưng là tờ Khởi Hành số 7. Cô khoe: “Cháu đang viết về nhà văn Khái Hưng, cháu hãnh diện là mình nói giọng Vĩnh Bảo.”

    “Khái Hưng tên khai sinh là Trần Khánh Giư sinh năm 1896 tại Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương. Ông là con cụ tuần phủ Trần Mỹ. Cụ tuần có đến 5 người vợ, Khái Hưng là con của bà vợ cả và là anh nhà văn Trần Tiêu. Theo Nho học tới năm 12 tuổi, sau mới theo Tây học, năm 1923 ông được Hội Trí Tri Nam Ðịnh trao giải nhất cho bản dịch vở hài kịch Les Plaideurs của Racine. Sau khi đậu Tú Tài Pháp phần I, [...] dạy học tại trường Thăng Long Hà Nội. Trong thời gian này, ông có viết một số bài cho Phong Hóa, tờ báo do ông Phạm Hữu Ninh, hiệu trưởng trường Thăng Long chủ trương. Với bút hiệu Bán Than ông còn viết cho Văn Học Tạp Chí. Năm 1930 tại quê nhà của ông, nhân vụ khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Ðảng, làng Cổ Am đã nổi lên biểu tình giết chết viên tri huyện Vĩnh Bảo, do đó làng ông bị thực dân Pháp cho máy bay giội bom tàn phá. Cũng năm này Khái Hưng đã gặp Nhất Linh, hai người trở nên bạn tâm giao. Thấy vợ chồng Khái Hưng hiếm muộn, ông bà Nhất Linh đã cho người con thứ về làm con nuôi họ Trần.
Năm 1932, được chủ trường Thăng Long trao lại tờ Phong Hóa, ông cùng Nhất Linh chung sức làm tờ báo này.
    Năm sau “Hồn Bướm Mơ Tiên” truyện dài đầu tiên của ông ra đời. Năm 1935 ông và các bạn làm tờ Ngày Nay, lập Tự Lực Văn Ðoàn và nhà xuất bản Ðời Nay. Năm 1941, Pháp bắt các đảng viên QDÐ giam ở Vụ Bản trong có ông cùng với Hoàng Ðạo, Nguyễn Gia Trí. Hai năm sau Khái Hưng được chuyển về quản thúc tại Hà Nội. Ngày 5 tháng 5, 1945, ông cộng tác với Nguyễn Tường Bách cho ra tờ Ngày Nay, Kỷ Nguyên Mới, ông và Hoàng Ðạo đóng vai cột trụ cho tờ báo này. Sau cuộc khởi nghĩa 19 tháng 8, 1945, Việt Minh nắm được chính quyền, Khái Hưng đã đứng về phía chống đối, viết bài đả kích kịch liệt chính sách của phe tả trên các báo Việt Nam, Chính Nghĩa. Ngày 19 tháng 12, 1946 chiến tranh Việt Pháp bùng nồ, Khái Hưng về quê vợ ở Nam Ðịnh, và bị công an chính quyền Việt Minh Cộng Sản mời đi họp ở trên huyện, thực tế chúng dẫn ông tới bãi giữa sông Ninh Cơ, trói ông vào trong bao, 3 tên đã từ ngoài đâm chém ông đến chết và thả trôi sông, khoảng gần giao thừa Bính Tuất qua năm mới Ðinh Hợi, nhằm ngày 21 tháng 1, 1947.
[Theo TPG. Xin xem bài tường thuật “Vụ Thủ Tiêu Khái Hưng” của thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy, Khởi Hành số 225-226, tháng 10-11, 2015, California].

Viên Linh

Người chuyển bài - NTH

No comments: