Tuesday, December 15, 2015

Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Mười) - Thuyên Huy


Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Mười)

 
 


Chương Mười
 
 

 
 

    Vợ chồng chú Hiếu đóng cửa tiệm, dắt hai đứa nhỏ theo tôi về Bến Cầu chơi vài hôm trước khi tôi khăn gói xuống Sài Gòn trọ học. Học trò tỉnh vẫn còn nghĩ hè. Bến Cầu, quê tôi độ này buồn quá, buồn hơn ngày xưa nhiều, đò dọc đò ngang trong miệt Long Chử Long Giang giờ ra chợ xã lơ thơ dăm ba cái. Bến tàu lớn đi Cẫm Giang bớt ồn ào người buôn người bán, đám dừa nước bám dọc theo hai bên bờ sông lớn ngay cầu đò càng ngày càng già nua cằn cổi. Chợ xã nhóm muộn hơn, rạng sáng vẩn còn có tiếng súng đì đừng nổ phía gần biên giới Miên, tiếng đại bác kéo dài trong đêm đã không còn xa lạ. Tàu chở dừa cau đi giao hàng của nhà tôi giờ thì chuyến trễ chuyến đình. Cái lô cốt lính trước trụ sở xã bao quanh toàn là bao cát xám xịch, chất cao đến nổi không thấy hết trọn mặt của anh lính nghĩa quân ngồi gát. Bến xe nhỏ đi Gò Dầu, ngang hông chợ giờ chỉ còn một chuyến trong ngày, buồn hoang buồn vắng.

    Hôm trở  lại tỉnh để đi Sài Gòn, cả nhà anh chị Thương cùng với ba mẹ đưa tôi và gia đình chú Hiếu ra bến tàu. Cũng như những lần trước, mẹ tôi dúi vào tay tôi thêm chút tiền mặc dù ba tôi đã cho từ  tối hôm qua. Mẹ tôi tuy cười nói nhưng tôi không thấy bà vui, giống như ba tôi, trán bà giờ thêm nhiều nét nhăn dài và sâu thẳm, tóc họ không khác gì bông bưởi góc vườn. Nhìn bà tôi không muốn nói gì hơn, dù chuyện cô tư Hòa, trong lòng tôi vẩn còn như một cơn bảo rớt. Tàu lớn bắt đầu nổ máy, sương sớm vừa chập chửng tan, chợ đã có người lên xuống, lá cờ trong sân trụ sở xã trở mình phất phất nhẹ theo gió sáng. Ba tôi cầm tay chú Hiếu, cám ơn chú đã về thăm, chú Hiếu lầm thầm muốn khóc. Mẹ tôi vò đầu tôi, nhắc đừng quên những gì bà đã dặn. Tôi và gia đình chú Hiếu xuống tàu, giờ này nước sông đã lớn từ  lâu, tàu ra giữa sông, chúng tôi đứng trên sàn tàu vẫy tay, bóng ba mẹ tôi và anh chị Thương nhỏ dần, rồi khuất sau rặng cây thốt nốt che ngang khúc sông rẽ nhánh. Một lần nữa, tôi bỏ Bến Cầu đi.

    Buổi sáng, trước khi xuống Sài Gòn, tôi đến thăm cô tư Hòa và ở lại chơi cho tới gần xế trưa. Cả nhà nói cười rộn rịp, thằng Phúc con Hạ lăng xăng đi tới đi lui nhắc tôi nhớ về chơi luôn, cô dượng tư dặn dò ráng học. Đám con nít nhà bên cạnh thập thò ngoài cửa sổ nhìn vào trong, dăm ba người quen hàng xóm đứng lãng vãng trước cổng rào, vẫy tay chào hỏi. Đường giữa trưa vắng xe, bụi đường cuốn theo mấy cơn gió nhẹ bay như  phấn lớp học. Đâu đây có tiếng hát ru con ngủ bên xóm trong, lúc nhặt lúc khoan làm khu phố trưa buồn thiu thỉu. Cả nhà cùng đứng chờ xe lôi máy với tôi bên đường, ai nấy lặng thinh, cô tư ôm tôi rưng rưng nước mắt. Thằng Phúc, con Hạ rấm rứt khóc theo, tôi cười chào mọi người nhưng môi tôi chợt nghe mằn mặn. Chiếc xe lôi máy chạy khá xa xuống cuối đường, tôi vẫn còn thấy bóng dáng gia đình cô tư Hòa lố nhố trên đầu dốc. Về lại nhà, chú Hiếu chuẩn bị mọi thứ rồi đưa tôi ra bến xe chợ mới. Con sông nhỏ ngăn đôi thành phố đục ngầu màu nước bùn, dù hỗm rày trời chưa có mưa. Tôi từ giã Tây Ninh một mình, Chiêu đã xuống Sài Gòn từ mấy ngày trước. Tôi cầm tay chú Hiếu tạ từ và cám ơn. Chú dúi vào tay tôi gói giấy nho nhỏ, gọi là chút quà chú thiếm tặng, chừng nào xuống tới dưới Sài gòn rồi mở. Chú đứng chờ xe từ từ ra khỏi bến rồi mới bỏ đi. Chợ giờ này vắng tanh, tiếng quân xa dồn dập một phía nào đó trên đường lên Cầy Xiêng nghe rõ mồn một, bụi đỏ cuốn mù khi xe đò bắt đầu ra ngã ba đầu tỉnh, chậm qua ngang trường trung học. Sân trường loang lở cỏ úa. Xác phượng rụng ngập khắp lối đi đỏ bầm màu máu, nắng chiều khuất dần sau hàng cây trứng cá nơi Chiêu và mấy cô bạn lang thang trong giờ ra chơi và cũng là nơi tôi với Tường, không ai bảo ai, đứng chờ nhìn cho được trong hồi hộp xuyến xao. Cánh cửa sổ lớp học của Chiêu không ai buồn khép kín. Khu đồng trống chạy dài xuống xóm chài bên kia sông chẳng còn bao nhiêu hoa dại tím.

    Nhờ ba mẹ Chiêu, tôi đến ở trọ tại nhà người dì bà con của Chiêu, một căn nhà gạch nhỏ khá xinh, nằm cạnh bên hông trường Văn Học, trên đường Phan Thanh Giản. Lúc đầu, khi ba mẹ Chiêu nói chuyện này, tôi áy náy hết mấy ngày, không biết trả lời sao, cuối cùng đành phải chịu vì Thảo Ly và Xưa nói vô quá, Chiêu lặng thinh nhưng tôi biết trong lòng cô ta xốn xan không ít. Bác Lâm, ba của Thảo Ly cũng bảo là để bác lo cho nhưng tôi không dám nhận lời một khi ba mẹ Chiêu đã dặn trước.

    Sắp vào học, trời mấy ngày nay bổng dưng đổ mưa, mưa chập chùng trắng xóa cả một góc Sài gòn. Tôi đến nhà bà chị của Tường tìm hắn. Tường vừa từ  Đà Lạt về, trông hắn có vẻ hân hoan vui sướng. Hai thằng kéo nhau ra chợ Đủi, uống cà phê ăn bánh cuốn Trần Quý Cáp, nhắc chuyện ngày xưa của những đêm buồn tỉnh lẻ. Tường lên Đà Lạt, ở với bà chị thứ ba đang dạy trường Bùi Thị Xuân sau khi xong thi. Bà chị trong này đánh điện tín cho hay tin hắn thi đậu, Tường ở lại luôn thêm mấy ngày. Không thấy Tường nói năng gì chuyện học hành, tôi nóng lòng hỏi trước,

- Mầy sắp nhập học chưa?

Tường cười thoải mái,

- Còn cả tháng nữa lận !

Tôi ngẩng ngơ nhìn dáng điệu ung dung của hắn, quên cà hỏi hắn học ngành nào.

- Sướng quá hả, người ta đã nhập học cả rồi mà mầy còn cả tháng long bong nữa!

Lúc bấy giờ Tường mới hiểu ra rằng tôi chưa biết gì hết. Tường đưa ly cà phê lên nhấm chút xíu rồi nói:

- Mầy không gặp Chiêu sao, tao tưởng mầy biết rồi, tao tình nguyện vào trường sỉ quan Đà Lạt và đã làm xong thủ tục, giờ chờ ngày lên trển thôi, bốn năm..

    Tôi lặng người đi, không nói thêm được gì hơn. Tường thích sống mạo hiểm, năng động không âm thầm lặng lẽ như tôi, nhưng tôi chưa hề nghĩ tới chuyện Tường vào lính, nhất là thời buổi này, ai cũng mong chạy cho được hoản dịch. Biết là có hỏi lý do tại sao cũng bằng thừa, tôi nhìn đăm chiêu ra đường:

- Hai bác có ý kiến gì về chuyện này không?

Tường cười gọn bân:

- Ba mẹ tao biết chuyện này lâu rồi, mầy biết tính ổng bả rồi, ai nấy đều dễ lắm.

Tôi uống cạn chút cà phê còn sót lại trong ly, nghĩ tới chuyện Tường nói yêu Chiêu, bỗng dưng thấy cà phê hôm nay đắng lạ lùng. Lá me bay phất phơ theo chiều gió, treo lơ lửng giữa trời, đám con gái qua đường chạy đuổi theo cười giòn giã, cả hai thằng cũng cười theo. Tôi ở lại chơi với Tường thật khuya, chuyện nào cũng nói cho nhau nghe nhưng cả hai đều không nói gì về Chiêu. Tôi cứ loanh quanh trong đầu chuyện Tường vào lính trên đường về. Gần giữa đêm, Sài Gòn sắp tới giờ giới nghiêm, thành phố vắng tanh theo từng ngọn đèn đường vàng le lói mù mờ sau những hàng cây rậm lá.
 
 
 

    Thứ bảy, tôi theo Tùng, thằng bạn mới quen cùng học năm đầu Hóa học Phú Thọ về Tầm Vu chơi. Nhà Tùng ở đầu phố chợ, cách bến xe đi Sài Gòn, Long An một hàng cây xê-ri xum xuê lá. Ba Tùng trước là công chức của tỉnh Long An thời Tây, giờ hưu trí lâu lắm rồi, ông bà hiện có cái vườn xoài nho nhỏ sau nhà và vài miếng ruộng đang cho dăm ba người bà con xa mướn. Tùng còn đứa em gái đang học hớp đệ nhị ở Long An, sáng đi chiều về. Tùng dẫn tôi đi lang thang đầu đường cuối nẻo, tuy là chợ xã nhưng gần giữa trưa mà vẫn còn đông người. Miệt dưới miền Tây này, Tầm Vu là nơi nổi tiếng có con gái đẹp nhất vùng. Bác gái, mẹ Tùng, đãi tôi bửa cơm trưa canh chua cá kho tộ ngon không thể tưởng, ông bà chăm chú nghe nói chuyện nhà tôi, chuyện sông rạch cau dừa của Ngũ Long biên giới. Lên Sài Gòn, Tùng cùng với một người anh bà con cùng tuổi, học Luật, quê Long An, thuê một căn nhà cây nhỏ rẽ ở trong đầu hẻm chợ Nguyễn Tri Phương. Tùng nhiều lần bảo tôi về ở với hắn cho vui, vì hai đứa học chung một ngành, nhưng tôi lần lựa hẹn thủng thẳng rồi tính. Lần này gặp ba mẹ Tùng, ông bà cũng kêu tôi như vậy, trong lòng tôi muốn lắm nhưng kẹt nổi không dám làm phụ lòng ba mẹ Chiêu, vì dù sao tôi cũng còn một mối tình phải giữ. Gần xế chiều, ba mẹ Tùng đưa hai đứa ra bến xe, chờ anh tài xế đi kêu khách, tôi đứng nhìn hàng cây xê-ri, đã có vài trái lưa thưa chín đỏ.
 
 
 
 

    Về đến nhà thì Chiêu và Thảo Ly đã có mặt từ hồi nào rồi, Chiêu đang cười nói gì đó với bà dì trong nhà bếp. Tôi vào sân sau bằng cửa nhỏ bên hông nên không ai biết, cho đến khi thấy tôi lửng thửng từ sau đi lên, cả ba người hoảng hồn cùng gọi tên tôi một lượt. Tôi vừa tức cười vừa lên tiếng chào, mọi người làm ra vẻ giận dữ nhưng đành phải cười theo. Chiều chưa xế lắm, nhưng hình như trời có vẻ muốn tối sớm, mây đen sầm cả một góc trời, tiếng còi chuyến xe lửa đêm từ ngoài miền Trung vào nghe văng vẳng xa xa, con nít túa nhau ra hai bên đường rầy góc Yên Đổ, Lê Văn Duyệt ồn ào gọi nhau, chờ cổng chận xe khép. Bà dì xách giỏ đi đâu đó, dặn cứ ăn cơm không cần phải chờ, bọn tôi kéo nhau vào phòng khách, tôi kể chuyện nhà Tùng, chuyện cô em gái lớp đệ nhị làng Tầm Vu nơi nổi danh gái đẹp. Chiêu im lặng nghe rồi nhìn tôi cười tủm tỉm:

- Hèn chi, anh về trễ dữ vậy!

Thảo Ly bèn phụ thêm:

- Thảo nào, như anh nói, anh Tùng nào đó cứ nhất định rủ anh về Tầm Vu cho bằng được.

- Nhưng theo anh Ngữ thì cô em Tầm Vu có giống như thiên hạ nói không? Chiêu nhẹ giọng hỏi.

Tôi cười mà không nói gì hết.

 

Thuyên Huy

(Còn tiếp)

No comments: