Wednesday, December 23, 2015

Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Mười Một) - Thuyên Huy


Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Mười)

 


Chương Mười Một

 
    Trời bây giờ giữa thu, Sài Gòn lá úa phủ đầy trên từng con đường, trong từng góc phố. Không buổi sáng nào mà sương đêm chịu tan sớm, cứ nấn ná theo gió heo may thổi muộn. Tôi dọn về ở chung với Tùng và người anh bà con hết sức tình cờ, cái tình cờ may mắn cho phép tôi rời khỏi nhà bà dì của Chiêu trong vui vẻ mà không bị ai trách móc, ngay cả Chiêu. Chiến trận bộc phát dữ dội trong mấy lúc gần đây, nhất là ở miền trung, miệt Đà Lạt, Phú Bổn. Gia đình người dì thứ hai của Chiêu, làm ăn buôn bán ở Pleiku, phải trở về Sài Gòn tạm sống vì mấy trận đánh đẫm máu giữa quân cộng sản Bắc Việt và tiểu đoàn 5 nhảy dù của quân VNCH tại Lệ Thanh, đã đốt rụi mấy trăm mẫu cà phê của vợ chồng bà. Nhân chuyện này tôi có cớ để dọn đi, bà dì cứ nằn nặc bảo tôi ở lại, nhà đâu có thiếu chỗ, như người "buồn ngủ gặp chiếu manh" tôi cám ơn sự lo lắng của bà bấy lâu nay rồi dọn đi ngay buổi chiều ngày gia đình bà dì hai từ Pleiku vào tới Sài Gòn. Gặp lại Thảo Ly vài ngày sau, cô nàng cho biết bác Lâm có nhắn xuống hỏi, nghe tôi sắp xếp được rồi hai bác cũng yên lòng. Ba mẹ Chiêu thì buồn hơn vì công việc không giống như ông bà dự tính. Rồi thì đâu cũng vào đó, bọn tôi ngày hai buổi đi về với giảng đường, thư viện theo giòng đời sớm nắng chiều mưa. Tôi gặp lại Tường đôi ba lần, cũng chuyện ngày xưa, chuyện thuở trời đất chưa nổi cơn gió bụi.
 
 
  

    Loay hoay vào học cũng đã gần hơn một tháng, không chiều nào mà Chiêu và Thảo Ly không ghé qua nhà Tùng, xem tôi ăn ở ra sao, dặn dò chuyện này chuyện nọ, từ cái ly nước tới cuốn sách xếp hờ hửng trên bàn. Đêm nằm chờ sáng, tôi thấy mình nặng nợ quá rồi thấy lo lo, không biết liệu có trả nổi cho người kiếp này không. Tùng đôi khi thấy tôi trằn trọc cũng cảm thông khuyên bạn. Với Chiêu tôi  có đôi lần lập lại tiếng yêu nhưng hai đứa chưa biết phải nói gì thêm nửa. Cái nắm tay nhẹ trong sân, cái hôn vội vàng trước cổng trường đại học cất giữ trong lòng trên đường về để dành khi đêm xuống, ngồi chong đèn trước quyển sách dày cộm vương vương vấn vấn. Cuối tuần, thỉnh thoảng Chiêu lái xe honda đến với Thảo Ly và Xưa, bọn tôi chạy lang thang ra ngoại ô, khi thì lên Thủ Đức, Lái Thiêu, lúc thì về Nhà Bè Cát Lái, rồi chấm dứt bằng bửa ăn chiều ở tiệm cơm quen trên đường Trần Bình Trọng. Tiếng đại bác từ ở một nơi nào xa xa vội về nghe mỗi lúc mỗi gần hơn, đường phố bây giờ, lính trận nhiều hơn xưa, tôi vẩn còn đứng bên lề cuộc chiến.

    Sáng thứ hai đầu tuần, tôi cùng Chiêu, Thảo Ly, Xưa ra phi trường Tân Sơn Nhất tiển Tường lên Đà Lạt để nhập khóa sĩ quan. Ngồi chờ giờ bay trong phòng chờ đợi, ai nấy đều cố nói nói cười cười nhưng hình như ly cà phê cứ đầy dù đã nguội đi từ lúc nào và cái nhìn hờ hửng ngoài phi đạo vắng tanh cho thấy trong lòng người đi hay kẻ ở có lẻ buồn hơn vui. Tường là người khách cuối cùng lên phi cơ sau cái bắt tay thật chặt với tôi và cái vẫy tay ngắn ngủi. Có một cụm mây xám nhẹ lẻ bạn xuống thấp ngang khung cửa kiếng, chiếc phi cơ từ từ lăn bánh dài trên đường bay rồi lên cao, Chiêu đứng lặng thinh nhìn tôi. Tôi chia tay Tường từ hôm đó. Sài gòn lập đông, mùa thu năm nay tàn sớm hơn thường lệ, phố phường không còn bao nhiêu lá úa, những cơn mưa đầu đông chưa lớn lắm nhưng cũng đủ làm cho Sài Gòn âm u sương khói. Áo len đủ màu đủ kiểu bày bán khắp chợ khắp đường, người qua đường cứ bảo nhau năm nay chắc là trời lạnh sớm.
 
 



    Chiều chủ nhật, tôi đón xe buýt ra chợ Sài Gòn gặp Chiêu tại cửa hàng của bà chị trong thương xá Eden như đã hẹn. Chào hỏi bà chị mấy câu qua loa dù trong tiệm vắng khách rồi hai đứa bỏ đi, bà chị nói vói theo nhớ trở lại đi ăn cơm chiều. Tôi theo Chiêu vào nhà hàng Givral, ngồi ở một góc ngó qua rạp xi-nê Rex. Người đứng chật trước hành lang, có lẽ đang chờ xuất kế gần tới. Trời giờ này bên ngoài đầy nắng. Đợi người bồi bưng nước tới rồi bỏ đi, Chiêu vừa nói vừa đưa cho tôi xem lá thư không thẳng nếp lắm:

- Anh đọc thư này đi rồi Chiêu nói cho anh nghe.

Tôi cầm lấy. mở tờ thư để lên bàn, bưng lấy ly nước uống vài hớp, chầm chậm đọc. Thư Tường viết gởi cho Chiêu hôm Tường về từ Đà Lạt, nội dung cũng khá dài nhắc lại những kỹ niệm của những ngày ở Tây Ninh rồi kết luận là đã yêu Chiêu, không làm sao quên cô được và sẽ chờ Chiêu trả lời trong một ngày nào đó dù phải chờ trong bao lâu. Tường không nhắc gì đến bạn bè khác trong đó có cả tôi. Đọc thư xong, tôi lặng người đi dù Tường đã nói chuyện này khi bọn tôi sắp sửa bỏ Tây Ninh mà đi. Tôi không nói gì, thong thả xếp lá thư lại, đẩy trả cho Chiêu. Chiêu để nguyên lá thư trên bàn, nhìn tôi hỏi thật nhỏ:

- Chiêu thật sự muốn xé lá thư lâu rồi, nhưng Chiêu nghỉ phải cho anh biết trước. Chiêu xin lổi anh là để đến ngày hôm nay mới nói ra, anh hiểu Chiêu mà, tại sao lại trớ trêu như thế này. Anh đọc xong rồi đó, anh nói đi, liệu Chiêu phải làm cái gì đây, Chiêu nghe anh hết.

Chiêu ngừng ở đó, tôi nhìn thẳng Chiêu, mắt Chiêu rươm rướm đỏ. Tôi nắm tay Chiêu xiết nhẹ:

- Thôi thì cứ  tạm quên rồi sẽ tính. Phải chi người viết lá thư này không phải là Tường thì đâu có gì đáng nói. Anh nghỉ rồi cũng phải cho Tường một câu trả lời dù sớm hay muộn.

    Một lần nữa, tôi đẩy lá thư về gần phía Chiêu làm dấu bảo cô nàng cất đi. Hai đứa nhìn nhau gượng cười, uống cạn ly nước rồi bỏ về lại cửa tiệm của bà chị. Chiêu tựa đầu vào vai tôi nói nhỏ:

- Xin chỉ còn lại hai đứa mình.

Giọt nắng muộn cuối chiều rớt từng đốm trên cái công viên nhỏ nhoi trước sân Tòa Đô Chánh. Đuờng phố đã bắt đầu đông người chiều chủ nhật. Cuối nhà ga Sài Gòn, tiếng còi chuyến tàu đêm về miền Trung kéo dài từng chập một, thôi thúc kẻ ở người đi rằng họ chỉ còn đôi phút muộn màng từ biệt.


  
 

Thuyên Huy

(Còn tiếp)

 

No comments: