Wednesday, November 18, 2015

Chú Dế Hát Giữa Đêm Đông - Thanh Thương Hoàng


Chú Dế Hát Giữa Đêm Đông
 

 
 

 
    Một đêm tôi chợt thức giấc, có lẽ lúc đó vào quá nửa khuya. Đang nằm mơ màng trong trạng thái nửa ngủ nửa thức, tôi chợt nghe tiếng một chú dế thoang thoảng gáy đâu đây. Tiếng gáy lúc như xa xăm mơ hồ trong tiềm thức dĩ vãng, lúc lại như có thật, sát ngay bên hàng hiên cạnh phòng ngủ. Mới đầu tôi không mấy quan tâm tới tiếng dế gáy này và cố tìm mọi cách để tiếp tục giấc ngủ. Từ ngày bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”tôi vô cùng quý trọng giấc ngủ, vì như mọi người biết tuổi già khó ngủ. Đêm nào không ngủ được là ngày hôm sau thân thể tôi mỏi nhừ rã rời, suốt ngày không muốn làm bất cứ việc gì, ngay với thói quen - đồng thời cũng là cái thú - đi bộ mỗi buổi sáng trong cái Park gần nhà. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, tôi đã phải cầu cứu tới những viên thuốc ngủ, nhưng ông bạn bác sĩ  khuyên không nên lạm dụng sẽ gặp nhiều tác hại sau này. 

 Thường thường với người có tuổi mỗi đêm chỉ ngủ khỏang bốn tiếng đồng hồ, sau đó để giết thì giờ họ dậy pha trà hay cà phê rồi ngồi nhâm nhi và ngẫm nghĩ sự đời, việc đời xẩy ra ngày hôm qua, ngày hôm kia……...rồi tháng trước, năm trước. Có khi tới cả quãng đời cách đấy nửa thế kỷ! Còn với những người viết lách như tôi thường là suy nghĩ về một cốt truyện ngắn hoặc bố cục một truyện dài. Nhưng nghĩ là một việc còn thể hiện thành những giòng chữ trên trang giấy lại là việc khác.Vì  nghĩ và viết phải trải qua một chặng đường dài đầy khó khăn mệt nhọc vất vả. Nhất là phải đợi hứng tới mới viết được mà với người lớn tuổi thì ít khi hứng tới lắm! May tôi sống cu ky một mình nên muốn dậy muốn nằm hay làm bất cứ việc gì cũng” hòan tòan độc lập tự do”, chứ có nhiều ông bạn già sống chung với vợ con phải hạn chế nhiều thứ lắm. 

 Bây giờ xin trở lại với chú dế hàng xóm của tôi. Không biết chú đến đây từ bao giờ và tạm cư hay định cư, chọn nơi này làm quê hương như tôi, hay chỉ là một chặng dừng chân trong bước đường phiêu lưu của chú?. Nằm mãi không tài nào ngủ tiếp tôi đành mở mắt, vẫn nằm yên trên giường, ngó ra ngòai trời đêm. Tôi có thói quen không kéo rèm cửa sổ khi ngủ. Bây giờ đang giữa mùa đông, thời tiết ngòai trời rất lạnh. Phóng tầm mắt qua nơi góc cửa sổ tôi nhìn thấy vài ngôi sao xa xăm lẻ loi lấp lánh trên nền trời âm u mờ tối. Chẳng lẽ vì cái cựa mình của tôi hay tại tiếng thở dài mà chú dế bỗng dưng không cất tiếng gáy nữa. Hay là chú đi vào giấc ngủ rồi? Tôi đóan chú cũng thuộc vào lọai già nên đêm hôm không ngủ được mới cất tiếng gáy cho đỡ sầu đời! Các nhà khoa học nói là sở dĩ chú dế cọ hai cánh vào nhau tạo thành tiếng gáy là để rủ rê tán tỉnh gạ gẫm mời mọc các nàng dế mái tới với chàng tính chuyện yêu đương. Tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng chú dế này nửa đêm khuya khoắt, cảm thấy cái cõi đời buồn quá nên muốn cất tiếng hát gíup cho đời vui  lên. Thử tưởng tượng cuộc sống của chúng ta nếu không có những lời ca tiếng hát của các ca sĩ thì sẽ buồn biết bao! Trong lúc tôi đang mơ màng chập chờn sắp đi vào giấc ngủ thì chàng ca sĩ dế của tôi lại cất lên tiếng gáy. Lần này không hiểu sao tôi nghe tiếng gáy của chú dế lại nỉ non buồn thảm  hắt hiu ảo não. Chú gáy mà như than. Có lẽ chú than cho đêm trường dài thăm thẳm mênh mông đến vô cùng tận chăng? Cứ từng hồi, từng hồi một như nhịp slow buồn, chậm rãi  thê lương. Chú gáy một chập rồi nghỉ. Nghỉ một chập rồi gáy tiếp. Chẳng lẽ chẳng có cô dế mái nào sốâng gần đó nên chàng vẫn tiếp tục cô đơn tìm quên trong tiếng gáy? Tôi mải mê theo dõi tiếng gáy của chú dế tới hừng sáng lúc nào không hay. Khi có nhiều tiếng động cơ khua ầm ĩ ngòai đường chú dế của tôi ngưng hẳn tiếng gáy. Có lẽ chú không muốn tiếng gáy của mình trộn lẫn vào những âm thanh hỗn tạp của đời chăng! Sáng hôm đó thật lạ lùng, tuy không ngủ được trọn giấc mà tôi không thấy mệt mỏi rã rời như mọi khi. Sau khi dùng bữa sáng tôi ngồi vào bàn viết với tâm trạng sảng khóai nhẹ nhõm. Cám ơn chú dế. Cám ơn bạn hàng xóm mới. Hy vọng đêm nay tôi lại được nghe tiếp tiếng gáy của chú. 

 Buổi tối, tôi không coi tivi như thường lệ - vì sợ gây tiếng ồn sẽ không nghe được tiếng gáy của chú dế.Trong khi nằm chờ ”tiếng hát đêm khuya” bỗng dưng những năm tháng cũ của tuổi thơ tôi ào ào kéo tới lúc nào không biết. Năm đó tôi được tám, chín tuổi gì đó. Tôi là con nhà giầu trong một Thành phố nhỏ vùng biên giới Việt Hoa nên tôi có nhiều bạn thuộc đủ thành phần. Tôi tham dự đủ trò chơi, nhất là trò chọi dế. Vì là con nhà giầu nên tôi rất nhát và lười biếng ngại khó. Đêm tối tôi không dám theo bạn bè cùng lứa tuổi lặn lội đi bắt dế. Tôi đợi sáng ngày sau thấy cậu nào có con dế lớn đẹp, gáy to, chọi hay là tôi gạ mua liền. Do đó dế của tôi thường xuyên giữ chức vô địch trong Thành phố. Tôi có thằng bạn tên Mạnh, con nhà nghèo nhưng tự ái cao và rất háo thắng. Nó luôn luôn rình rập tranh chức vô địch dế của tôi. Hễ cứ bắt được con dế nào thuộc lọai “cồ” là nó mang tới tôi thách đấu liền. Một lần, có lẽ trong đời tôi khó mà quên được. Đó là cuộc thi chọi dế tòan thành phố của lũ nhóc chúng tôi. Mỗi năm chỉ có một lần tổ chức vào mùa hè. Giải thưởng chẳng có gì to tát giá trị nhưng đó là dịp để chúng tôi vênh váo với cả lớp, cả trường. Tôi đã bỏ ra khá nhiều tiền thâu gom dế. Trong tay tôi có hơn mười con dế thuộc lọai chiến từ dế than tới dế lửa, con nào con ấy oai phong lẫm liệt và gáy ròn rã. Cái chức vô địch dế coi như tôi đã cầm chắc trong tay.“Đối phương” của tôi cũng không phải tay vừa. Nó ngày đêm đi lùng bắt dế và dám liều lĩnh mò cả sang bên kia sông ban đêm để bắt. Sở dĩ tôi nói nó dám liều lĩnh sang bên kia sông vì người ta đồn bên ấy có rất nhiều dế nhưng cũng  có rất nhiều ma nên bọn nhóc chúng tôi không ai dám bén mảng, suốt ngày đêm dế tự do gáy vang lừng cả vùng.Thằng Mạnh tuyên bố với mọi người  năm nay nó quyết giật lại giải vô địch dế của tôi. Trận đấu hứa hẹn nhiều gay cấn. Và trong đám bạn bè của bọn tôi lại còn chia làm hai phe. Một phe cá dế tôi thắng. Một phe”bắt” dế tôi thua. Giải thưởng là một chầu kẹo kéo của chú Ba Tầu cuối phố. Tới ngày chọi dế. Tất nhiên vào trận chung kết chỉ còn dế của tôi và của thằng Mạnh.Trước khi vào trận tôi và thằng Mạnh, để tạo khí thế, chúng tôi lấy nhánh cỏ may non  xoay xoay trước mặt dế để dế lên cơn hăng và cất tiếng gáy thị uy. Rồi trước sự chứng kiến của gần mười đứa, có cả con trai  con gái, hai con dế được thả vào một cái hộp giấy lớn. Chỉ trong tích tắc chúng xông lại giáp chiến liền. Trận chiến kéo dài mấy phút và vô cùng gay go ác liệt giữa tiếng vỗ tay la hét cổ võ của hai phe. Trong khi con dế của tôi hung hãn cắn và đẩy dồn con dế của thằng Mạnh về phía sau và đang trên đà đi tới chiến thắng thì bất ngờ thằng Mạnh cho tay vào hộp giấy, nhanh như chớp tóm lấy con dế của tôi bóp chết ngay. Trước sự sững sờ bất ngờ của mọi người, thằng Mạnh cầm luôn hộp giấy và con dế của nó chạy đi sau khi tuyên bốø dế nó thắng trận.Từ đó tôi giận thằng Mạnh và “nghỉ” chơi với nó luôn.  Vào năm 1945, gia đình tôi chuyển về Hà Nội sống, tôi không còn có dịp gặp lại những thằng bạn chọi dế nữa, nhất là với Mạnh, thằng bạn háo thắng của tôi! Và mãi mấy chục năm sau tôi mới biết tin thằng Mạnh. Đó là sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi bị bắt vào tù với tội danh “chống cộng trên thượng tầng kiến trúc”. Trong phòng giam có một gã bộ đội đã lớn tuổi mang cấp bậc trung tá, bị bắt nhốt về tội tham ô hủ hóa biến chất. Trong những lúc chuyện trò, gã vô tình cho tôi biết tin tức thằng bạn nhỏ thời chọi dế của tôi là Mạnh giờ đã trở thành thiếâu tướng cộng sản. Hiện là Sư trưởng sư đòan X. đóng quân ngay vùng tôi “học tập cải tạo”! Nếu bây giờ tôi gặp lại Mạnh và chơi tiếp trò chọi dế, tôi nghĩ, dùø dế của tôi thắng vẫn bị Mạnh bóp chết và hắn vẫn thản nhiên tuyên bố thắng cuộc như thường!

Mải mê trở về với dĩ vãng tôi quên khuấy mất chàng ca sĩ dế của tôi đã cất tiếng gáy từ bao giờ. Đêm nay bầu trời cũng tối mờ và lạnh lẽo. Thỉnh thỏang một làn gió Đông đưa đẩy cành lá góc vườn và có thêm mưa rơi rả rích từng hồi càng khiến cho đất trời đã buồn càng buồn thêm.Tôi không biết làm gì hơn, hết nhìn trời nhìn đất, thở dài thở ngắn rồi lại lắng nghe chú dế gáy. Đêm đông giá rét nằm một mình trong căn phòng im vắng nghe tiếng dế than thở càng thêm não nùng thê thiết.Tâm tư tôi như nhập vào tiếng dế gáy. Tôi đếm từng nhịp, từng hồi xem chú dế gáy có bài bản gì không hay chú chỉ gáy theo hứng, theo bản năng. Chú dế gáy một chập rồi im tiếng luôn. Có lẽ nào tại trời mưa làm nước mưa tràn vào lỗ hang khiến chú bị ướt cánh và bị lạnh nên chú đành im tiếng? Cũng một đêm đông mưa gío lạnh lẽo nào nề như đêm nay tại một trại tù cải tạo trên vùng rừng núi Cao nguyên, tới giờ ngủ, sau một hồi kẻng báo hiệu nổi lên, tôi sắp sửa chùm chăn kín đầu thì có tiếng anh bạn tù nằm bên nói như reo:”A, một chú dế bự!”.Tôi chòang ngồi dậy vừa lúc anh bạn tóm được chú dế: một chú dế than đen nhũi to, mập, đầu và cánh bóng nhẫy rất đẹp. Hai sợi râu hai bên đầu vểnh lên ngạo nghễ. Anh bạn nói: “Thế là sáng mai mình có cái bồi dưỡng rồi”. Anh nói vậy có nghĩa là sáng mai chú dế sẽ bị đem nướng ăn. Tôi lên tiếng xin. Anh bạn cương quyết không cho. Sau hết tôi phải điều đình đổi 3 điếu thuốc rê anh mới chịu. Tôi lấy  hộp diêm đục một lỗ nhỏ, cho chú dế vào đó và bỏ vào túi ngòai của cái ba lô làm bằng bao bố. Đêm đó chú dế cứ ngọ ngọay mãi trong hộp diêm và không hề cất tiếng gáy. Có lẽ tại lần đầu tiên trong đời chú bị bắt nhốt trong chuồng mất tự do! 

 Trưa hôm sau, trong lúc mọi người mới chợp mắt cố “tranh thủ” giấc ngủ trưa ngắn ngủi thì chú dế của tôi bỗng cất tiếng gáy liên hồi khiến mọi người giật mình thức giấc. Cả buồngï tỏ ra rất khó chịu. Có người cất tiếng chửi thề hâm dọa. Tôi biết số phận chú dế của tôi sẽ ra sao rồi. Tôi cố gắng không rời nó. Và tôi định bụng là sau mấy ngày vui chơi với nó cho đỡ buồn, tôi sẽ trả tự do cho nó ở cái vườn nhỏ trồng đậu phọng để nó đỡ vất vả trong cuộc mưu sinh. Dế thích ăn đậu phọng lắm.  Đi lao động tôi để nó trong túi áo. Thỉnh thỏang đang cuốc đất nó cất tiếng gáy vang cũng làm cho tôi tạm thời quên đi sự mệt nhọc vất vả với khỏanh đất lớn và cứng như đá.Thế rồi một hôm, sau kẻng báo thức sáng, trở dậy tôi không nghe thấy tiếng gáy thường lệ chào bình minh của chú dế. Tôi liền mở túi nhỏ ba lô lấy hộp diêm đựng chú ra coi. Hộp diêm bị bóp bẹp. Chú dếõ nát thây, lòi cả ruột. Mấy con kiến đã mò tới kiếm phần. Tôi biết thủ phạm chính là anh hàng xóm của tôi - người đã đổi con dế lấy 3 điếu thuốc rê! Anh tàn sát nó vì nó cất tiếng gáy làm anh không ngủ được! 

 
Được thả tù về, thằng cháu nội tôi năm đó 6 tuổi và cũng rất mê chọi dế. Suốt ngày nó ôm hộp dế (làm bằng hộp gỗ khá đẹp chứ không nhốt dế trong hộp diêm như bọn tôi khi xưa) ra đường tụ tập bọn nhỏ lại chọi dế. Bố mẹ nó tìm cách ngăn cản cấm đóan chơi “cái trò dã man ác độc” này - như mẹ nó thường nói. Thằng nhỏ cực lực phản đối. “Nội vụ” đưa tới tôi xét xử. Tôi biết xét xử sao đây khi thằng cháu nội này chính là hình ảnh, chính là dĩ vãng của tôi mấy chục năm trước! 

Một hôm tôi đang ngồi coi báo thì thằng cháu nội đi học về. Nó chưa kịp cất cặp sách đã bước lại chỗ tôi mếu máo: “Ông nội ơi, dế của con bị thằng bạn bóp chết mất rồi!” Nó mở nắp hộp gỗ tôi coi. Xác một con dế lửa nằm  ngửa lòi ruột ra ngòai. Tôi hỏi:” Có phải thằng bạn chọïi dế của cháu bóp chết phải không?” Thằng nhỏ gật đầu:  ” Sau khi dế cháu quật dế của nó lăn quay và cất tiếng gáy thắng trận thì thằng bạn cháu nổi giận bóp nó chết liền!”. “Có phải nó là con, cháu bà hiệu trưởng?”. Tôi hỏi. Thằng cháu gật đầu. Tấn trò mấy chục năm trước bây giờ lại tái diễn.Trong lúc thằng cháu nội đang tán xin tôi tiền mua con dế khác thì vừa lúc Bố nó đi làm về, hay chuyện, nói: “Tốt thôi, từ nay khỏi dế khỏi chọi nữa là hết chuyện! Suốt ngày ăn rồi chỉ có dế với chọi, chẳng chịu học hành! Thôi từ nay cúp, ông nội đừng cho cháu tiền”. Tôi thấy hai mắt thằng cháu nội rươm rướm nước mắt. Tôi nháy mắt với nó ra hiệu lát nữa sẽ cho tiền. Nét mặt thằng nhỏ tươi hẳn lên. Trước khi vào buồng thay quần áo, nó còn nói:”Thiệt nghe, ông nội!”.

 Bây giờ thấm thóat đã trên mười năm trôi qua. Cháu nội tôi không còn là thằng nhỏ bé bỏng suốt ngày ham mê chọi dế nữa. Nó đã là sinh viên năm thứ nhất đại học. Thỉnh thỏang gọi điện thọai về Việt Nam trò chuyện cùng con cháu, nhiều lần tôi muốn hỏi thằng cháu nội là có còn chơi chọi dế nữa không, nhưng lần nào cũng quên khuấy mất. 

 Chú dế hàng xóm láng giềng của tôi, cứ thế tiếp tục ca hát theo ngày tháng trôi. Thời gian quay vòng mỗi ngày đêm 24 tiếng đồng hồ, không hiểu sao với người có tuổi như tôi thời gian lại qua mau như vậy. Mới đấy đã hết ngày, mới đấy đã hết tháng, hết năm! 

Do ảnh hưởng trận bão lớn, giữa mùa Đông năm nay, cái đuôi của trận bão rớt tới vùng tôi sống. Đêm khuya hòa trong tiếng hú của mưa bão thỉnh thỏang tôi vẫn nghe thấy chú dế của tôi cất tiếng gáy, nhưng không còn rộn ràng và dài hơi như trước nữa. Có lẽ chú cũng mòn mỏi với thời gian như tôi? Hoặc là cố hát cho lắm thì cũng vậy thôi. Đời vẫn diễn đi diễn lại cái trò chọi dế và bóp chết dế?. 

     Những ngày còn lại của mùa Đông năm nay chắc sẽ buồn lắm và những đêm đông cũng sẽ dài lắm. Có thể chú dế  của tôi  đã bỏ đi nơi khác. Tôi không tin chú đột ngột từ giã cõi đời, bên nước Mỹ không có việc trẻ con đi  lùng bắt dế, chọi dế cũng như giết dế. Có lẽ chú bỏ đi vì tưởng bão tố còn kéo dài.  Chỉ biết rằng mấy đêm liền vắng tiếng gáy của chú tôi mất ngủ và nửa đêm tới sáng tôi cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn về chú. Và chưa bao giờ tôi cảm thấy lòng mình trống vắng như thế này, chú dế thân mến của tôi ơi! Thật bất ngơ,sau đó một hai ngày, vào quãng giữa khuya, trong lúc tôi nằm lơ mơ nghĩ ngợi vu vơ và không trông đợi tiếng gáy của chú dế hàng xóm nữa thì lại nghe tiếng gáy trổi lên. Thọat đầu tôi cho là tiếng dế gáy trổi lên trong tiềm thức. Không, đúng là tiếng gáy của chú bạn hàng xóm của tôi. Tiếng gáy của chú không được ròn rã như trước nhưng vẫn vang vang trong đêm sâu thăm thẳm mù mịt. Thế mới biết mưa gío bão bùng cũng không làm chú sợ hãi, im tiếng. Tôi nghĩ chú còn tiếp tục hát trong những đêm đông như thế này để giúp vui cho những người không ngủ được như tôi. Và tôi tin chú vẫn cất tiếng hát mãi tới khi nào già nua sức tàn lực kiệt. Nghe tiếng chú hát tôi  mừng như gặp lại người bạn cũ lâu ngày tới thăm. Cám ơn chú dế. Chú hãy ở lại đây luôn với tôi nhé.Tôi đang cô đơn lạnh lẽo. Tiếng hát của chú sưởi ấm lòng tôi. Đồng thời tiếng hát của chú cũng khiến tôi bâng khuâng ngậm ngùi nghĩ tới những ông bạn gìa viết văn làm thơ của tôi. Người nào cũng bẩy, tám mươi tuổi rồi mà vẫn quên tuổi già, quên sự tàn phá phũ phàng của thời gian, quanh năm vẫn“đánh vật” với thơ văn! 

 

THANH THƯƠNG HÒANG 

304Đen - Llttm

 

 

 

No comments: