Thursday, November 19, 2015

Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Bảy) - Thuyên Huy


Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Bảy)

 


Chương Bảy

 
    Tôi về Bến Cầu lần này không ở được lâu. Hai bên đánh nhau dữ dội trong miệt Long Thạnh Long Chữ. Tiếng bom tiếng đại bác thay nhau vọng từng hồi, mấy chiếc ghe tam bản chở hàng nằm yên, nhấp nhô theo sóng vỗ bên bờ sông không dám mở giây. Chợ sáng nhóm sớm hơn ngày thường, dân mấy ấp trong xa mua đồ đạc xong chưa chịu về, còn ngồi tụm năm tụm ba đầu nhà lồng chợ xã bàn chuyện này chuyện nọ. Hai mẹ con ra bến tàu, cái đầm trong rạch cùn, tiếp giao với sông lớn, vẫn còn lưa thưa vài cánh hoa sen đỏ. Vài tuần nữa là Tết nhưng tình hình có vẻ căng thẳng quá, không biết rồi Bến Cầu có ăn được cái tết yên lành như năm ngoái không. Tôi xuống tàu đó, mẹ tôi bịn rịn theo ra tới đầu cầu gỗ, bà dúi vào tay tôi thêm vài trăm đồng bạc. Tàu ra giữa sông, khói tàu đen kịch, bà vẫn còn đứng đó nhìn theo, bóng bà trãi dài khuất sau hàng cây thốt nốt vừa trổ vài cụm hoa đầu mùa.
    Kịp lúc chuyến xe đò Tân Nguyên Thành từ Sài gòn về ngay khi tàu tới bến Cẩm Giang, tôi trở lên tỉnh mới giữa trưa. Ký túc xá giờ này vắng tanh, một hai thằng cùng lớp, nhà ở miệt Cầu Khởi Khiêm Hanh, cuộn mình trên giường chưa chịu thức dù ngoài sân trời đã rực nắng. Quăng túi xách vào hộc tủ, tôi trở ngược ra cổng, lửng thửng thả bộ ra cái quán nước dưới đường. Trời không mưa hổm rày, đám sỏi đỏ trên đường khô đét, đi chậm mấy chân vẫn còn chút bụi. Vừa tới cửa quán, Thảo Ly chỡ cô Thu trên xe honda quẹo vào, thấy tôi cô nàng vòng xe lại. Thảo Ly vẫn để xe nổ máy, cô Thu cũng không xuống xe, hai người xem ra có vẻ vội vã lắm, tôi đứng im chờ đợi. Cô Thu nói liền một hơi:

- Chiều nay nhớ đến nhà cô một chút, cô có chuyện muốn nhờ Ngữ nghe, chưa kịp đợi tôi hỏi han gì thì hai cô trò bỏ đi ngay, tôi chỉ kịp gật đầu, nhưng không thấy người nào quay nhìn lại

    Xế chiều, tôi đến  nhà cô Thu như đã dặn. Trong nhà không có ai, tôi đi vòng ra sau, cô Quyên đang quét lá ngoài vườn. Hai cô trò ngồi hỏi chuyện học hành không lâu thì cô Thu về, có cả Thảo Ly, Xưa và Chiêu. Ai nấy cứ nhìn tôi cười, cái cười trông có vẻ khác ngày thường. Họ không nói gì kéo nhau vào phòng ăn nhỏ to, cửa khép lại. Tôi thản nhiên ngồi chờ ngoài phòng khách. Chiều nay lần đầu tiên trong đời, tôi được mừng sinh nhật. Con nhà nghèo, sống nơi ruộng rẫy quê mùa, cha mẹ làm lụng đủ ăn, có đi học được cho tới hôm nay cũng đã may mắn lắm rồi. Còn nhỏ ở trường làng, chưa hề nghe nói tới chuyện sinh nhật là gì, đến khi lên tỉnh học thấy đám bạn con nhà giàu ăn mừng sinh nhật mới biết, nhưng biết để mà thèm thuồng chớ chưa lần nào dám mơ tưởng tới. Cái bánh sinh nhật thật đẹp mà mấy cô trò phụ nhau làm xong không lâu, cắm thêm mười mấy cây nến, đặt giữa bàn phủ khăn thêu trắng tinh. Tôi cắt bánh theo tiếng hát chúc mừng, nước mắt tuôn tràn trên mắt. Được biết là cô Thu đã lên văn phòng trường, nhờ thầy tổng giám thị, xem ngày sinh của tôi trong hồ sơ, cho Chiêu biết, để rồi họ bàn nhau quyết định mừng sinh nhật cho tôi từ mấy ngày trước. Tôi hồi hộp mở từng gói quà. Chiêu tặng cho tôi cây bút hiệu Parker có khắc tên Ngữ và tấm hình. Mọi người đòi xem hình cô nàng cho bằng được, Chiêu đỏ mặt bảo đừng. Chiêu nắm tay tôi chúc mừng lần nữa lúc tiễn tôi về, tóc Chiêu bay từng sợi nhỏ trãi dài trong gió chiều cuối đông lành lạnh. Trong hồn tôi dăm ba hồi chuông giáo đường mơ màng đổ.

    Mới đó mà đã nửa năm học, những ngày cuối đông bỗng dưng trở lạnh. Năm nay gia đình chú Thảo cùng tôi về Bến Cầu ăn tết vài hôm. Chú mang theo đủ thứ, bánh mứt trà rượu gọi là chúc thọ anh chị. Chợ xã tuy nghèo nhưng mùng một mùng hai đông nghẹt người, nhất là khu bến xe về Gò Dầu. Ghe cộ tấp nập trên sông, kẻ lên người xuống. Suốt mấy ngày không nghe tiếng súng, mấy anh lính nghĩa quân ngồi trong quán cà phê quê riết rồi cũng chán, lửng thửng mang súng vô nhà lồng chợ đặt đôi ba đồng tại mấy sòng bầu cua cá cọp. Gốc mai già trước cổng văn phòng xã nở rộ một màu vàng tươi, có tiếng trống lân trên đình làng nhưng tiếc là không có tiếng pháo. Con nít quần áo thơm mùi vải mới, chạy nhảy tung tăng mặc cho con lộ đất giữa làng bụi cuốn theo chiều gió. Hoa sen nở rực đỏ trong cái đầm cuối chợ, che khuất đôi chiếc xuồng ba lá nằm khiêm nhượng núp mình trong lá rậm. Trưa mùng ba, vợ anh năm Thương vội vã phụ mẹ tôi lo bữa cúng tiễn ông bà sớm, để tôi và gia đình chú Thảo ăn xong, kịp chuyến tàu đò chiều về Cẩm Giang. Cả nhà ra bến tàu tiễn, chú Thảo ôm ba tôi buồn buồn, nấn ná chờ tàu nổ máy mới chịu buông. Tàu ra khỏi vàm khá xa, vẫn còn nghe tiếng trống cúng trên đình làng văng vẳng theo.
 
 
 

    Qua tết vào học lại vài hôm, chiều thứ sáu tan trường về, thằng Phúc đón tôi ở cổng mời tôi qua nhà ăn đám giỗ. Tôi chưa kịp hỏi xem nó thi cử giữa năm ra sao thì nó đã đạp xe vê-lô chạy tuốt một mạch không màng ngó lại. Tôi đứng nấn ná trước cổng, đám con gái học lớp nhỏ đạp xe đạp về ngang, thấy tôi gọi tên ơi ới. Nắng tan dần trong sân trường, lưa thưa dăm ba sợi mây tím nằm vắt lơ đểnh ngang trời bên kia sông. Nhà ai đâu đây đã có khói cơm chiều.
 


 

    Sáng chủ nhật, tôi đi bộ dọc theo đường bờ sông qua chợ, gặp Hưng, anh bạn học chung lớp ngừng xe honda mua xôi vò ngay ngã ba chợ cũ. Hưng cho tôi quá giang tới nhà cô tư Hòa rồi quày trở lại kiếm gì đó trên phố Gia Long. Trước sân không thấy ai, tôi đẩy cửa vào, trong nhà đông người đi lên đi xuống, có vài người đáng tuổi anh chị mà tôi chưa gặp mặt lần nào là con lớn của dì hai. Nhang đèn cúng ông ngoại xong, cả nhà ngồi quanh cái bàn ăn dài, nói cười luôn miệng, ai nấy cứ giục tôi ăn món này món nọ. Cô tư Hòa thì thầm gì đó với dì hai, bà ngoại. Lần này thằng Phúc chở tôi về còn sớm cho nên anh em không xuống bờ sông, vì chưa có hàng quán nào bán cả. Về tới ký túc xá, đám nhỏ đang chơi đá cầu ngoài sân bảo có Thảo Ly và Chiêu đến tìm tôi, không nhắn gởi gì cả.

    Tây Ninh mùa này bắt đầu có mưa. Mưa từ núi Bà Đen xuống, mưa từ bên kia Bến Sỏi về. Tôi thích những cơn mưa sáng thấp thỏm chờ nhau hơn là những cơn mưa chiều hắt hiu từ biệt. Cụm hoa dạ lý hương, không biết ai trồng ở góc sân cuối bờ tường ký túc xá nở đầy hoa, hương thơm ngát về đêm. Mưa về chiều, mỗi khi tan trường đứng nép bên nhau trốn mưa, tôi bắt chước Chiêu đếm từng bong bóng vở. Tôi đã chợt quên buồn từ đầu mùa mưa dạo đó.

 

Thuyên Huy

(Còn tiếp)

 

No comments: