Sunday, September 27, 2015

Hồ Biểu Chánh - Con Nhà Nghèo




Hồ Biểu Chánh và tiểu thuyết tiêu biểu “Con nhà nghèo”

 
 
     Thưa quý bạn, Hồ Biểu Chánh (1884-1958) là nhà văn lớn của miền Nam nói riêng và của cả nước Việt Nam nói chung. Với 64 cuốn truyện dài, 12 tập truyện ngắn, 2 tập truyện dịch, 12 tác phẩm hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện bằng thơ, 28 tập khảo cứu, phê bình và nhiều bài diễn thuyết khác, tổng cộng 123 tác phẩm, nếu chỉ tính riêng về số lượng, có lẽ các nhà văn Việt Nam từ xưa đến nay ít ai làm được chuyện đó.

Trong lời nói đầutập truyện ngắn Gió Đầu Mùa của mình, nhà văn Thạch Lam nói rằng đối với bất cứ thứ nghệ thuật nào, điều quan trọng là phải hấp dẫn trước đã, sau đó là tính xây dựng. Một vở kịch dù triết lý cao siêu đến đâu nhưng nếu không hấp dẫn, không có người xem thì không truyền thụ cái cao siêu đó cho ai được. Như vậy, theo nhà văn Thạch Lam, ông đề cao tính hấp dẫn và tính xây dựng. Còn nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987), nhà văn tiêu biểu của miền Nam Việt Nam trước năm 1975, thì nói rằng một nhà văn chuyên nghiệp thì phải đặt nặng cả vấn đề bề rộng lẫn bề sâu. Ông giải thích bề rộng nghĩa là viết nhiều, có viết nhiều thì mới sống được, còn bề sâu là viết hay, viết hấp dẫn, có ý nghĩa tốt; nếu viết hay, viết hấp dẫn nhưng ý nghĩa không tốt thì... xổ toẹt! – Nói cho cùng, cái bề rộng của nhà văn Bình Nguyên Lộc chính là số lượng, còn bề sâu lại chính là tính hấp dẫn và tính xây dựng, trùng hợp với ý kiến của nhà văn Thạch Lam.

Như trên chúng ta đã nói, về “bề rộng”,nhà văn Hồ Biểu Chánh viết tới 64 cuốn tiểu thuyết, từ xưa tới nay chưa ai qua mặt được ông. Thế còn tính hấp dẫn và tính xây dựng? Xin thưa, hết sức hấp dẫn, hết sức xây dựng. Nếu đã đọc quen tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, chúng ta bị cuốn hút theo các nhân vật, người này có hoàn cảnh này, người kia có hoàn cảnh kia, người đáng thương, kẻ đáng ghét, chẳng ai giống ai. Họ sống cách chúng ta hàng trăm năm (tác phẩm “Ai làm được” của Hồ Biểu Chánh, do NXB Cà Mau in lần đầu tiên năm 1912, cách đây đúng 100 năm), từ cách sống, cách ăn mặc cho tới ngôn ngữ của họ có nhiều điểm khác với chúng ta, vậy mà chúng ta vẫn thông cảm với họ, vui theo niềm vui của họ, buồn theo nỗi buồn của họ, thấy như họ đang sống trước mắt mình, đó chẳng phải là sức hấp dẫn trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh hay sao? Trước năm 1975, người ta xuất bản truyện của Hồ Biểu Chánh, đọc truyện của Hồ Biểu Chánh, làm phim theo truyện của Hồ Biểu Chánh. Sau 1975, không kể những năm túng đói phải ăn bo bo, khoai lang, khoai mì, bây giờ

người ta lại tái bản truyện của Hồ Biểu Chánh, đọc truyện của Hồ Biểu Chánh, và các hãng phim tư nhân lại thi nhau làm phim theo tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như: Chúa tàu Kim Quy, Con nhà giàu, Con nhà nghèo, Lòng dạ đàn bà v.v... Cứ làm phim theo tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là bảo đảm doanh thu chắc chắn, được khán giả ủng hộ, chẳng phải lo lắng gì cả. Còn về tính xây dựng thì khỏi phải nói, hầu như tất cả các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đều có tính đạo lý rất cao, yêu thương dân nghèo, kết thúc có hậu.

Nhiều người nói văn của Hồ Biểu Chánh cổ điển, có những từ ngữ và những câu văn khó hiểu, khó đọc: ổng, bả, thẩy, ảnh, chỉ... hoặc: “Chiều xuống, mặt trời sắp lặn, mấy đứa mục đồng ngồi trên mình trâu thổi tiếng sáo ò e, bầy trâu lội nước ní na ní nần...” (Cha con nghĩa nặng). “Ổng, bả, thẩy...” là ông ấy, bà ấy, thầy ấy v.v... thì dễ rồi nhưng “bầy trâu lội nước ní na ní nần...” là gì, rất khó hiểu. Thật ra, ở thời đại của Hồ Biểu Chánh, dân chúng miền quê nói như thế thì ông viết như thế. Các tác phẩm của ông hầu hết đều lấy bối cảnh của đồng quê miền Nam trong thời Pháp thuộc, nếu ông cũng viết trau chuốt, văn chương cao cấp như Tự Lực Văn Đoàn cùng thời kỳ đó ở ngoài Bắc thì Hồ Biểu Chánh không còn là Hồ Biểu Chánh, cây bút số một miền Nam nữa.

Sau đây chúng ta xem qua tiểu sử của Hồ Biểu Chánh, sau đó tìm hiểu nội dung cuốn “Con nhà nghèo”– một cuốn tiểu thuyết thuộc loại “bình thường”, không nổi tiếng lắm của ông nhưng cũng rất hay, mới được làm thành phim và được nhiều người thích. Cuối cùng, từ tiểu thuyết “Con nhà nghèo”, chúng ta liên hệ tới một câu chuyện thuộc về hôm nay. Có gì bất hợp lý trong tình cảm của những người trẻ tuổi yêu nhau trong thời đại @ này? Có gì đáng trách giữa những người đó? Xin mời quý bạn xem qua cho biết...

1. Tiểu sử

Hồ Biểu Chánh, tên thật là Hồ Văn Trung, tên tự là Biểu Chánh, biệt hiệu Thứ Tiên; là nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu Thế kỷ 20. Ông sinh năm 1884 tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang– tức Mỹ Tho cũ).

Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ học chữ Nho, sau chuyển qua học Quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn.

Chúng ta hãy xem một đoạn trong tập hồi ức của ông viết năm 1957 tại Phú Nhuận, trước khi ông mất một năm (bản đánh máy, con cháu giữ):

“Từ 8 đến 12 tuổi, ta học nhấp nhem chữ Nho với thầy giáo dạy trong làng. Đến 13 tuổi, nhờ cha mẹ dời về ở chợ Giồng Ông Huê, ta mới bắt đầu học Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tổng Vĩnh Lợi, rồi xuống trường tỉnh Gò Công học tiếp 3 năm, thi đậu học bổng. Được vào trường Trung học Mỹ Tho học 2 năm (1902 và 1903) rồi được lên trường Trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn học thêm 2 năm nữa. Cuối năm 1905 thi đậu bằng Thành Chung” .

Và một đoạn khác, cho thấy gia đình ông rất nghèo:

“Còn hai bữa nữa tới ngày ta phải đi học, mẹ ta than hết tiền, cha ta mới kiếm người đặng mượn tiền cho ta đi. Ta lo quá, sợ không đi được. Bữa chót, đến tối mà cũng không thấy cha ta về. Ta than nếu có một đồng bạc thì đủ cho ta đi. Mẹ ta khuyên ta đừng lo... Thiệt khuya, mẹ ta gói một cặp áo hàng, đi bộ với ta xuống chợ mà cầm. Chủ tiệm chịu cầm ba đồng. Mẹ ta xếp giấy gói bỏ vô túi, còn bạc thì đưa hết cho ta. Ta lấy hai đồng mà thôi. Mẹ ta không chịu, ép phải lấy hết, rồi đưa ta xuống tàu. Lúc tàu mở dây mà chạy, ta đứng ngó mẹ ta trên cầu tàu, ta chảy nước mắt...”.

Năm 1905, sau khi đậu bằng Thành Chung, ông thi vào ngạch Ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm Ký lục, Thông ngôn, rồi thăng dần đến Đốc Phủ sứ (tức Phó tỉnh trưởng), đã từng giữ chức Chủ quận (tức Quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn nổi tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.

Tháng 08 năm 1941, sau khi về hưu, ông được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý Thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt.

Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ năm 1946, lập “Nam Kỳ Quốc tự trị” do Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đứng đầu, ông được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Nhưng chỉ được vài tháng, Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh biết là mình bị Pháp lừa, chính phủ không có quân đội, không có lương bổng, không có văn phòng (ông phải lấy phòng mạch của mình làm nơi họp Hội đồng Nội các), bèn tự tử bằng cách thắt cổ. Chính phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, Hồ Biểu Chánh lui về nhà ở Phú Nhuận sống ẩn dật (từ năm 1946) và dành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương. Ông có 8 người con đều rất thành đạt, đa số sống ở Pháp.

Ông mất ngày 04 tháng 09 năm 1958 tại Phú Nhuận, Sài Gòn, thọ 74 tuổi.

Lăng mộ ông hiện nay được con cháu xây cất tại khu lưu niệm đặt tên là An Tất Viên, rộng hơn 3,500 mét vuông, ở đường Thống Nhất, phường 11 quận Gò Vấp.

2. Nội dung tiểu thuyết “Con nhà nghèo”

Cai tuần Bưởi nhà nghèo, làm tá điền cho bà Cai Hiếu – vợ ông Cai tổng Hiếu đã mất từ lâu – rất giàu có nhưng cũng rất đanh nọc, thuộc khu vực Đập Ông Canh tỉnh Gò Công. Bưởi có vợ tên là Thị Tố với 5 đứa con còn nhỏ lít nhít và hai người em ruột, em trai tên Cam, em gái tên Lựu. Cam đi ở đợ, đánh xe ngựa cho ông Hai Thu. Một hôm, ngựa sanh chứng, lồng lên, xe đổ, bánh xe gãy. Cam bị ông Hai Thu mắng chửi, hắn tự ái bèn bỏ quê hương ra đi biệt tích. Về phần Lựu, con gái 18 tuổi, xinh xắn, tánh nết hiền lành, ngoan ngoãn, bị cậu Hai Nghĩa con trai bà Cai Hiếu dụ dỗ, gần như ép buộc phải ăn nằm với y. Có lần, Thị Tố trông thấy, Hai Nghĩa hứa rằng nếu Lựu mang bầu, Nghĩa sẽ cho tiền và khi sanh con, y sẽ trông nom bảo bọc đứa con đó, lớn lên sẽ cho đi học. Thị Tố tin lời nên giữ kín, không cho chồng biết.

Lựu có bầu, thú thật với anh chị. Thị Tố giục chồng lên nhà bà Cai Hiếu báo cho Hai Nghĩa biết ?a(.ng coi “cậu Hai” xử trí ra sao. Khó khăn lắm Bưởi mới gặp được Hai Nghĩa và bị “cậu Hai” mắng cho một trận: “Mầy không biết dạy em, nó có bầu với thằng nào rồi đổ thừa cho tao phải không?”. Sợ vợ đi lễ chùa về biết chuyện, “cậu Hai” bèn sai đầy tớ lôi Bưởi ra ngoài và thả chó cho cắn. Bưởi có cây dù trắng, dùng dù chống đỡ, bị chó cắn rách.

Về nhà, vợ hỏi, Bưởi kể lại mọi chuyện, Thị Tố tức lắm, định làm to chuyện nhưng Bưởi bảo thôi, cậu Hai đã trở mặt như vậy, phận mình là tá điền, như trứng chọi với đá, lỡ cậu Hai giận, lấy lại ruộng và bắt dỡ nhà không cho ở trên đất của bà Cai nữa thì chết đói, em mình dại mà lại bị cậu Hai ép buộc thì đành chịu vậy chớ biết sao bây giờ. Lựu khóc, nói muốn chết chớ không muốn sống làm cho anh chị bi. nhục nhã. Thị Tố la: “Việc gì mà chết! Cái đứa khốn nạn cậy nó là con chủ điền, nội cái làng nầy con cái tá điền cứ thấy đứa nào vừa mắt là nó dụ dỗ, ép buộc phải ăn nằm với nó thì nó mới nhục chớ mình việc gì mà nhục. Sanh con thì nuôi, mầy không nuôi để đó tao nuôi!...”. Hai Bưởi nói: “Tao cũng ngu, biết vậy năm trước tao gả đại mầy cho thằng Cu thì bây giờ đâu có chuyện gì xảy ra!...”.

Võ Văn Cu là cậu thanh niên mồ côi ở xóm trên, nhà nghèo, ở đợ cho ông Hương cả Trí. Cậu khỏe mạnh, làm việc siêng năng nên ông Cả Trí rất quý mến. Khi cha mất, rồi đến mẹ mất, cậu đều mượn trước của ông Cả Trí mỗi lần hai chục đồng bạc để lo việc ma chay, chôn cất, sau đó làm để trừ dần. Bây giờ đã trả hết nợ, cậu định chờ thêm một năm nữa, dành dụm được tiền thì sẽ cưới Lựu. Không ngờ...

Dù chồng đã khuyên can nhưng Thị Tố vẫn còn tức. Nhân Hai Bưởi mắc đi gặt lúa ngoài đồng, thị kêu Lựu trông các con cho mình rồi lén lên gặp cậu Hai Nghĩa, định mần cho cậu một trận đặng hả nư giận vì chính cậu đã hứa với thị là sẽ giúp đỡ, bảo bọc cho Lựu. Cậu Hai la mắng, sai người làm bịt miệng thị, lôi thị ra ngoài, đóng cổng lại, còn cậu thì lên phòng nằm.

Thị Tố ra ngồi bên lề đường. Thị vẫn còn tức nên không về được. Bất ngờ trông thấy chiếc xe ngựa của bà Cai Hiếu và mợ Hai Nghĩa đi đâu về, tự nhiên thị nghĩ ra một cách rất độc là ra đứng giữa đường, chận xe ngựa lại, chắp tay xá mỗi người mấy xá. Mợ Hai không biết nên hỏi Thị Tố là ai và có chuyện gì. Thị Tố thưa mình là vợ Hai Bưởi, tá điền trên đất bà Cai và kể rõ chuyện cậu Hai ăn nằm với Lựu, có bầu, chỉ mấy tháng nữa là sanh. Tức thì mợ Hai nổi giận tam bành, mợ kêu: “Mầy vô đây, vô đây!”. Mợ kéo Thị Tố vào trong nhà, hét người làm gọi chồng xuống, tát chồng bốp bốp, chửi chồng một trận khủng khiếp rồi khóc lu loa: “Thằng khốn nạn, thứ đồ ngủ với tá điền tá thổ mà không biết nhục!...”. Rồi mợ khóc với bà Cai: “Đó, má muốn làm sao thì làm! Tui về nhà tui, hổng thèm ở với thằng khốn nạn đó nữa!...”. Mợ là con gái quan huyện ở bên Chợ Gạo, Mỹ Tho, nhà giàu hơn cả nhà bà Cai nữa, nên dù mợ rất xấu, tướng như đàn ông nhưng bà Cai rất cưng chiều. Bà đấu dịu: “Hổng phải vậy đâu, tại bọn khốn kiếp nầy nghèo, nó âm mưu với nhau bày đặt chuyện đặng làm tiền mình. Để đó, má xử cho tụi nó biết tay!...”.

Bà kêu người làm đi kêu Hương quản tới, bắt Hương quản trói Thị Tố, đem ra nhà làng đóng trăng (tức cùm chân), để nhịn đói và bắt cả Hai Bưởi nữa. “Thưa bà, thằng Bưởi nó mắc đi gặt, nó không biết chuyện nầy”. “Chú muốn mất chức không? Chú phải đóng trăng, làm tờ trình, rồi gông cổ cả vợ chồng nó với con Lựu, giải tụi nó lên huyện đặng quan bỏ tù tụi nó. Tui liệng ra vài trăm bạc là cả nhà tụi nó chết hết”.

Hương quản giải Thị Tố về nhà làng, đóng trăng nhưng lúc tra hỏi lại đóng chặt cửa đặng không ai nghe thấy rồi bảo Thị Tố khai rõ mọi chuyện. Thị Tố khai xong, Hương quản nói: “Chuyện con Lựu có bầu với ai đó thì cả làng nầy đều biết rồi. Nhưng thím dại lắm, trứng chọi với đá thì chọi sao nổi? Bây giờ chỉ còn cách là lúc nào Hai Bưởi tới thăm, thím biểu chú ấy kiếm cái lễ tới lạy bà Cai, xin lỗi bả rồi tối tui tới nhà bả, liệu lời nói với bả giùm”.

Lúc Hương quản trói Thị Tố đem về nhà làng thì Cu vô tình trông thấy. Ngay lập tức, Cu chạy ra đồng báo cho Hai Bưởi biết. Hai Bưởi hết hồn, lật đật chạy về, ra nhà làng hỏi thăm tin tức thì được Hương quản cho vô thăm vợ. Thị Tố thuật lại lời Hương quản mách nước. Bưởi bèn đem lễ tới nhà bà Cai, lạy bà để xin lỗi nhưng bà sai đầy tớ lôi ra ngoài: “Tao còn bỏ tù cho tụi bây chết chớ không phải chỉ có vậy đâu...”. Buổi tối, Hương quản tới, bà hỏi Hương quản đã làm tờ trình để giải Thị Tố lên quan chưa, Hương quản nói chưa rồi lựa lời khuyên bà Cai là chuyện đã lỡ, Thị Tố tuy có lỗi nhưng nếu bỏ tù nó, vừa tốn tiền cho quan lại vừa mang tiếng tùm lum, lỡ bên thông gia trên Chợ Gạo biết, bất lợi. Bà Cai xiêu lòng: “Thôi ?ược, chú liệu đóng trăng nó dăm bữa nửa tháng rồi tha cũng được. Nhưng tui sẽ đuổi vợ chồng nó, không cho làm tá điền cho tui nữa”.

Thị Tố bị đóng trăng, giam tại nhà làng bảy ngày rồi được tha về.

Mùa màng gặt hái đã xong, năm ấy được mùa, Bưởi thu hoạch được hơn 420 giạ lúa (mỗi giạ tức một thùng 40 lít -ĐD). Nạp cho bà Cai 300 giạ cũng còn được hơn 120 giạ. Bưởi giê thật sạch nhưng lúc đem nạp bà vẫn sai đầy tớ bắt giê lại và phải bù vào đó thêm 5 giạ nữa. Lựu sanh con trai, thằng nhỏ nặng tới 3.1 ký, trông rất xinh xắn. Thị Tố nói kêu nó tên “Hiếu” cha của Hai Nghĩa cho bõ ghét, nhưng Hai Bưởi không dám, kêu nó tên Hai. Lựu bị bịnh thũng, mặt mũi chân tay sưng phù. Thầy lang nói phải uống 10 thang thuốc và uống thêm 10 thang nữa, tốn tổng cộng hai chục đồng bạc, thì mới khỏi bịnh. Lúc ấy đang mùa, chưa bán được lúa, nhà không có tiền, Cu đem tới 20 đồng, nói cho mượn đặng cô Lựu uống thuốc.

Rồi dần dần sắp đến tết. Đúng khi đó, bà Cai không cho Bưởi làm tá điền nữa và ra lệnh nội mo^.t tuần lễ phải dỡ nhà đi ngay lập tức, nếu không bà sẽ cho người tới cào nhà. Bưởi quỳ xuống lạy nhưng năn nỉ thế nào bà vẫn khăng khăng một mực.

Bưởi về, mặt mũi buồn so. Lựu khóc: “Chỉ vì em mà anh Hai chị Hai phải khổ. Em muốn tự vận chết đi cho rồi...”. Thị Tố nói: “Không việc gì phải chết. Bả lấy lại ruộng thì mướn chỗ khác, bộ cứ hổng có bả là đói hay sao?”.

Nhưng hỏi chỗ nào cũng không ai dám nhận lời, họ nói rằng bà Cai đã đe hễ ai dám cho Bưởi mướn ruộng thì sẽ biết tay bà. Cuối cùng, không làm sao được, Thị Tố nói: “Bán nhà đi, lên Bình Phú Tây dựng nhà khác trên đất của thằng Ba Rạng em trai tui, rồi nhờ nó mướn ruộng ở trển cho mà mần thì con mẹ Cai không làm gì được”. Hai Bưởi nghe vợ nói có lý nên bèn lên Bình Phú Tây thăm dò ý kiến Ba Rạng. Nghe anh rể kể lại mọi chuyện, Ba Rạng tức lắm, hậm hực: “Được, anh chị cứ dọn lên trên nầy, đất đấy, muốn dựng nhà chỗ nào thì dựng rồi tui mướn ruộng cho mà mần. Cái thể tui không gây được cho mẹ con thằng chả biết mặt chớ nếu không thì tui cũng gây”.

Không ai dám mua nhà của Hai Bưởi vì sợ bà Cai. Thị Tố nói: “Hổng bán được thì đốt, lên trển mua cây, mua lá làm nhà khác”. Nhưng Hai Bưởi tiếc, bán bớt lúa rồi dỡ nhà, thuê xe bò chuẩn bị ra đi. Hôm Hai Bưởi dỡ nhà, Cu đến làm phụ và nói: “Tui xin phép ông Cả cho nghỉ thêm một bữa nữa đặng theo anh chị lên trển cho biết nhà, khi nào rảnh thỉnh thoảng tới thăm anh chị với cô Lựu”. Bưởi mới bán lúa, có tiền nên trả lại Cu hai chục đồng đã mượn cho Lựu uống thuốc nhưng Cu nhất định không nhận: “Được mà anh Hai, anh em cần tình nghĩa chớ tiền bạc thì làm gì. Bây giờ anh đang phải lo nhiều chuyện, khi nào có dư anh đưa cũng được”. “Qua mới bán lúa có tiền, sợ lúc khác không có mà trả cho em”. “Không có thì thôi, không sao”.

Nhà làm xong, đã ở tạm yên nhưng chưa mướn được ruộng. Ba Rạng định nhín bớt phần đất của mình cho anh rể làm, Hai Bưởi không chịu: “Đất của dượng đâu có bao nhiêu mà nhín”. Bưởi vô tuốt trong chợ Giồng Ông Huê kiếm chỗ mướn chèo ghe lúa. Ông Ba Thơ là người chuyên nghề mua lúa, xay ra gạo rồi chở lên Chợ Lớn bán. Nhà ông có hai chiếc ghe bầu chở lúa gạo.Vì Hai Bưởi đã từng đi ghe cho lái ở Ụ Giữa, bởi vậy tài công của Ba Thơ biết mặt, nên khi anh ta vô xin đi ghe thì người ta mướn liền.

Bưởi đi ghe lãnh tiền từng chuyến, chớ không phải lãnh tháng. Mỗi chuyến chừng bốn bữa, lãnh được một đồng hai. Chuyến nào cũng vậy, hễ ghe về, tới ông Ba Thơ lãnh tiền rồi về Bình Phú Tây thăm nhà và đưa tiền cho vợ.

Một hôm, ghe đậu ở Xóm Củi gần cầu Chà Và. Bốc vác gạo lên giao cho các đại lý xong, Bưởi với mấy người bạn đi lang thang coi Chợ Lớn thì thấy có một chiếc ô tô đậu bên lề đường. Người tài xế đứng dựa vô xe hút thuốc lá té ra lại là Ba Cam. Anh em nhận ra nhau, Ba Cam mừng rỡ hỏi chuyện gia đình rồi kể cho anh nghe là sau khi mình bỏ nhà ra đi, bèn lên Sài Gòn, may mắn gặp được ông trạng sư Tô Lê, ổng mướn làm người hầu cận, giữ ngựa cho ổng. Khi ông trạng sư sắp mua ô tô, ông rất quý Ba Cam nên cho Ba Cam đi học lái xe rồi làm tài xế cho ổng. “Chị Hai với con Lựu hồi nầy ra sao, có được khỏe không?”. “Chị Hai vẫn vậy còn con Lựu thì có con rồi”. Ba Cam mừng rỡ: “Nó có con rồi hả? Anh gả nó cho đứa nào vậy?”. Có mấy người bạn đứng đấy nên Bưởi không tiện nói nhiều mà chỉ vắn tắt: “Chuyện dài lắm, khi nào mầy về chơi tao sẽ kể tiếp. Bây giờ tụi tao không ở Đập Ông Canh nữa mà dọn lên Bình Phú Tây, chỗ nhà thằng Ba Rạng, em ruột của chỉ. Hồi trước mầy đã biết nhà Ba Rạng rồi, khi nào mầy về cứ đến đó mà kiếm”. Ba Cam định hỏi thêm nữa nhưng thấy ông Tô Lê sắp ra nên bèn móc bóp đưa cho Bưởi hai đồng: “Anh đem về mua quà cho mấy đứa nhỏ. Ít bữa nữa thế nào tui cũng về chơi rồi sẽ giúp anh chị với vợ chồng con Lựu sau”.

Hơn một tháng sau, Ba Cam về chơi. Ông trạng sư mắc ra nhà bạn ngoài Cấp Xanh Giắc (Vũng Tàu) nghỉ mát một tuần lễ nên cho phép Cam về thăm gia đình. Cam cho quà tụi nhỏ rồi hỏi: “Còn con con Lựu đâu, bồng ra đây coi”. Lựu rất sợ bị anh rầy cái tội mình chửa hoang nên cứ len lét trong buồng, bấy giờ bắt buộc phải ẵm con ra. Ba Cam bế cháu và cười: “Thằng nhỏ coi được quá chớ! Còn cha nó đâu sao không thấy?”. Thị Tố và Bưởi thay nhau kể lại chuyện Lựu bị Hai Nghĩa con bà Cai Hiếu ép buộc, có con, rồi bà Cai Hiếu đuổi không cho mình làm tá điền nữa, phải dọn nhà về trên nầy, Lựu bị bịnh, Cu cho mượn hai chục đồng uống thuốc v.v... Ba Cam trầm nét mặt, lâu lâu lại khẽ lắc đầu: “Thiệt, quân khốn kiếp! Tui phải cho thằng Hai Nghĩa một trận mới được, đặng từ giờ nó không còn dám làm hại con gái nhà người ta nữa”.

Buổi tối hôm ấy Ba Cam nằm trên võng ngoài hiên hút thuốc lá, coi bộ suy nghĩ lung lắm rồi đưa cho Hai Bưởi bốn chục đồng: “Đây, 40 mươi đồng bạc đây. Anh cầm lấy 20 mươi đồng trả tiền con Lựu uống thuốc, còn lại 20 đồng thì tôi cho con Lựu 10 đồng, sắp nhỏ của anh 10 đồng đặng sắm quần áo cho tụi nó bận”. Đoạn anh ta day qua nói với em gái: “Lựu à, anh Hai dở lắm, ảnh không dám binh vực em. Tuy vậy mà em đừng lo. Từ nay trở đi có qua. Qua thề có ngọn đèn làm chứng, qua sẽ bảo vệ em đến cùng. Qua quyết tìm cách rửa nhục cho em, rồi khi về trển, qua liệu thế đem em lên Sài Gòn ở với qua”.

Hôm sau, Ba Cam trở xuống Đập Ông Canh tìm kiếm Hai Nghĩa. Người ta nói mới thấy Hai Nghĩa cỡi con ngựa kim, đi chơi đâu đó vô trong chợ Giồng.

Từ Đập Ông Canh vô chợ Giồng chỉ có một con đường đất duy nhất khá rộng băng ngang qua cánh đồng. Ba Cam chờ ở đấy, đợi Hai Nghĩa ra. Khi thấy con ngựa kim đi tới, Ba Cam đứng giữa đường chắn lối, nắm lấy dây cương rồi cúi đầu thật thấp: “Chào cậu Hai. Xin mời cậu Hai đứng xuống tui nói chút chuyện”. Hai Nghĩa không nhận ra Ba Cam nên nhìn trân trân: “Chú là ai?”. “Tui là Ba Cam, em Cai tuần Bưởi, anh ruột con Lựu, cậu Hai quên tui rồi sao?”. Mặt Hai Nghĩa tự nhên biến sắc: “Tui nhớ ra rồi, nhưng chú muốn gì?”. “Cậu leo xuống đã rồi tui sẽ nói”. Ba Cam lôi Hai Nghĩa xuống. “Cái tội của cậu là cậu lấy em gái tui có chửa rồi cậu bỏ. Đã vậy bà Cai má cậu còn đuổi gia đình anh Hai tui giữa lúc năm hết tết đến. Cậu đã thấy cậu có lỗi chưa?”.

“Nó lấy thiên hạ có con rồi bây giờ chú biểu tôi mắc lỗi, lỗi đâu mà kỳ vậy?”.

Hai bên găng nhau. Ba Cam tức giận trợn mắt:

“Hai Nghĩa! Nãy giờ tao lấy lời phải nói cho mầy nghe, mầy đã không biết ăn năn lại còn kiếm chuyện mà nói nhục thêm cho em tao nữa. Nó lấy thiên hạ là ai đâu, mầy kể cho tao nghe thử coi! Mầy thiệt là đứa khốn nạn, tao phải trị cho mầy một trận đặng mầy chừa cái thói phá hoại danh giá của con nhà nghèo...”.

Ba Cam vừa nói dứt lời, liền rút con dao trong lưng ra hất rớt cái nón nỉ của Hai Nghĩa rồi chém trên mặt cậu hai dao, đá thêm một đá, cậu té nhào xuống ruộng, ôm mặt kêu la chói lói...

Mấy người nhổ mạ với người xới đất nãy giờ không để ý, chừng nghe la làng mới áp nhau lại, người thì ôm Ba Cam, giữ dao, người thì đỡ cậu Hai Nghĩa mà đem lên lộ. Ba Cam thấy người ta sợ mình chém Hai Nghĩa nữa thì cười và nói: “Tui có thèm giết thằng nầy đâu. Tui chỉ muốn rạch lên mặt nó vài cái thẹo thiệt lớn cho thiên hạ hễ ngó thấy thì nhớ nó là đứa chuyên đi cưỡng ép con gái nhà người ta. Nếu tui muốn giết nó thì nó chết rồi, mấy người tiếp cứu sao cho kịp”.

Ba Cam bị bắt giải lên huyện. Cả Hai Bưởi cũng bị bắt vì có máu mủ ruột thịt với Ba Cam. Sau đó, Hai Bưởi được thả còn Ba Cam thì bị đưa lên Mỹ Tho đặng sẽ ra tòa. Khi ông trạng sư Tô Lê từ Vũng Tàu về, biết chuyện, ông thân hành xuống Mỹ Tho làm giấy tờ nhận cãi cho Ba Cam và bảo lãnh cho Cam được tạm thời tại ngoại.

Kết quả của vụ án là với sự can thiệp của trạng sư Tô Lê, tòa Mỹ Tho chỉ tuyên phạt Ba Cam 25 quan tiền vạ và 1 tháng tù treo. Ba Cam được trở về nhà, vẫn làm tài xế cho ông Tô Lê như cũ.

Mọi việc yên tĩnh. Một hôm, Thị Tố mắc mưa, đứng đụt ở cổng nhà Hương thân Chiểu. Ông Hương thân đã lớn tuổi, ra mời vô nhà uống nước rồi than phiền rằng vợ ông đã mất mấy tháng nay, con cái thì còn lúc nhúc, nhờ Thị Tố làm mai cho ông lấy Lựu, nếu được ông sẽ xin chịu tiền cưới một trăm đồng bạc.

Thị Tố về nhà kể cho chồng và Lựu nghe. Lựu nói: “Thân em đã ra thế nầy thì còn lấy chồng gì nữa. Nếu lấy em chỉ lấy anh Cu thôi, ảnh thương em chớ Hương thân Chiểu lớn tuổi rồi, ổng bỏ ra một trăm đồng bạc là mua em về làm mọi cho đám con của ổng chớ cưới hỏi cái gì...”.

Một buổi tối Cu tới thăm, Thị Tố đem lời nói của Lựu học lại với Cu. Cu mừng rỡ: “Nếu cô Lựu thương tui như vậy, xin anh chị gả cổ cho tui”. “Nhưng nó có con rồi mà?”. “Con của cổ là con của tui. Người ta bỏ tui nuôi. Thằng nhỏ đó không có cha, tui lãnh làm cha của nó”.

Chỉ có vậy thôi, hai người nên vợ nên chồng, rồi Cu cũng dọn về Bình Phú Tây, cất một căn nhà nhỏ bên cạnh nhà Hai Bưởi, chung sống với Lựu.

Hai Nghĩa có người em gái là cô Ba Nhân, người rất phúc hậu, vợ của Hương chủ Khanh, nhà cũng giàu nhưng không có con. Một hôm, cô Ba Nhân tìm tới thì thấy Cu đang bế con, chơi giỡn với nó. “Xin lỗi, cô là cô Ba Nhân, con của bà Cai ở dưới Đập Ông Canh?”. “Đúng rồi, còn chú là ai, sao chú biết tui?”. “Tui là thằng Cu, chồng của Tư Lựu, hồi trước cũng ở dưới Đập Ông Canh”. “Ủa, Tư Lựu có chồng rồi sao? Còn đứa nhỏ nầy, nó là...”. “Nó là con của tui”. “Không, con anh Hai tui, tui là cô ruột nó”. Trước thì cô Ba đòi bắt đứa nhỏ, Cu không chịu, sau cô năn nỉ: “Tui nói thiệt, vợ chồng tui hổng có con, bề gì nó cũng là máu mủ của anh Hai tui, chú cho tui nuôi, tui sẽ biếu chú với cô Lựu hai hay ba trăm đồng bạc”. “Cô cho một ngàn tui cũng không ưng. Con tui, tui nuôi. Thôi, cô Ba về đi, đừng tới đây nữa”.

Cô Ba về, nét mặt buồn hiu. Cô giữ kín, không cho ai biết mình tới xin con của Lựu.

Một hôm, vợ chồng Bưởi nhận được thơ của Ba Cam cho biết ông trạng sư Tô Lê mua 800 mẫu đất ở dưới Bạc Liêu, đang cần tá điền. Bạc Liêu đất rộng minh mông, ông lấy tô rất nhẹ, chỉ bằng một phần mười ở trên Gò Công, lại cho tiền xe và có đất cho tá điền làm nhà nữa. Ba Cam khuyên mọi người nên tính toán, xuống Bạc Liêu làm ruộng thì có cơ khá được chớ ở Gò Công đất hẹp, khó cất đầu lên nổi. Nếu đi, Ba Cam sẽ nhận tiền ứng trước của ông trạng sư, gởi về cho mà đi, còn nếu không đi cũng cho biết tin.

Ba Rạng đã có đất do cha mẹ để lại cũng tạm tạm nên không đi. Hai Bưởi thì con đông, dụ dự không muốn đi. Riêng vợ chồng Cu, bàn tính với nhau là ở đây đất mình cũng ở nhờ, ruộng chưa thuê được phải đi làm mướn tối ngày, thà xuống dưới đó đất rộng như thơ anh Ba nói thì có cơ khá hơn. Họ quyết định đi.

Vợ chồng Cu xuống làng Vĩnh Mỹ, cất chòi ở yên nơi rồi thì tới mùa gặt. Xứ Bạc Liêu ruộng nhiều mà nhân công thì ít, bởi vậy người ta mướn công gặt rất cao. Cu đi gặt thuê, suốt mùa vốn liếng được tới bạc trăm, lại trong nhà có được vài chục giạ lúa. Qua năm sau, anh ta được lãnh một trăm công ruộng của ông trạng sư (cứ 10 công là một mẫu tức một héc-ta). Năm ấy may gặp mưa gió điều hòa, lúa trúng hơn các năm khác. Cu làm 100 công mà chừng đạp lúa rồi, số lúa đong được tới 1,200 giạ. Vì vợ chồng Cu không vay bạc chủ điền, lúa ruộng lại phải trả mỗi công (1,000 m2) có 1 giạ, nên trừ mọi chi phí như mướn trâu cày, công gieo mạ, xạ lúa, gặt xong cũng còn dư được tới hơn 800 giạ.

Cu lấy làm toại chí nhưng không biết chữ nên lật đật mướn người viết thơ gởi cho anh vợ. Trong thơ Cu khoe ruộng đất Bạc Liêu tốt mà mướn lại rẻ, thiệt dễ mần ăn, thế nào anh Hai cũng phải đem vợ con xuống đặng làm ruộng cho ông thầy kiện.

Bưởi hay tin Cu làm mới có một mùa mà dư tới hơn 800 giạ lúa nên không còn do dự gì nữa, bèn dắt vợ con xuống Vĩnh Mỹ.

Năm đầu, Cu giúp vốn cho Bưởi làm ăn nên Bưởi khỏi vay. Tới mùa gặt, Bưởi dư được vài thiên lúa (ở miền Tây cứ 100 giạ gọi là một “thiên” -ĐD). Cu cũng có thêm ít thiên nữa. Anh em tuy ở riêng song giúp đỡ nhau từng chút như cùng một nhà.

Bưởi vì đông con nên làm ăn cũng chăm chỉ nhưng khó giàu như mọi người được. Còn Cu thì chỉ có một mình thằng Hai thôi, Lựu không sanh nữa. Hai vợ chồng tiện tặn, không se sua lãng phí, bởi vậy làm được mười năm thì Cu sắm được một sở ruộng hơn 200 công, rồi cày cấy ruộng nhà, khỏi mướn đất của ông thầy kiện nữa. Làng thấy Cu có của mới cử làm hương chức, ban đầu làm nhỏ, lần lần thăng lên tới Hương sư (một chức vị cao hơn Hương thân, chỉ sau Hương chủ và Hương cả. Người biết chữ, dạy học trong làng gọi là Hương giáo - ĐD).

Cả làng Vĩnh Mỹ, trừ vợ chồng Hai Bưởi ra thì chẳng ai biết Cu với thằng Hai là cha con ghẻ. Chừng thằng Hai tới tuổi đi học thì trong nhà Cu đã khá lắm rồi, làng đã cử làm Hương thân. Cu thấy con sáng láng mới bàn tính với vợ rồi đem con lên chợ Bạc Liêu, gởi nó ăn cơm trọ ở nhà thầy giáo đặng nó đi học.

Thằng Hai siêng năng chăm chỉ, học trường tỉnh tới 15 tuổi thì đứng nhất lớp. Lúc ấy quan Đốc học (tức Hiệu trưởng) buộc thằng Hai phải nạp giấy khai sanh đặng cuối năm đi thi. Nhân dịp đó Cu hỏi thăm mấy thầy giáo rồi làm đơn vô Tòa xin lập giấy khai sanh cho con. Tòa lên án, nhận thực thằng Hai là Võ Văn Hai con của Võ Văn Cu và Lê Thị Lựu. Từ nay thằng Hai đã có cha và chú Hương thân Cu cũng đã có con theo đúng pháp luật.

Cuối năm ấy thằng Hai thi đậu bằng Tiểu học rồi đậu vô trường Trung học Mỹ Tho. Cu thấy con thông minh thì càng hăng hái, nhứt quyết cho con ăn học đến cùng, không quản hao tốn.

Thằng Hai lần lượt thi đậu Thành chung, Tú tài I, Tú tài II rồi xin cha cho ra thi vô ngành Kinh lý (Kỹ sư Điền địa) ở ngoài Hà Nội. Bốn năm sau, nó tốt nghiệp, trở thành quan Kinh lý rồi được nhà nước bổ vô Sài Gòn, sau đó được Sở Điền Địa Sài Gòn cử về Gò Công, đo đạc, lập sơ đồ và giải quyết các vụ tranh chấp, kiện tụng thuộc về ruộng đất tại Gò Công.

Ở vùng Đập Ông Canh, bà Cai tổng Hiếu đã mất mười mấy năm rồi, tá điền tới lui khỏi phải hầu hạ bà, mà ai ra lãnh chức Hương quản cũng khỏi bị bà sai khiến nữa. Cậu Hai Nghĩa năm nay trên 50 tuổi, mái tóc đã hoa râm, da mặt nhăn nhúm chút đỉnh nhưng tai hại nhất là hai vết dao của Ba Cam chém ngày trước, vẫn rành rành trên gò má và nằm ngang từ trên trán xuống tới mí mắt, nên bây giờ cậu làm Hội đồng địa hạt mà những người ghét cậu họ vẫn gọi ngầm cậu là “Hội đồng Thẹo”.

Vợ chồng Hội đồng Nghĩa có ba người con. Người thứ nhứt là cô Hai Diệu,
gả cho con trai ông Hương chủ Khoán ở trong Long Hựu. Cô về nhà chồng được ba năm, có được một đứa con thì cha chồng mất, chồng mê say bài bạc, phá tan cơ nghiệp. Vợ chồng Hội đồng Nghĩa thấy nhà con rể đã suy sụp, sợ nó phá lây tới gia tài của congái mình nên lật đật bắt cô Diệu về. Cô Hai Diệu ở nhà cha mẹ, lâu lâu chồng cũng tới thăm nhưng cô ghẻ lạnh, coi như người ngoài.

Người thứ hai là cậu Ba Tý thì đã chết hồi năm ngoái, nếu còn sống, năm nay cậu được 20 tuổi. Lúc cậu còn nhỏ, vợ chồng ông Hội đồng Nghĩa tưng tiu như cục vàng, mà cũng muốn cho cậu nên người nên gởi cậu lên Gò Công cho cậu ăn học. Cậu học thì ít mà phá thì nhiều nên đi thi mấy lượt mới lấy được cái bằng Sơ đẳng Tiểu học. Cha mẹ mừng rỡ hết sức, làm tiệc tạ ơn trời đất rồi cho cậu lên Sài Gòn học tiếp. Mới được một năm thì cậu mang bệnh ăn chơi mà chết, làm cho ông Hội đồng không người kế nghiệp, ông rầu rĩ muốn chết mà bà Hội đồng còn cứ rầy là chồng bắt con học thêm nên nó mới chết, còn cô Ba Nhân thì nói tại cậu Hai Nghĩa ăn ở thất nhơn ác đức, bỏ đứa con trai nên trời phạt không cho có con trai.

Người con út là cô Tư Thục, năm nay 17 tuổi, nước da không trắng nhưng đôi mắt rất lanh, càng trông càng có duyên. Đặc biệt là cô rất nết na, ngoan ngoãn, thứ con gái ấy hễ trai trông thấy thì ưa liền.

Hương chức làng khi nhận được giấy tống đạt từ trên tỉnh gởi xuống là có quan Kinh lý sắp tới, sẽ ở nhiều ngày để lập họa đồ, thanh tra ruộng đất thì ai nấy xôn xao, ông Hương cả ra lệnh phải tiếp đón quan và hai nhân viên thật nồng hậu đặng quan vui lòng.

Khi quan Kinh lý và hai nhân viên tới, mọi người rất ngạc nhiên vì trông quan còn trẻ, mới chừng 25-26 tuổi, ăn nói có vẻ hoạt bát, thân thiện chớ không quan cách một chút nào cả: “Chào các ông. Tui là Kinh lý Hai, được trên cử xuống làm việc với các hương chức trong làng. Sao, các ông khỏe chớ? Mùa màng xứ mình năm nay có khá không?...”. Quan đi bắt tay suốt lượt, điều nầy hơi lạ vì ở nơi quê mùa, các hương chức chưa quen với việc bắt tay. Tới Hương chủ Khanh, ông nhìn quan chăm chăm, hình như quan có những nét gì đó rất quen nhưng ông không nghĩ ra. “Thưa quan Kinh lý, chúng tôi đã sắp xếp chỗ nghỉ ngơi và làm việc cho quan Kinh lý nhưng chưa hiểu bà có xuống không nên mạn phép phải hỏi lại đặng còn lo liệu”. Quan Kinh lý cười: “Bà nào? Nếu ý ông muốn nói bà là vợ quan Kinh lý thì tui xin trả lời là chưa, tui chưa có ai hết, đi đâu cũng chỉ mình ên không hà!”. Mọi người đều cười, thấy quan Kinh lý tuy cao sang nhưng tánh rất vui và rất bình dị...

Đến đây là phần cuối cuốn tiểu thuyết. Trở lại tiểu thuyết “Con nhà nghèo”của Hồ Biểu Chánh, phần này tác giả viết rất khéo, rất tài tình về tình yêu tự nhiên giữa cô tiểu thư 17 tuổi tên Thục với chàng thanh niên trí thức, Kỹ sư Điền địa, thời ấy kêu là quan Kinh lý. Họ chưa nói với nhau một câu nào cả song “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Bên cạnh đó là sự vơ vào, nhất quyết gả đứa cháu gọi bằng cô mà mình rất yêu thương cho quan Kinh lý mình rất quý mến. Nhưng, họ là anh em cùng cha khác mẹ. Cuối cùng, quan Kinh lý xin đổi về Sài Gòn, người khác xuống thay. Trước khi chia tay, cô Ba cố hỏi một câu cuối cùng: “Ông thân bà thân có nói cho quan biết quan là con của ai không?”. Quan Kinh lý khẽ gật đầu: “Có. Nhưng tôi chỉ biết có cha mẹ tôi, người đã nuôi dạy tôi từ nhỏ mà thôi, không dám nghĩ đến một điều gì khác”.

Đấy là đạo lý nói chung của nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Đoàn Dự (Ghi chép)

No comments: