Friday, August 7, 2015

Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Mười Ba) - Thuyên Huy


Người Cộng Sản Cô Độc - Chương Mười Ba
 
 

 

Chương Mười Ba

 

      Sau ngày thằng Phong bỏ đi đến giờ, hảng dệt có thêm mươi người đi nữa, tất cả đều trót lọt, số thì ở Mã Lai, Nam Dương, số thì đã đến Gia Nã Đại, Pháp, Mỹ hay Anh sống đời xa xứ. Lúc Phong đi, cả hảng dệt không ai dám bàn chuyện này một tiếng, trừ mấy câu chửi bới của đám cán bộ có chức quyền, nào là phản quốc nào là ôm chân tư bản.... nhưng mấy lúc gần đây, chuyện vượt biên là chuyện quá thường, ai muốn bàn ra tán vào như thế nào cũng mặc, ngay cả ông Bí Thư chi bộ Đảng cũng chào thua, hoc tập hăm dọa riết rồi xem ra nhàm chán, không mấy ai sợ. Nói tới nói lui, nhìn quanh nhìn quất, cả thành phố cả nước bỏ đi từ Hải Phòng Quảng Ninh xuống Cà Mau Rạch Giá. Người đứng góc phố, kẻ ngồi lề đường, người ta bàn cách nào ra đi hơn là làm sao ở lại, cán bộ các ngành từ thành uỷ cho tới uỷ ban, mải mê lo chuyện đầu tư phát triển kinh tế, tiền bạc, không những cho phường quận xã ấp mà còn cho cả bản thân mình nên không ai màng bàn thảo làm gì cái chuyện vượt biên ai ai cũng biết.
 
 
 
 
 
 

    Chị Trâm đi lên đi xuống dọc theo con đường chính giữa hai hàng máy dệt, giờ này công nhân nghỉ ăn trưa, tiếng máy chạy xành xạch dưới cái sức nóng của những ngày đầu mùa hè không nhanh không chậm làm chị chán chường cho đời mình không ít. Chị không thấy đói, định trở lên văn phòng tìm Linh nhưng lại thôi, chị đi vòng qua khu sửa chữa, ngược lên hướng cổng ra quốc lộ. Nước thuốc in từ hảng dệt thải ra con kinh Tham Lương bốc mùi hôi lên từ xa dù trời không có mấy gió. Hàng cây phượng già bên kia đường đã nở rộ hoa một màu đỏ thẳm. Lại một mùa hè nũa đến, chị nhẩm đếm hình như chị đã chờ hết mấy mùa hè rồi, chị lắc đầu chán nản, bỏ quay xuống bãi đậu xe của công nhân, theo dãy hành lang bên ngoài về lại văn phòng, trời ngoài sân đầy nắng.

    Ngang qua phòng làm việc của Linh, thấy cửa mở chị Trâm chậm bước, quay đầu ngó vào trong, Linh ngồi lặng im nhìn cái gì đó trên bàn viết một cách trầm ngâm suy nghĩ. Chị khẻ gõ nhẹ, Linh ngước lên, chị Trâm hỏi vọng vào:

- Ăn uống gì chưa, bận lắm hả?

Linh vừa đáp vừa đưa tay làm dấu mời chị vào:

 Hôm nay em không thấy đói chị ạ, vả lại cũng có vài việc cần nên không muốn đi ăn lắm!

Chị Trâm ngồi xuống ghế, cái ghế bên cạnh cửa sổ ngó ra đường như thường lệ, Linh quơ vội mấy tờ giấy trên bàn, xếp bỏ vào ngăn kéo, cử chỉ hơi lạ không thong thả như ngày thường, Chị Trâm cố tình lờ đi, Linh bỏ lại ngồi kế bên thật lâu mà vẫn không nói gì, chị Trâm mở lời:

- Có cái gì cần chị giúp một tay không?

Linh có vẻ ngần ngại đôi chút:

- Em chắc về sớm chiều nay

Không đợi chị Trâm, Linh tiếp theo liền:

- Chiều mai, thứ bảy rồi, chị có rảnh không, mời chị đến em chơi.

Chị Trâm hơi ngạc nhiên gật đầu nhận lời. Nhìn đồng hồ trên tường đã quá hai giờ trưa, chị đứng dậy đi ra cửa, Linh theo sau. Gần tới đường rẽ xuống khu nhà máy, tiếng Linh nói vọng theo nhắc chị đừng quên nghe rõ từng tiếng một.

    Linh mất chức Giám Đốc hảng dệt, một người cán bộ cao cấp của Bộ Thương Nghiệp từ Hà Nội vào thay, cái xe hơi thường ngày Linh đi giờ cũng đã đổi chủ. Đám công nhân nghèo chẳng màng ai thay ai thế, lặng lẽ hai buổi đi về như đời sông nước ròng nước lớn. Nhóm chi bộ đảng có vẻ ồn ào hơn, chạy lên chạy xuống. Anh sáu Bình, ông giám đốc mới nói cười có vẻ nặc mùi Bác Đảng hơn, ít ngồi trong văn phòng, sáng sớm đã thấy đứng ngay đầu khu máy dệt, nhìn trước nhìn sau chẳng nói gì, cả cái gật đầu không tốn tiền mà ông ta cũng chẳng làm. Ông qua văn phòng chị Trâm hỏi han chuyện chuyên môn, lúc nào cũng có ông bí thư chi bộ và anh thư ký công đoàn nhà nước đi theo, không giống như Linh. Giờ ban giao báo cáo việc làm buổi sáng lâu hơn và thêm phần tự kiểm tự phê thành quả. Chị Trâm cảm thấy không khí hảng dệt nặng nề hơn trước, ngay cả đám công nhân nhà máy cũng ít nói ít cười, ai nấy lặng thinh né tránh. Dù không gọi là thân cho lắm, lần nào có việc phải đi ngang văn phòng giám đốc, cũng cái hành lang không đủ sáng đó, từ ngày không còn Linh, chị Trâm thấy hình như có cái gì buồn buồn khó nói. Không đầy một tháng, sau ngày hảng dệt có ban giám đốc mới, một số anh trưởng khu máy, vốn là người trước 75, đã bị đổi việc, xuống chức. Chưa thấy nói gì tới, nhưng chị Trâm nghĩ trước sau gì cũng sẽ tới phiên mình.
 
 
 
 
 

    Trời cuối mùa hè, học trò mới tựu trường lại vài hôm thì đã âm u, chưa có mưa nhưng gió sớm ở Sài Gòn bắt đầu chớm lạnh. Chị Trâm đã không gặp lại Linh lâu rồi, tính từ ngày Linh không còn làm ở hảng dệt Vinatexco. Đôi ba lần đi ngang nhà vợ chồng Bon trên đường Phan Thanh Giản, bây giờ đổi tên là Điện Biên Phủ, cái cổng sắt cũng khép kín như trước, nhưng chị Trâm lại không vào thăm, vì không biết phải nói gì. Anh Mẫn tiếp tục đi dạy như thường lệ, gia đình người chị bà con xa, có tiệm sách ở góc đường Trần Quý Cáp, khu chợ Đủi, đối diện rạp chiếu bóng Nam Quang, mới gặp hai tuần trước đây đã bỏ đi mấy ngày nay rồi. Tiệm sách giờ là trụ sở của Mặt Trận Dân Tộc gì đó. Hai vợ chồng ngồi thẫn thờ trong bữa cơm chiều mấy ngày liền, không ai nói ai tiếng nào, tội nghiệp hai con bé con, chạy nhảy cười nói tung tăng, không màng cha mẹ bọn nó bàn tính chuyện gì, sáng sớm mặc quần áo đi học lúc nào cũng đòi quàng cho được cái khăn quàng đỏ. Nhìn con vui mà anh chị đau lòng, mới chừng đó tuổi đời đã mang gông cùm vào cổ.

    Chiều thứ sáu, ông bí thư chi bộ hảng dệt đem trả tờ tự kiểm cuối tháng cho chị Trâm và bảo chị phải viết lại vì chưa đạt yêu cầu. Không cần phải suy nghĩ gì cho xa, chị Trâm biết đã tới lượt mình rồi. Chị bàn chuyện với chồng, anh Mẫn không phản đối quyết định của vợ. Sáng thứ hai, chị Trâm đến hảng dệt sớm hơn thường lệ, thay vì nộp tờ tự kiểm theo lời yêu cầu của chi bộ đảng, chị vui vẻ để tờ đơn xin nghỉ việc trên bàn ông giám đốc rồi trở xuống khu nhà máy, đi một vòng nhìn cảnh cũ mà chạnh lòng. Nắng lên rực ngoài sân, chị gom góp một vài thứ lặt vặt của mình trong văn phòng, nhìn lần cuối tấm hình bác Hồ trên tường, trong lòng nhẹ nhõm.

    Ông Giám Đốc tiếp chị Trâm hết sức vui, vui hơn ngày thường, chấp thuận đơn xin không cần hỏi han gì thêm, hẹn chị bàn giao công việc cho ông ngay chiều hôm đó. Đứng chờ xe đò về nhà bên kia đường, chị Trâm nhìn vào cái sân xi măng còn âm ỉ hơi nóng cuối ngày, hàng dâm bụt vẫn vô tình như xưa, không màng người đi kẻ ở, đám chim se sẻ bay dọc bay ngang, xuống lên quanh mấy hàng dây điện cũ kỹ. Chị Trâm khẽ vuốt mấy sợi tóc lòa xòa theo chiều gió xuống vai, cười bất chợt như con chim non vừa mới xổ lòng.

 
Thuyên Huy

(còn tiếp)

 

 

 

 

 

 

No comments: