Tuesday, August 18, 2015

Chuyện Bút Hiệu Nhà Văn - Viên Linh


Chuyện bút hiệu nhà văn 
 

 

    Trong một bữa ăn trưa tuần qua tại tòa soạn nhật báo Người Việt, có người nhắc đến bút hiệu TchyA của một nhà văn thời tiền chiến, y như rằng có người nói đó là mấy chữ Tôi Chẳng Yêu Ai, và y như rằng có người khác nói ngay, đó là mấy chữ Tôi Chỉ Yêu An, rồi thì Angel, rồi thì Angène... không ai nói thêm về các tác phẩm của ông, những cuốn truyện phiêu lưu thần bí hấp dẫn mà người viết bài này từng đọc hồi niên thiếu: Tập thơ Ðầy Vơi (1940), Thần Hổ (1937), Kho Vàng Sầm Sơn. (1940), Ðồng Tiền Vạn Lịch, Ai Hát Giữa Rừng Khuya (1942), Linh Hồn Hay Xác Thịt, Ðường Lên Núi, Uyển Ngoạn (1956), Tình Sơn Nữ (1956),...

    Truyện ông viết rất lôi cuốn, đã đọc là đọc đến hết. Tên ông đã có trong văn học sử, trong bộ Nhà Văn Hiện Ðại của Vũ Ngọc Phan, ông đã được dành một chương trong cuốn thứ tư, khoản Tiểu Thuyết Truyền Kỳ. Tên lạ lùng, truyện lạ lùng, song cuộc đời ông rất được văn giới ca tụng, bởi ông có tài và đọc rộng hiểu nhiều. Chỉ tiếc rằng mỗi khi người ta nhắc đến tên ông, thì cái bút hiệu kỳ kỳ lại khiến cho các đề tài về ông trở nên tầm phào, thay vì tế nhị, rất lý thú.

Trước sự ra đi của ông, ngày 10 tháng 8, 1969 tại nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi Sài Gòn, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã đến bên mộ - vây quanh bởi các danh nhân tài tử miền Nam, “rưng rưng mắt lệ đọc mấy lời thống thiết trước quan tài TchyA”:

 Ðành lẽ “trót sinh giàu cảm lụy
Dẫu tàn thân thế khó quên nhau”
Mai hoa tái thế bao giờ nữa?
Minh nguyệt tiền thân biết hỏi đâu?
Tàn cuộc văn chương từng góp lệ
Tàn đêm lữ thứ lại chung sầu
Tàn đi mãi đấy hồn phong nhã
Tàn cả rồi chăng lớp biển dâu
Và cũng tàn theo ba tiếng khóc
Ngấm vào ba thước đất vùi sâu
Tàn mai tàn nguyệt tàn cơn mộng
Anh đợi gì chưa nổi trống chầu?

Trong bài thơ, Vũ Hoàng Chương nhắc đến mai, nguyệt, là nhắc đến một bút hiệu nữa của nhà văn TchyA khi ông ký dưới những bài phiếm luận trên nhật báo Tự Do những năm 1955, 1956 với bút hiệu Mai Nguyệt. 
Ta hãy đọc đoạn văn sau đây do một người bạn thuở niên thiếu của ông kể lại; mà người này lại cũng là một tên tuổi lớn của văn học miền Nam, Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc: “Ðái Ðức Tuấn quê Thanh Hóa, tôi mới gặp [...] đã có cảm tình ngay, vì cùng trong lứa tuổi đôi mươi ngây thơ mơ mộng. Anh đỗ tú tài, làm tham tá Nha Học Chính, hay vẽ và làm thơ ngay trên bàn giấy công chức...

“Nét vẽ, câu thơ, ánh đèn, khói thuốc, bầu không khí thân mật cười đùa này chẳng mấy lâu sau mắc cho anh món nợ phù dung. Nợ càng sâu đậm hơn khi nàng tiên xuất hiện trong thân hình Bích Ngọc, một ngôi sao trên sông hồ của Hà thành hoa lệ, có nét kiều diễm theo tiêu chuẩn Tây phương, được đám phong lưu dị chủng đặt cho cái tên ôn-nhu là Angèle. Nhưng giai nhân lúc ấy đang kẻ đưa người đón dập dìu, đâu có chú ý đến một anh chàng thi sĩ ngây thơ! Nên chàng than vãn:

Hững hờ là thói thuyền quyên 
Si tình thay lũ thiếu niên giang hồ!

Mãi về sau, trong một đêm đông mưa gió, sau bữa tiệc vui đông đảo, Angèle ngồi lại bên đèn, trước lò sưởi:

Ngọn lửa cành non kêu lách tách 
Như đùa với lạnh. Mặt em tươi 
Hơi ấm, tình nồng, hai má đỏ 
Nhìn em, em chúm chím môi cười...

Thế là tiếng sét nổ trong lòng Tuấn, nảy ra cái bút hiệu TchyA mà anh giải thích là “Tôi Chẳng Yêu Ai,” trong khi thâm tâm tự nhủ: “Tuấn Chỉ Yêu Angèle!”

Nhưng Angèle không chỉ yêu Tuấn. Nên Tuấn than:

Tao phùng một chuyến rồi ly biệt 
Hoa lại bay theo ngọn gió ngàn!
Chuyến bay này đằng đẵng bốn năm
Bốn năm mặt đá rêu phong kín
Vằng vặc trăng suông tỏa bóng sầu
Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy
Dẫu tàn thân thế khó quên nhau...

(Những câu thơ trích ở trên là thơ TchyA Ðái Ðức Tuấn)

Ðoạn văn trong ngoặc kép là văn Phùng Tất Ðắc trong cuốn “Nhớ Nơi Kỳ Ngộ.” (1)

Trong tập bản thảo Ðặc San Trường Vinh 1972 mà tôi có trong tay [không rõ đặc san này có in ra được không], có bài “Thuyết Trình về TchyA” mà ông Bùi Ðình Nguyễn Xuân Viên đã đọc tại Trung tâm Văn Bút Việt Nam tổ chức tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc ngày 22 tháng 9, 1969. Cuộc thuyết trình này diễn ra 50 ngày sau khi nhà văn TchyA đã nằm xuống. Ông nói về bút hiệu của các văn nghệ sĩ, và sau cùng nói rõ TchyA bút hiệu của bạn ông có ý nghĩa gì. Ông nói: “...anh em văn nghệ sĩ đương thời (với Ðái Ðức Tuấn, sinh năm 1908) lấy bút hiệu là Trọng Lang, Tam Lang, Nhất Linh, Khái Hưng, Lãng Nhân, Hoàng Ðạo,... và có mỉa mai thì cũng lấy một cái tên nói lái lại tên thật của mình như Thế Lữ, hài hước như Tú Mỡ, khác đời như Jean Leiba,... Ðái Ðức Tuấn lấy một biệt hiệu Tây chẳng phải Tây, Tàu chẳng phải Tàu, Việt cũng không phải Việt, lại trúc trắc khó đọc. [Khiến anh em quen phải phiên âm nhại ra là Tẩy Xìa]. Bút hiệu này “xuất hiện trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, và người ta càng theo dõi càng thấy các sáng tác của TchyA có những sắc thái đặc thù, do đó người ta [càng] tò mò về cái bút hiệu ấy, và “TchyA nghĩa là thế nào? Danh vị của TchyA càng lên thì thắc mắc của người đời vì cái bút hiệu ấy lại càng sôi nổi. Cuối cùng chính TchyA đã phải lên tiếng giải thích: “TchyA là mấy chữ đầu của câu Tôi Chẳng Yêu Ai.”

Ông Bùi Ðình giải thích rất nghiêm chỉnh: “...hồi đó, quãng 1930, một số anh em văn nghệ đã họp nhau lại thành một nhóm tự nguyện với nhau rằng sẽ không biết đến yêu là gì và đặt tên nhóm là “Club des misogynes” (Hội những kẻ ghét đàn bà) trong đó có Chu Mậu và dĩ nhiên là cả Ðái Ðức Tuấn... Hội những kẻ ghét đàn bà cho xuất bản một tờ báo lấy tên là “Le Cri de Hanoi” (Tiếng kêu của Hà Nội) để quảng bá thuyết của hội... Biết là Ðái Ðức Tuấn có tên trong hội, nên anh em đều chấp nhận lời giải thích của anh.” Tuy thế ông Bùi Ðình còn viết: “Thấy chính TchyA đã công khai nói là Tôi Chẳng Yêu Ai, một phần muốn tôn trọng đời tư của anh, nên dầu biết chuyện, cũng không ai muốn tiết lộ sự thực làm gì.”

Phần sau của buổi thuyết trình, ông Bùi Ðình nói ra sự thực, bằng những câu ông đặt ra, rồi trả lời bằng những câu thơ của nhà văn thi sĩ. Ông nói:

“Nếu chẳng yêu ai thì làm sao TchyA có được tác phẩm Ðầy Vơi? Nếu chẳng yêu ai thì làm sao Ðầy Vơi lại có được những câu như:

Áo xanh chàng ấy màu phai nhạt
Hoa thắm vườn ai nhụy võ vàng
Viết một lá thư nhờ gió gửi
Chờ con én liệng cái tin sang?



Tưởng yêu được mãi người trong mộng
Mộng đến tàn canh cũng não nùng.

Tác giả Bùi Ðình nói rằng TchyA quả có yêu một người. Người ấy là linh hồn của tập thơ Ðầy Vơi. “Do đó mà tập thơ mới có những câu tha thiết như:

Em đi từ đấy phòng anh vắng
Bút dỉ hồn ta sách bụi ngầu
Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy
Dẫu tàn thân thế khó quên nhau.

Hai câu sau cùng của đoạn trên đã được trích dẫn luôn luôn hàng mấy chục năm sau. Tình yêu của TchyA đã mạnh đến thế nào. Ông không thể nói ra vì nhiều lẽ, vì không thích nói, hay vì người ông yêu không phải là người ông có thể lập gia đình.

Diễn giả nói: “...người đàn bà đó tên là Angèle Bích Ngọc, một tài hoa son trẻ thuở ấy. Chiều chiều mà được ngồi bên Taverne Royale một khách sạn sang trọng nhất của Hà Nội bên Hồ Hoàn Kiếm bấy giờ với người đẹp thì không còn gì thú vị cho bằng. Nhưng Angèle là một gái giang hồ, mà TchyA dầu sao cũng chỉ là một tham tá với cái lương vỏn vẹn $80 một tháng, làm sao đủ để vừa hút lại vừa bao người đẹp. Vì chàng không thể lập tổ ấm riêng, Angèle Bích Ngọc phải lên Ðáp Cầu, thỉnh thoảng nàng về Hà Nội thăm chàng, và chiều Thứ Bảy nào chàng cũng lái xe hơi lên Ðáp Cầu để hưởng những giờ phút thơ mộng bên nàng... Nhưng rồi gió bụi giang hồ đã cuốn Angèle đi, cho mãi tới 10 năm sau nàng trở nên phu nhân của ông chánh sở Liêm Phóng Pháp.”

    Diễn giả kết luận: TchyA như vậy không phải là Tôi Chẳng Yêu Ai như chính Ðái Ðức Tuấn nói, mà thực ra là Tôi Chỉ Yêu Angèle. (2) Riêng tôi, lời giải thích của Lãng Nhân nghe đúng hơn, tên phải đối với tên, tự phải đối với tự, một là Tôi Chẳng Yêu Ai, hai là Tuấn Chỉ Yêu Angèle. 

Viên Linh

304Đen - Llttm



Chú thích:

1. Lãnh Nhân Phùng Tất Ðắc, Nhớ Nơi Kỳ Ngộ, Ziên Hồng, TX 1997. Phùng Tất Ðắc cũng còn viết về TchyA trong Trước Ðèn, Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn. 

2. Ðặc San Trường Trung học Vinh, 1972, bản thảo, bài “Một khía cạnh đặc biệt trong con người TchyA,” Bùi Ðình Nguyễn Xuân Viên.

 

 

 

No comments: