Tuesday, August 4, 2015

Ba Giai Tú Xuất - Đồ Nam


 
 
 
 

 
 
Ba Giai – Tú Xuất:Các Nhân Vật Phản Diện Nho Gia

 
http://www.tinparis.net/icone/puce_carb.gif  Vào khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, xuất hiện những giai thoại về các Trạng Ếch, Trạng Lợn, là những nhân vật "hạnh tiến", gặp thời  may vận đỏ, được chức phận giàu sang và những giai thoại về Tú Xuất, Ba Giai, là những nhà nho "bất đắc chí", suốt năm kéo nhau đi khuấy động, trêu ghẹo, phá phách xóm làng cho hả nỗi căm tức, bất bình trước những bất công, tệ đoan, lố lăng của một xã hội loạn lạc ở buổi giao thời.
   
    Những giai thoại về Ba Giai (ông Ba tên Giai) và Tú Xuất (thầy Tú tên Xuất) đã được lưu truyền, phổ biến rộng rãi trong thời bấy giờ. Hai nhân vật nầy thường đi đôi với nhau, bày mưu tính kế hoặc để xoay tiền, hoặc để lừa bịp, hoặc để "chơi cho ai một vố " thất điên bát đảo... đến mức đã làm cho những hạng người "có máu mặt"  đương thời phải kiêng sợ, tránh né.
    Những câu chuyện về hai nhân vật nầy có nhiều, không thể trình bày ra hết trong khuôn khổ chật hẹp của bài nầy. Chỉ xin kể qua một vài một vài truyện tiêu biểu nhất mà thôi:

Ba Giai, Tú Xuất đánh bạc lận
   
    "Ba Giai và Tú Xuất bàn tính đi đến các sòng bạc để tìm cách xoay tiền. Hai người đến nhà Tuần Khẳng là cháu của Tú Xuất để sắp đặt kế hoạch: Tú Xuất giả làm quan Hàn, Tuần Khẳng giả làm tên hầu, còn Ba Giai đem theo sáu tên du côn đi theo hộ vệ. Rồi cả bọn kéo nhau đến sòng bạc xóc dĩa (a) của Tư Khiễng để đánh.
    "Quan Hàn đánh, có tên hầu ngồi bên để sai biểu. Quan đánh rất phong lưu, từ tốn, thua được gì cũng vui. Lúc đầu quan được nhiều, về sau lại thua dần. Tên hầu cứ xía vào bàn thế nầy thế nọ, làm quan bối rối càng thua thêm. Tức mình quan hàn liền đánh tên hầu té nhào xuống, rồi quan nhảy theo, một tay xách túi bạc, một tay túm lấy tóc nó dúi xuống, đạp lấy đạp để. Tên hầu ngã ra đất, quay lông lốc. Tuy trông thấy tên hầu bị đánh đau, mà chẳng ai dám vào can vì sợ oai quan Hàn. Đánh xong, quan Hàn liền bước ra đàng sau đi tiểu, vừa đi vừa ngoái cổ lại mắng:
    - Ông đi "giải đen" vào mà còn thua nữa thì mầy sẽ nhừ đòn.
    "Tên hầu bị đánh rách cả túi áo, tụt cả khăn, mặt mũi có vẻ tức bực lắm. Trở về chỗ cũ ngồi, hầm hầm nói:
    - Đã hay đánh, thì đây hại cho mà biết tay. Làm cho thua sạch túi, cho trắng mắt ra. Mẹ kiếp, ở thì ở, không ở thì xéo, tình nghĩa đếch gì mà cầu.
    "Rồi quay vào hỏi nhà cái:
    - Ông đã xóc chưa?
    - Phải chờ quan vào mới xóc chứ.
    - Không hề gì, ông cứ đưa bát dĩa đây cho tôi.
    "Vừa nói, tên hầu vừa cầm bát dĩa mở ra, xếp lại bốn đồng tiền, một đồng sấp, ba đồng ngửa, (tức là lẻ), rồi nói rằng:
    - Ta cứ để "sấp một" như thế nầy, đậy lại đừng xóc nữa. Hễ ông ấy vào thì bảo là xóc rồi. Cả làng cứ mặt lẻ mà đánh... Hắn muốn chết thì cho chết luôn!
    "Quan Hàn trở vào, ngồi xuống nói:
    - Nào xem có đến hồi đỏ không? Cái thằng trời đánh nầy (chỉ tên hầu) liệu có còn ám được mãi không? Nào làng đánh đi. Được thua vài ván nữa rồi về kẻo muộn.
    " Tất cả mọi người đánh dồn về mặt lẻ.
    "Nhà cái dúi tiền cho đàn em đánh một ít vào mặt chẳn cho quan Hàn khỏi nghi ngờ. Quan Hàn hỏi nhà cái:
    - Các ván vừa rồi sấp mấy, hở bác ?
    - Dạ, thưa ngài, sấp một, sấp một, sấp ba, rồi sấp ba. Bốn tiếng lẻ rồi, ngài ạ !
    "Nhà cái hô to:
    - Xin làng cất tay. Chẳn, lẻ cái cân đây nầy.
    "Vừa nói, nhà cái vừa quay nhìn quan Hàn:
    - Xin ngài đánh cho để cái mở bát.
    - Hãy khoan. Thế nhà cái nhất định đánh cân cả hai mặt à? Tôi định "đi giải xui" rồi, sẽ mở một tiếng thật to, được thua cho nó bỏ công. Xin bác nhượng cho tôi làm cái ván nầy.
    "Nhà cái nghe nói, trong lòng mừng thầm, song làm bộ xuýt xoa nói:
    - Tiếng bạc nầy thật ngon quá... Nhưng quan Hàn đã thích thì... đây, tôi xin nhường ngài làm cái. Cất tay! để cái cân nầy! Bán...  Chẳn thừa... ba ngàn!
    "Mọi người dốc túi còn bao nhiêu tiền quẳng hết xuống mặt lẻ, quan Hàn thua to thấy trước mắt. Có người thương hại tên hầu, bảo nhỏ nó lẩn tránh đi kẻo khi quan Hàn bị thua, nó sẽ bị đòn lớn.  Tên hầu liền nghe theo và rẽ đám người lẵng lặng chuồn ra ngoài.
    "Sau khi thấy tên hầu (Tuần Khẳng) rút lui rồi, quan Hàn (Tú Xuất) mới cất tiếng nói lớn rằng:
    - Thưa các quan viên làng chơi. Vì tiếng bạc nầy rất quan trọng, được thua có bạc vạn, nên trước khi mở bát, tôi phải có mấy lời nói trước, xin ai nấy lắng tai nghe cho. Sau khi mở bát, dầu "lẻ" hay "chẳn", làng được hay tôi được, xin mọi người được hay thua đâu đứng nguyên đấy, tôi lần lượt "giam" (b) từ chiếu trong "giam" ra chiếu ngoài. Hễ "giam" xong tiền người nào, thì người đó mới được thò tay xuống lấy. Muốn cho chu đáo chắc chắn, tôi xin mời sáu ông võ sĩ đàng kia đến giúp giữ trật tự, người nào lộn xộn thì xin các ông cứ việc.
    "Sáu tên du côn liền nhảy ngay vào giữa chiếu bạc, kẻ rút búa, người rút dao, giơ lên thị uy, khiến mọi người đều xanh mặt.
    "Mở bát ra, quan Hàn hô to:
    - Sấp... haaaiii...
    "Số là tên hầu (Tuần Khẳng) khi trình cho làng thấy bốn đồng tiền, có một đồng sấp (tức là lẻ), thì sau đó đã kín đáo luồn một ngón tay vào bát lật sấp thêm một đồng nữa, thành ra trong bát lại có hai đồng sấp rồi (tức là chẳn).   
    "Sau tiếng bạc ấy, Tú Xuất, Ba Giai vố được hơn vạn bạc, và từ ngày đó sòng bạc Tư Khiểng đóng cửa, các con bạc lớn nhỏ đều sạch túi."

Chú giải - (a)- Xóc dĩa: lối đánh bạc rất phổ biến thời xưa. Một người làm cái, bỏ 4 đồng tiền vào dĩa, úp một cái bát lên trên, rồi xóc. Trước mặt trải những chiếc chiếu có một đường vạch chia đôi, một bên là "lẻ", một bên là "chẳn", con bạc muốn đánh bên nào thì quẳng tiền vào bên ấy. Mở bát ra hễ một đồng sấp hay ba đồng sấp là "lẻ"; còn hai đồng sấp, hay bốn đồng sấp là "chẳn".  (b)- Giam: chung tiền.

Tú Xuất chơi khăm trả miếng
   
    "Thấy cô bán hàng áo quần ở dưới phố thường rất chua ngoa với mình, Tú Xuất muốn "trả miếng" cô ấy một vố cho biết tay.
    "Một hôm, Tú Xuất ăn mặc chỉnh tề, đầu chít khăn chữ nhất, chân đi giày hạ, mình choàng áo dài thâm, nhưng lại không vận quần. Rồi bảo đàn em đem võng lại, đợi trời bắt đầu tối nhá nhem, võng đến hàng cô ả để Tú Xuất vào mua đồ. Nhờ áo dài phủ ra ngoài, nên không ai biết là Tú Xuất không vận quần.
    "Tú Xuất lựa một cái quần đắt tiền nhất, mặc vào, dạo qua dạo lại xem hàng một vài vòng, rồi chậm rải ra về, không trả tiền, cũng không nói gì với cô bán hàng. Cô ả chạy theo níu lại:
    - Ô hay, cái ông nầy mua quần rồi bỏ đi không thấy trả tiền.
    "Tú Xuất quắc mắng:
    - Con bé này hay chữa! Ai mua hàng gì của mầy mà đòi trả tiền?
    "Cô ả cũng không vừa, túm ngay Tú Xuất lại, tru tréo lên, rồi cho người nhà mời ông trưởng xóm lại xử. Khi trưởng xóm đến, hai bên đôi chối mãi, người bảo mua quần mà không trả tiền, người bảo chỉ xem hàng chứ không mua gì cả.
    "Tú Xuất hỏi cô ả:
    - Nếu bảo tôi mua quần thì mua cái quần nào, tôi đem dấu ở đâu?
    - Ông mua cái quần nầy, xong thì ông lại mặc ngay vào người ông đó.
    "Tú Xuất hỏi lại:
    - Đừng nói bá vơ, cái quần nầy là của tôi, chớ không phải của cô. Cô nói sai thì chịu tội gì?
    "Theo lời yêu cầu của Tú Xuất, trưởng xóm cho người kéo quần của Tú Xuất xuống, thì thấy quả y chỉ vận có một cái quần mà thôi.  Tú Xuất nói:
    - Mặt mũi tôi thế nầy, khăn áo như thế kia, võng cán như thế nọ, mà tôi ở truồng đi dạo phố, xin hỏi trên có ông trưởng xóm, dưới có bàng quan các ngài đây, nghe có lọt lỗ tai không. Con bé nầy quen thói chua ngoa lâu rồi, nay sinh sự thì phải bị sự sinh.
    "Cô bán hàng bị phạt vạ, Tú Xuất nghêng ngang ra về với cái quần mới trắng tinh. "

Ba Giai xoay tiền tiêu Tết

    "Tết đến, Ba Giai túng tiền, ra chợ dạo quanh, vừa gặp vợ chồng Nhiêu Vẽo đang mặc cả mua vại muối dưa. Mua xong, bác Nhiêu bỏ năm quan tiền vào vại, úp sấp lại, rồi bảo vợ ngồi lên trên, nói:
    - Tôi đi mua gà, không đem tiền theo nhiều sợ kẻ gian chúng giật mất, nên để lại một ít trong cái vại nầy. Bu nó ngồi lên vại giữ, chờ tôi đi mua xong sẽ trở lại đây.
    "Khi bác Nhiêu trai đi khuất rồi, Ba Giai liền lượn qua, lượn lại trước mặt bác Nhiêu gái, giả vờ đánh rơi mấy đồng tiền. Bác Nhiêu gái thấy có người đi qua đánh rơi tiền, mừng quá, đứng dậy chạy đến nhặt. Thấy người ấy càng đi càng đánh rơi, bác Nhiêu gái mải mê theo nhặt, cố len cả vào chỗ đông người để kiếm xem còn đồng nào nhặt sót không. Trong lúc đó, Ba Giai đã len lại "đỡ nhẹ" năm quan tiền úp trong vại rồi đi quanh ra hàng gà xem có con nào tốt để mua, thì gặp bác Nhiêu trai tay mang một lồng gà đi về phía ao đằng sau chợ. Bác đặt lồng gà xuống vệ đường, rồi đi xuống ao rửa chân.
    "Ba Giai đến khoác ngay lồng gà ấy lên vai, rồi cũng xuống cầu ao rửa chân với bác Nhiêu. Vừa rửa Ba Giai vừa bâng quơ :
    - Gớm! Trời mưa lầy lội quá, nhất là hàng gà thật dơ bẩn.
    " Thấy Bác Nhiêu ngoảnh lên nhìn, Ba Giai vội nói:
    - Ấy! Bác cho tôi vịn một tý nào. Chợ Tết kẻ cắp như rươi, tôi phải đeo luôn lồng gà lên vai thế nầy, chúng nó mới không dám làm gì đấy!
    " Nghe Ba Giai nhắc đến kẻ cắp, Bác Nhiêu chột dạ, vội vàng quay lên bờ, thì thấy lồng gà biến mất rồi, nên hô hoán lên. Ba Giai hỏi:
    - Ô hay! Thế lồng gà ấy của bác đấy à? Có phải ở trong có đôi gà không?
    - Đúng đấy!
    - Nếu vậy, tôi vừa thấy một thằng ở đây ra xách đi. Nó đi về phía đông. Cái thằng mặc quần áo nâu, nó rẽ vào xóm kia rồi!
    "Bác Nhiêu trai luống cuống, vừa chạy theo hướng Ba Giai chỉ, vừa kêu rối rít. "
 
Bắc kỳ phong hủi đoàn... đại náo

    "Thân phụ của cô Yến là một quan Phủ tham nhũng, vơ vét của dân. Lúc về hưu cũng chứng nào tật ấy. Dân làng đều ghét.
    "Ba Giai có lần ghẹo cô Yến, bị cô nầy làm nhục cho một mẽ nên thân. Nhân dịp quan Phủ bị bệnh gì không biết mà mặt cứ sùi lên từng tảng ở trán, ở cằm, chạy chữa thế nào cũng không khỏi. Ba Giai liền thừa cơ trả thù, làm cho cô Yến phải ế chồng và quan Phủ phải mất tiền cho bỏ ghét.
    "Ba Giai đến xúi Hội Bắc kỳ phong hủi đoàn, kéo nhau hàng trăm người hủi, võng lọng, cờ trống đến nhà quan Phủ, quì xuống thưa rằng:
    - Bẩm lạy Cụ Lớn, anh em chúng con chẳng may trời bắt mang số phận hẩm hiu, đến nỗi phải xa cách cha mẹ, lìa bỏ quê hương, đến tụ họp nhau thành một xã hội riêng biệt... Hội  người hủi chúng con lâu nay hết sức xúc tiến các công việc xã hội, nên ngày nay đã thành cơ sở khả quan, có làng xã, có đình đài, có ngôi thứ, có đủ kỳ mục quan viên, chỉ còn thiếu một vị tiên chỉ là một chức vị cao quý nhất, cần phải chọn người có tài đức, mà tìm mãi chưa có... Dám xin Cụ Lớn nghĩ tình "đồng bệnh tương liên", vui lòng nhận cho chức vị cao cả ấy".
    " Thưa xong, chúng quỳ lạy và hoan hô cảm tạ. Quan Phủ từ chối mãi không được. Gia đinh ra dọa nạt, đánh đuổi cũng không xong. Hàng trăm người hủi cứ đứng lì đầy sân. Quan Phủ sợ nhất là nếu tai tiếng vở lở ra ngoài, dân làng biết được, đồn là bị hủi thật, thì đến chết được, đành đem tiền ra dụ dỗ, bảo rằng xin anh em cứ để quan Phủ ở nhà, và xin tình nguyện nạp một số tiền lớn để thế mạng.
    "Chẳng hiểu có kẻ nào biết được chuyện nầy, bắn tin cho Cụ Án ở Hà Nam hay. Cụ Án sợ chết khiếp, không dám làm thông gia với quan Phủ, xin hồi hôn, không cho con trai cưới cô Yến  nữa. "
*
    Có thuyết cho rằng Ba Giai tên thật là  Nguyễn văn Giai, chỉ biết ông sinh tại Hồ Khẩu, Hà Nội, tác giả Hà Thành chính khí thuật lại việc Hà Nội thất thủ và cái chết anh dũng của Hoàng Diệu, đồng thời mạt sát bọn quan lại hèn nhát lúc bại trận. Vì thời cuộc loạn lạc nên Nguyễn văn Giai không thi cử gì, và ngày ngày thường dùng mưu trí để chọc phá, cười cợt người đời. Còn Tú Xuất thì hiện chưa biết rõ lai lịch ra sao.
    Hẳn đây là những nhân vật có thật, là những "nho sĩ bất đắc chí" nghịch ngợm quấy phá trong một mức độ nào đó thôi. Nhưng về sau, được dân gian tưởng tượng thêm thắt, bịa ra nhiều chuyện kỳ quặc, quá đáng, có khi đến lố lăng hay bất chính, bất lương..., tưởng  không thể nào tương xứng với tác phong, tư cách của nhân vật có thật (nhất đối với tác giả một thiên hồi ký có giá trị văn chương và yêu nước như Nguyễn văn Giai!).
    Lúc bắt đầu trêu ghẹo, chế diễu thói đời, Ba Giai, Tú Xuất được mọi người tán trợ, hoan hô ngay, vì họ đã nói lên được những nỗi bất mãn, uất hận ủ ấp, dồn ép trong tâm tư của dân gian trước thời cuộc. Nhưng về sau, khi một số chuyện, hoặc được dân gian tưởng tượng thêm thắt vào cho tăng phần hấp dẫn hơn, hoặc thật sự do một số người vô danh tinh nghịch quấy phá bừa bãi gây nên mà người ta lại đem gán cho Ba Giai và Tú Xuất, được phổ biến khắp nơi, thì mọi người, nhất là những người "có chút ít máu mặt", đều kiêng né, coi như đó là những hung thần. Đến mức, người thời ấy đã có câu:
        Hễ ai mà nói dối ai,
        Thì mồng một Tết, Ba Giai đến nhà.
    Tuy vậy, những giai thoại về Ba Giai, Tú Xuất đã một thời được lưu truyền sâu rộng ở miền Bắc. Dân gian thấy có chống đối, có chọc ghẹo, có mưu mẹo lừa bịp tài tình, thì cười theo để giải trí, mua vui. Nhất là, các nạn nhân của Ba Giai, Tú Xuất phần lớn là những chủ sòng bạc, những con bạc chuyên cướp giựt lẫn nhau, là những hạng người đã từng buôn bán chua ngoa, lừa dối, xảo quyệt, là những quan lại đã từng vơ vét, tham nhũng, độc ác ...
     Những trò quỉ quái mà Ba Giai, Tú Xuất dở ra với chúng, chẳng qua cũng chỉ là những thủ đoạn của những phường "mạt cưa, mướp đắng" đương đầu nhau, cướp giật, thanh toán lẫn nhau mà thôi.     Cho nên, khi kể lại những chuyện ấy để  mua vui, dân gian đã hả hê cười với tư cách là những khán giả đang xem một tấn tuồng của mấy tên hề trêu chọc, phá phách nhau trên sân khấu mà thôi.
*
    Kể từ 1802, năm Gia Long thống nhất đất nước, đến 1945 (là năm toàn dân đứng lên kháng chiến chống Pháp giành độc lập), nước ta trải qua ba giai đoạn giao thời:
    - giao thời giữa hai triều đại Lê, Nguyễn (1802-1862),
    - giao thời giữa chủ quyền Việt và Pháp (1962-1907)
    - giao thời giữa hai nền văn hóa Đông và Tây (1907-1945)
    Ba Giai và Tú Xuất ở vào buổi giao thời giữa chủ quyền hai nước Việt và Pháp: kháng chiến Việt bị tan rã, ta mất ba tỉnh miền Đông của Nam phần, triều đình Huế đầu hàng và Pháp bắt đầu ổn định guồng máy cai trị tại nước ta.
    Đặc tính chung của bất cứ các buổi giao thời nào là sự thay đổi bao giờ cũng gặp phải ba lối phản ứng khác nhau: chống đối, thỏa hiệp và thoát ly ra mọi giao động của thời cuộc.
    Cụ thể như ở thời Ba Giai, Tú Xuất, các văn thi sĩ cũng  phân thành ba nhóm rõ rệt:
   
Chống đối: Sĩ phu thời kỳ nầy "vừa là nhà cách mệnh, vừa là chiến sĩ, vừa là nhà văn ". Một giai đoạn lịch sử đáng cho dân tộc ta tự hào: Phan Đình Phùng, Nguyễn Hữu Huân, đúc súng giết giặc, Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu tuẩn tiết cho trọn đạo với vua, với dân, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Giai dùng văn chương mà nguyền rủa "giặc Lang-sa nhiều phương quỉ quái" và bọn người  "ở lính mả tà, chia rượu bọt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ".
Thỏa hiệp: Một số rất ít như Tôn Thọ Tường, quê ở Bình Dương, Gia Định.Vì lý cá nhân mà ra hợp tác với Pháp, song Nguyễn Văn Tường vẫn áy náy không yên:
        Mãnh duyên bình lãng còn nong nả,
        Chút phận tang thương luống ngại ngùng. 
 Thoát ly: Một số nhà văn khác, không đủ điều kiện tham gia kháng chiến, chỉ tiêu cực phản đối bằng cách từ quan bỏ đi ở ẩn như Nguyễn Khuyến, hoặc vui thú thiên nhiên để lẫn quên hiện tại như Chu Mạnh Trinh, hoặc hoang mang, hằn học, chán nản như Trần Tế Xương.
    Người ta còn nhận thấy ở thời kỳ nầy có lối văn trào phúng,  một khí giới của kẻ yếu, để tự cười cái bất lực của mình trước nạn vong quốc như Nguyễn Khuyến, hoặc châm biếm uy thế của bọn làm tay sai cho thực dân như Tú Xương, hoặc tung ra trong dân gian, những câu chuyện tinh quái, ngông cuồng, có thật hay hư cấu, để mua vui, chọc cười, quấy phá bọn bất lương, những kẻ dựa vào ngoại nhân để được giàu sang... của Ba Giai và Tú Xuất. Có thể nói Ba Giai, Tú Xuất là những nhân vật phản diện trong hàng "nho sĩ " ngày xưa.
    Trong mọi buổi giao thời, dưới một chế độ hà khắc, bất công, tưởng cũng cần phải có những nhân vật phản diện ấy. Đó là những cái "còi báo động", cái "van an toàn", cái "máy điều hòa" để giải tỏa phần nào mọi nỗi dồn ép uất hận, để chống đối, ngăn chận mọi quá trớn của chế độ, của tình đời, bất cứ theo chiều hướng nào. Và, dù trực tiếp hay gián tiếp, các truyện phúng thế ấy cũng đã góp phần ít nhiều vào công việc gìn giữ xã hội Việt Nam cho được chừng mực, cân bằng theo truyền thống của ông cha, để có thể tồn tại cho đến  ngày nay ! 
   
Tài liệu tham khảo.
Ba Giai - Tú Xuất, tác giả Đồ Nam, nhà xb. Đồ Nam, Tủ sách "Truyện vui cười", năm ?, Hoa Kỳ..

304Đen - Llttm
 

 

 

No comments: