Wednesday, June 17, 2015

Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Năm) - Thuyên Huy


Người cộng Sản Cô Độc – Chương Năm

 
 


    Cuối mùa Xuân, 30 tháng 4, cuộc chiến “giải phóng miền Nam” kết thúc, VNCH thua cuộc, ông Tổng thống cuối cùng tuyên bố đầu hàng, bộ đội chính quy miền Bắc, rầm rập người xe vào Sài Gòn, thành phố đổi tên “Hồ chí Minh”, ngay sau khi lá cờ đỏ sao vàng kéo lên trên cột cờ tòa Đô chính. Bon không xa lạ lắm với Sài Gòn, cái thành phố ngựa xe tấp nập này mặc dù Đảng nằng nặc gọi là nơi bị kềm kẹp, vì Bon đã nằm vùng ở đây hơn một năm trời. Từ Nga về, Bon được Đảng cho mang tên tuổi, lý lịch giả mạo, đưa vào Sài Gòn, làm công nhân ca đêm tại hảng dệt Vinatexco, ở nhà mướn trên khu lăng Cha Cả, với trách nhiệm, tổ chức mạng lưới tuyên truyền trong hàng ngủ công nhân và giới thợ thuyền. Những ngày tháng đó, mặc dù đã thấm nhuần chủ nghĩa cộng sản trong đầu, nhưng có đôi lần, ngồi gữa đường phố nhìn người, hình như Bon thấy đời sống ở đây, dù cho là kềm kẹp, vẫn sung sướng và bình thản hơn Mạc Tư Khoa, nơi Bác Đảng xưng tụng là xã hội ưu việt.

    Bon giao công tác lại cho một đảng viên khác, từ ục R ra thành, về lại Hà Nội, lập gia đình với Linh, người nử sinh viên cùng một khóa du học bên trời Nga sô băng giá. Có sống ở miền Nam, có sống ở Sài Gòn, mới thấy Hà Nội, từ ngày Bon trong Nam ra, rồi qua Nga sô trở lại, nghèo khổ quá. Người miền Bắc, hồ hởi vô Nam, gom góp những gì vất vả chắt chiu, trong suốt mấy chục năm lam lũ mang theo, những tưởng là giúp anh em miền Nam ruột thịt, bị bốc lột đọa đày, không ngờ trở thành người đi xin xỏ, ngơ ngác mặt mài, tưởng chừng mơ lạc vào thiên đường mộng tưởng.

    Bon dọn vào cái biệt thư của một ông sĩ quan cấp tướng của VNCH, bỏ đi trước ngày 30 tháng 4 vài ngày, đầu đường Đoàn Thị Điểm, con đường nhỏ, bóng cây thẳng tấp hai bên, vắng xe cùng hai ba anh bộ đội tùy tùng. Trong nhà, đồ đạc bàn ghế, ngay cả áo quần, gần như còn nguyên vẹn, hai ba chiếc xe đạp trẻ con, cái xe Honda không mới lắm, nằm nghiêng ngã sát vách nhà chứa xe, cỏ xanh mướt một màu trên miếng vườn nhỏ giữa nhà, mấy cây Dạ Lý Hương lấm tấm xác pháo đỏ bạc màu ngày Tết.

    Bon có quyền hạn rất lớn, mặc dù không thấy tên tuổi như đám người của ủy ban Quân quản thành phố, ngoài nhiệm vụ là trưởng ban Tư tưởng Đảng, Bon còn là trưởng ban Xử lý chính trị thành phố HCM. Nhóm thành phần thứ ba, những người có tiếng chống chánh quyền VNCH trước đây, nhà văn nhà báo không may còn kẹt lại Sài Gòn, nghe tên cơ quan này, đều phải rợn người tái mặt. Ít ai biết Bon, trừ vài người trong Thành ủy và sở Công an nội chính. Anh làm việc rất hăng say, lấy mô thức một xã hội cộng sản lý tưởng, không áp bức, bốc lột như đã từng mơ làm kim chỉ nam hành động, nhất nhất, cái gì cũng Đảng và Đảng.
 
 
 
    Trên đường về Tây Ninh, bon ghé lại ấp Đồng Cò, tìm thăm vợ chồng anh tư Lậy. Cái đồn lính Nghĩa quân cạnh quốc lộ không còn đó nữa, nhà cửa nhiều hơn ngày xưa, ruộng lưa thưa dăm miếng, đám cây già trên mấy cái gò cao cuối xóm, nơi Bon ngồi, trốn nắng chờ trâu ăn cỏ, cũng chừng nhiêu đó, trông khô cằn hơn. Anh tài xế dừng xe trước trụ sở ấp, Bon bỏ di về phía nhà xưa, căn nhà giờ có vách đất che quanh kín gió, người chủ nhà lắc đầu khi Bon hỏi tên anh Lậy chị Búp. Đám bạn chăn trâu thuở nào cũng không còn một ai. Vợ chồng anh tư Lậy, sau đêm Bon dắt trâu về nhà chủ rồi bỏ đi, hớt hãi theo dân trong ấp lần mò khúc sông, xế đám ruộng gò, nghĩ nó chết đuối, vì mưa  lớn, trời tối đen, hơn hai ba ngày không tìm được, mọi người đành bỏ cuộc. Hai người đón xe lên tỉnh, tới nhà ông bà Đốc Nhân, ngượng ngùng không dám vào nhà, đứng lấp ló ngoài cổng. Ông bà Đốc Nhân nghe tin, cũng chẳng muốn mời vào. Bà Đốc khóc nức nở than trời. Về lại Đồng Cò không bao lâu, anh tư Lậy kêu bán căn nhà và miếng đất còi, gom góp tiền bạc, dẫn vợ xuống dưới miệt Châu Đốc, rồi bặt tin từ đó.
Bon lên tới Tây ninh thì trời vừa giữa trưa, bà Đốc đang loay hoay quét đám lá sa-bô-chê rụng đầy sân trước, nghe tiếng xe hơi, tiếng người xì xào ngoài cổng, bước ra nhìn, bà đứng chết trân, ngờ ngợ. Bon nhỏ nhẹ gọi má, mở cánh cổng rộng ra cho anh tài xế lái xe chạy vào. Bà Đốc Nhân ôm chầm lấy Bon, nước mắt ràng rụa, quay vô nhà:
-Ông ợ, ông ơi!
Bon dìu bà lên bực thềm, anh tài xế xách túi đồ, chầm chậm theo sau, ông Đốc cũng vừa tới cửa, Bon nắm lấy tay ông:
-Thưa ba, con, thằng Bon đây.
Ông chưa kịp lên tiếng, bà Đốc kéo Bon tới sát bên, bùi ngùi;

-Thằng Bon nè ông ơi!

Nước mắt chảy dài trên má, ướt cả gọng cặp mắt kiếng già, ông Đốc vịn vai Bon vào trong nhà. Ba người nhìn nhau mừng mừng tủi tủi, không nói được tiếng nào. Anh tài xế mang đồ đạc qua phòng sau nghỉ ngơi chờ lệnh. Bon chậm rãi kể lại chuyện mình, từ đêm bỏ Đồng Cò đi theo du kích Việt cộng, qua cục R, ra Hà Nội, đi du học Nga sô, vào Sài Gòn dưới ngọn cờ chiến thắng và cuối cùng là một người Cộng sản. Ông bà Đốc ngậm ngùi, thương cho đời Bon nhiều gian khổ, nhưng lại nhìn nhau bảo thầm “thế là xong” khi nghe ba tiếng “người cộng sản” từ miệng Bon nói ra. Bữa cơm chiều hôm đó, không có gì hơn, chỉ vài bó rau muống luột chấm tương hột xào vì từ lâu lắm rồi, không thường thấy bà đón xe ra chợ.

    Người con gái út ở Long Xuyên, cùng chồng theo tàu bỏ đi hôm 30 tháng 4, hiện sống ở Nice, miền nam nước Pháp. Hai ông  bà trằn trọc suốt đêm cho tới sáng. Trong đợt đánh tư sản mại bản vừa qua, ông Đốc đã về hưu lâu rồi, ông cũng chẳng dính líu gì tới làm ăn buôn bán, nhưng ủy ban nhân dân tỉnh cũng kêu ông lên vài lần gọi là “làm việc”, chưa kể là cho đám cán bộ cùng dăm ba tên trở cờ 30 tháng 4, đến tham quan biệt thự, đo tới đo lui, truy tra chứng từ bằng khoán. Ông chán ngấy khi nghe tên chủ tịch, đọc chưa hết mặt chữ, dạy đời, ông đã làm tay sai cho thực dân Pháp, cùm kẹp tư tưởng trẻ con, theo Mỹ ngụy dạy dỗ chống phá cách mạng, một mình nhà cao cửa rộng, ông phì cười khi nghe hắn nhấn mạnh mấy tiếng thực dân, Mỹ ngụy, thừa sức biết hắn đang toan tính chuyện chiếm cái biệt thự này. Cách nay vài hôm, tên chủ tịch làm bộ tới thăm, hỏi quẩn hỏi quanh nhìn sau nhìn trước.

    Bon thức dậy sớm, anh tài xế xuống bếp, nấu nước sôi pha trà, rồi ra sân coi lại chiếc xe. Bon theo anh ta ra ngoài, đi vòng sân, góc vườn, chỉ cho anh ta xem nơi mình thường trốn nắng ngồi đọc sách, nơi đốt lá vàng sưởi ấm trong những ngày Đông, cười tiếc nuối. Nghe tiếng bà Đốc ho khẻ trong nhà, Bon cầm tách trà bướ vô, ngồi xuống ghế bên cạnh. Bà Đốc nhấp chút nước nhìn:

-Bộ con bận lắm sao, không ở lại chơi vài bữa nữa?

Bon bỏ tách trà xuống bàn gật đầu:

-Nhà nước mới tiếp thu, còn nhiều việc phải làm, cho nên con phải về dưới làm việc má à.

Bon dứt lời thì ông Đốc cũng vừa ra tới, ông đứng giữa phòng, nhìn lên tủ thờ chưa kịp đốt nhang sáng, chậm rãi nói với Bon:

-Không biết chừng nào, con mới về thăm ba má lần nữa, ba sợ chắc ba má còn ở chỗ này không lâu đâu!

Bon ngạc nhiên nhìn bà Đốc, bà buồn bã lắc đầu, Bon buột miệng:

-Có chuyện gì sao, hay ba má định bán căn nhà này?

-Nếu bán được cũng còn may. Bà Đốc chán chường trả lời.

Ông Đốc nói cho Bon nghe, chuyện ủy ban nhân dân tỉnh kêu ông lên, và ý đồ của tên chủ tịch tỉnh, rồi lắc đầu:

-Chắc đành phải chịu vậy thôi con ơi, chính sách của Đảng đề ra, nơi nào cũng vậy mà!

    Bon đứng dậy, không nói lời nào, bảo anh tài xế chuẩn bị xa, sửa lại áo, quay qua ông bà Đốc;

-Con đi ra tỉnh chút xíu.

    Bon ra xe đi rồi, ông  bà Đốc không nhìn theo, cái cổng sắt mở chẳng màng đóng lại. Xế trưa, Bon về, cầm một xấp giấy tờ, đưa cho ông  bà cất, dặn dò đôi ba chuyện, rồi từ giã ông bà trở xuống Sài Gòn. Vài hôm sau, tên chủ tịch tỉnh, lại tới nhà, lần này hắn có vẻ nhỏ nhẹ, xin ông  bà Đốc bỏ qua chuyện vừa rồi, nói nói cười cười, chừng như quen biết thân tình. Đợt kiểm kê tài sản lần này, không thấy cán bộ hùng hỗ đến nhà ông bà nhu trước đây.

 Thuyên Huy
(còn tiếp)

No comments: