Thursday, May 21, 2015

Màu Thời Gian - Bình Nguyên Lộc


Màu thời gian


 


Sáng hôm nay, tại ga xe điện Gò-Vấp, ông Tám Giò lại suýt phải một phen thất vọng.

Biết bao lần rồi, ông già nói thơ nầy được chứng kiến cảnh tàn tạ của một nghề xưa kia ngươi người yêu chuộng.

Ngày nay người ta ưa hơn những cặp vợ chồng mù tuy cũng diễn lại cảnh cũ, cũng manh đệm rách làm sân khấu, cũng chiếc chiếu tơi gói tất cả giang sơn của đôi vợ chồng nghèo trôi nổi bình bồng, nhưng họ đã học đòi văn mình: Chồng thì đờn một bài Vọng cổ tốc hành, vợ thì nói xàm lên những lời cầu kỳ mà sai mẹo luật. Hai sợi dây đờn kìm lên thẳng đến gầ đứt ra, để cho tiếng đàn lớn thêm, có thể lấn át cả cái rùm rì của buổi chợ sớm. Tiếng tơ căng già, chai cứng bị lay chuyển huyên thiên dưới ngón tay hối hả của một nhạc công không bao giờ thèm nghe tiếng đờn của mình. Cái thứ quà du côn ấy mà lại được hoan nghinh.

Ngày lại ngày, ông Tám Giò thấy đám người đứng vòng quanh chiếc đệm rách của ông cứ thưa thớt lần, rồi một buổi kia, chỉ còn lại những trò trốn học, những thằng bé bán mía ghim, những đứa nhỏ đi thơ thẩn không biết làm gì.

Ông Tăm, mẫu cuối cùng của giống người mù nói thơ đang bị tiêu diệt, thấy hàng mình và lòng mình trơ trọi quá. Càng trơ trọi thêm, khi thằng cháu nhỏ, người bạn đường đã cùng ông lăn lóc bao lâu nay, một hôm bỗng bỏ ông để đi theo một gánh xiếc.

Chiều hôrn qua đây, người ta thấy ông lão nầy phải gở đồng xu lót tại chỗ sợi dây đồng cắn tấm gỗ của cái thùng dội tiếng của cây độc huyền để lấy thêm tiền cho đủ bữa.

Sáng hôm nay ông lại mò về ga xe điện Gò-Vấp. Thấy vắng các tay Vọng cổ, ông Tám có bụng mừng thầm. Người chờ xe thì đông và không biết làm gì để quên nỗi bực mình trông đợi. Ông Tám chỉ bấm nhẹ sợi dây đồng và để cho kim thanh thong thả ngân nga cũng đủ lôi kéo tất cả cái xã hôi phức tạp ấy về phía ông.

Họ đứng đông lắm, thành vòng bán nguyệt trước manh đệm, của ông già. Có những thầy ăn mặc đúng mốt, làm bộ như mới thấy thứ đờn quê mùa nầy lần đầu tiên. Có những cô tân thời, ý như muốn tỏ rằng ta lại đây là cầu vui chớ ai mà thèm nghe nói thơ. Có những ông quân nhân hiền lành và xúc cảm thật vì nhạc công đã nhắc nhở, gợi thớ làng mạc quê nhà của họ. Và có những bà lão không lộ ý kiến gì hết, thấy người ta bu lại thì bắt chước theo vậy thôi.

Ông Tám ngồi môt chơn xếp bằng, một chơn xếp đứng, bàn chơn đạp lên thùng đờn. Không biết có phải đó là thói quen của những ngày còn sáng tỏ hay không, mà ông già mù nầy lại nhắm mắt lúc nói thơ, có lẽ đề trở về với bên trong, lắng nghe lời thơ êm vận ?

Rạng (mà cái) đông... (ngờ), mang (mà cời) gói... (ngơ) lên đường... (ngờ)...

Đoái nhìn (ờ... ờ...) quê (mà cái) cũ... (ngơ), dạ nhường xót xa...a...a...a.

Khi hát hai tiếng đầu của câu sáu, gân cổ ông già nổi lên, đôi chơn mày nhuốm bạc nhướng mãi ra. Được bao nhiêu hơi tàn, ông gom lại hết để đưa cao tiếng hát. Đến khi dứt câu tám thì hơi ông đã mòn, giọng thành nhừa nhựa, lè nhè.

Lâu lắm rồi mới gặp được một dịp phô tài, ông già hớn hở trông đến tội nghiệp. Niềm phấn khởi làm tươi hẳn gương mặt đã khô héo vì nhiều thiếu thốn : từ sự phỉ chí tài tử gặp tri âm, đếm những chén cơm hàng bữa.

Sự chăm chú của khách qua đường đã kích thích đánh thức tỉnh tấm lòng nghệ sĩ bị đời ruồng  bỏ, khiến ông già hâm hở trổ hết tài nghề.

Trông ông, người ta nghĩ đến một ca nhi về lúc phấn lợt, hương phai, một đêm gặp khách viễn phương mộ danh đến trễ, gò gẫm chút duyên già, gom góp những mảnh lòng xuân còn sót lại để đáp tấm tình của kẻ tới sau, và cũng để cho lòng mình nếm dư vị muộn màng của tình ái.

Ba (mà cái) năm... ăm, cách (mà cái) biệt quê nhà...à... à...

Vợ (mà cái) con ... (mà) chẳng biết…ư...ư  nay đà thể nao (ngờ ...)

Cái thùng gỗ đưa ra những tiếng dội ồ ề như bị nhốt trong hũ lớn. Âm ba nức nở gợi những nỗi buồn quê xa vắng và thường khi, một chữ đờn vừa dứt, kim thanh còn vang động thì một chữ khác dồn tới bứt đứt hơi ngân, làm tức lên như tiếng tấm tức tấm tưởi của một người chinh phụ tiễn chồng.

Tiếng thổn thức dài của tiếng độc huyền đã làm phập phòng nhiều bộ ngực trong đám thính giả. Thỉnh thoảng người ta nghe một tiếng nấc rụt rè điểm nhịp cho lời thơ : những bà lão hay lạt lòng, ở vào trường hợp nào hơi bi thảm một chút xíu cũng thừa nước mắt đè tỏ lòng thương. Mấy ông quân nhơn hùng dũng như thế mà còn cầm lòng không đậu thay, chút chút lại thấy họ lơ đi để giấu vài giọt lệ không giữ được. Bấy giờ những ngón tay khô như nhánh héo của ông Tám Giò đã ngừng, không nắn nót, vuốt bẻ cần đờn nữa. Ông chỉ bấm nhẹ dây đờn, cho kim thanh ngắn rỉ rả để đợi chờ những đồng xu bố thí.

Chiếc đờn độc huyền trước mặt ông, với cây cần mỏng mảnh đứng sững lên, với sợi dây đồng căng từ gần đầu cần xiêng xuống thùng gỗ, trông giống như một chiếc tàu với trụ và dây V.T.Đ.

Một phút qua... Lon sữa bò cũ nẳmtrước cây đờn vẫ còn im hơi lặng tiếng.

Bỗng từ xa vang lại tiếng trống nhạc Tây : Thùng, thùng thùng...
 



Khi tiếng trống đến gần thì ông lão lại nghe xen lẫn một thứ tiếng ồ ề hơn cả tiếng cây đờn kìm của vợ chồng thằng cha Vọng cổ. Đó là một cây đờn Tây, ông lão đã nghe nói tên một đôi lần, nhưng không  biết nó ra sao.

Ông già mù sợ hãi lết sức mà nghe tiếng người rời bỏ mảnh đệm của ông. Rõ ràng là họ chạy theo tiếng nhạc kia.

Tiếng nhạc lạ hoắc vừa trổi lên, gần đâu đó :

Ôi ta buồn ta đi lang thang cung bởi vì đâu...

Điệu ca kỳ lạ khác hẳn với điệu nói thơ cố hữu của ông, tuy nghe không chướng như những bài vọng cổ nói xàm nhưng vẫn không phải là những chữ đờn quen thuộc và thân yêu.

Thằng nhỏ mía ghim, thính giả trung thành của ông, có lẽ là kẻ cuối cùng vừa bỏ ông mà chạy qua bên ấy.

Trời ơi, thật là tai hại. Có mỗi một lần thoát ách vọng cổ lại gặp ngay cái đám đờn Tây nầy, Trưa nay lấy gì mà ăn đây.

Nhưng lạ quá, chính lão mù cũng thích nghe những điệu nhạc nó đã cướp cơm của ông. Kể cả những điệu buồn, như bài gì mà có kẻ đi lang thang vừa rồi, nhạc ấy cũng vui tươi hơn điệu nói thơ của ông, nó cứ một mực áo não từ đầu đến cuối.

Bà Tư bán hàng có bốn người con . . . . .

Thì ra, cuộc đời đã biến đổi sâu lắm rồi mà lão ta không hay biết. Màu sắc của sự vật ngoài kia chắc đã ngã từ đen qua xanh xanh, đo đỏ, hồng hồng, từ bao lâu rồi, mà chỉ hôn nay ông mới chợt nhận ra sự đổi thay của màu sắc thời gian qua mấy điệu hát mới.

-  Có chết hay không ông Tám ?

Ông già nhận được giọng của vợ thằng cha vọng cổ.

-  Chết cả lũ, ông đáp, cả vọng cổ của bây cũng chết chùm với tao.

- Ông nghĩ coi, mình thì cứ đợi họ cho tiền. Nhưng khách của mình không ai thấy họ nợ nần gì mình hết. Ai cũng muốn giao phó việc từ thiện lại cho người bên cạnh. Thiệt mà ! Nào ai có hiểu mình đờn ca đâu: Tự mình hát, người ta bắt buộc phải nghe chứ không lẽ họ lại bịt tai.

Còn cái thằng cha đờn Tây kia, ai gọi nó mới hát, nó hát có giá nhứt định, chớ không phải ăn mày như chúng mình đâu.

 
Bình Nguyên Lộc

 

 

 

No comments: