Tuesday, January 6, 2015

Đọc Một Bài Thơ Hay "Hẹn Nhau Ở Một Chỗ Thiên Thu" - Nguyễn Cang



Nguyễn Cang

 

Hẹn Nhau Ở Một Chỗ Thiên Thu

 Để nhớ Nguyễn Thanh Nhã và Lê Thị Hòa Xuân, người đã không còn phải lao xao với sóng đời nghiệt ngã.

 

Buổi sáng
Ở bên này đầu sông

Mưa lất phất như sương dọc theo bờ lau sậy
Con chim ăn đêm về xoãy cánh lạnh mềm rung rẫy

Đậu rã rời
Trên nóc giáo đường nghèo mái đã ngã màu rêu

Tượng Chúa đứng một mình giữa cô tịch quạnh hiu
Ngọn cây già trước sân

Không còn gì để thay lá
Đầu Thu cũng sầu như cuối Hạ

Đâu đó mù mờ
Đôi ba người lặng lẽ quỳ đọc khúc Kinh quen

Sóng ngoài sông mệt mỏi chờ con nước lên
Bất chợt quanh đây trời nổi gió

Dưới chân tượng Chúa khẳng khiu
Người con gái từ nãy giờ ngồi im đó

Tóc chẽ sợi rối bời
Để mặc mưa tội tình trên đôi vai gầy ướt từng mỗi giọt sương

Con đường đất mòn đến bờ
Đám hoa dại không còn nữa chút hương

Trong cái lặng im của đất trời có tiếng khóc
Tay mân mê xấp thơ tình

Và cuốn nhật ký khô màu Phượng tím bầm
Viết từ ngày đầu chung học

Từ buổi trộm nhìn mà không biết nói làm sao
Giờ còn gì ngoài những nổi đau

Chưa trọn nửa đời đã đem cuộc tình chôn vội


Chờ gì đây để chất chồng buồn tủi
Đời ngắn dài gì rồi cũng một lần đi

Nước mắt khô dần lẻ bạn cuối bờ mi
Xin Chúa xót thương ban cho người hạnh phúc

Mưa bỗng dưng như trút
Người con gái thẩn thờ trong sương mù giăng đục

Từng bước chân trần buông người xuống dòng nước giữa sông
Sóng nhấp nhô theo con nước mênh mông

Đưa xác người và những lá thư tình trôi đi xa theo chiều ra biển
Người con gái bỏ đời không chờ ai tiễn

Cuốn nhật ký úa màu nương theo bờ lau sậy ngược dòng nước
Về hướng cuối  sông.



Cũng buổi sáng

Ở bên kia cuối sông
Bến cũ  không ai người đón đợi

Con đò xưa cũng chẳng có người đi

Sóng giữa dòng tan tác cõi u mê
Cái quán nhỏ ven bờ ngọn đèn đêm chưa tắt

Mưa cuối sông tím ngắt
Người con trai ngồi gục đầu ở một góc âm u

Giận gì ai sương vẫn cứ mịt mù
Mõi mắt nhìn ra sông

Miệng thì thầm hình như cố đọc bài cầu nguyện
Chút dư lệ không chờ cũng đến

Khóc lần này rồi sẽ không còn khóc lần sau
Tưởng như là hạnh phúc lúc bỏ nhau

Chỉ là những lạnh lùng của tháng ngày hờ chăn gối
Người con trai đọc lá thư tình lần cuối

Giữa nhạt nhòa của buổi sáng chưa kịp mặt trời lên
Phía ngoài kia đường

Đôi ba người lại qua chập chờn như những bóng ma đêm
Đâu đó bên này sông

Giáo đường nghèo vẫn chưa có hồi chuông đổ
Từng bước chậm đi về hướng bờ nước lỡ

Ép lá thư gọn nếp lên ngực áo mĩm cười
Sóng chập chùng sóng vội vã ra khơi

Người con trai buông theo con sông mênh mông dòng nước lớn
Xuôi đi xa


 Về một nơi không còn nữa giận hờn

Trời đất vô tình mưa từng chập mưa tuôn
Cuốn nhật ký úa màu lặng lẽ bên xác người trôi theo chiều ra biển

Cũng lần đi không chờ ai tiễn
Vĩnh biệt đời
Hẹn nhau ở một chỗ thiên thu

 Thuyên Huy

 

      Thuyên Huy, một bạn thơ rất quen thuộc trong sinh hoạt thơ văn ở Úc và Cali (Hoa Kỳ). Thơ của anh được bạn bè đón nhận một cách nhiệt tình và ưu ái. Tác giả cũng viết nhiều truyện ngắn , tùy bút, truyện dài nhưng  về thơ thì TH có sắc thái riêng khá đặc biệt ta sẽ bàn sau. Tình cảm TH được chất chứa từ những ngày thơ ấu sống ở quê nhà được tác giả giải bày bằng những lời thơ thật truyền cảm, chứa chan;  đọc  nghe bùi ngùi xúc động như chính mình là nhân vật  trong đó vậy. Tôi chọn bài thơ trên để giới thiệu với quí bạn đọc không chỉ vì bài thơ hay mà còn do sự  truyền đạt thật mạnh mẽ bằng những vần thơ có sức gợi cảm khiến người đọc cảm nhận sâu sắc. Đó là bài thơ  làm theo thể tự do, loại thuật chuyện, có vần.Trước khi tìm hiểu nội dung bài thơ trên, tưởng cũng nên nói qua vài nét về nguồn thơ của tác giả lúc tuổi còn đi học nơi quê nhà.

      Bằng lời thơ bình dị mang âm hưởng dân ca. Từ khi người bạn nhỏ  lững thững  bước chân theo mẹ về nơi chốn lạ Long Thuận, lòng tác giả buồn nhè nhẹ :  Em đi về đâu? Về đâu?

Theo mẹ về Long Thuận
Em bỏ đầm sen buồn
Từ đó sen nở muộn
Mặc đời vương sóng vương
Đường mưa bùn lầy đọng
Thôi hết cuộc chơi cò
Xóm nghèo gầy guộc trống
Khách qua đò xác xơ

 (Thuyên Huy/Theo mẹ về Long Thuận)

     Hay có lúc bâng khuâng nhớ về quê cũ , thương nhớ xóm nghèo nơi  tác giả từng sống và làm bạn với đám con trai con gái, mà nay chỉ còn là kỷ niệm:

Xóm nghèo trải lá vàng rơi
Tôi về làm kẻ nửa đời tha hương

Bên nhà ai đó mù sương
Hàng ô môi cuối bờ tường thiếu hoa

Người xa tình cũng mù xa
Gác xiêu vẹo đổ buồn tha thiết buồn

Biết ai còn nữa mà thương.

 (Thuyên Huy/ Biết còn ai mà thưong)

     Trong những kỷ niệm về tuổi học trò về tình yêu lứa đôi, tác giả ghi lại một chuyện tình đầy nước mắt đó là nội dung bài thơ tôi muốn giới thiệu với bạn đọc ở đầu bài.
    Trước khi vào chuyện tác giả giới thiệu cho ta biết hai nhân vật chánh với lời trần tình như sau: "Để nhớ Nguyễn thanh Nhã và Lê thị  hòa Xuân, người  đã không còn lao xao với sóng đời nghiệt ngã". Như vây thì câu chuyện có thật, dẫu hư cấu nhưng nó vẫn là thật cho xã hội và cuộc sống thường tình ở bất cứ thời đại nào trong nước ta và cho cả những nước khác.

    Thời gian ở  đây là buổi sáng bên nầy dòng sông , mưa lất phất bay, lướt dọc theo bờ lau sậy. Bất chợt xuất hiện một con chim bay về muộn sau môt đêm săn mồi, mỏi cánh đậu run rẩy trên nóc giáo đường  mái bạc màu rêu. Cạnh đó là tượng Chúa đứng cô đơn giữa không gian u tịch , thêm vào là ngọn cây già trụi lá. Không gian ở đây lại càng u buồn suốt những  năm dài tháng tận, vì đây là vùng quê hẽo lánh một vài giáo dân đi lễ nhà thờ cuối tuần. Ngoài sông, nước ròng mỏi mệt chờ con nước lớn. Bỗng một cơn gió nổi lên , và từ dưới  chân tượng Chúa một người con gái lặng lẽ bước ra , tóc chẻ rối bời, mặc cho mưa gió vô tình chụp lên bờ vai gầy xơ xác. Trong không gian u tịch chợt có tiếng khóc , tiếng than, tiếng thở dài hòa lẫn với tiếng gió, tiếng mưa bay:

 
Buổi sáng

Ở bên này đầu sông

Mưa lất phất như sương dọc theo bờ lau sậy

Con chim ăn đêm về xoải cánh lạnh mềm run rẩy

Đậu rã rời

Trên nóc giáo đường nghèo mái đã ngã màu rêu

Tượng Chúa đứng một mình giữa cô tịch quạnh hiu

Ngọn cây già trước sân

Không còn gì để thay lá

Đầu Thu cũng sầu như cuối Hạ

Đâu đó mù mờ

Đôi ba người lặng lẽ quỳ đọc khúc Kinh quen

Sóng ngoài sông mệt mỏi chờ con nước lên

Bất chợt quanh đây trời nổi gió

Dưới chân tượng Chúa khẳng khiu

Người con gái từ nãy giờ ngồi im đó

Tóc chẻ sợi rối bời

Để mặc mưa tội tình trên đôi vai gầy ướt từng mỗi giọt sương

Con đường đất mòn đến bờ

Đám hoa dại không còn nữa chút hương

Trong cái lặng im của đất trời có tiếng khóc.

       Tay mân mê những bức thư tình thời còn đi học. Tuổi học trò là tuổi thơ ngây tuổi mộng mơ , chỉ cái liếc mắt, một lời nói ỡm ờ mà sao nghe lòng xao xuyến bâng khuâng. Nhưng nay người  con gái mân    những lá thư tình như  muốn nhắn nhủ người yêu lời vĩnh biệt, và xin Chúa hãy phù hộ cho người yêu được tròn hạnh phúc bên người vợ trẻ. Còn nàng, xin vĩnh biệt cõi trần gian!!

 
Tay mân mê xấp thơ tình

Và cuốn nhật ký khô màu Phượng tím bầm

Viết từ ngày đầu chung học

Từ buổi trộm nhìn mà không biết nói làm sao

Giờ còn gì ngoài những nỗi đau

Chưa trọn nửa đời đã đem cuộc tình chôn vội

Chờ gì đây để chất chồng buồn tủi

Đời ngắn dài gì rồi cũng một lần đi

Nước mắt khô dần lẻ bạn cuối bờ mi

Xin Chúa xót thương ban cho người hạnh phúc.

      Rồi bất ngờ cơn mưa lớn trút nước thật nhanh, trong màn sương mịt mù thấp thoáng bóng người con gái đi từ từ trong mưa, nàng bước xuống dòng sông đang chảy xiết, nước  cuốn thân xác nàng xuôi ra biển. Lá thư tình , cuốn nhật ký đời nàng cũng theo dòng nước ra khơi để lại bên đời bao nhớ mong, nàng đi không một người đưa tiễn vì nàng đã quyết định đi vào cõi vĩnh hằng nơi đó không còn hận thù , ganh tỵ:

Mưa bỗng dưng như trút

Người con gái thẩn thờ trong sương mù giăng đục

Từng bước chân trần buông người xuống dòng nước giữa sông

Sóng nhấp nhô theo con nước mênh mông

Đưa xác người và những lá thư tình trôi đi xa theo chiều ra biển

Người con gái bỏ đời không chờ ai tiễn

Cuốn nhật ký úa màu nương theo bờ lau sậy ngược dòng nước

Về hướng cuối  sông.

    

    Câu chuyện nối tiếp bằng cảnh buổi sáng cuối sông, nơi đây là bến cũ chỗ hai người từng hẹn hò yêu đương, nay sao vắng ngắt! Con đò xưa còn đó mà người xưa đâu rồi? Cuộc tình đã lỡ, còn ai đón, ai đưa? Nước sông gợn sóng , khói mù, sương phủ bao la. Quán nhỏ bên sông im lìm , ngọn đèn khuya chưa tắt cho tới sớm mai nầy. Một người con trai ngồi trong góc khuất mỏi mắt nhìn ra phía bờ sông như muốn tìm ai đó, trên miệng thì thầm lời kinh cầu nguyện , hay một lời xin tha thứ. Như không nén nỗi xúc động dâng tràn người thanh niên bật lên tiếng khóc, để không còn cơ hội để khóc nữa.

    Tình yêu dang dỡ, ôm hận cả đời, chàng chia tay người yêu về lấy vợ, tưởng rằng cuộc hôn nhân nầy sẽ xóa đi tình hận xưa kia , ai ngờ càng cố xua thì nổi đau càng ngấm sâu vào lòng làm ray rức như xé nát con tim. Tới đây người con trai chợt móc trong túi áo ra một lá thư rồi đọc lầm thầm lần cuối bức thư tình mà chàng còn giữ làm kỷ niệm, giữa cái không gian nhạt nhòa của buổi ban mai sương tan chưa hết:

 

 Cũng buổi sáng

Ở bên kia cuối sông

Bến cũ  không ai người đón đợi

Con đò xưa cũng chẳng có người đi

Sóng giữa dòng tan tác cõi u mê

Cái quán nhỏ ven bờ ngọn đèn đêm chưa tắt

Mưa cuối sông tím ngắt

Người con trai ngồi gục đầu ở một góc âm u

Giận gì ai sương vẫn cứ mịt mù

Mỏi mắt nhìn ra sông

Miệng thì thầm hình như cố đọc bài cầu nguyện

Chút dư lệ không chờ cũng đến

Khóc lần này rồi sẽ không còn khóc lần sau

Tưởng như là hạnh phúc lúc bỏ nhau

Chỉ là những lạnh lùng của tháng ngày hờ chăn gối

Người con trai đọc lá thư tình lần cuối

Giữa nhạt nhòa của buổi sáng chưa kịp mặt trời lên

    
    Cảnh ban mai chốn nầy sao mà ảm đạm, vài ba người đi qua như bóng ma, giáo đường nghèo nên giáo dân chỉ đến muộn vài ba người,  không ai đổ hồi chuông hành lễ buổi sáng. Chàng trai đứng dậy bước đi về hướng bờ sông , tay ép lá thư vào ngực, bất ngờ chàng buông mình xuống dòng sông, dòng nước cuồn cuộn cuốn thân xác về một nơi vô định , nơi nầy không còn hờn giận, thế giới không hận thù. Nước vẫn vô tình chảy xiết, mưa vẫn tầm tả tuôn nhanh. Cuốn nhật ký theo xác người trôi xuôi ra biển hay tấp vào một nơi nào không ai biết. Khung trời buổi sáng, sương phủ màu tang, không một bóng người đưa thân xác về nơi an nghỉ cuối cùng. Chàng trai vĩnh viễn ra đi , người con gái cũng vĩnh viễn ra đi.  Hai linh hồn sẽ gặp nhau ở một nơi yên bình  không  nước mắt và hận thù : chốn thiên thu.

 
Phía ngoài kia đường

Đôi ba người lại qua chập chờn như những bóng ma đêm

Đâu đó bên này sông

Giáo đường nghèo vẫn chưa có hồi chuông đổ

Từng bước chậm đi về hướng bờ nước lỡ

Ép lá thư gọn nếp lên ngực áo mĩm cười

Sóng chập chùng sóng vội vã ra khơi

Người con trai buông theo con sông mênh mông dòng nước lớn

Xuôi đi xa

Về một nơi không còn nữa giận hờn

Trời đất vô tình mưa từng chập mưa tuôn

Cuốn nhật ký úa màu lặng lẽ bên xác người trôi theo chiều ra biển

Cũng lần đi không chờ ai tiễn

Vĩnh biệt đời

Hẹn nhau ở một chỗ thiên thu.

  
     Sau khi phân tích nội dung ý nghĩa bài thơ, sau đây ta phân tích về nghệ thuật xây dựng, kết cầu câu chuyện. TH khéo khai thác tâm lý nhân vật khiến người đọc hiểu và thông cảm hay phê phán cách hành xử của từng nhân vật, tùy theo nhãn quan của mỗi người. Người đọc vừa chia sẻ câu chuyện như mình là nhân vật trong đó. TH đã dẫn độc giả nhập vào câu chuyện để chia sẻ với nhân vật, tức là TH tạo cho người đọc một sự cảm nhận tích cực. Đó là ưu điểm của người làm thơ biết vân dụng yếu tố tâm lý, kỷ thuật diễn đạt. Cảnh buồn thì người cũng buồn theo. Tả cô gái sắp đi quyên sinh trên dòng nước thì TH dùng những yếu tố bên ngoài để hỗ trợ cho cảnh đau thương sắp xảy ra : con chim xoải cánh bay dật dờ , đậu run rẩy trên nóc giáo đường, cây già trụi lá, dòng sông mỏi mệt chờ nước lớn, tượng Chúa đứng trơ trụi buồn thiu v.v. những hình ảnh nầy làm cho người đọc hồi hộp theo dõi tai họa sắp xảy ra cho người con gái :
 
Con chim ăn đêm về xoải cánh lạnh mềm rung rẫy

Đậu rã rời

Trên nóc giáo đường nghèo mái đã ngã màu rêu

Tượng Chúa đứng một mình giữa cô tịch quạnh hiu .

    

     Về tâm lý nhân vật, TH biết khai thác triệt để yếu tố tâm lý, đến tận cùng những ngóc ngách tâm tư thầm kín và diễn biến tâm lý xảy ra từng lúc.Tả tâm trạng người con gái tuyệt vọng trong  tình yêu đưa đến quyết định tự vận, thì trước khi trầm mình cô gái bước đi trong cơn mưa làm ướt sũng mái tóc rối, bờ vai gầy. Mặc kệ! đã đi tự vận thì cần chi dù che, nón đội? Rồi như luyến tiếc di vật cuối cùng nàng làm cử chỉ mân mê những lá thư tình như mân mê người yêu vậy. Trong nỗi tuyệt vọng nàng bật lên tiếng khóc xé lòng. Tác giả khéo diễn tả tâm lý đoạn nầy cũng như những đoạn sau , khiến người đọc khó cầm được nước mắt , xót thương cho nàng!

    Xây dựng cột chuyện hợp lý , sắp xếp thứ tự, diễn tiến điều hòa. Tình tan vở, người đi lấy vợ kẻ ở lại buồn cô đơn. Khi nỗi cô đơn dâng lên tận đỉnh của tuyệt vọng thì người ta nghĩ  tới tự vận đễ giải thoát bế tắc trầm luân (đó là logic lý luận nhưng không hợp tình!). Người con gái đã làm theo cái logic đó. Thật tội nghiệp cho sự nông nổi ! Tới phiên người con trai cũng hành xử như vậy. TH biết vận dụng yếu tố nầy làm cho câu chuyện thêm gay cấn, người thì kết án cô gái là nông nổi kẻ thương cảm sâu xa!

Truyện kể của TH giống như chuyện tình Romeo- Juliet (chuyện tình mọi thời đại) của Tây phương, cũng dẫn tới cái chết của hai kẻ yêu nhau mà không được chung sống với nhau.Và kết luận cho những cuộc tình nầy là không nên chết, chỉ dang dỡ thôi thì mới đẹp mới đáng ca tụng:

 
Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ

Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.

  Hồ Dzenh)

 

Hay chừng mực như Xuân Diệu, vẫn mang tính lãng mạn đáng yêu, tình yêu tuy đau khổ vì không được yêu nhưng không tuyệt vọng, chết chìm ; trong cái đau khổ vẫn tiềm ẩn niềm hạnh phúc:

 
Yêu là chết trong lòng một ít

Vì mấy khi  yêu  mà lại được yêu

Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu

Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết.

 
(Xuân Diệu)

   

Trong văn chương Việt Nam không thiếu gì tiểu thuyết viết về tình yêu, êm đẹp cũng có mà lãng mạn cũng có. Cuộc tình trong văn chương thường kết cuộc bi thảm, có khi chia tay mà còn giữ trọn tình đầu cho nhau, có khi chia tay, người sống  hạnh phúc kẻ tự vận lìa xa cõi trần hoặc thất vọng, buồn bực rồi sanh bịnh, chết. Trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam, giai đoạn 1932-1945, tức đầu thế kỷ thứ 20, nhà văn Song An Hoàng Ngọc Phách đã viết quyển tiểu thuyết "Tố Tâm" gây chấn động trong giới trẻ thời bấy giờ bằng cách xây dựng đề tài, lấy bối cảnh hai trẻ yêu nhau say đắm mà không lấy được nhau làm cả hai đau khổ, nhưng vì yếu đuối mà nhân vật nữ Tố Tâm sanh bịnh rồi chết. Vậy mà thời đó có nhiều học sinh sinh viên trẻ cũng yêu nhau , không lấy nhau được đành quyên sinh cho trọn tình trọn nghĩa với người mình yêu. Thật lãng mạn và nông nổi, đáng trách! Tôi không nghĩ TH dựa vào tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách mà dựa vào câu chuyện thật nào đó mà tác giả đã gặp, nay nhớ lại thấy thương cho hai bạn mà cảm tác bằng bài thơ tự do có vần.

   TH còn kết hợp một cách sinh động tả cảnh đi đôi với tả tình. Tình và cảnh vừa kết hợp vừa đan xen vào nhau khiến bài thơ có hồn và sinh động.Người con trai gục đầu (tả tình buồn, gục đầu) vào một góc tối âm u ( tả cảnh) , rồi ngẫng đầu lên, mắt nhìn ra bờ sông , bật lên tiếng khóc trong cổ  họng ( tả tình), dòng sông có sóng vỗ tan tác, trên trời mưa bay bay( tả cảnh), miệng lầm thầm đọc lá thư lần cuối  (tả tình):

 

Người con trai ngồi gục đầu ở một góc âm u

Giận gì ai sương vẫn cứ mịt mù

Mỏi mắt nhìn ra sông

Miệng thì thầm hình như cố đọc bài cầu nguyện

Chút dư lệ không chờ cũng đến

Khóc lần này rồi sẽ không còn khóc lần sau.

      Bây giờ xét đến bút pháp của TH, trong đó tôi nhận thấy điểm nổi bật là cách dùng chữ, đặt câu. Chữ thì chọn lọc, tác giả nâng niu từng con chữ, không thể sơ suất hoăc hời hợt. "Mưa lất phất" là mưa nhẹ, bay bay theo gió. Mưa không chỉ đơn giản rớt hột rồi tắt mà mưa đuổi theo gió chạy dài dọc theo bờ lau sậy. Con chim lạnh cánh mềm run rẩy, đậu rã rời là những những hình tượng thật sống động , diễn tả sự mệt mỏi của chim mà cũng là sự chán  nản tuyệt vọng của con người, cụ thể ở đây là người con gái :

 
(Mưa lất phất như sương dọc theo bờ lau sậy

Con chim ăn đêm về xoải cánh lạnh mềm run rẩy

Đậu rã rời ).

 
    Câu "Dưới chân tượng Chúa khẳng khiu", từ ngữ "khẳng khiu" cho thấy TH nhân cách hóa bức tượng  thật sắc  nét, chỉ một người hay tượng Thánh đứng trơ ra đó giữa trời sương lạnh , thân gầy còm , da bọc xương, thật tội nghiệp! Câu " Trong cái lặng im của đất trời có tiếng khóc", cực tả nỗi đau tột cùng của sự chịu đựng bởi người con gái bất hạnh. Không gian im lặng , trời đất cũng im lặng thì còn ai để chia sẻ hay cứu vớt một  linh hồn đang sắp chết đuối?

   TH đã khéo  chọn lọc những từ ngữ rất đắc địa có sức thuyết phục cao, đánh động lương tâm người đọc, khiến ta không khỏi bùi ngùi thương cảm người con gái như thương chính bản thân mình . Và, còn rất nhiều từ ngữ khác nằm rải rác trong suốt bài thơ, tôi chỉ nêu vài chữ, câu tiêu biểu mà thôi.  

    Đọc xong bài thơ tôi cảm thấy còn vướng mắc cái gì chưa thỏa đáng, đó là tôi chưa tìm thấy sự liên hệ mật thiết giữa hai nhân vật chánh trong thơ. Tác giả chỉ cho biết hai người chết đi như  là một cách giải thoát sự bế tắc tình cảm để tìm về cõi thiên thu không còn hận thù phiền não, tức nhiên một người không phải tự dưng mà đi tìm cái chết. Lý do chính là, hai người yêu nhau tha thiết, nhưng anh chàng kia bỏ đi cưới vợ làm cho cô nàng tuyệt vọng mới đi tìm cái chết. Còn anh chàng kia thì hối hận nên cũng đi tìm cái chết khi nghe tin bạn tình xưa trầm  mình tự vận, nhưng  ở đây TH chưa nói rõ sự liên hệ yêu đương trước giữa hai người,  cứ tưởng họ chết vì  một lý do nào khác.Mặc dầu TH có nói "họ hẹn nhau ở một chỗ thiên thu", nếu không có tình cảm trước thì hẹn nhau để làm gì? Cho nên tôi đề nghị thêm vài chữ vào câu cuối nầy "họ hẹn nhau ở một chỗ thiên thu, để tình yêu hai người không còn ngăn cách". Như vậy ý mới rõ ràng, không còn gây thắc mắc nơi người đọc nữa.

    Thuyên Huy đã sáng tác một bài thơ hay. Đọc thơ của anh tôi như tìm lại được tuổi thơ của mình, và ngoài ra với bài thơ trên ta lại được thưởng thức những nét đẹp khác của một thể thơ tự do, mà tác giả đã tỏ ra già dặn trong nghệ thuật sáng tác thơ, đem đến cho chúng ta một món ăn tinh thần thật  bổ ích.

 Bằng một số thiển ý chủ quan của mình, bài viết có thể không hẳn là hoàn toàn đúng lắm, nhưng tôi xin được hân hạnh chia sẻ với quí anh chị trong tinh thần của một người yêu thơ văn.

 
Nguyễn Cang

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments: