Wednesday, January 14, 2015

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu ( Chương Ba & Bốn) - Thuyên Huy


Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu
 
 
 
Chương Ba

 
    Luân về Vên Vên ăn tết với gia đình Toàn. Toàn mượn cái xe honda của ông anh ba, chở đi thăm mộ mẹ Luân mỗi ngày, từ chiều ba mươi tới mùng ba tết. Chiến trận tăng dần, một ngày một nặng nề hơn. Nghĩa trang nơi chôn cất bà bây giờ không mấy an ninh, cho nên hai người không dám ở lại lâu như ngày trước. Hai bên đánh nhau rất thường vòng vòng khu này trong đêm. Du kích Việt Cộng từ phía mật khu Bời Lời, bên kia sông hay về phục kích chận đường tuần tiểu của lính Địa Phương Quân xã. Du kích Việt Cộng cũng dùng đường dọc sông lần theo truông ra đắp mô gài mìn trên tỉnh lộ khoảng giưã Bến Mương và Vên Vên. Ngôi chùa cuối đồi không còn ai nữa, ngay cả ông sư già cũng đã bỏ đi. Mái ngói sụp phủ xuống gần phân nửa chánh điện. Nhang khói lạnh lùng, chuông treo tội tình nhện giăng bụi bám. Chắc có lẽ lâu lắm rồi Trà Vỏ không còn tiếng chuông Bến Đình của ngày rằm tháng bảy, tiếng chuông mà Luân trông đứng trông ngồi, để được theo mẹ đi chùa ăn cái bánh bò màu đỏ, sau khi cúng Phật trong những ngày còn nhỏ và còn có mẹ.

    Phố chợ bắt đầu đông đảo trở lại sau những ngày Tết. Tiệm cơm bác sáu còn đóng cửa nghỉ cuối năm, cho nên Luân rảnh rỗi được đôi ngày. Học trò vào học lại, đem theo dư âm của bánh tét pháo lân thèm thuồng mất mác. Hàng phượng già đứng trơ vơ buồn hiu, không có lấy một cánh hoa làm duyên với gió, mặc dù là trời đã đầu xuân. Hoa giấy đỏ phủ đầy cái cổng trường trơ gan cùng mưa nắng. Mùi pháo đốt vội từ phía dãy nhà bên kia sân trường, vẫn còn lang thang quanh quẩn theo tiếng nhạc mừng xuân, trong quán nhạc vẳng ra, làm người qua đường bước ngập bước ngừng, nửa đi nửa ở. Hân đứng chờ Luân ngay đầu ngõ rẽ về nhà, đưa cho cái thư của Hiên nhờ trao lại. Cầm thư trong tay, Luân cùng đi với Hân dọc theo đường Trần Hưng Đạo là đường về nhà Hân thay vì về gác trọ. Hân kể cho Luân nghe vài chuyện tâm tình mà Hiên đã nói, trong đó có Luân, với những cảm thông nào đó với Hiên. Luân chào Hân trong vội vã khi đến cuối đường vào phố.

    Thư Hiên viết không nhiều nhưng có vẻ gói ghém đủ những gì muốn viết. Hiên xin Luân đừng cho Hiên là người vô tình nếu Luân chịu nhớ lại đôi chuyện vụn vặt ngày xưa, khi hai đứa còn đầu chợ cuối chợ. Hiên hiểu và hiểu thật nhiều cái mặc cảm con nhà nghèo của Luân mỗi khi Luân cố tình tránh đường, không chịu đi ngang hành lang có treo cái trống trường làng, trong giờ chơi buổi sáng. Luân không biết là Hiên đã vui mừng tở mở, khi thầy Ngôn gọi tên Luân lên lãnh phần thưởng hạng nhất, ngày lễ phát thưởng cuối năm lớp nhất. Hiên đã cất dấu nụ cười thơ ngây trong đời mình cho mãi đến bây giờ. Trong thư, Hiên hỏi Luân còn nhớ có lần Hiên qua nhà hỏi mượn tập thơ TTKH, trong đó có bài Hai Sắc Hoa Ti Gôn khi Luân về thăm nhà từ trường tỉnh, mặc dù Luân và Hiên không học chung trường. Ngày mẹ Luân mất, Hiên đứng khóc ngỡ ngàng một mình, từ bên này chợ khi cái quan tài được khiêng đi, khuất dần theo con đường mòn cuối xóm. Cái khóc một mình đó Hiên cũng còn cất giữ trong đời mình. Cuối thư, Hiên xin lỗi đã ngại ngùng phải nhờ Hân trao lại thư cho Luân, xin Luân xem Hiên là một người bạn đáng thương hơn là một người đáng ghét. Luân xếp lá thư nằm gọn trong tay, nhìn mông lung xuống đường, hình như đám hoa sứ già, trong sân vườn của cái biệt thự bên kia đường chợt như rung rẩy rụng.

    Trưa chủ nhật, anh Hùng, Tài đem xe honda đến chở Luân và Toàn vào chợ Long Hoa ăn cơm chay vì hôm nay là ngày rằm. Mùa thi sắp tới nơi rồi, chưa người nào chịu chong đèn đọc sách, cứ tụm năm tụm ba lang thang ngoài phố, nhìn trời nhìn người, dù ai cũng biết rằng quân trường đang rộng cửa chờ đâu đó. Họ  chạy xe vòng vòng đủ hết nhà đám bạn trong chợ, giữa cái nắng chang chang ươm mùi bụi đỏ của đường trong ngõ ngoài. Ghé tạt vào chợ Thương Binh, mua vội mấy trái bắp mới hái trên đường về, bỏ lại sau lưng Long Hoa bụi vẫn còn vương vương mấy ngõ. Qua ngang trường Văn Thanh, thấy quán sinh tố Hằng Phương, nằm cạnh tiệm sách Diễm, học trò tấp nập, bọn Luân tấp vào theo lời anh Hùng đề nghị. Trời vẫn còn ngập nắng, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát tỉnh bên kia lặng im và trống vắng. Toàn đi qua tiệm sách, bỏ bọn Luân ngồi lại quán, vài người bạn cùng lớp bước vào, trên tay mân mê quyển Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Triết Học thơm mùi giấy mới. Thì ra hôm nay tiệm sách Diễm vừa có, Cô Quỳnh đã mua giùm Luân cuốn này, mươi ngày trước đây, khi cô về Sài Gòn thăm nhà. Trong sách có bài viết của Phạm Công Thiện, đáp lời bài Nói Với Tuổi Hai Mươi của Nhất Hạnh bằng tâm tình và bực dọc của những người trẻ, qua hình thức lá thư, gởi cho nhân vật tên Hồng. Bài viết rất hay, đám học trò đang chuẩn bị thi Tú Tài, một hay hai gì, không ai không đọc, ít nhất cũng một lần vì ai cũng đã ngẩu nhiên là nhân vật người trẻ trong bài viết, đang đứng chơi vơi giữa đôi bờ  chiến tranh và sách vở.

    Luân lặng người đi, khi thấy Toàn trở lại có Hân và Hiên theo sau. Anh Hùng đứng dậy kéo ghế rồi đi kêu thêm mấy ly sinh tố. Tài nhanh nhẩu nhìn Hiên cười nhưng nói về hướng Luân:

- Chị Hiên chiều nay mặc cái áo vàng đẹp quá !

- Tài quên là có người khác đẹp hơn đó nghe. Hiên hồn nhiên đáp lời Tài. Tài nhìn Hân nheo mắt:

- Dù có ai đó đẹp hơn, nhưng thử hỏi anh Luân xem, chiều nay anh về yêu hoa cúc hay mến lá sân trường ?

- Anh Tài nhà ta bữa nay thơ văn quá nghe ! Anh Hùng buột miệng rồi quay qua Hân:

- Hai cô đi lạc đâu đây ?

Hân đánh nhẹ vào tay Hiên:

- Thì em nghe lời Hiên nè, đi mua cuốn sách mới của Phạm Công Thiện. Hiên nói là có bài viết thấm thía lắm, nhất là nếu mấy anh đọc. Hân vừa nói vừa lấy sách trong bao giấy ra để lên bàn. Toàn cầm lấy cuốn sách lật qua lật lại vài trang rồi nhìn Hiên:

- Hiên đọc trang nào chưa ?

- Em mới nghe chị Nguyên nói hay lắm nên rủ Hân đi mua. Hiên nhỏ nhẹ đáp.

- Đùa cho vui, chớ tụi này đọc nhiều lần rồi, càng đọc càng thấy thấm thiệt đó. Toàn bỏ lửng lời, nhìn ra ngoài đường. Anh Hùng nhìn Luân ra chiều hỏi ý. Từng chữ viết trong thư Hiên hình như vẫn còn hằn rõ, trong khoảnh khắc nào đó, Luân muốn nói với Hiên thật nhiều, nhưng có cái gì vướng mắc quẩn quanh làm Luân lặng thinh, một cái lặng thinh cố tình. Luân nhìn Hiên cám ơn cái thư mà Hiên đã viết hết sức chân tình cho Luân và hứa sẽ trả lời. Hiên cầm lấy tay Hân xiết nhè nhẹ khi Luân dứt lời. Mắt Hiên chợt ửng đỏ, cúi mặt không nhìn Luân nói nhỏ, dường như muốn chỉ nói cho Luân:

- Hiên cám ơn anh Luân !

    Anh Hùng đứng dậy trả tiền. Đèn đường ngoài kia lên thì đêm cũng vừa xuống thấp. Tiếng quân xa bắt đầu ầm ỉ hơn trên phố. Hỏa châu cũng lại bập bùng nhạt nhòa như những đêm trước đó. Bọn Luân đứng chờ xe đạp của Hân và Hiên đi khuất cuối bờ tường Toà Án tỉnh rồi mới chịu bỏ đi. Anh Hùng lấy bắp mua lúc chiều về nhà nấu, sáng mai đem vào trường ăn trong giờ ra chơi.

    Bài vở học thi càng lúc càng nhiều, bọn Luân ít gặp nhau hơn trừ những giờ trong trường trong lớp. Đường phố không còn ai đó lang thang sau giờ tan học. Cành lá khẳng khiu rớt nằm trơ trọi bên lề, không còn ai đó bẻ vụn bẻ vặt, ấp úng thẹn thùng khi nghe người ta nói đã mến đã thương. Công viên đầu sông, chia đôi cái thành phố nhỏ nhoi, giờ đây buồn hiu vì vắng người ngồi bên nhau, thả tóc bay dài theo chiều gió muộn khi hoàng hôn xuống. Tiếng ve sầu bắt đầu rộn rã quanh trường. Hàng phượng già nua tỉnh mình sau giấc ngủ dài, rộ trải hoa đỏ bầm màu máu. Học trò lớp nhỏ rạo rực nhặt hoa rơi, ép vào tập sách, nao nức chờ trao nhau viết trang lưu bút. Tiếng ai đó trong bài Nổi Buồn Hoa Phượng buồn tênh như đoạn kinh thánh chiều chủ nhật. Luân đón Hiên ngay cổng trường, đưa cho Hiên thư trả lời như đã hứa. Thư  viết thật ngắn để Hiên yên lòng là Luân đã đọc thư Hiên rất nhiều lần, Luân sẽ cố hiểu những gì mà Luân đã một thời không chịu hiểu. Hiên cầm thư trong tay cười trọn vẹn, một cái trọn vẹn Luân chưa thấy lần nào, kể từ ngày gặp Hiên trong quán nước hôm mưa đó. Đến tiệm cơm, nghe bác sáu gái hỏi vọng ra, hôm nay có chuyện gì xem thằng Luân vui vẻ quá, Luân mới chợt nhận ra là mình đã hát vu vơ trên đường về.

    Rồi hè cũng đến, đến không đợi không chờ, xác phượng rơi ngập đầy lối rẽ trong sân trường vàng úa cỏ. Người đi xa mang theo trời nhung nhớ, người ở lại nén lòng buồn hắt buồn hiu. Ai đó khẽ trộm nhìn quanh sân trường quạnh quẽ, chợt thấy hồn mình tan tác theo từng một tiếng ve. Ôm ấp quyển lưu bút trong tay để không còn phải luyến lưu với mớ sách vở giờ đã thành vô nghĩa, tay nắm lấy tay, nhìn nhau không rời, không con tàu không sân ga, tạm biệt không là giã biệt. Tiếng chuông reo lần cuối tan trường. Hè ngấp nghé quanh sân chờ cổng khép.

    Buổi chiều, trước hôm xuống Sài Gòn, chuẩn bị cho kỳ thi, anh Hùng đến nhắc Luân mang một số đồ đạc về nhà anh cất, vì Luân sẽ vắng nhà ít nhất hơn tuần lễ. Luân sẽ ở tại nhà ông chú của anh Hùng thay vì qua ở với Toàn bên cư xá Lữ Gia, Toàn xuống Sài Gòn sau Luân mấy ngày. Chưa chọn lựa được gì thì Hiên đến. Anh Hùng hỏi Hiên vài câu qua loa rồi bỏ đi, hẹn tối trở lại đón.

Anh Hùng đi rồi, Hiên vẫn còn đứng ngập ngừng ngoài bao lơn gác. Luân quơ vội mớ sách ngổn ngang trên bàn bỏ lên kệ sách, rồi mời Hiên vào trong. Hiên ấp úng nói lời xin lỗi cho sự có mặt của mình. Không đợi Luân trả lời, Hiên nhìn Luân hồn nhiên:

- Chừng nào anh Luân đi Sài Gòn?

- Sáng mai đi cùng với gia đình anh Hùng.  Luân vừa nói vừa nhìn tờ lịch trên tường.

- Ngày mai Hiên cũng về Trà Vỏ, ở đó rồi đi Sài Gòn luôn. Chiều nay sau khi đến từ giã Hân về, em năn nỉ lắm Hân mới cho biết anh ở đây.

- Hân kín miệng thiệt, chỗ anh ở có gì đâu mà dấu. Tuy trả lời vậy nhưng Luân biết là Toàn đã bảo Hân không cho biết chổ Luân ở, mặc dù Luân không hề yêu cầu Toàn chuyện này. Luôn miệng Luân cám ơn Hiên đã đến chào.

- Anh còn ghét Hiên dữ lắm sao ?

- Sao Hiên lại hỏi như vậy, Hiên chưa đọc thư sao?

- Vì còn ghét cho nên anh viết thư có chừng đó chữ!

- Viết ít mà có nhiều ý nghĩa lắm đó. Luân trả lời Hiên trong tâm trạng dối lòng. Thật ra Luân cũng định viết một cái thư dài cho Hiên, nhưng những ý tưởng mà Luân gói ghém viết ra lúc đầu hình như chỉ là đôi lời định mạng, trách móc thân phận nhiều hơn là thông cảm.

- Hiên đến thăm anh lần này vì không biết là mình sẽ còn có dịp gặp nhau thường nữa không, sau kỳ thi. Là con trai, anh biết rồi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu một mai có người thi rớt. Định mệnh đôi khi nghiệt ngã quá phải không anh. Hiên chúc anh thi đậu và Hiên cũng sẽ cầu nguyện đất trời và hương hồn hai bác phù hộ cho anh như Hiên đã làm từ ngày anh bỏ Trà Vỏ đi. Luân sững sờ lặng người, cố nén cái xúc động thật lòng, mà chưa bao giờ Luân nghĩ là sẽ có trong đời mình, khi Hiên nói.

- Con người ai cũng có số mạng mà Hiên !

Luân nhìn Hiên gượng cười tìm cách nói qua chuyện khác:

- Bài vở Hiên ra sao, chắc thuộc hết rồi, cố gắng nghe!

Hiên nhoẻn miệng cười thật đẹp. Luân cùng Hiên bỏ lững câu chuyện ở đó. Anh Hùng cũng vừa đúng lúc trở lại đón. Trời sụp tối và có phần nhuốm lạnh, anh Hùng dựng xe chờ dưới sân trước. Luân tiễn Hiên ra cổng, Hiên chào anh Hùng rồi quay qua Luân nói nhỏ:

- Xin anh biết cho là anh còn có một người nhớ người thương!

Trong bóng đêm vàng vỏ, Hiên khuất ở cuối đường như một thiên thần sáng rực trong mắt Luân.

 


Chương Bốn

 

    Luân và Toàn đón xe đó về Tây Ninh thật sớm sau ngày có kết quả thi tú tài một. Toàn xuống xe ở Vên Vên còn Luân thì xuống xế chợ Trà Vỏ. Theo con đường đất ngang làng, Luân cố đi thật nhanh để thăm mộ mẹ, trước khi có thể bắt kịp chuyến xe chót từ Gò Dầu Hạ về tỉnh. Nắng trải dài trên mộ một màu vàng hực. Đám hoa mười giờ mà Luân với Toàn trồng chung quanh hôm trước Tết giờ đã nở rộ. Tình hình làng xóm có vẻ không mấy an ninh cho lắm. Thỉnh thoảng vài người lính nghĩa quân mang súng đi ngang nhìn Luân không hỏi lời gì. Luân ràng rụa nước mắt báo mẹ tin thi đậu, rồi ngồi bên cạnh mộ cho đến giữa trưa. Khu rừng cây Sao ngày xưa Luân cùng đám bạn con nhà nghèo, thằng Thanh, thằng Côn chơi đùa, bên kia nghĩa trang vẫn còn vài tiếng ve gọi hè lẻ bạn. Một người phu cạo mủ về nhà nghỉ trưa, cho Luân quá giang theo xe đạp cũ của anh ra đến tỉnh lộ. Mùa này rừng cao su vẫn chưa thay màu lá. Chuyến xe chót vừa về tới bến, thành phố cũng chập chững lên đèn. Luân đón xe lôi máy về tiệm cơm bác sáu trước, thay vì về nhà mình. Mấy hôm Luân vắng mặt, có đứa cháu gái xa của chị Ánh đến giúp vì nó đang nghỉ hè. Hay tin Luân thi đậu, hai bác sáu vui mừng khôn xiết, chị Ánh lăng xăng nói nhỏ nói to gì đó với mấy người quen trong tiệm, bác gái hối hả giục Luân ăn cơm vì sợ Luân đi xe cả ngày rồi đói. Luân ở lại phụ dọn dẹp, nói chuyện với hai bác, về đến nhà trời đã khuya từ lâu.

    Luân đến phụ hai bác hai buổi, thay vì buổi chiều như trước, những ngày sau đó. Bọn Luân lại tụm năm tụm ba hát hò lang thang đầu sông cuối phố, sau khi lãnh cái chứng chỉ trắng phao in hằn con dấu đỏ của hội đồng khảo thí. Cả bọn đôi khi kéo đến tìm Luân ở tiệm cơm, rồi dẫn nhau đi chơi biền biệt, hai bác chỉ nhìn theo cười nhăn cả mặt. Không nhắc nhở gì tới Hiên nhưng thật tình lòng Luân vẫn mong muốn gặp, trong nỗi ray rứt nhớ nhung ngày xưa và thổn thức bây giờ. Luân chợt biết ra là mình còn có một người thương như Hiên đã nói thật rồi.

    Ngày nộp đơn ghi danh học đệ nhất, Luân đến trường thật sớm. Buổi sáng vẫn còn lờ mờ sương, dù trời đã có pha chút nắng. Hành lang thơm phức mùi tường vôi mới. Sân trường bắt đầu có người. Nhóm hai nhóm ba hỏi han to nhỏ, học trò cũ ung dung thư thái, học trò mới từ trường khác bước thẹn bước thùng. Bạn bè cùng lớp, có gặp mặt trong mấy ngày nay mới biết ai đi ai ở. Văn phòng bắt đầu phát mẫu đơn, thầy Giám học lăng xăng đi ra đi vào với mấy xấp giấy quay rô-nê-ô còn thơm mùi mực, miệng không ngớt dặn dò thầy cô phụ việc khác. Luân bỏ lên lầu, đứng nhìn xuống cái xóm chài bên kia sông. Đâu đó vẫn còn mấy ngọn đèn dầu lẻ loi chưa chịu tắt. Hoa phượng tàn cuối hè nằm bầm tím dọc theo sân trường, lặng câm theo từng gót chân người. Anh Hùng gọi Luân từ phía dưới cuối sân, ra dấu tay chỉ về hướng mấy cái băng ngồi bằng đá gần ngõ lên văn phòng. Luân gật đầu đi xuống, anh Hùng không chờ Luân lách người qua đám đông đi trước. Cả đám bạn thân, trai có gái có, ngồi xúm xích chung quanh Toàn, chăm chú giành nhau xem từng tấm hình Toàn chụp ở Sài Gòn. Không ngờ Hiên cũng có ở đây. Luân quay ngưòi đi làm ra vẻ tự nhiên nhưng thật ra là để cố dấu chút niềm vui đang dâng tràn trong mắt. Hiên nhìn Luân thật lâu, ai nấy chợt dưng lặng im, trong cái xúc động có được của buổi chiều từ giã Luân trên gác trọ trước ngày thi, Hiên bỗng dưng chợt khóc. Hân nhìn Luân, nhìn Toàn đỏ cay đôi mắt. Luân đứng lịm người đi, không biết phải làm gì và nói gì. Anh Hùng cuối xuống nhặt một vài cánh phượng tím bầm, thả tung theo chiều gió trong cái nắng giữa trưa, Luân vụng về vỗ nhẹ vai Hiên mà không biết là mình đã có Hiên trong đời tự bao giờ. Không bao lâu, đám người ghi danh thưa thớt dần trong sân trường rồi mất hút trên đường. Cái cổng sắt nặng nề từ từ hờ hững khép. Bọn Luân kéo nhau về tiệm cơm, dọn riêng một cái bàn dài giữa sân vườn trước nhà, hai bác để bọn Luân mặc tình ăn uống trong tiếng cười nói huyên thuyên.

    Luân thật sự không có một nơi để gọi là nhà sau ngày ba mẹ Luân nằm xuống. Cho đến bây giờ và có lẽ còn lâu lắm, Luân phải dong ruổi đời mình theo từng quán trọ, một gác lửng buồn thiu hay một căn phòng lặng lẽ. Ba Luân nằm cô độc bên trời Long Thuận, mẹ lẻ loi trong nghĩa địa Trà Vỏ lạnh lùng. Luân đã khóc trong đêm mỗi khi chút lửa nhang cuối cùng chợt tắt trên bàn thờ. Tháng bảy trời vẫn có một vài cơn mưa bụi nhỏ, lá me bay phủ lờ mờ trên đường, hắt hiu theo từng bóng nắng. Buổi chiều, đúng một năm ngày mẹ Luân mất, bọn Luân, có Toàn và anh Hùng âm thầm làm bữa cơm cúng giỗ trên gác trọ với vài món ăn mà Luân đã mang về từ tiệm cơm bác sáu. Bữa giỗ đơn sơ và hiu quạnh.
 
Thuyên Huy

 (còn tiếp)

No comments: