Friday, January 2, 2015

Iraq-Syria:Bên Trong Vương Quốc Hồi Giáo ISIS - Nguyễn Đạm Luân


 

IRAQ-SYRIA: BÊN TRONG VƯƠNG QUỐC HỒI GIÁO ISIS-NGUY HIỂM HƠN LÀ NGƯỜI TA NGHĨ
 
    Chuyến đi quan sát cái gọi là “vương quốc Hồi giáo ISIS” của ông Juergen Todenhoefer là một chuyến đi thập phần nguy hiểm, nhưng cũng làm cho người ta có cái nhìn mở rộng hơn, để thấy rõ những  gì đang xảy ra bên trong vùng đất mà tổ chức khủng bố cực hiểm này đang chiếm đóng.   

   


    
    Todenhoefer đã đi thăm thành phố Raqqa và Deir Ezzor ở Syria cũng như Monsul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq mà quân ISIS chiếm được một cách nhanh chóng vào tháng 6 năm nay, nơi tên lãnh tụ của ISIS là Abu Bakr al-Bagdadi đọc bài phát biểu duy nhất trước công chúng. Todenhoefer thấy tận mắt đời sống thực tế hàng ngày của người dân Iraq dưới sự cai trị của ISIS, ở đó, tất cả tiệm quán đều phải đóng cửa cầu nguyện giữa trưa. Dường như, mới nhìn qua, hình như người ta có thể cảm thấy những sinh hoạt bình thường này không bình thường cho lắm. Hơn 130 ngàn người Thiên chú giáo đã bị tống đi, con số người theo phái Shia đã bỏ trốn, có nhiều người đã bị giết chết, nhịp sống của thành phố và con người ở đây chưa có được những gì ổn định mà ISIS mang lại cho họ.

    Theo Todenhoefer, ít nhiều gì người ta cũng thấy được cái không khí sợ hãi giữa lớp người dân đang sinh sống ở đây, dĩ nhiên là rất nhiều người hoàn toàn sợ sệt, bởi vì những hình phạt mà họ vi phạm luật lệ của ISIS đặt ra rất nghiêm khắc và tàn độc. Theo lời của nhóm lảnh đạo ISIS, họ chiếm thành phố Monsul với 300 tay súng trong khi quân số của chính quyền Iraq lên tới 20 ngàn đang trấn đóng ở đó. Todenhoefer nói chuyện với nhiều tên ISIS có tham dự trận đánh này, họ cười khì cho biết, đã chiếm Monsul trong vòng bốn ngày. Đối diện với quân đoàn 20 ngàn này, quân ISIS không tấn công ngay cùng một lúc mà đánh mạnh ở tuyến phòng thủ đầu trước, bao gồm cả dùng phương pháp cảm tử. Sauk hi phòng tuyến bị vở tan, quân Iraq bỏ chạy và tan rã nhanh chóng sau đó. ISIS nói thêm, họ chiến đấu là chiến đấu cho thượng đế Allah còn quân Iraq thỉ chỉ biết cầm súng vì đồng tiền và không có lý tưởng gì cả.

    Tại khu nhà tuyển mộ quân, có khoảng 50 người đến đây mỗi ngày, Todenhoefer không thể tin chính mắt mình, có niềm tin gì đó hiện lên sang ngời trong mắt họ. Họ cảm thấy hình như đang trên đường tới vùng đất hứa, đi chiến đấu đúng cho cái mà họ muốn. Có rất nhiều người có học như một người có bằng cử nhân luật mà Todenhoefer gặp tại đây, được mời làm một nghề béo bở nhưng anh ta từ chối lên đường theo ISIS không chần chừ. Đám quân mới tuyển ISIS này đến từ Âu châu, Hoa Kỳ, một người trong nhóm từ New Jersey. Có thể nào tưởng tượng được là một người bỏ New Jersey đi đến đây chiến đấu cho cái gọi là “vương quốc Hồi giáo” không. Todenhoefer cũng gặp một thanh niên quá mập tại khu nhà tuyển mộ, anh này cho biết, anh luôn luôn mang một cái dây lưng chứa chất nổ khi ra trận, vì mập quá cho nên anh không thể bỏ chạy nhanh được, nếu bị cùn đường anh sẽ nổ bom tự tử hơn là để bị bắt giữ.

    Ở một mặt khác, trong vùng đất ISIS cai trị, những việc như hành hạ, tra tấn và xử tử tù nhân chiến tranh chiếm con số kỷ lục. Todenhoefer có dịp tiếp xúc với một người sắc dân Kurdish bị bắt khi anh đang ở tại Monsul. Người này nói anh không hề bị tra tấn nhưng khó có gì tin anh ta được. Nhìn anh người ta thấy ngay không còn chút thần sắc nào, lơ láo, yếu đuối trong lo sợ hiện ra trên nét mặt, dù có cố gượng cười. Todenhoefer phỏng vấn người tù Kurdish trong khi nhiều tên quân ISIS đứng canh giữ nhìn chừng. Ông hỏi liệu anh có biết số phận anh ra sao không, anh ta trả lời không, ngay cả gia đình cũng không biết anh còn sống nhưng hy vọng sẽ có một dịp trao đổi tù nhân với nhau giữa các bên.

    Ở đây không thiếu gì trẻ em được huấn luyện làm lính chiến đấu, mặc quân phục với huy hiệu của ISIS và mang súng tiểu liên AK 47, có khi súng dài gần bằng chiều cao người. Một em, tuổi trông rất trẻ hơn là em nói, cho biết đã ra trận đánh nhau với quân đội Iraq và Syrian mấy lần. Em nói năm nay 13 tuổi khi ai hỏi mặc dù ai cũng thấy em nhỏ hơn. Đối với Todenhoefer, chuyện đáng nhớ và đáng lưu ý nhất trong những ngày sống tại vùng lảnh địa của ISIS là, buổi phỏng vấn một người Đức đang chiến đấu trong hàng ngủ quân ISIS và nhân danh nhóm lảnh đạo phát biểu. Người này cho biết là sẽ có nhiều chuyện khác nữa tới trong tương lai, anh ta đưa ra lời cảnh báo là Âu châu và Hoa kỳ nên coi chừng. Khi hỏi ISIS cũng muốn đến Âu Châu, anh này không ngần ngại nói rằng, không phải muốn đến Âu Châu mà sẽ chinh phục Âu châu một ngày gần đây, không phải đặt câu hỏi, là ISIS sẽ đến mà là khi nào đến mà thôi, nhưng có một điều chắc chắn, với họ ISIS, không có chỗ nào gọi là biên giới, ISIS chỉ có một mặt trận duy nhất mà thôi.

    Người Âu châu cần phải biết rằng, khi ISIS đến đó, sẽ không bằng một sự êm dịu mà ISIS sẽ đến bằng họng súng. Ai không chịu tự nguyện theo đạo Hồi hay đóng thuế cho loại thuế họ đặt ra sẽ bị giết chết. Trả lời câu hỏi ISIS sẽ đối xử như thế nào đối với những tôn giáo khác, đặc biệt là người Hồi giáo phái Shia. Chuyện gì xảy ra đối với 150 triệu người Shia, không thành vấn đề, nếu không cải đạo thì 150, 200 hay 500 triệu người không có nghĩa lý gì với chủ trương của ISIS. Anh này thẳng thừng nói thêm, ISIS sẽ giết chết tất cả bọn họ.

    Buổi phỏng vấn trở thành căng thẳng hơn khi người hỏi đặt vấn đề về chuyện cắt đầu con tin ngoại quốc và việc nô lệ nhất là đối với đàn bà, con gái bị bắt giữ. Nhân danh cái gọi là “vương quốc Hồi giáo ISIS” người đàn ông người Đức này cho biết, với quan niệm của ISIS, nô lệ là dấu hiệu tiến bộ tuyệt đối của con người, chỉ có người nào thờ ơ lắm mới tin rằng, không có nô lệ trong hàng ngủ đạo Thiên chúa và Do Thái giáo. Dĩ nhiên là cũng có một số phụ nữ bị cưỡng bách làm gái điếm trong hoàn cảnh tồi tệ nhưng theo anh ta, nô lệ là một sự giúp đở lớn cho họ và ISIS tiếp tục giữ vững chính sách nô lệ và hình phạt cắt đầu, vì nó là một phần của đạo giáo ISIS, nhiều người bị bắt làm nô lệ đã cải đổi sang đạo Hồi của ISIS và đã được trả tự do.

    Người phát ngôn này cho rằng, việc cắt đầu các ký giả Tây phương và nhân viên cứ trợ ngoại quốc xảy ra là vì do chính sách của Hoa Kỳ gây ra. Người ta nên nghĩ một cách thực tiển về cái chết của ký giả James Foley, anh ta không phải bị giết vì ISIS bắt đầu chiến trận, mà anh ta bị giết vì sự lơ là của chính quyền Hoa Kỳ, họ đã không giúp gì anh ta cả.

    Trong mấy ngày gần đây, tin tức chiến sự cho thấy, quân đội người Kurdish đã đẩy lui và chiếm lại một số vùng vốn bị quân ISIS lấy được từ tháng 6 năm nay ở phía bắc Iraq. Tuy nhiên, theo cái nhìn của Todenhoefer thì lực lượng cực tả khủng bố ISIS xem ra kéo dài chiến tuyến ra nhiều hơn trước, bên cạnh đó, họ cũng đã thiết lập một số định chế có hình thức quốc gia và chưa thấy dấu hiệu gì thất bại hay mất mác lảnh địa mà họ đang kiểm soát ở Iraq và Syria.

    Todenhoefer chấm dứt bài tường thuật chuyến đi của mình, bằng một kết luận có được do chính mắt nhìn thấy là, ông ta nghĩ, cái gọi là “vương quốc hồi giáo ISIS” là cái gây nhiều nguy hiểm hơn là những gì mà giới lãnh đạo các nước phương Tây nghĩ. ISIS tin tưởng vào mục tiêu mà họ đang chiến đấu, cũng như sẳn sàng gây nên một chiến dịch hủy diệt tôn giáo lớn nhất, mà thế giới nhân loại chưa từng thấy, một khi họ đạt được chiến thắng sau cùng bằng bạo lực cuồng tín.

 Nguyễn Đạm Luân

   

 

     

                                                                                                                                 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments: